VÁI
VÁI
VÁI: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện.
Td: Vái Trời, Vái van.
Vái cùng sư phụ
A: To invoke one's teacher.
P: Invoquer son maître.
Vái: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện. Cùng: với. Sư phụ: thầy dạy mình học.
Vái cùng sư phụ: xin cầu khẩn thầy.
KTKTQV: |
Vái cùng sư phụ linh thiêng,
Chứng lòng đệ tử đáp đền ơn xưa. |
KTKTQV: Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị.
Vái Trời
A: To invoke the Sky.
P: Invoquer le Ciel.
Vái: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện. Trời: Ông Trời, các Đấng trên trời.
Vái Trời là cầu nguyện với Trời.
Đây là tâm trạng của một người tuyệt vọng hoàn toàn, chỉ còn biết cầu nguyện với Trời ban cho phép lạ để vượt qua cảnh nguy hiểm khốn cùng.
Vái van
A: To supplicate.
P: Supplier.
Vái: Chấp hai tay đưa lên trán cầu nguyện. Van: kêu xin.
Vái van hay Van vái là cầu khẩn van xin.
Đạo Sử: |
Vái van xin quí Cửu Thiên Nương,
Tâu với Ngọc Hư rõ ngọn nguồn. |
VÃI
Vãi chùa
A: Buddhist nun.
P: La bonzesse.
Vãi: người phụ nữ xuất gia tu theo Phật giáo.
Vãi chùa là cô vãi (hay bà vãi) tu trong chùa Phật.
Chữ hán gọi Cô vãi là: Ni cô, Ni sư, Sư nữ.
CG PCT: Cái Ni Kim Cô bằng hàng trắng y như của các vãi chùa, có thêu bông sen,....
CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.
VÀN
Vàn vàn
A: Innumerable.
P: Innombrable.
Vàn: do chữ VẠN nói trại ra. Vạn là muôn, 10 ngàn.
Vàn vàn là vạn vạn, muôn muôn, chỉ một số lượng nhiều lắm, không đếm nổi.
KĐ9C: |
Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân. |
KÐ9C: Kinh Ðệ Cửu cửu.
VÃN
VÃN
1. VÃN: 挽 Kéo lại.
Td: Vãn hồi.
2. VÃN: 晚 Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau.
Td: Vãn cảnh, Vãn niên, Vãn sinh.
3. VÃN: 輓 Kéo xe, viếng người chết.
Td: Vãn đối.
Vãn cảnh
晚景
A: Old age.
P: La vieillesse.
Vãn: Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau. Cảnh: cảnh vật.
Vãn cảnh là cảnh chiều, ý nói cảnh của người già.
Vãn đối - Vãn liễn
輓對 - 輓聯
Vãn: Kéo xe, viếng người chết. Đối: câu đối. Liễn: Liên: câu đối dán cột.
Vãn đối hay Vãn liễn là hai câu đối đem đến để viếng người chết, tỏ lòng thương tiếc và chia buồn cùng tang quyến.
Vãn hồi
挽回
A: To draw back.
P: Ramener.
Vãn: Kéo lại. Hồi: trở về.
Vãn hồi là kéo trở lại một điều gì đã mất hay một việc gì đã sa sút.
Vãn hồi Chánh đạo: Đạo chánh đã suy đồi, bây giờ phục hồi trở lại.
TĐ ĐPHP: Vãn hồi hòa bình trật tự, tháng Thuấn ngày Nghiêu, trở nên thượng cổ.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Vãn niên
晚年
A: The old age.
P: La vieillesse.
Vãn: Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau. Niên: năm, tuổi.
Vãn niên là tuổi già.
Vãn niên đắc tử: Tuổi già mới sanh được con trai để nối dõi tông đường. Ý nói: gặp may mắn bất ngờ.
Vãn sinh
晚生
A: A lateborn.
P: Un né tard.
Vãn: Buổi chiều, muộn, kẻ đi sau. Sinh: người trẻ tuổi.
Vãn sinh là kẻ sanh sau, kẻ hậu sanh. (Tiếng tự xưng khiêm tốn của người trẻ tuổi đối với bậc tiền bối).
VẠN
VẠN
VẠN: 萬 Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm.
Td: Vạn chủng, Vạn linh, Vạn thù.
Vạn: Vạn tự: Chữ Vạn

→ |

← |

|
mẫu (A) |
mẫu (B) |
mẫu (C) |
■ Chữ Vạn của Phật (mẫu A hay B): Svastika or Evolution.
■ Chữ Vạn của Hitler (mẫu C): Sauvastika or Destruction.
Chữ Vạn là một biểu hiệu chớ không phải chữ viết.
Bốn cánh của chữ Vạn tạo thành như 4 cái bóng của 4 cái đầu của hình chữ Thập + khi quay tròn.
Do đó, chữ Vạn có chiều quay.
- Theo mẫu (A): chữ Vạn có chiều quay ngược chiều kim đồng hồ, đây cũng là chiều quay tự nhiên của các quả địa cầu quanh mặt trời và cũng là chiều tự quay của nó.
- Theo mẫu (B): chữ Vạn có chiều quay đồng chiều kim đồng hồ, tức là theo chiều tương sanh trong Ngũ Hành.
Các nhà Phật học đã bàn cãi rất nhiều về hai chiều quay của chữ Vạn, cho rằng phải quay theo chiều nầy mới đúng, quay theo chiều kia là sai. Chúng ta sẽ xem chi tiết sự bàn cãi về chiều quay nầy trong phần dưới.
Chữ Vạn của Phật thì vẽ chữ Thập + ở giữa thẳng đứng.
Chữ Vạn của Hitler thì vẽ chữ Thập x ở giữa nằm xiên (mẫu C) làm biểu hiệu của Đảng Quốc Xã nước Đức.
CHỮ VẠN QUAY THEO CHIỀU NÀO ĐÚNG?
Những nhà Phật học không thống nhứt nhau về chiều quay của chữ Vạn, mỗi nhà nêu ra một cách, xin lược kê ra sau đây: Lấy 2 mẫu chữ VẠN bên trên:
- mẫu A: 卐 chiều quay ngược chiều kim đồng hồ.
- mẫu B: 卍 chiều quay cùng chiều kim đồng hồ.
1. Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, trang 68:
Chữ nầy trong kinh truyện không có, chỉ trong nhà Phật có thôi. Nhà Phật nói rằng: khi Phật giáng sinh, trước ngực có hiện ra hình chữ Vạn 卐 (A), người sau mới biết chữ ấy.
Trong bộ Hoa Nghiêm Âm Nghĩa nói rằng: Chữ Vạn (A) nguyên không có, đến niên hiệu Tràng Thọ thứ 2 đời nhà Chu mới chế ra và âm là VẠN nghĩa là muôn đức tốt lành đều hợp cả ở đấy. Lại chữ Vạn (A) nguyên tiếng Phạn là Srivatsalaksana. Các Ngài La Thập, Huyền Trang dịch là ĐỨC, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là VẠN.
Ở bên Ấn Độ thì tương truyền là cái tướng cát tường, dịch là ĐỨC là nói về phần công đức, dịch là VẠN là nói về phần công đức đầy đủ.
Song, Vạn (A) nguyên là hình tướng chớ không phải là chữ, cho nên dịch là cát tường hải vân tướng, mà theo cái hình xoay về bên hữu (A) là phải hơn. Vì xem như nhiễu Phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoảng lông mày phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu mới là tướng cát tường, có chỗ làm xoay về bên tả (B) là lầm.
Vậy theo Thiều Chữu, hình chữ Vạn (A) đúng, (B) sai.
2. Phật học Từ Điển của Đoàn Tr. Còn, tr 600, Q.3:
VẠN TỰ: Svastika, chữ Vạn 卍 (B) cũng kêu Kiết tường.
Ấy là một chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là: Kiết tường, Vạn tự, Đức tự.
Sức lành của chữ Vạn 卍 (B) sâu rộng như biển, cao lớn như mây.
Chư Phật Thế Tôn đều có hình chữ Vạn nổi nơi ngực. Ấy là một tướng quí của các Ngài, và tóc của các Ngài cũng có hình chữ Vạn nữa.
Vì chữ Vạn tiêu biểu cho các điều may mắn, phước đức, tốt lành, cho nên ở trước các ngôi chùa Phật, người ta thường thấy vẽ hình chữ ấy.
NÊN CHÚ Ý: Không nên viết chữ Vạn ngược, vì các nhà học đạo cho là 4 cái đầu lửa, quay thuận chiều thì diệt sạch các phiền não, đem lại sự an lạc; mà quay nghịch chiều thì thiêu hủy các công đức, các thiện căn, thật rất nguy hại!
Vậy theo Đoàn Trung Còn, hình chữ Vạn (A) sai, (B) đúng.
Điều nầy trái ngược với Thiều Chửu mà chúng ta đã thấy ở phần 1 bên trên. Nhưng cả hai ông đều không giải thích được lý do tại sao: chữ Vạn quay theo chiều nầy thì cát tường, quay theo chiều ngược lại thì nguy hại.
Cả hai vị đều không nêu ra được cái lý do xác đáng và có sức thuyết phục mà người ta không thể bài bác được.
3. Từ Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội PGVN Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, chủ biên Kim Cương Tử, Q2 tr1822:
VẠN TỰ: Svastika hoặc Srivatsalaksara (thuật ngữ).
Chữ Vạn có hình dáng là: Vạn (A). Đây là tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo, đều sử dụng. Sớm nhất là trên tượng Phạm Thiên, Visnu, Krisna. Âm tiếng Phạn là Thất-lị-mạt-sa-lạc-sát-nẵng, tức là tướng hải vân cát tường.
Các tôn sư Cư-ma-la-thập, Huyền Trang dịch là Đức.
Bồ Đề Lưu-Chi đời Ngụy trong Thập Địa Kinh Luận quyển 12 dịch tiếng nầy là chữ VẠN (Vạn tự), trong đó Thất-lị-mạt-sa tức là chữ Vạn (A) dịch là Vạn với nghĩa là công đức viên mãn, nên có nghĩa là hải vân cát tường, còn dịch là không có lầm lỗi. Chỉ có lạc-sát-nẵng dịch là Tự (chữ). Đây là sự lầm lẫn với từ ác-sát-na. Tiếng Phạn lạc-sát-nẵng tức là tướng ác-sát-na là Tự.
Nay chữ Vạn (A) là tướng chớ không phải Tự (chữ), vậy nên có thể dịch là: cát tường hải vân tướng, tức là vạn tướng.
Thế nhưng hình dáng nầy vòng bên phải là Vạn (A) tương tự như khi kính lễ Đức Phật, hoặc vòng về bên phải ba vòng, tương tự như sợi lông trắng ở giữa hai lông mày của Đức Phật chuyển vòng về bên phải. Tóm lại coi việc vòng về bên phải là tốt lành (cát tường).
Xưa nay, có khi viết là Vạn 卍 (B) là nhầm. Cao Ly Bản Tạng Kinh và Tuệ Lâm Âm Nghĩa quyển 21, Hoa Nghiêm Âm Nghĩa đều viết là Vạn 卐 (A).
Lại nữa, để biểu thị tướng vòng về bên phải, nên ghi là
Theo thuyết của Kinh Đại Thừa thì điều đó biểu thị tướng cát tường trên ngực của Đức Phật và Thập Địa Bồ Tát. Đây là một trong 32 tướng tốt.
Theo thuyết của Tiểu Thừa thì tướng nầy không chỉ giới hạn ở ngực. Xét hình Vạn (A) nầy là tướng tốt lành của bậc Phạm Thiên. Phàm khi vẽ các bức tôn tượng đều có vẽ hình Vạn (A) nầy, ở trong khuôn vẽ hình thể làm pháp, đó là hình ngọn lửa cháy rực. Pháp của Phạm Thiên coi lửa là thanh tịnh nhất, cát tường nhất, nên sáng tạo ra tướng nầy.
Vậy theo Kim Cương Tử và các Hòa Thượng soạn giả, hình chữ Vạn (A) đúng, (B) sai.
4. Theo Từ Điển Phật Học VN của Thích Minh Châu - Minh Chi, trang 757:
"VẠN: Một trong 32 tướng đẹp của Phật, vị trí trên ngực của Phật. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật.
Là phù hiệu, không phải là chữ viết.
Viết xoay bên trái, hay bên phải, đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu nầy.
Nhà độc tài Phát xít Hitle cũng dùng phù hiệu nầy cho Đảng áo nâu của mình, nhưng đặt nghiêng.
Vậy, theo Tiến sĩ Triết học Hòa Thượng Thích Minh Châu và nhà Phật học Minh Chi thì chữ Vạn (A) hay (B) đều được cả, vì sự tranh luận của hai nhóm Phật học về chiều quay của chữ Vạn không bên nào đạt được lý lẽ thuyết phục.
5. Vài ý kiến khác:
* Có học giả so sánh chiều quay của chữ Vạn với chiều tương sinh trong Ngũ Hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) đặt theo 4 hướng Tây, Bắc, Đông, Nam và Trung ương, và cho rằng: chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ thì cùng chiều tương sinh của Ngũ Hành, mới đem lại sự an lạc, công đức viên mãn, cát tường; còn nếu quay ngược với chiều tương sinh của Ngũ Hành thì nó thiêu hủy hết công đức, đem lại phiền não, rất nguy hại.
Nhưng có điều là tại sao lại liên kết chiều quay của chữ Vạn với chiều tương sinh của Ngũ Hành? Giữa hai chiều nầy có gì liên hệ nhau? Tại sao không so sánh chiều quay của chữ Vạn với chiều quay của trái đất tự quay hay chiều quay của các địa cầu quanh mặt trời, tức là chiều quay tự nhiên trong vũ trụ? Đây mới thực là chiều quay tự nhiên, thuận dòng tiến hóa và Thiên lý; còn chiều tương sinh của Ngũ Hành chỉ là chiều qui ước do con người đặt ra mà thôi, không phải là chiều tự nhiên, hay chúng ta bị chữ tương sinh ám ảnh: "tương sinh" của Ngũ Hành cũng tương sinh công đức?
* Cũng có vài học giả cho rằng: Khi xưa, vẽ hình chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ: Vạn 卍 (B), tượng trưng Nhứt bổn tán vạn thù; ngày nay là thời kỳ Vạn thù qui nhứt bổn, nên phải vẽ chữ Vạn quay theo chiều ngược lại: Vạn 卐 (A).
* Việc tranh cãi chiều quay của chữ Vạn, chiều nào đúng, chiều nào sai, đều căn cứ trên những nhận thức riêng của mỗi người hay mỗi nhóm người, nhưng không có cơ sở nào đủ sức thuyết phục một cách tuyệt đối, cho nên chúng ta không thể kết luận một cách khách quan bên nào hoàn toàn đúng, bên nào hoàn toàn sai.
Việc nầy giống như việc tranh cãi của hai người nói về sự xa và gần của mặt trời lúc sáng sớm và lúc trưa.
- Ông nầy thì cho rằng, buổi sáng sớm nhìn thấy mặt trời lớn hơn lúc buổi trưa. Vậy thì lúc sáng sớm, mặt trời ở gần nên thấy nó lớn, còn buổi trưa mặt trời ở xa hơn nên thấy nó nhỏ hơn.
- Ông kia cãi lại: buổi sáng sớm trời mát chứng tỏ mặt trời ở xa, còn buổi trưa thì nóng bức chứng tỏ mặt trời ở gần hơn, giống như khi ta đứng gần đống lửa vậy.
Hai ông có hai cái nhìn khác nhau đối với cùng một sự kiện nên có hai nhận định trái ngược nhau, ai cũng có lý cả, nên dầu cãi nhau cho đến tận thế thì không ai thắng ai và cũng không ai thua ai. Nhưng chân lý vẫn có một.
Kết luận:
Hình chữ Vạn quay theo chiều ngược kim đồng hồ (mẫu A) hay quay cùng chiều kim đồng hồ (mẫu B) thì đó chỉ là hai cái nhìn khi đứng ở hai vị trí trước mặt hay sau lưng của cùng một chữ Vạn mà thôi.
Trên nóc tháp chuông của Báo Ân Từ trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, có gắn hình chữ VẠN: nếu chúng ta đứng trước Báo Ân Từ tại cột phướn nhìn lên, chúng ta thấy chữ Vạn theo (mẫu A) tức là quay ngược chiều kim đồng hồ; nếu chúng ta bước đến ngang hông Báo Ân Từ nhìn lên, tức là nhìn phía sau lưng chữ Vạn thì thấy theo 卍 (mẫu B) nghĩa là quay theo chiều kim đồng hồ.
Chữ Vạn tượng trưng chơn lý, và chơn lý nầy chỉ có một. Nhưng tùy theo vị trí đứng nhìn mà thấy chơn lý theo kiểu nầy, mang hình thức nầy; nếu đứng ở vị trí khác nhìn chơn lý thì thấy chơn lý theo kiểu khác với hình thức khác. Khi chúng ta hợp lại tất cả nhận thức, hợp lại tất cả kiểu dáng của tất cả sự mô tả chơn lý thì may ra chúng ta mới có thể hiểu được chơn lý một cách toàn vẹn đủ các mặt.
Cho nên, chúng ta không nên lấy cái quan điểm riêng của mình, ở tại vị trí của mình với cái nhìn của mình mà cho rằng, chỉ có mình là đúng, rồi phê bình chê bai những nhận thức khác là sai.
Chữ Vạn tượng trưng điều lành, điều tốt đẹp, vì nó hiện ra trên ngực của Đức Phật, nó là một trong 32 tướng tốt của Phật. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, nếu chữ Vạn quay theo chiều nào đó thì nó thiêu hủy công đức. Cái công đức của ta, chỉ có những việc làm sai trái của ta mới tiêu hủy được công đức của ta, như cái lửa giận của ta chẳng hạn, ngoài ra không có điều gì bên ngoài khác mà thiêu hủy được công đức của ta.
Chúng ta là những tín đồ Cao Đài đang ở trong Trường thi công quả do Đức Chí Tôn tạo lập, chúng ta cứ để mặc cho chữ Vạn quay tự do theo chiều quay của nó mà không cần bàn cãi, chúng ta cố gắng lo làm tròn nghĩa vụ của mình, lập công bồi đức càng nhiều càng tốt, vì cái công đức nầy mới đem chúng ta lên những ngôi vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.
Vạn bất đắc dĩ
萬不得已
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Bất: không. Đắc: được. Dĩ: thôi.
Bất đắc dĩ: chẳng đặng đừng, cực chẳng đã phải làm.
Vạn bất đắc dĩ: muôn lần chẳng dừng được, muôn lần không thể không làm được.
Vạn biến bất di
萬變不移
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Biến: thay đổi. Bất: không. Di: dời đổi.
Vạn biến bất di: muôn sự biến đổi mà lòng không đổi.
Ý nói: người có chí khí kiên quyết.
Vạn chủng
萬種
A: All the human races.
P: Toutes les races humaines.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Chủng: giống nòi, loại.
Vạn chủng là muôn chủng tộc, tức là tất cả các chủng tộc của loài người, như chủng tộc da vàng, da trắng, da đen, v.v..
PMCK: Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vạn cổ
萬古
A: Eternal, for ever.
P: Éternel, toujours.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Cổ: xưa.
Vạn cổ là muôn xưa, tức là rất lâu đời.
Vạn cổ lưu phương: Tiếng thơm lưu truyền muôn đời.
TNHT: Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn dặm trường
A: Very far.
P: Très loin.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Dặm: một dặm Tàu bằng 135 trượng, gần bằng 500 mét. Dặm Anh bằng 1609 mét. Trường: dài.
Vạn dặm trường là chỉ một khoảng đường rất dài, ý nói: cách nhau xa lắm.
TNHT: Gần gũi sau ra vạn dặm trường.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn đại
萬代
A: Ten thousand generations.
P: Dix mille générations.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Đại: đời, thời đại.
Vạn đại là muôn đời, trải qua nhiều thế hệ lâu xa lắm.
TNHT: Đạo thành vạn đại chiếu sơn hà.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn hữu
萬有
A: All beings.
P: Tous les êtres.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Hữu: có, tồn tại.
Vạn hữu là muôn cái có, tức là vạn vật trong vũ trụ.
Vạn khổ thiên tân
萬苦千辛
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Khổ: đắng. Thiên: ngàn. Tân: cay.
Vạn khổ thiên tân là muôn đắng ngàn cay.
Ý nói: Rất nhiều nỗi khó khăn vất vả ở đời.
Vạn kiếp
萬劫
A: Eternally.
P: Éternellement.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Kiếp: một đời sống.
Vạn kiếp là muôn kiếp, đồng nghĩa: Vạn đại, chỉ một khoảng thời gian rất dài, hằng triệu năm.
TNHT: Thoát xác xưa tầng tu vạn kiếp.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn linh
萬靈
A: All the souls.
P: Toutes les âmes.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Linh: linh hồn, chơn linh.
Vạn linh là tất cả các chơn linh trong CKVT gồm đủ Bát hồn (vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn).
Vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Do đó, từ ngữ Vạn linh đôi khi dùng để chỉ chúng sanh.
Chúng sanh gồm: vật chất kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại.
TNHT: Dìu bước vạn linh đến cảnh nhàn.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Vạn loại
萬類
A: All the kinds of creatures.
P: Toutes les sortes de créatures.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Loại: loài, giống.
Vạn loại là muôn loài, chỉ tất cả các vật trong CKVT.
KNHTĐ: Vạn loại thiện ác tất kiến.
KNHTÐ: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
Vạn pháp
萬法
A: All the principles (doctrines).
P: Tous les principes (doctrines).
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Pháp: sự lý, giáo lý, nguyên tắc.
Vạn pháp là muôn pháp, ý nói tất cả các pháp.
Nghĩa rộng: Vạn pháp là tất cả mọi sự, mọi lý, mọi vật, dù thấy được hay không thấy được.
Nghĩa hẹp: Vạn pháp là tất cả giáo lý đã có từ trước tới nay.
Trong ngày Đại Lễ Khai Đạo Cao Đài tại chùa Gò Kén, ngày 15-10-Bính Dần (1926), Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung có cho treo đôi liễn Vạn Pháp:
萬法圓融化度眾生無量無邊無數劫
三宗普現隨機說敎大雄大力大慈悲
Vạn pháp viên dung hóa độ chúng sanh vô lượng vô biên vô số kiếp,
Tam tông phổ hiện tùy cơ thuyết giáo đại hùng đại lực đại từ bi.
Nghĩa là:
Tất cả giáo lý của các tôn giáo đều dung hợp hài hòa, giáo hóa và cứu độ vô số chúng sanh trong rất nhiều kiếp. Ba tôn giáo lớn bày hiện ra khắp nơi, tùy cơ hội mà thuyết giảng giáo lý với hùng tâm đại lực và đại từ bi.
Vạn Pháp Cung
(Xem chữ Trí Huệ Cung, vần Tr)
Vạn pháp qui tông
萬法歸宗
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Vạn pháp: (đã giải ở trên), ý nói tất cả các giáo lý của các nền tôn giáo. Qui: trở về. Tông: Tôn: tôn giáo.
Vạn pháp qui tông là tất cả các giáo lý của các nền tôn giáo qui về lập thành một nền tôn giáo lớn gọi là Đại Đạo.
Vạn pháp qui tông đồng nghĩa: Vạn thù qui nhứt bổn, hay Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt. (Coi các chữ nầy)
Vạn quốc
萬國
A: All nations.
P: Toutes les nations.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Quốc: quốc gia, nước.
Vạn quốc là tất cả các quốc gia trên thế giới.
Hội Vạn Quốc: một tổ chức gồm đại diện tất cả quốc gia trên thế giới, để giải quyết các bất đồng xảy ra giữa các nước bằng sự thương thuyết hòa bình.
Hội Vạn Quốc về sau đổi tên thành Hội Quốc Liên, và ngày nay được gọi là Liện Hiệp Quốc. Trụ sở đặt tại thành Phố New York (Nữu Ước) của nước Mỹ.
TNHT: Thầy chưa giáng cơ lập đạo tại nước Nam, chớ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đã dùng huyền diệu nầy mà truyền đạo cùng vạn quốc.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn sự do Thiên
萬事由天
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Do: bởi. Thiên: Trời.
Vạn sự do Thiên: tất cả các việc đều bởi nơi Trời định.
Trong sách Minh Tâm Bửu Giám có bài thi hán văn:
Vạn sự do Thiên mạc cưỡng cầu,
Hà tu khổ khổ dụng tâm mưu.
Tam xan phạn nội hưu hồ tưởng,
Đắc nhứt phàm phong tiện khả thâu.
Sanh sự sự sanh hà nhựt liễu?
Hại nhân nhân hại kỷ thời hưu?
Oan gia nghi giải bất nghi kết,
Các tự hồi đầu khán hậu đầu.
Nghĩa là:
Muôn sự do Trời chớ gượng cầu,
Chớ nên khổ não dụng lòng mưu.
Cơm ngày ba bữa, đừng mơ tưởng,
Được gió buồm xuôi tiện khá thâu.
Sanh sự, sự sanh bao thuở dứt?
Hại người, người hại lúc nào thôi?
Oan gia nên giải, không nên kết,
Đều tự ngoảnh nhìn thấy trước sau.
Vạn sự khởi đầu nan
萬事起頭難
A: The beginning is difficult in any work.
P: Le début est difficile dans tout travail.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Khởi đầu: lúc bắt đầu. Nan: khó.
Vạn sự khởi đầu nan: muôn việc khởi đầu đều khó khăn.
Bất cứ việc gì, cái khó khăn là ở buổi đầu, công việc còn mới lạ, chưa quen, chưa có kinh nghiệm giải quyết. Làm lâu ngày thì quen dần, nhờ rút tỉa kinh nghiệm mà trở nên tài giỏi, lúc đó thấy công việc như là dễ dàng.
Vạn sự như ý
萬事如意
A: Everything to your liking.
P: Tout conforme aux désirs.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Như ý: được như ý muốn.
Vạn sự như ý là muôn việc đều được như ý muốn.
Đây là câu chúc tụng thường dùng trong những ngày Tết, hay chúc mừng Tân gia. Những câu chúc khác tương tự:
Vạn sự đại cát: 萬事大吉 Mọi việc rất tốt.
Vạn sự hanh thông: 萬事亨通 Mọi việc hanh thông.
Vạn sự viết vô
萬事曰無
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Sự: việc. Viết: nói rằng, gọi là. Vô: không.
Vạn sự viết vô: mọi việc đều gọi là không.
Thành ngữ nầy có nghĩa như: Sắc tức thị không.
Muôn việc trong cõi trần nầy rốt cuộc cũng đều hư hoại cả, và biến thành không tất cả.
Đôi liễn trên thuyền Bát Nhã:
Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh hoàn tại thổ,
Thiên niên tự hữu, linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.
Nghĩa là:
Muôn sự đều không, xác thịt do đất sanh hoàn trả đất,
Ngàn năm tự có, linh hồn do Trời ban quay trở về Trời.
Vạn thế sư biểu
萬世師表
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Thế: đời. Sư: thầy. Biểu: đứng đầu thay mặt.
Vạn thế sư biểu: vị thầy kiểu mẫu muôn đời.
Người đời sau tôn tặng Đức Khổng Tử là: Vạn thế sư biểu, là vị thầy đúng nghĩa nhứt, không ai có thể so sánh được với Ngài, làm kiểu mẫu muôn đời về sau.
Vạn thù qui nhứt bổn
萬殊歸一本
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Thù: khác, sai biệt. Qui: trở về. Bổn: gốc.
Vạn thù qui nhứt bổn: muôn sai biệt trở về một gốc.
(Xem chi tiết nơi chữ: Nhứt bổn tán vạn thù, vần Nh)
Vạn trượng
萬丈
A: Very long.
P: Très longue.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Trượng: đơn vị đo bề dài. Một trượng ta bằng 4 thước mộc, bằng 1,70 mét.
Vạn trượng là chỉ một khoảng cách rất lớn, rất dài.
TNHT: Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn tử thiên hồng
萬紫千紅
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Tử: màu tím. Thiên: ngàn. Hồng: màu đỏ.
Vạn tử thiên hồng: muôn tím ngàn hồng. Thường nói: muôn hồng nghìn tía, chỉ trăm hoa đua nở trong mùa xuân.
Vạn tượng
萬象
A: All aspects.
P: Tous les aspects.
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Tượng: hình trạng.
Vạn tượng: muôn hình trạng của vạn vật.
Vạn tượng đồng nghĩa: Thiên hình vạn trạng: ngàn hình muôn vẻ.
PMCK: Thập Thiên can bao hàm vạn tượng.
PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.
Vạn vật chi linh
萬物之靈
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Vật: vật. Chi: hư tự. Linh: thiêng liêng.
Vạn vật chi linh: vật thiêng liêng của muôn vật, đó là nhơn loại, vì người có đủ tam hồn, nên linh hơn vạn vật.
KTT: |
Con người đứng phẩm tối linh,
Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi. |
KTT: Kinh Tắm Thánh.
Vạn vật đồng nhứt thể
萬物同一體
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Đồng: cùng. Nhứt: một. Thể: cách thức.
Vạn vật đồng nhứt thể là vạn vật đều có một thể cách như nhau, bởi vì vạn vật đều có một nguồn gốc chung là Thái Cực, tức là đều do Đấng Thượng Đế tạo ra.
Mỗi vật trong vạn vật đều có hai phần:
· phần vật chất hữu hình là thể xác.
· phần tinh thần vô hình là hồn.
Vạn vật tuy là đồng nhứt thể nhưng được phân chia làm nhiều cấp tiến hóa cao thấp khác nhau: cấp tiến hóa thấp nhứt là kim thạch, rồi tiến hóa lên cấp thảo mộc, rồi thú cầm, và cấp tiến hóa cao nhứt là nhơn loại.
Vạn vật đều là con của Thượng Đế mà nhơn loại là cấp đàn anh, thú cầm là cấp tiến hóa đàn em,....
TNHT: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy rằng:
"Vì vạn vật do Đức Từ Bi sanh hóa trong cả thế gian, vậy vạn vật đồng nhứt thể. Tánh háo sanh của Đức Đại Từ Bi cũng nhân đó mà vô biên vô giới."
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạn vật tịnh dục
萬物並育
Vạn: Muôn, mười ngàn, chỉ một số nhiều lắm. Vạn vật: (đã giải bên trên). Tịnh: đều, ngang nhau. Dục: nuôi dưỡng.
Vạn vật tịnh dục là vạn vật đều được nuôi dưỡng đồng đều như nhau.
Sách Trung Dung có viết:
"Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại,
Đạo tịnh hành nhi bất tương bội,
Tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hóa,
Thử Thiên Địa chi sở dĩ vi đại dã."
Nghĩa là:
Muôn vật đều hóa dục mà không hại nhau,
Đạo Trời đều lưu hành mà không trái,
Đức nhỏ thì tiếp tục như nước sông chảy,
Đức lớn thì dày dặn mà sinh hóa vô cùng,
Ấy là điều làm cho Trời Đất lớn vậy.
VÃNG
VÃNG
VÃNG: 往 Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem.
Td: Vãng cảnh, Vãng lai, Vãng sanh.
Vãng cảnh
往景
A: To visit a site.
P: Visiter un site.
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Cảnh: phong cảnh, cảnh vật.
Vãng cảnh là viếng thăm phong cảnh.
Vãng cảnh Thiên Hỷ Động: đi viếng thăm phong cảnh vùng Thiên Hỷ Động, Trí Huệ Cung.
Vãng lai
往來
A: To go and come.
P: Aller et venir.
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Lai: tới, lại.
Vãng lai là qua lại, đi qua đi lại, lui tới.
Khách vãng lai: những người khách qua đường, đi qua đi lại, hay đi đến đi về.
Vãng sanh
往生
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Sanh: sinh ra.
Vãng sanh là chết ở cõi trần nầy để sanh qua một thế giới khác.
Bỏ thế giới ác trược nầy mà qua cõi thế giới thanh tịnh yên vui của Đức Phật A-Di-Đà, đó kêu là vãng. Khi qua đó rồi thì sanh vào hoa sen, đó kêu là sanh.
Chẳng những chúng sanh ở cõi Ta bà của Phật Thích Ca vãng sanh cõi Cực Lạc của Phật A-Di-Đà, mà ở vô số cõi thế giới khác, những chúng sanh nào quyết vãng sanh về đó, thì khi lâm chung được vãng sanh ngay.
Theo quyển Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh: những nhà tu hành khi được vãng sanh thì phân nhau, tùy công đức mình, mà ở trong Chín phẩm đài sen. (PHTĐ của Đoàn Trung Còn)
Vãng Sanh Thần Chú
往生神咒
Vãng: Đi, đến, đã qua, xưa, về sau, chết, xem. Vãng sanh: (đã giải nghĩa ở trên). Thần: thiêng liêng huyền diệu. Chú: câu niệm đặc biệt thuộc mật ngữ, có tác dụng huyền diệu về vô hình.
Vãng sanh Thần chú là câu niệm bằng tiếng Phạn đặc biệt của Phật giáo để cầu nguyện với Đức Phật A-Di-Đà cứu độ linh hồn người chết được sanh về cõi CLTG.
Trong tang lễ của Đạo Cao Đài, lúc linh cữu đã đưa đến nghĩa địa rồi, trước khi hạ huyệt, đồng nhi tụng bài Kinh Hạ Huyệt, tụng đủ 3 lần, xong rồi tiếp tụng Vãng Sanh Thần Chú, cũng tụng 3 lần, xong thì niệm Câu Chú của Thầy 3 lần.
Vãng sanh Thần chú bằng tiếng Phạn gồm 59 chữ, được giải nghĩa theo PHTĐ của Đoàn Trung Còn như sau:
Nam-mô A-Di-Đà Bà-Dạ: Tiếng Phạn là Namah Amitabhavyuha, nghĩa là: qui kính Đức A-Di-Đà Phật.
Đa-Tha-Già-Đa-Dạ: Tiếng Phạn là Tathagata, nghĩa là: Như Lai. (Như Lai là một trong 10 hiệu của Phật).
Đa-Điệt-Dạ-Tha: dịch là tức thuyết chú viết, nghĩa là: liền đọc bài chú dưới đây:
A-Di-Rị-Đô-Bà-Tì, A-Di-Rị-Đa,
Tất-Đam-Bà-Tì, A-Di-Rị-Đa,
Tì-Ca-Lan-Đế, A-Di-Rị-Đa,
Tì-Ca-Lan-Đa, Già-Di-Nị,
Già-Già-Na, Chỉ-Đa-Ca-Lệ,
(10 câu trên đều là mật ngữ, đại ý có nghĩa là: nhổ bỏ tận gốc các nghiệp chướng).
Ta-Bà-Ha: tiếng Phạn là Swâha. Thường các bài Thần chú đều có ba chữ chót là Ta-Bà-Ha, có nghĩa là: Thành tựu, kiết tường, tiêu tai tăng phước, viên tịch, vô trụ, kính Phật chứng minh.
Vãng Sanh Thần Chú còn được gọi là: Chú Vãng Sanh, Vãng Sanh Chơn ngôn, Vãng Sanh Quyết định Chơn ngôn.
CLTG: Cực Lạc Thế giới.
VÀY
VÀY
VÀY: VẦY: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát.
Td: Vày đạp, Vày vả, Vày vò.
Vày đạp (Vầy đạp)
A: To treat roughly.
P: Maltraiter.
Vày: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát. Đạp: dùng chân đạp xuống.
Vày đạp hay Vầy đạp là chà đạp, dẫm nát. Ý nói: hành hạ cho đau đớn khổ sở.
Vày đạp đồng nghĩa: Vày xéo (Vầy xéo).
TNHT: Nhưng dòm Thiên thơ thì thấy 8 phần10 đã sa vào chơn của Quỉ vương vày đạp, mà lại phần đông các con là bậc phẩm cao, chức trách trọng hậu.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vày vả (Vầy vả)
A: To suffer unhappy.
P: Souffrir le malheur.
Vày: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát. Vả: vất vả khổ cực.
Vày vả là bị chà đạp và chịu vất vả.
TNHT: Có vày vả nẻo chông gai, lần theo bước đường hạnh đức mới có ngày vui vẻ bất tận.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vày vò (Vầy vò)
A: To pain a long time.
P: Affliger longuement.
Vày: dùng tay hay chân làm cho nhầu nát. Vò: làm cho nhầu nát.
Vày vò hay Vầy vò là làm cho nhầu nát cõi lòng.
Ý nói: làm cho đau đớn ray rứt trong lòng.
TNHT: Kiếp trần ai lắm nỗi vày vò.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
VẠY
VẠY
VẠY: Cong, không thẳng, đồng nghĩa: Tà.
Td: Vạy tà, Vạy vò.
Vạy tà
A: Perverse.
P: Pervers.
Vạy: Cong, không thẳng, đồng nghĩa: Tà. Tà: đồng nghĩa Vạy: không chánh.
Vạy tà hay Tà vạy là không ngay thẳng, không chơn chánh, tức là gian dối và xảo trá.
TNHT: Một nét vạy tà Thần Thánh chép.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Vạy vò
A: Treacherous.
P: Traître.
Vạy: Cong, không thẳng, đồng nghĩa: Tà. Vò: làm cho nhầu nát.
Vạy vò, đồng nghĩa Vạy tà, là gian dối và xảo trá.
KSH: |
Việc chi cũng có chánh tà,
Làm điều phải nghĩa, lành xa vạy vò. |
KSH: Kinh Sám Hối.
VĂN
VĂN
1. VĂN: 文 - Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. - Quan văn, trái với quan võ.
Td: Văn ban võ bá, Văn dĩ tải đạo.
2. VĂN: 聞 Nghe, hiểu biết.
Td: Văn đắc thọ trì.
Văn ban võ bá
文班武百
A: The civilian and military mandarins.
P: Les mandarins civils et militaires.
Văn: Quan văn, trái với quan võ. Ban: nhóm. Võ: về quân sự. Bá: trăm
Văn ban võ bá là nói chung các quan văn và các quan võ trong triều đình, đồng nghĩa: Bá quan văn võ.
Các quan văn võ trong triều giúp vua trị nước an dân.
KTKVTH: Văn ban võ bá triều đình đặc an.
KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.
Văn chương quốc âm
文章國音
A: The national literature.
P: La littérature nationale.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Chương: bài văn. Quốc âm: tiếng nói của một dân tộc trong một nước.
Văn chương quốc âm là văn chương theo ngôn ngữ của dân tộc ta.
TNHT: Hiền hữu lúc nầy chuyên về văn chương quốc âm nhiều lắm há?
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Văn dĩ tải đạo
文以載道
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Dĩ: lấy, dùng để. Tải: chở. Đạo: đạo đức.
Văn dĩ tải đạo: dùng văn chương để chở đạo đức, tức là dùng văn chương để truyền bá đạo đức cho nhiều người biết.
Một số nhà văn học ý thức bổn phận của kẻ sĩ là phải duy trì phong hóa, gìn giữ cang thường, bảo tồn đạo đức, nên chủ trương văn dĩ tải đạo, thường tìm các tác phẩm đạo đức dịch thuật ra để truyền bá, hoặc sáng tác các sách đề cao đạo đức. Nhà văn Lý Văn Phức (1785-1849) dịch quyển "Nhị thập tứ Hiếu" được liệt vào nhóm chủ trương "văn dĩ tải đạo".
Văn dĩ tải đạo là dùng văn tự để minh đạo và truyền đạo. Thánh nhân lưu truyền kinh điển là mong cho người học đạo do theo kinh mà ngộ đạo. Một khi đã ngộ đạo, đạt được trí huệ tức là cứu cánh thì phải xem văn tự chỉ là phương tiện. Như khi qua sông, ta phải dùng thuyền hay dùng bè, nhưng khi đã qua sông rồi thì sẽ không dùng đến bè nữa. Nếu qua sông rồi mà còn vác bè theo, chẳng những lố bịch, vô bổ mà lại còn thêm chướng ngại trên bước đường đi tới.
Văn đàn
文壇
A: Literary club.
P: Le cénacle littéraire.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Đàn: nơi tụ họp đông người.
Văn đàn là nơi các nhà văn tụ họp để bàn luận văn học.
Văn đắc thọ trì
聞得受持
Văn: Nghe, hiểu biết. Đắc: được. Thọ: nhận lãnh. Trì: gìn giữ.
Văn đắc thọ trì: nghe biết được, nhận lấy và gìn giữ.
DLCK: Ngã kim thính văn đắc thọ trì, Nguyện giải Tân Kinh chơn thiệt nghĩa.
DLCK: Di Lạc Chơn Kinh.
Văn hào
文豪
A: The great writer.
P: Le grand écrivain.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Hào: tài trí hơn người.
Văn hào là người có danh tiếng lừng lẫy trong làng văn.
Td: Văn hào Nguyễn Du, Văn hào Victor Hugo.
Văn hiến
文獻
A: Civilisation.
P: Civilisation.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Hiến: người tài đức.
Văn hiến, nghĩa đen là sách và người tài đức, nghĩa thường dùng là: truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời.
TĐ ĐPHP: Hội Thánh CTĐ bảo vệ văn hiến tôn giáo, Hội Thánh Phước Thiện cứu khổ, còn có chỗ nào hay hơn nữa!
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
CTÐ: Cửu Trùng Ðài.
Văn hóa
文化
A: The culture.
P: La culture.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Hóa: thay đổi, giáo hóa.
Văn hóa có nghĩa đen là: làm thay đổi cho tốt đẹp hơn.
Nghĩa thường dùng:
■ Văn hóa là sự giáo hóa về văn học.
NTTP: Dụng văn hóa trau tria nữ phách.
■ Văn hóa là chỉ chung các công trình của con người làm đời sống vật chất và tinh thần trở nên phong phú và tốt đẹp hơn.
TĐ ĐPHP: Tại tiêm nhiễm văn hóa Âu Châu, rồi đem của quí liệng đi, hốt của bỏ đem vào,....
NTTP: Nữ Trung Tùng Phận.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Văn miếu - Văn chỉ
文廟 - 文址
A: The temple of Confucius in the prefecture or province.
P: Le temple de Confucius dans la préfecture ou province.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Miếu: đền thờ. Chỉ: cái nền đất.
Văn miếu hay Văn chỉ đều có nghĩa là nơi thờ phượng và tế lễ Đức Khổng Tử, vì Đức Khổng Tử được xem là ông tổ của văn chương, nhưng cần phân biệt:
- Văn miếu là đền thờ Đức Khổng Tử tại kinh đô hay tại các tỉnh thành, được xây dựng qui mô lớn lao.
- Văn chỉ là đền thờ Đức Khổng Tử tại các làng xã hay quận huyện, nếu nó chỉ là cái nền đất để tế lễ thì gọi là Văn chỉ, còn nếu có cất nhà thờ thì gọi là Văn từ (文祠 )
"Mỗi làng có một Văn từ hoặc Văn chỉ. Đàn lộ thiên gọi là Văn chỉ, có lợp mái gọi là Văn từ.
Văn từ, Văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt thì thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.
Các nơi thờ riêng những bậc khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng:
- Hạng nhất là những người đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ Tam Tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa.
- Hạng nhì là những người đỗ Trung khoa (Cử nhân) và những người làm quan từ Lục Thất phẩm trở lên, thờ ban hữu.
- Hạng ba là những người đỗ Tiểu khoa (Tú tài) và những người làm quan đến Bát Cửu phẩm, thờ ban tả.
Đến khi tế tự thì đem cả hào mục, tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng.
Nhưng nhiều nơi chỉ trọng riêng về đường khoa mục, hễ có đỗ mới được liệt tự, còn như làm quan, dẫu đến Nhất Nhì phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.
Mỗi năm, tháng hai, tháng tám, tế hai kỳ gọi là Xuân Thu nhị đình. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế.
Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.
Khi thi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra Văn chỉ để tạ ơn tiền hiền." (Trích trong VN Phong Tục của Phan Kế Bính)
Văn minh
文明
A: Civilisation.
P: Civilisation.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Minh: sáng.
Văn minh là trình độ phát triển cao, sáng đẹp của một nền văn hóa về vật chất và tinh thần của một dân tộc.
KTKVTH: Dẩy xa thơ trổi nhặt văn minh.
KTKVTH: Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.
Văn ngã ưng đương
聞我應當
Văn: Nghe, hiểu biết. Ngã: ta. Ưng: bằng lòng. Đương: gánh vác.
Văn ngã ưng đương: nghe lời Ta bằng lòng gánh vác.
Văn nhân tài tử
文人才子
A: The scholar and artist.
P: Le lettré et artiste.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Nhân: người. Tài: có tài nghề. Tử: người. Văn nhân là người có học thức, biết làm văn làm thơ. Tài tử là người có tài nghề giỏi về một môn văn nghệ, như: đờn, ca, diễn xuất, v.v...
Văn nhân tài tử là chỉ chung những nhà văn và nghệ sĩ.
Văn nhứt tri thập
聞一知十
Văn: Nghe, hiểu biết. Nhứt: một. Tri: biết. Thập: mười.
Văn nhứt tri thập: nghe một biết mười. Ý nói: người có thiên tư đặc biệt, thông minh sáng suốt hơn người.
Văn quá tắc hỷ
聞過則喜
Văn: Nghe, hiểu biết. Quá: lỗi lầm. Tắc: thì (trợ từ). Hỷ: mừng.
Văn quá tắc hỷ là nghe biết được lỗi lầm thì mừng.
Ý nói: Người có tinh thần cầu học cầu tiến. Ai chỉ trích mình thì không giận mà lại mừng, vui lòng sửa đổi những điều mà mình còn sai trái. Cũng như câu: Người khen ta là kẻ thù của ta, người chê ta là người ơn của ta.
Văn thân
文紳
A: The scholars.
P: Les lettrés.
Văn: - Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. - Quan văn, trái với quan võ. Thân: cái đai áo chầu của các quan, chỉ người làm quan. (Tấn thân: đang làm quan. Thân sĩ: quan về hưu)
Văn thân là chỉ chung lớp sĩ phu, tức là những người nho học trí thức thời xưa.
Văn thi
文詩
A: The poetry.
P: La poésie.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Thi: thơ, văn vần.
Văn thi hay Thi văn là chỉ chung các bài thơ có vần điệu.
Văn thỉ thượng cung
文始上宮
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Thỉ: Thủy: khởi đầu, bắt đầu. Thượng: trên. Cung: cung điện. Cung là tòa nhà nhỏ, Điện là tòa nhà lớn. Trong một Điện có nhiều cung.
Văn thỉ là khởi đầu về văn chương.
Thượng cung là cái cung ở trên hết.
Kinh Nho giáo:
Quế Hương nội điện,
Văn Thỉ thượng cung.
Nghĩa là:
Trong điện Quế Hương, có cung Văn Thỉ ở trên hết.
Đó là nơi thường ngự của Đức Khổng Tử nơi cõi Thiêng Liêng.
Văn Tuyên Đế Quân - Văn Tuyên Khổng Thánh
文宣帝君 - 文宣孔聖
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Tuyên: thông suốt.
Văn Tuyên là thụy hiệu của Đức Khổng Tử, tức là danh hiệu mà các vua đời sau truy tặng cho Đức Khổng Tử.
Đế Quân: phẩm tước do Đức Chí Tôn phong thưởng. Khổng Thánh: Đức Thánh Khổng Tử.
■ Trong Kinh Nho giáo thì gọi Đức Khổng Tử là: Văn Tuyên Đế Quân.
Kinh Nho Giáo:
Văn Tuyên tư lộc,
Hoằng nhơn Đế Quân.
(Tư lộc: lo việc ban phước lộc. Hoằng nhơn: lòng nhơn rộng lớn)
■ Trong Bài Kinh Xưng Tụng Công Đức Phật Tiên Thánh Thần, gọi Đức Khổng Tử là: Văn Tuyên Khổng Thánh.
BXTCĐPTTT: Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời.
Ngày nay, thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tước hiệu của Đức Khổng Tử là: Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.
Trong tập "PHỔ CÁO CHÚNG SANH" có một đoạn Thánh ngôn của Đức Chí Tôn nói rằng: Đức Khổng Tử là do Văn Xương Đế Quân (tức là Văn Xương Tiên) đầu kiếp xuống trần để phục hưng Nho giáo.
Xin chép bài Thánh ngôn nầy ra:
Thánh ngôn ngày 25 tháng 2 Lang sa năm 1926.
"Trọng Ni (Khổng Phu Tử) là Văn Xương Tiên hạ trần đặng thừa mạng Thầy làm Chưởng giáo Nhơn đạo, lo xong phân sự thì Thầy đến độ hồi cựu vị."
(Xem thêm chi tiết nơi chữ: Văn Xương Đế Quân)
BXTCÐPTTT: Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần.
Văn từ
文詞
A: Style.
P: Le style.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Từ: lời nói, lời văn.
Văn từ là nói chung về văn chương, kinh sách.
KVH: Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ.
KVH: Kinh vào học.
Văn tự
文序
A: The writing.
P: L'éctiture.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Tự: chữ viết.
Văn tự là chữ viết.
Văn tự cũng có nghĩa là những giấy tờ do hai bên thỏa thuận viết ra rõ ràng rồi đồng ký tên để hai bên căn cứ vào đó mà thi hành cho khỏi điều trở ngại.
Văn uyển
文苑
A: Garden of letters.
P: Le jardin des lettres.
Văn: Vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép. Uyển: cái vườn.
Văn uyển là vườn văn chương.
Văn uyển cũng là một mục mở ra trên báo chí để đăng những bài thơ văn.
Văn Vương
文王
Văn Vương là vị vua khai sáng ra nhà Châu (Chu) vào thời thượng cổ nước Tàu, nên được gọi là Châu Văn Vương.
Theo Trung quốc sử:
- Năm 1136 trước TL, vua Văn Vương, con ông Vương Quý, cháu ông Thái Vương, dựng cơ nghiệp ở đất Phong.
- Năm 1122 trước TL, vua Võ Vương, con Văn Vương đánh diệt vua Trụ, lên làm Hoàng đế, đóng đô ở đất Hạo.
Lúc vua Trụ đang trị vì nước Tàu, ở phía Tây có Tây Bá Hầu Cơ Xương, đặt thủ phủ ở Tây Kỳ, thống suất các chư Hầu ở phía Tây. Vua Trụ hôn ám, bị nịnh thần xúi giục, bắt Tây Bá Hầu Cơ Xương giam tại thành Dũ Lý 7 năm.
Tây Bá Hầu bị cầm chơn tại đây chớ không phải tù tội chi, nên ông lấy điều nhân nghĩa dạy dân, khiến cho dân trong thành đều mến đức.
Tây Bá dùng thời giờ nhàn rỗi để nghiên cứu thêm về Bát Quái Tiên Thiên của vua Phục Hy, Hà Đồ, và Lạc Thơ, rồi ông chế ra Bát Quái Hậu Thiên bằng cách thay đổi vị trí các quẻ, rồi phối hợp với Ngũ Hành, giải thích về vạn vật hữu hình.
Vua Phục Hy đặt ra 64 quẻ Tiên Thiên Bát Quái nhưng không có văn tự giải thích, Tây Bá Hầu mới nghiên cứu viết ra Thoán Từ để giải thích ý nghĩa của mỗi quẻ.
Tù túng bảy năm thành Dũ Lý,
Điểm trang một tập quẻ Tiên Thiên.
Dạy đời muôn việc điềm hung kiết,
Để tiếng ngàn thu bậc Thánh hiền.
Khi hết hạn 7 năm ở Dũ Lý, vua Trụ đòi Tây Bá về kinh, khen thưởng phong Tây Bá Cơ Xương làm VĂN VƯƠNG, có búa Việt cờ Mao đặng quyền chinh phạt chư Hầu....
Văn Xương Đế Quân
文昌帝君
"Văn Xương Đế Quân được dân gian lẫn Đạo giáo tôn sùng là Thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân.
Văn Xương là tên vì sao, cũng gọi là sao Văn Khúc (Văn Khúc tinh hoặc Văn tinh). Người Trung quốc xưa cho rằng đây là tinh tú nắm giữ công danh và văn vận của thế nhân.
Sự kiện Văn Xương Đế Quân được dân gian và Đạo giáo phụng thờ có liên quan đến thần Tử Đồng Trương Á Tử.
Đời Đông Tấn (317-420), năm Ninh Khang thứ 2 (374) triều vua Hiếu Vũ Đế [Tư Mã Diệu], một người nước Thục tên là Trương Dục tự xưng là Thục Vương, khởi nghĩa chống Phù Kiên và hy sinh. Dân chúng quận Tử Đồng (Tứ Xuyên) lập miếu thờ (gọi là Trương Dục từ) tại núi Thất Khúc, tôn Ngài là Lôi Trạch Long Thần.
Trên núi Thất Khúc cũng có một miếu thờ thần Tử Đồng Trương Á Tử. Vì hai miếu gần nhau, người đời sau mới gọi chung hai thần là Trương Á Tử hoặc Trương Á Tử Sĩ Tấn chiến một (Trương Á Tử, quan đời Tấn, chết trong chiến tranh). Sự việc Trương Dục có chép trong Tấn Thư.
Thần Trương Á Tử (cũng gọi Trương Ác Tử) được ghi chép trong Hoa Dương Quốc Chí, quyển 2: "Tử Đồng huyện, quận trị, hữu Thiện Bản tự, nhất danh Ác Tử" (huyện Tử Đồng là một quận trị có miếu Thiện Bản, một tên khác là Ác Tử).
Trong dân gian thường truyền nhau sự hiển linh thần dị của thần Tử Đồng Trương Á Tử.
Thái Bình Hoàn Vũ Ký quyển 84 mục Kiếm Châu Tử Đồng huyện có trích dẫn Quận Quốc Chí rằng: "Ác Tử tích chí Trường An kiến Diêu Trường, vị viết: Kiếp hậu cửu niên, quân đương nhập Thục, nhược chí Tử Đồng Thất Khúc sơn, hạnh đương kiến tầm." (Xưa Ác Tử đến Trường An gặp Diêu Trường bảo rằng: 9 năm sau, người phải vào Thục, nếu đến núi Thất Khúc huyện Tử Đồng, may mắn thì tìm gặp ta).
Thập Lục Quốc Xuân Thu Tập Bổ - Hậu Tần Lục ghi rằng: "Tiền Tần Kiến Nguyên thập nhị niên (376), Diêu Trường chí Tử Đồng Thất Khúc sơn, kiến nhất thần nhân vị chi viết: Quân tảo hoàn Tần, Tần vô chủ, kỳ tại quân hồ? Trường thỉnh kỳ tính thị, viết: Trương Ác Tử dã. Ngôn cật bất kiến. Chí cứ Tần xưng đế, tức kỳ địa lập Trương Tướng công miếu tự chi" (Năm Kiến Nguyên thứ 12 [tiền Tần, 376], Diêu Trường đến núi Thất Khúc ở huyện Tử Đồng, gặp một thần nhân bảo rằng: Ngươi hãy sớm quay về Tần, Tần không có chủ, chẳng phải chủ ở nơi ngươi sao? Trường xin hỏi danh tánh, người đó đáp: Trương Ác Tử đây. Nói xong thì chẳng thấy người đó. Đến lúc Tần xưng đế, nơi nầy lập miếu Trương tướng công mà thờ).
Khi loạn An Lộc Sơn nổi lên, Đường Huyền Tông lánh nạn chạy vào đất Thục, trên đường đi ngang núi Thất Khúc, nghĩ đến Trương Á Tử anh liệt kháng Tiền Tần, bèn dừng chân vái lạy. Tương truyền khi tá túc núi Thất Khúc, Huyền Tông mộng thấy Trương Á Tử hiển linh mách rằng, không bao lâu nữa, Huyền Tông sẽ trở thành Thái Thượng Hoàng. Hiện nay trên núi Thất Khúc còn dấu tích "Ứng mộng tiên đài" của Đường Huyền Tông.
Năm Quảng Minh thứ 2 đời Đường, Hy Tông lánh loạn Hoàng Sào vào Thục, đi ngang núi Thất Khúc cũng vào vái lạy, truy phong Trương Á Tử là Tế Thuận Vương và cởi bội kiếm tặng cho Thần.
Thần Tử Đồng Trương Á Tử vì được các vua Đường sùng bái, thanh danh lan truyền xa, từ một vị Thần địa phương trở thành một đại thần khắp Trung quốc.
Năm Hàm Bình thứ 3 (1000) triều vua Tống Chân Tông (trị vì 998-1023) (Bắc Tống), Đô Ngu Hầu ở Ích Châu là Vương Quân nổi loạn, thần Tử Đồng linh hiển trợ giúp vua diệt quân phiến loạn. Tống Chân Tông bèn sắc phong Trương Á Tử là Anh Hiển Vũ Liệt Vương, đồng thời cho tu bổ miếu thờ.
Đời Nam Tống, năm Thiệu Hưng thứ 10 (1140), vua Tống Cao Tông (trị vì 1127-1162) cho đại tu Tử Đồng Thần miếu và sắc phong miếu thờ là Linh Ứng Từ.
Vua Tống Quang Tông (trị vì 1190-1194) truy phong Trương Á Tử là Trung Văn Nhân Vũ Hiếu Đức Thánh Liệt Vương. Tống Lý Tông (trị vì 1225-1264) truy phong Trương Á Tử là Thần Văn Thánh Võ Hiếu Đức Trung Nhơn Vương.
Đời Nguyên, năm Diên Hựu thứ 3 (1316), vua Nhân Tông (trị vì 1312-1320) sắc phong Trương Á Tử là Phụ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lộc Hoằng Nhơn Đế Quân và khâm định là Trung Quốc Hiếu Gia Ích Dân Chính Trực Thần.
Kể từ đó, thần Tử Đồng và sao Văn Xương được hợp nhất thành một danh xưng là Văn Xương Đế Quân.
Từ đời Tống rất thịnh hành vô số câu chuyện linh dị kể lại thần Tử Đồng hiển linh phù hộ các sĩ tử thi đậu làm quan, cho nên việc phụng thờ Ngài càng thêm thịnh.
Đời Nam Tống, Ngô Tự Mục trong quyển Mộng Lương Lục thứ 14 chép rằng Tử Đồng Đế Quân tại đạo quán Thừa Thiên ở Ngô Sơn là thần nước Thục, chuyên nắm giữ lộc tịch (sổ sách về quan lộc) của con người, nói chung các sĩ tử bốn phương đi thi cầu danh đều xin Ngài ban phúc. Ngài được phong là Huệ Văn Trung Vũ Hiếu Đức Nhân Thánh Vương (Tử Đồng Đế Quân tại Ngô Sơn Thừa Thiên quán, thử Thục trung thần, chuyên chưởng lộc tịch, phàm tứ phương sĩ tử cầu danh phó tuyển giả tất đảo chi. Phong vương tước viết Huệ Văn Trung Vũ Hiếu Đức Nhân Thánh Vương).
Cuối đời Nam Tống, các châu và phủ đều lập nhiều miếu thờ Tử Đồng Đế Quân. Như vậy, những tượng thờ Văn Xương Đế Quân trong các chùa miếu và đạo quán ngày nay tức là tượng Tử Đồng Đế Quân.
Đạo giáo đã sớm có tín ngưỡng Văn Xương, trong Lão Quân Âm Tụng Giới Kinh chép: Đương giản trạch chủng dân, lục danh Văn Xương cung trung. (Phụ trách tuyển chọn phẩm hạng dân chúng, ghi danh vào cung Văn Xương).
Đến đời Nguyên (1279-1368) và đời Minh (1368-1644) các đạo sĩ lợi dụng tín ngưỡng dân gian về Văn Xương Đế Quân mà viết ra "Thanh Hà Nội Truyện" và "Tử Đồng Đế Quân Hóa Thư" kể lại những thần tích của Văn Xương Đế Quân.
Sách viết rằng:
"Văn Xương Đế Quân vốn sanh đầu đời Chu (Châu), đã trải 73 kiếp hóa thân, từng là sĩ đại phu. Cuối đời Tây Tấn, Ngài giáng sanh nơi đất Thục tên là Á, họ là Trương, tự là Bái Phu, được lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế cho chưởng quản Văn Xương Phủ và lộc tịch (sổ sách về quan lộc) của nhân gian."
Đạo Tạng Tập Yếu thu thập quyển Văn Xương Đế Quân Bản Truyện viết vào những năm Sùng Đức (1638-1648) đời Thanh, trong đó ghi rằng:
"Văn Xương Đế Quân họ là Trương, húy là Thiện Huân, có những thần tích linh dị, phàm nhương tai khử họa, đảo vũ, cầu tự, hễ có thành tâm tất có ứng nghiệm, có thể trấn phục yêu ma, tảo trừ dịch bệnh. Ngài được gọi là Văn Chương Tư Mệnh, vì các giới quí tiện văn võ y bốc sĩ nông công thương, hễ có lòng mong cầu công danh đều trông cậy vào Ngài. Ngài cư ngụ nơi cung Văn Xương, nơi chòm sao Tử Vi, thường giáng cơ viết kinh, hiển mộng báo tin, phân thân ứng hóa, cứu độ nhân sanh."
Trong Tử Đồng Đế Quân Hóa Thư (do Đàm Tiễu viết đầu thế kỷ thứ 10) tóm lược 17 kiếp của Văn Xương Đế Quân nhưng nội dung hết sức hoang đường. Có lẽ sáng tác nầy của đạo sĩ Đàm Tiễu muốn củng cố và chuyển tín ngưỡng Văn Xương Đế Quân từ một tín ngưỡng dân gian sang tín ngưỡng của Đạo giáo.
Trong Đạo Tạng và Đạo Tạng Tập Yếu thu thập rất nhiều kinh sách do Văn Xương Đế Quân giáng cơ bút, trong đó thịnh hành nhứt kể từ đời Tống và đời Nguyên là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Tác phẩm nầy tuyên xưng: Văn Xương Đế Quân cứu dân chi nạn, tế nhân chi cấp, mẫn nhân chi cô, dung nhân chi quá, quảng hành âm chất, thượng cách thương khung. (Văn Xương Đế Quân cứu nạn dân chúng, giúp người trong khốn khó nguy cấp, xót thương kẻ bơ vơ, khoan dung lỗi lầm của thế nhân, [ai] thi hành rộng khắp âm chất được đặc cách lên trời [ghi tên trong Tiên tịch]).
Đồng thời khuyến dạy người đời: "Hành thời thời chi phương tiện, tác chủng chủng chi âm công, lợi vật lợi nhân, tu thiện tu phúc, chính trực đại thiên hành hóa, từ tường vị quốc cứu dân, trung chủ hiếu thân, kính huynh tín hữu. Hoặc phụng Chân triều đẩu, hoặc bái Phật niệm kinh, báo đáp tứ ân, quảng hành Tam giáo." (Thường thi hành tiện ích, tạo vô vàn công đức vô hình, ích lợi cho người cho vật, tu thiện tu phúc, chính trực thay Trời hành hóa đạo đức, từ ái vì nước cứu dân, trung vua hiếu cha mẹ, kính trọng huynh trưởng, tin cậy bằng hữu. Hoặc thờ Tiên tu đạo, hoặc bái Phật niệm kinh, để báo đáp bốn ân và quảng hành Tam giáo). Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn là một trong tam đại khuyến thiện thư của Đạo giáo, có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian.
Từ đời Nguyên và đời Minh về sau, các địa phương ở Trung quốc kiến tạo rất nhiều cung và đền miếu thờ |