CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN

 

Danh mục vần S

SA

·         Sa di - Sa môn

·         Sa đà

·         Sa đọa

·         Sa thải

 

SÁCH

·         Sách phụ

 

SAI

·         Sai

·         Sai lạc

·         Sai suyễn

 

SÀM

·         Sàm

·         Sàm biện

·         Sàm tấu

·         Sàm thần

 

SÁM

·         Sám hối - Kinh Sám hối

 

SAN

·         San định

 

SẢN

·         Sản nghiệp

·         Sản Tất Viên

 

SANG

·         Sang cả

 

SÁNG

·         Sáng

·         Sáng lạn

·         Sáng lập

·         Sáng tác

·         Sáng tạo thuyết

 

SANH (SINH)

·         Sanh

·         Sanh biến

·         Sanh diệt

·         Sanh hóa

·         Sanh khí

·         Sanh ký tử qui

·         Sanh linh

·         Sanh ly tử biệt

·         Sanh nhai

·         Sanh phần

·         Sanh quang

·         Sanh sanh hóa hóa

·         Sanh sự sự sanh

·         Sanh tiền

·         Sanh tử bất kỳ

 

SÁNH

·         Sánh tài (Sính tài)

 

SÀO

·         Sào Phủ - Hứa Do

 

SÁO

·         Sáo ngữ

 

SÁT

·         Sát

·         Sát mạng

·         Sát ngôn quan sắc

·         Sát nhân giả tử

·         Sát sanh

·         Sát thân thành nhân

 

SẮC

·         Sắc

·         Sắc bất ba đào dị nịch nhân

·         Sắc huấn

·         Sắc lịnh

·         Sắc mạng

·         Sắc phái

·         Sắc phục

·         Sắc sảo

·         Sắc tức thị không (Sắc không)

 

SẰN

·         Sằn dã

 

SẮT

·         Sắt cầm hảo hợp

·         Sắt son

 

SÂM

·         Sâm thương

 

SẤM

·         Sấm

·         Sấm ký

·         Sấm tiên tri

 

SÂN

·         Sân

·         Sân hỏa

·         Sân hoạn

·         Sân ngô

·         Sân Trình

 

SẤP

·         Sấp mình

 

SẦU

·         Sầu bi

 

SE

·         Se sua

 

SEN

·         Sen tàn cúc nở

 

SỈ

·         Sỉ nhục

 

·        

·         Sĩ diện

·         Sĩ khả lục bất khả nhục

·         Sĩ khí

·         Sĩ phi vị bần

·         Sĩ quân tử

·         Sĩ tải

 

SIỂM

·         Siểm nịnh

 

SIÊU

·         Siêu

·         Siêu đọa

·         Siêu độ

·         Siêu hình

·         Siêu phàm nhập thánh

·         Siêu quần chơn chi thượng

·         Siêu rỗi

·         Siêu sanh

·         Siêu thăng tịnh độ

·         Siêu thoát

 

SINH

·         Sinh (Xem: Sanh)

 

SÍNH

·         Sính lễ

 

SÓC

·         Sóc nhựt - Sóc vọng

·         Sóc phương

 

SONG

·         Song

·         Song bằng

·         Song hỷ

·         Song thân - Song đường

·         Song thu

·         Song thủ

 

SÓNG

·         Sóng

·         Sóng sắc

·         Sóng trần

 

SỐ

·         Số

·         Số căn

·         Số mạng

 

SỔ

·         Sổ bộ

 

SÔNG

·         Sông hương

·         Sông lệ

·         Sông mê

·         Sông Ngân

·         Sông Vị

 

·        

·         Sơ giao

·         Sơ hiến lễ

·         Sơ khai

·         Sơ lược

·         Sơ nhứt nhựt

·         Sơ thẩm

·         Sơ thất

 

SỚ

·         Sớ cầu đạo

·         Sớ văn thượng tấu

 

SỞ

·         Sở

·         Sở bức

·         Sở cầu - Sở nguyện - Sở vọng

·         Sở cậy

·         Sở dĩ

·         Sở dụng

·         Sở đắc - Sở kiến

·         Sở định

·         Sở Hạng

·         Sở hữu

·         Sở tại

·         Sở trường - Sở đoản

 

SƠN

·         Sơn

·         Sơn chúng - Sơn môn

·         Sơn hà

·         Sơn minh hải thệ

·         Sơn trân hải vị

 

SỞN

·         Sởn sơ

 

SUNG

·         Sung túc

 

SÙNG

·         Sùng

·         Sùng bái

·         Sùng đạo - Sùng nho

·         Sùng đức báo công

·         Sùng thượng

·         Sùng tín

·         Sùng tu

 

SUY

·         Suy

·         Suy diễn - Suy đoán

·         Suy đồi - Suy đốn

·         Suy kỷ cập nhân

·         Suy lý - Suy luận

·         Suy nghiệm

·         Suy thịnh tồn vong

·         Suy tiểu tri đại

·         Suy tồi

·         Suy vi

·         Suy vong

 

·        

·         Sư đệ - Sư đồ

·         Sư hư vô

·         Sư phó

·         Sư phụ - Sư mẫu

 

SỬ

·         Sử

·         Sử cương

·         Sử dụng

·         Sử liệu

·         Sử nhơn

·         Sử quán

·         Sử thi

·         Sử xanh

 

SỰ

·         Sự

·         Sự cố

·         Sự lý

·         Sự nghiệp

·         Sự thân

·         Sự thế

·         Sự tử như sự sanh

 

SỬA

·         Sửa áo nâng khăn

·         Sửa cải

·         Sửa dải

·         Sửa dép vườn dưa - Sửa mũ dưới đào

·         Sửa đương

·         Sửa lòng

·         Sửa trị

 

SỪNG

·         Sừng đội lông mang

·         Sừng sựng (Sừng sững)

·         Sừng thỏ lông rùa

 

SƯU

·         Sưu khảo

·         Sưu tập

·         Sưu thuế

 

 

 

 

SA

Sa di - Sa môn

沙彌 - 沙門

A: The novice - The monk.

P: Le novice - Le moine

■ Sa-di: là tiếng phiên âm từ chữ Phạn: Sramanera, có nghĩa là dứt việc ô nhiễm của thế gian.

Sa-di là hạng thiếu niên xuất gia vào chùa thọ pháp qui y tu hành, tuổi từ 7 tuổi đến 19 tuổi, thường được gọi là Chú tiểu.

Hạng thiếu nữ xuất gia thọ giới tu hành gọi là Sa-di ni (A: The feminine novice. P: La novice féminine).

Sa-di có hai bực:

1. Khu ô Sa di: từ 7 tuổi đến 12 tuổi, có phận sự trông coi đừng để cho chim quạ bay tới ăn phá lúa gạo, hoa quả của chùa. Sa di nầy bắt đầu thọ giới, được giữ Ngũ giới.

2. Ứng pháp Sa di: từ 13 trước đến 19 tuổi, phải biết phụng sự các sư, phục dịch các công việc ở nhà chùa. Sa di nầy thọ đủ thập giới. Đến chừng đúng 20 tuổi thì được thọ giới cụ túc để làm Sa môn, tức Tỳ kheo.

Thập giới của Sa di là:

1.    Không sát sanh.

2.    Không trộm cắp.

3.    Không dâm dục.

4.    Không uống rượu.

5.    Không láo xược. (Năm giới đầu là Ngũ giới cấm).

6.    Không dồi phấn xức dầu.

7.    Không ca hát, không khiêu vũ.

8.    Không ngồi ghế cao, không nằm giường rộng.

9.    Không ăn quá ngọ.

10.  Không rờ tới vàng, bạc, tiền xài.

■ Sa-môn: là tiếng phiên âm từ chữ Phạn: Sramana, phiên âm đầy đủ là: Sa-môn-na, nói tắt là Sa-môn.

Sa-môn là thầy tu xuất gia theo đạo Phật, cũng gọi là Tỳ kheo, Đại Sa-môn.

·         Sa môn Nam tông chỉ giữ cụ túc giới (250 giới) là đủ, và tu thành bực La-Hán là đạt rồi.

·         Sa môn Bc tông, ngoài c túc gii còn phi gi thêm B Tát gii, tu thành B Tát và sau đó thì tu thành Pht.

 

Sa đà

蹉跎

A: To make a false step.

P: Faire un faux pas.

Sa: còn đọc là Tha: sẩy chân. Đà: lỡ thời.

Sa đà là sẩy chân vấp ngã.

TĐ ĐPHP: Thân thể cho mạnh mẽ tinh vi, đừng để sa đà vào lục dục thì là thuận cùng trí lự khôn ngoan.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Sa đọa

A: To fall into the darkness.

P: Tomber dans les ténèbres.

Sa: rơi xuống. Đọa: bị phạt đưa vào chỗ tối tăm khổ sở.

Sa đọa là bị phạt rơi xuống chỗ tối tăm khổ sở.

TNHT: Thất Nương ở đó đặng dạy dỗ, nâng đỡ các chơn hồn dầu sa đọa luân hồi cũng có người dạy dỗ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sa thải

沙汰

A: To discharge.

P: Congédier.

Sa: cát. Thải: gạn bỏ.

Sa thải, nghĩa đen là gạn bỏ cát xấu, lấy cát tốt để dùng, nghĩa thường dùng là bỏ ra, không dùng nữa.

ĐLMD: Chức sắc Thiên phong nam nữ toàn đạo phải chịu dưới quyền công nhận của Vạn linh mới đặng thăng chức hay là Vạn linh buộc tội mà sa thải.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

SÁCH

Sách phụ

策輔

A: To offer the strategies for help.

P: Offrir les statégies pour aider.

Sách: kế hoạch, mưu chước. Phụ: giúp.

Sách phụ là giúp cho kế hoạch trị nước an dân, hay phát triển đất nước cho mau giàu mạnh.

NG: Vương tân sách phụ, Nho tông khai hóa.

NG: Nho Giáo, Kinh Nho Giáo.

 

SAI

SAI

SAI: Sai khiến, bảo làm, lầm, không đúng.
Td: Sai lạc, Sai suyễn.

 

Sai lạc

A: To get lost.

P: Se tromper.

Sai: Sai khiến, bảo làm, lầm, không đúng. Lạc: lầm đường, mất.

Sai lạc là không còn giữ đúng như lúc đầu.

TNHT: Các con làm sai lạc bản chất, tôn chỉ của nền Thánh giáo.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sai suyễn

差舛

A: To be wrong.

P: Être dans l'erreur.

Sai: Sai khiến, bảo làm, lầm, không đúng. Suyễn: sai trái, lẫn lộn.

Sai suyễn là sai lầm, không đúng.

TĐ ĐPHP: Không hề sai suyễn một mảy may nào cả.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

SÀM

SÀM

SÀM: Gièm pha, nói xấu, phao vu.
Td: Sàm biện, Sàm tấu, Sàm thần.

 

Sàm biện

讒辯

A: To calumniate.

P: Calomnier.

Sàm: Gièm pha, nói xấu, phao vu. Biện: biện luận, bàn cãi.

Sàm biện là bàn tán bậy bạ.

TNHT: Nhưng Thầy buồn vì nỗi có nhiều đứa sàm biện về việc ấy.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sàm tấu

讒奏

A: To calumniate before king.

P: Calomnier devant le roi.

Sàm: Gièm pha, nói xấu, phao vu. Tấu: tâu, trình bày với vua.

Sàm tấu là lời tâu cáo của đứa gian thần nói xấu người trung lương chánh trực để hãm hại.

TNHT: Nào tật đồ hiền tài, hữu thỉ vô chung, nghe lời sàm tấu.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sàm thần

讒臣

A: The calumnious mandarin.

P: Le mandarin calomnieux.

Sàm: Gièm pha, nói xấu, phao vu. Thần: bề tôi của vua, quan lại.

Sàm thần là bề tôi gian nịnh sàm tấu, hãm hại trung thần.

Ông Thái Công có nói rằng:

Trị quốc bất dụng nịnh thần,

Trị gia bất dụng nịnh phụ.

Sàm thần loạn quốc,

Đố phụ loạn gia.

Nghĩa là:

Trị nước chẳng dùng tôi nịnh,

Sửa nhà chẳng dùng vợ nịnh.

Bề tôi gièm siễm thì làm rối phép nước,

Người vợ ghen tương thì làm rối việc nhà.

 

SÁM

Sám hối - Kinh Sám hối

懺悔經

A: To confess sin - The prayer of confession.

P: Se répentir - La prière de confession.

Sám: ăn năn những lỗi lầm đã qua và thật lòng muốn sửa đổi, quyết không tái phạm nữa. Hối: tự giận mình vì đã làm điều sái quấy.

Sám hối là ăn năn và tự giận mình về những lỗi lầm do mình gây ra, tự nguyện sửa đổi và quyết không tái phạm nữa.

Trong sách Nho, định nghĩa Sám Hối là: "Sám giả sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối kỳ hậu quá." Nghĩa là: Sám là ăn năn lỗi trước, Hối là chừa bỏ lỗi sau.

"Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét đã tạo ra từ trước, tấtcả đều ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám.

Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây ra nữa. Ấy gọi là Hối.

Các người phàm phu ngu muội chỉ biết ăn năn tội trước của mình mà chẳng biết ăn năn lỗi sau. Bởi chẳng ăn năn nên tội trước chẳng dứt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại sanh, thì sao gọi là Sám Hối được." (Pháp Bảo Đàn Kinh)

Sám Hối là điều rất quí báu và cần thiết trong việc tu thân, sửa mình cho càng ngày càng thêm tốt đẹp.

Kinh Sám Hối là bài kinh diễn tả những lỗi lầm của con người thường mắc phải và những hình phạt chờ sẵn nơi cõi Địa ngục để hành hình những người làm các điều lầm lỗi ấy, để con người biết mà chừa lỗi.

Hội Thánh có dặn rằng: "Kinh Sám Hối để tụng vào ngày Sóc Vọng, còn ngày thường lỡ có lầm lỗi điều chi thì tụng mà xin tội." Kinh Sám Hối khi xưa được gọi là Kinh Nhơn Quả.

Kinh Sám Hối gồm 444 câu thơ song thất lục bát, được các Đấng Tiên, Phật giáng cơ ban cho Minh Lý Đạo (TamTông Miếu). Hội Thánh thỉnh kinh nầy về làm kinh của ĐĐTKPĐ.

Ông Âu Minh Chánh, Đạo trưởng của Minh Lý Đạo, thuật lại việc tiếp Kinh Sám Hối như sau:

"Một khi kia, đến cầu kinh giùm một người bằng hữu thọ bịnh tại Thủ Thiêm, có Đức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống mà cho một khoản đầu Kinh Sám Hối.

Sau đó lần lần, mỗi khi cúng, có Tam giáo Đạo chủ hoặc là chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, hoặc là Thập Điện Minh Vương giáng đàn cho tiếp Kinh Sám Hối.

Cũng tưởng rằng Thần Tiên cho Kinh đó đặng làm phước giúp người mà thôi, không dè Đức Văn Tuyên Vương giáng dạy chúng tôi phải kiếm một cảnh chùa đặng ngày Sóc Vọng đến đó dâng hương và Sám Hối."

Ông Thơ ký thất của Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu) cho biết chi tiết việc tiếp Kinh như sau:

"Các Đấng giáng cho Kinh Sám Hối (KSH):

·         bắt đầu từ ngày Chúa nhựt 27-3-Ất Sửu (dl 19-4-1925)

·         cho đến ngày Thứ bảy 6-10-Ất Sửu (dl 21-11-1925).

Lịch trình các Đấng giáng cơ cho Kinh như sau:

■ Chúa nhựt 19-4-1925 (âl 27-3-Ất Sửu), Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cho 24 câu đầu, từ Câu 1 đến Câu 24:

C.1:

Cuộc danh lợi là phần thưởng quí.

C.24:

Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.

■ Ngày 22-4-1925, Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cho tiếp từ Câu 25 đến Câu 52:

C.25:

Nếu vội trách người trên thì đọa.

C.52:

Nước nguồn cây cội mới là tu mi.

■ Ngày 26-4-1925, Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 53 đến Câu 64:

C.53:

Giá trong sạch nữ nhi trượng tiết.

C.64:

Gông kềm khảo kẹp ích gì rên la.

■ Ngày 5-5-1925, Đức Nam Cực Chưởng Giáo giáng cho kinh tiếp, từ Câu 65 đến Câu 72:

C.65:

Người tai mắt đạo nhà khá giữ.

C.72:

Gồm bao nâng đỡ ruột rà thương nhau.

■ Ngày 22-5-1925, Đức Quan Thánh Đế Quân giáng cho tiếp, từ Câu 73 đến Câu 88:

C.73:

Người trung trực lo âu việc nước,

C.88:

Nói năng minh chánh lời ra phải nhìn.

■ Tiếp theoĐức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng cho tiếp từ Câu 89 đến Câu 100:

C.89:

Chớ quyệt ngữ mà khinh kẻ dại.

C.100:

Rèn lòng sửa nết khá in như nguyền.

■ Tiếp theoĐức Quan Âm Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 101 đến Câu 124:

C.101:

Chừa thói xấu đảo điên trong dạ.

C.124:

Ra tay tế độ, ấy thì lòng nhơn.

■ Ngày 2-6-1925, Đức Tây Ba Đế Quân giáng cho kinh tiếp, từ Câu 125 đến Câu 148:

C.125:

Thương đồng loại cũng hơn thí bạc.

C.148:

Rủi cho gặp lúc long đong chẳng sờn.

■ Ngày 24-6-1925, Đức Quan Âm Bồ Tát giáng cho kinh tiếp, từ Câu 149 đến Câu 160:

C.149:

Hễ biết nghĩa thọ ân chẳng bội.

C.160:

Lường cân tráo đấu, dối tu cúng chùa.

■ Ngày 4-7-1925, Đức Địa Tạng Bồ Tát cho tiếp từ Câu 161 đến Câu 212:

C.161:

Còn hoi hóp tranh đua bay nhảy.

C.212:

Vô can sát mạng thiệt thòi rất oan.

■ Ngày 20-7-1925, Đức Khổng Phu Tử giáng cơ cho tiếp Kinh Sám Hối từ Câu 213 đến Câu 284:

C.213:

Chớ kiếm thế gọi ngoan xảo trá.

C.284:

Khai ra bán mắc, Trời nào dung cho.

■ Ngày 8-8-1925, Đức Địa Tạng Bồ Tát giáng cho tiếp, từ Câu 285 đến Câu 308:

C.285:

Ơn trợ giúp khá lo đền báo.

C.308:

Hành hình khổ não chẳng hề nới tay.

■ Ngày 25-8-1925, Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ cho kinh tiếp từ Câu 309 đến Câu 356:

C.309:

Miền âm cảnh nhiều thay hình lạ.

C.356:

Đo gian đong thiếu, Thánh Thần chẳng kiêng.

■ Ngày 29-8-1925, Thập Điện Minh Vương giáng cơ cho kinh tiếp từ Câu 357 đến Câu 376:

C.357:

Bầy chó dữ mang xiềng chạy đại.

C.376:

Vì chưng hung bạo đốt nhà bắn săn.

■ Ngày 1-9-1925, Đức Lữ Tổ giáng cơ cho tiếp từ Câu 377 đến Câu 392:

C.377:

Có cọp dữ nhăn răng đưa vấu.

C.392:

Lâu mau nặng nhẹ chịu mang tội nầy.

■ Ngày 21-9-1925, Đức Alfred Aya giáng cho tiếp Kinh Sám Hối từ Câu 393 đến Câu 424:

C.393:

Ao rộng sâu chứa đầy giòi tửa.

C.424:

Bày ra thuộc độc phá thai tuyệt loài.

■ Ngày 21-10-1925, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cho tiếp từ Câu 425 đến 440:

C.425:

Người ở thế mấy ai khỏi lỗi.

C.440:

E không hiểu thấu diễn ra ích gì.

■ Ngày thứ bảy 21-11-1925 (âl 6-10-Ất Sửu), Đức Vân Trung Tử giáng cơ cho 4 câu chót, dứt Kinh Sám Hối:

C.441:

Chớ buông tiếng thị phi khinh dể,

Ráng làm lành phước để cháu con.

Làm người nhơn nghĩa giữ tròn,

C.444:

Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa.

Ngay sau khi hết Kinh Sám Hối, Đức Đông Phương Lão Tổ (một biệt hiệu của Đức Thái Thượng Lão Quân) giáng cơ tiếp cho Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối. Ấy là trọn vẹn.

Tính từ ngày khởi cho Kinh Sám Hối (19-4-1925) cho đến ngày cho dứt Kinh Sám Hối (21-11-1925), chúng ta thấy thời gian kéo dài hơn 7 tháng.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

SAN

San định

刪定

A: To correct and fix.

P: Corriger et fixer.

San: dọn cho gọn lại, lọc bỏ phần dư thừa. Định: sắp đặt.

San định là dọn lại cho gọn và định lại cho đúng.

San định Ngũ Kinh: Ngũ Kinh đã có trước đời Đức Khổng Tử, nhưng còn rườm rà và lộn xộn. Đức Khổng Tử mới nghiên cứu Ngũ Kinh, đem ra dọn lại cho gọn, bỏ bớt chỗ thừa và trùng lặp, sắp đặt lại cho có thứ tự, giảng thêm chỗ tối nghĩa.

Nhờ Đức Khổng Tử san định Ngũ Kinh mà bộ Ngũ Kinh trở nên dễ học và được truyền lại đến ngày nay.

Ngũ Kinh mà Đức Khổng Tử san định là: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc và Kinh Dịch.

 

SẢN

Sản nghiệp

產業

A: The goods.

P: Les biens.

Sản: của cải. Nghiệp: tài sản, ruộng đất, nhà cửa.

Sản nghiệp là chỉ chung tài sản, nhà cửa, ruộng đất của một gia đình được truyền từ đời trước cho đời sau.

 

Sản Tất Viên

產漆園

Sản: sanh ra, tạo ra. Tất Viên: hiệu của ông Trang Tử.

Sản Tất Viên là sản xuất ra ông Trang Tử. (Xem tiểu sử nơi chữ Trang Tử, vần Tr)

 

SANG

Sang cả

A: Noble.

P: Noble.

Sang: quí, trái với hèn. Cả: lớn.

Sang cả là sang trọng lắm, quí phái lắm.

KSH: Người sang cả là vì duyên trước.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

SÁNG

SÁNG

SÁNG: Làm ra đầu tiên, xây dựng nên.
Td: Sáng lập, Sáng tạo.

 

Sáng lạn

A: Dazzling.

P: Brillant.

Sáng: tỏ rõ, trái với Tối. Lạn: sáng sủa.

Sáng lạn là rực rỡ, sáng sủa.

Sáng lạn đồng nghĩa: Xán lạn.

TNHT: Một là cho đủ yếng sáng, hai là rọi chơn thần của quí anh chị cho sáng lạn minh mẫn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sáng lập

創立

A: To found.

P: Fonder.

Sáng: Làm ra đầu tiên, xây dựng nên. Lập: dựng nên.

Sáng lập là dựng nên lần đầu tiên.

TNHT: Thiên cơ dĩ định nền đạo sáng lập đặng cứu vớt sanh linh.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sáng tác

創作

A: To create.

P: Créer.

Sáng: Làm ra đầu tiên, xây dựng nên. Tác: làm ra.

Sáng tác là làm ra một tác phẩm văn học hay nghệ thuật.

 

Sáng tạo thuyết

創造說

A: The creationism.

P: Le créationisme.

Sáng: Làm ra đầu tiên, xây dựng nên. Tạo: làm ra. Thuyết: học thuyết.

Sáng tạo là làm ra cái mới lần đầu tiên.

Sáng tạo thuyết là học thuyết về sự sángtạo CKVT và vạn vật.

Theo Sáng tạo thuyết, Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra CKVT và vạn vật, tạo ra con người có linh hồn bất diệt.

Hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều nhìn nhận Sáng tạo thuyết, tức là nhìn nhận có Thượng Đế, như các tôn giáo: Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Bà La Môn, v.v..., chỉ duy có Phật giáo là không nhìn nhận Sáng tạo thuyết, mà lại đưa ra thuyết Thập nhị nhân duyên.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

SANH (SINH)

SANH

SANH: Sanh ra, sống.
Td: Sanh hóa, Sanh linh, Sanh quang.

 

Sanh biến

生變

A: To transform and create. 

P: Transformer et créer.

Sanh: Sanh ra, sống. Biến: thay đổi.

Sanh biến tức là Biến sanh: Biến hóa sanh ra.

KĐ9C: Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng.

KÐ9C: Kinh Ðệ Cửu cửu.

 

Sanh diệt

生滅

A: To be born and annihilate.

P: Être né et anéantir.

Sanh: Sanh ra, sống. Diệt: tiêu mất.

Sanh diệt là sanh ra và tiêu mất, sanh ra và hủy diệt.

Sanh diệt đồng nghĩa với Sanh tử.

Hễ có sanh ắt phải có diệt, diệt rồi lại được sanh ra với một hình thể khác. Sanh diệt cứ thế luân chuyển trong vòng vật chất nơi cõi trần, nên gọi là luân hồi.

Khi nào không sanh thì đương nhiên không có diệt, như thế là thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

 

Sanh hóa

生化

A: To create.

P: Créer.

Sanh: Sanh ra, sống. Hóa: Trời Đất sanh ra muôn vật.

Sanh hóa là Trời Đất sanh ra CKVT và vạn vật.

KHP:sanh hóa Càn Khôn đào tạo.

KHP: Kinh Hôn Phối.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Sanh khí

生氣

A: Vital breath.

P: Souffle vital.

Sanh: Sanh ra, sống. Khí: chất hơi.

Sanh khí là chất khí nuôi dưỡng sự sống, nên cũng gọi là dưỡng khí. Đó là khí Oxygène có nhiều trong không khí.

TNHT: Mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sanh ký tử qui

生寄死歸

Sanh: Sanh ra, sống. Ký: gởi. Tử: chết, thác. Qui: trở về.

Sanh ký tử qui là sống gởi thác về.

Đây là quan niệm về triết lý nhân sinh rất phổ biến ở Á Đông, cho rằng đời sống của con người nơi cõi trần chỉ là một giai đoạn ngắn tạm thời trong suốt một cuộc sống bất tận thiệt thọ của con người nơi cõi TLHS. Con người đầu kiếp xuống cõi trần chỉ tạm trong thời gian nhiều lắm là trăm năm để công tác hoặc học hỏi thêm và tiến hóa.

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Sanh linh

生靈

A: Living beings.

P: Êtres vivants.

Sanh: Sanh ra, sống. Linh: linh hồn.

Sanh linh là tất cả những linh hồn đang sống nơi cõi trần, tức là những người đang sống nơi cõi trần.

Sanh linh đồ thán: dân chúng lầm than khổ sở.

TNHT: Sanh linh độ dẫn hưởng ân Thiên.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sanh ly tử biệt

生離死別

A: Separation in life and separation in death.

P: Séparation du vivant et séparation de la mort.

Sanh: Sanh ra, sống. Ly: chia lìa. Tử: chết. Biệt: xa cách.

Sanh ly tử biệt là sống mà chia lìa nhau, chết là xa cách vĩnh viễn. Đó là hai cảnh đau khổ của con người nơi cõi trần.

TNHT: Sự thác vô tình sẽ đến mà vẽ cuộc sanh ly pha màu tử biệt.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sanh nhai

生涯

A: The mean of existence.

P: Le moyen de l' existence.

Sanh: Sanh ra, sống. Nhai: cái bờ nước.

Sanh nhai là phương cách để kiếm sống.

Sách Trang Tử có câu: Ngô sinh giả hữu nhai. Nghĩa là: đời sống của ta có bờ, ý nói: đời sống của con người có giới hạn, không thể trường sanh bất tử được. Nhưng về sau, người ta dùng chữ Sinh nhai để chỉ việc mưu sinh.

 

Sanh phần

生墳

A: Pre-death tomb.

P: Tombeau fait du vivant.

Sanh: Sanh ra, sống. Phần: cái mộ, cái mả.

Sanh phần là cái mộ làm sẵn, dành cho người già đang còn sống.

Sanh phần đồng nghĩa: Sanh khoáng.

 

Sanh quang

生光

A: The vital fluid.

P: Le fluide vital.

Sanh: Sanh ra, sống. Quang: ánh sáng, nguồn năng lượng.

Sanh quang là nguồn năng lượng để nuôi dưỡng sự sống.

■ Nơi cõi trần, sanh quang là ánh sáng mặt Trời và khí Oxygène (dưỡng khí). Dưỡng khí có nhiều trong không khí.

Các sinh vật phải hít thở không khí để hấp thụ dưỡng khí thì mới sống được.

Còn ánh sáng mặt trời là để sưởi ấm địa cầu và tạo ra các phản ứng sinh học trong cơ thể sinh vật.

■ Nơi cõi thiêng liêng, khí sanh quang là năng lượng phát ra từ Thái Cực. Các chơn thần nhờ hấp thụ năng lượng nầy mà hằng sống nơi cõi thiêng liêng. Đức Phật Mẫu trụ khí sanh quang làm thành những quả Đào tiên để ban thưởng cho các chơn linh đắc đạo trở về. Ai hưởng được quả đào tiên thì sẽ hằng sống và hình vóc trở nên rất xinh đẹp.

Khí Sanh quang còn được gọi là: Khí Thái Cực, Hỗn nguơn khí, Thoại khí.

Phía sau ngai Hộ Pháp nơi Tòa Thánh, Đức Lý Giáo Tông có vẽ bùa chữ KHÍ, là để chỉ khí sanh quang. Vạn vật nhờ khí sanh quang mà sống và tiến hóa.

 

Sanh sanh hóa hóa

生生化化

A: To create and to multiply.

P: Créer et multiplier.

Sanh: Sanh ra, sống. Hóa: Trời Đất tạo hóa ra vạn vật. Sanh sanh là sống và sanh sản thêm ra. Hóa hóa là Trời Đất tạo hóa thêm ra mãi.

Sanh sanh hóa hóa là Trời Đất tạo hóa ra vạn vật. Vạn vật sống và sanh sản thêm ra càng lúc càng nhiều.

Sanh sanh là phận: bổn phận là sống và sanh sản thêm ra.

KTT: Sanh sanh là phận, hiền hiền là công.

KTT: Kinh Tắm Thánh.

 

Sanh sự sự sanh

生事事生

Sanh: Sanh ra, sống. Sự: việc. Sanh sự: gây ra việc rắc rối.

Sanh sự sự sanh là gây ra việc rắc rối cho người thì người ta sẽ gây việc rắc rối lại cho mình.

Sanh sự là Nhân, sự sanh là Quả. Mình không muốn gặp rắc rối thì đừng gây rắc rối cho ai cả. Đó là: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.

Sanh sự sự sanh hà nhựt liễu?

Hại nhơn nhơn hại kỷ thời hưu?

Nghĩa là:

Sanh việc việc sanh, ngày nào mới xong?

Hại người người hại, mấy thuở mới thôi?

 

Sanh tiền

生前

A: In the life time.

P: De son vivant.

Sanh: Sanh ra, sống. Tiền: trước.

Sanh tiền là buổi trước lúc người đó còn sống.

Sanh tiền đồng nghĩa: Sanh thời.

TNHT: Nếu buổi sanh tiền, dầu cho một kẻ phàm tục....

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Sanh tử bất kỳ

生死不期

A: The birth and death come unexpectedly.

P: La naissance et la mort arrivent inopinément.

Sanh: Sanh ra, sống. Tử: chết. Bất: không. Kỳ: hẹn, hạn định.

Sanh tử bất kỳ là sự sanh ra và sự chết của con người không thể kỳ hẹn được.

Ngày sanh và ngày tử đều do Trời định đoạt, chớ con người không thể tự định đoạt cho mình được. Không thể nói: Hôm nay ngày xấu lắm, đừng có đẻ, chờ ngày mốt đại lợi hãy sanh cho đứa bé ngày sau sẽ giàu có sung sướng!

 

SÁNH

Sánh tài (Sính tài)

逞才

Sánh: Sính: mặc sức làm, thích ý. Tài: tài năng.

Sánh tài hay Sính tài là mặc sức trổ tài làm việc.

PMCK: Càn khôn tạo hóa sánh tài.

Đức Phật Mẫu mặc sức trổ tài tạo hóa ra CKVT và vạn vật, vì Đức Chí Tôn đã giao quyền tạo hóa cho Đức Phật Mẫu.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

 

SÀO

Sào Phủ - Hứa Do

巢父 - 許由

Sào Phủ và Hứa Do là hai ẩn sĩ nổi tiếng thanh bạch vào thời vua Nghiêu nước Tàu.

Vua Nghiêu là vị vua hiền đức, sanh được 9 người con trai và 2 con gái, nhưng 9 người con trai nầy không có ai hiền đức như Ngài, nên Ngài không dám truyền ngôi cho con, mà muốn đi tìm người hiền để truyền ngôi vua.

Vua Nghiêu giả trang thường dân, đi đến chơn núi Trung Nhạc, phía Nam sông Dịch Thủy, thấy một người đang cầm cái bầu nhỏ múc nước dưới khe. Đó là Hứa Do. Vua Nghiêu hỏi:

- Ngươi làm gì đó vậy?

Hứa Do cười rằng:

- Tôi ngán cuộc đời, không ham danh lợi, lánh mình một cõi, vui thú thanh nhàn, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, giữ mình trong sạch cho mãn kiếp thì thôi.

Vua Nghiêu nghe nói thì mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng: Người nầy hiền đức, không tham phú quí, chẳng chác thị phi, đáng được truyền ngôi, chắc là trị nước thái bình.

Nghĩ vậy rồi, vua Nghiêu nói rằng:

- Ta đây thiệt là vua Nghiêu giả dân mà đi tìm người hiền đức, đến đây mới gặp, xin mời hiền sĩ về trào để ta truyền ngôi cho mà trị vì thiên hạ cho an ổn thái bình.

Hứa Do nghe vua Nghiêu nói thế, lòng thiệt khó ưa, vì mình chỉ muốn thanh nhàn mà vua Nghiêu đem buộc vào danh lợi, lòng đã cương quyết, liền đập bể cái bầu nước và đáp rằng:

- Con chim tiêu liêu làm ổ không quá một nhánh cây, con yến thử uống nước dòng sông chẳng quá đầy bụng. Kẻ quê mùa nầy đã quen cảnh thanh nhàn, cách sống riêng biệt, Bệ hạ muốn nhường ngôi cho cũng vô ích.

Hứa Do nói xong, liền bịt chặt hai lỗ tai, chạy riết xuống bờ sông Dịch Thủy, khoát nước sông rửa lỗ tai lia lịa.

Vừa đâu Sào Phủ dắt trâu đến đó, thấy Hứa Do liền nói:

- Anh rửa lỗ tai mau mau rồi bước lên cho trống chỗ để tôi dắt trâu xuống uống nước.

Hứa Do không đáp lại, cứ rửa tai hoài. Sào Phủ hỏi:

- Lỗ tai anh dơ lắm sao mà rửa hoài không sạch?

- Hồi nãy gặp vua Nghiêu, kêu tôi về triều truyền ngôi cho tôi. Tôi nghe điều danh lợi dơ bẩn cả hai lỗ tai, nay xuống đây rửa nãy giờ đã lâu, nhưng tiếng ấy vẫn còn văng vẳng trong tai, tôi rán rửa thêm cho hết, trễ việc trâu của anh uống nước.

- Anh đã làm gì để cho vua Nghiêu biết anh là người hiền đức mà muốn truyền ngôi cho anh? Nếu người ta biết anh hiền đức, tức là anh đã muốn cho người ta biết anh như thế, chắc chắn hơn nữa là tại anh tỏ cho người ta biết anh là hiền đức. Nếu anh đừng tỏ cho người ta biết anh là hiền đức thì ai biết anh mà truyền ngôi cho, cần chi phải rửa tai.

Sào Phủ nói xong, liền dắt trâu lên phía trên dòng nước chảy rồi mới cho trâu xuống uống nước.

Hứa Do lấy làm kỳ, hỏi:

- Sao anh không cho trâu uống nước tại bến nầy mà lại dắt trâu đi đâu vậy cho mất công?

- Đồ dơ trong tai anh rửa ra, uống dơ miệng trâu của tôi, nên tôi phải dắt trâu lên phía trên dòng nước.

Theo lời người ta kể lại thì hiện nay trên núi Cơ Sơn, ở huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam, còn ngôi mộ của Hứa Do. Ở chân núi ấy có gò Khiên Ngưu Khư (Gò đất trâu). Ở bên bờ sông Dĩnh thủy có một dòng suối tên là Độc Tuyền (Suối trâu uống), trên một hòn đá có vết chơn trâu. Đó là nơi mà khi xưa Sào Phủ dắt trâu đến đó uống nước.

Qua câu chuyện Sào Phủ - Hứa Do, chúng ta nhận thấy hai vị ấy là bậc danh sĩ chê bai danh lợi là gông cùm ràng buộc con người, nên quyết chí lánh vòng danh lợi, tìm chỗ thanh nhàn, thoát vòng phiền não mà trau tâm luyện tánh.

TNHT:

Sánh vai Sào Phủ ẩn danh xưa,

Vì nẻo lợi danh cũng đã thừa.

Chung quanh bao lơn trước Tòa Thánh Tây Ninh có đắp 8 khuôn hình, trong đó có một khuôn hình đắp sự tích Sào Phủ - Hứa Do để tượng trưng chữ MỤC là chăn nuôi súc vật.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

SÁO

Sáo ngữ

套語

A: Conventional phrase.

P: Le cliché.

Sáo: bắt chước, theo khuôn mẫu sẵn có. Ngữ: lời nói.

Sáo ngữ là lời nói hay câu văn rập theo khuôn mẫu cũ làm cho người nghe hay người đọc nhàm chán, vì được dùng đi dùng lại nhiều lần.

 

SÁT

SÁT

1.    SÁT: Giết chết.
Td: Sát mạng, Sát sanh.

2.    SÁT: Xét, quan sát.
Td: Sát ngôn quan sắc.

 

Sát mạng

殺命

A: To assassinate.

P: Assassiner.

Sát: Giết chết. Mạng: Mệnh: mạng sống.

Sát mạng là giết chết mạng sống.

KĐRĐ: Gót chơn đưa rủi như sát mạng.

KÐRÐ: Kinh đi ra đường.

 

Sát ngôn quan sắc

察言觀色

Sát: Xét, quan sát. Ngôn: lời nói. Quan: xem xét. Sắc: sắc mặt.

Sát ngôn quan sắc là xét lời nói và xem sắc mặt thì có thể biết được tâm ý của người.

 

Sát nhân giả tử

殺人者死

A: Who kills must be killed.

P: Qui tue doit être tué.

Sát: Giết chết. Nhân: người. Giả: ấy là. Tử: chết.

Sát nhân giả tử: Giết người thì phải bị tử hình.

Thường nói: Giết người đền mạng.

 

Sát sanh

殺生

A: To kill the living beings.

P: Tuer les êtres vivants.

Sát: Giết chết. Sanh: sống, sự sống.

Sát sanh là giết chết sự sống.

Sát sanh là giới cấm rất quan trọng, đứng đầu Ngũ giới cấm: Nhứt bất sát sanh. Đức Chí Tôn dạy như sau:

TNHT: Chi chi hữu sanh cũng bởi chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống.Vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy vô cùng tận. Cái sống của cả chúng sanh, Thầy phân phát khắp CKTG, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm. Nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh, không cho biến hóa. Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên sanh hay hóa sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu hay mau, đều định trước. Nếu ai sát mạng sống ấy đều phải chịu quả báo không sai, biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đỗi ấy. Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

CKTG: Càn Khôn Thế giới.

 

Sát thân thành nhân

殺身成仁

Sát: Giết chết.