CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN

 

Danh mục vần Q

QUA

·         Qua

·         Qua điền lý hạ

·         Qua phân

 

QUÁ

·         Quá

·         Quá bất yểm công

·         Quá cố

·         Quá công

·         Quá độ

·         Quá khích

·         Quá khứ vị lai

·         Quá kiều chiết kiều

·         Quá nhi bất cải, thị vị quá hỹ

·         Quá trình

·         Quá vãng

 

QUẢ

·         Quả

·         Quả báo

·         Quả cảm

·         Quả Càn Khôn

·         Quả căn

·         Quả dục

·         Quả duyên

·         Quả kiến thiểu văn

·         Quả kiếp

·         Quả nhân

·         Quả nhiên

·         Quả phẩm

·         Quả phụ

·         Quả phúc

·         Quả tang

·         Quả vị

 

QUÁCH

·         Quách

 

QUÁI

·         Quái

·         Quái đản

·         Quái gở

·         Quái khí

·         Quái kiệt

·         Quái thai

 

QUAN

·         Quan

·         Quan ải

·         Quan Âm Như Lai

·         Quan Âm Các

·         Quan điểm

·         Quan hệ

·         Quan Hôn Tang Tế

·         Quan kiến

·         Quan lại

·         Quan liêu

·         Quan niệm

·         Quan pháp vô thân

·         Quan phu (Xem: Quan quả cô độc)

·         Quan Phương Bá

·         Quan quả cô độc

·         Quan quách

·         Quan sự

·         Quan tài

·         Quan tâm

·         Quan Thánh Đế Quân

·         Quan Thế Âm Bồ Tát

·         Quan Trung

·         Quan trường

·         Quan viên

 

QUÁN

·         Quán

·         Quán chúng

·         Quán cổ tri kim

·         Quán tẩy

·         Quán triệt

·         Quán tưởng

 

QUẢN

·         Quản

·         Quản Châu Đạo - Quản Tộc Đạo

·         Quản Châu Thành Thánh Địa - Quản Phận Đạo

·         Quản lý

·         Quản suất

·         Quản trị

·         Quản Văn phòng

 

QUANG

·         Quang

·         Quang âm

·         Quang lâm

·         Quang minh chánh đại

·         Quang tiền dụ hậu

·         Quang tông diệu tổ

 

QUẢNG

·         Quảng

·         Quảng đại

·         Quảng Hàn Cung

·         Quảng khai

·         Quảng thi đại đức

·         Quảng truyền Đạo Đức

 

QUẠNH

·         Quạnh quẽ

 

QUẠT

·         Quạt nồng ấp lạnh

 

QUÂN

·         Quân

·         Quân Sư Phụ

·         Quân thánh thần trung

·         Quân Thiên nhạc

·         Quân tử - Tiểu nhân

 

QUẦN

·         Quần

·         Quần chơn

·         Quần hồng

·         Quần linh

·         Quần nhi

·         Quần sanh

·         Quần Thánh

·         Quần thoa (Quần xoa)

 

QUẬT

·         Quật hạ

 

QUẾ

·         Quế

·         Quế hòe

·         Quế Hương nội điện

·         Quế thọ

·         Quế tử lan tôn

 

QUI (QUY)

·         Qui

·         Qui căn

·         Qui chánh cải tà

·         Qui cổ

·         Qui củ chuẩn thằng

·         Qui điền

·         Qui điều

·         Qui hồi

·         Qui liễu

·         Qui linh

·         Qui mạng (Qui mệnh)

·         Qui mao

·         Qui mô

·         Qui nguyên phục nhứt

·         Qui nhứt

·         Qui phàm

·         Qui Thiên

·         Qui Thiên lương

·         Qui Thiện - Trường Qui Thiện

·         Qui tịch

·         Qui Tiên

·         Qui ư Cực Lạc

·         Qui vị

·         Qui y

 

QUÍ (QUÝ)

·         Quí

·         Quí danh

·         Quí hóa

·         Quí hồ tinh, bất quí hồ đa

·         Quí mầu

·         Quí nam - Quí nữ

·         Quí nhân phò trợ

·         Quí xuân - Quí thu

 

QUỈ (QUỶ)

·         Quỉ

·         Quỉ Dạ xoa

·         Quỉ hồn - Quỉ nhân

·         Quỉ khí

·         Quỉ ma

·         Quỉ mị

·         Quỉ quái tinh ma

·         Quỉ quyền

·         Quỉ quyệt

·         Quỉ sứ

·         Quỉ tai

·         Quỉ vị

·         Quỉ vô thường

·         Quỉ vương

 

QUỊ (QUỴ)

·         Quị lụy

 

QUỐC

·         Quốc

·         Quốc đạo - Quốc giáo

·         Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách

·         Quốc hồn

·         Quốc mạch

·         Quốc sĩ

·         Quốc sự

·         Quốc thể

·         Quốc túy

·         Quốc tự

 

QUY

·         Quy (Xem: Qui)

 

QUỶ

·         Quỷ (Xem: Quỉ)

 

QUYÊN

·         Quyên sinh

·         Quyên trợ

 

QUYỀN

·         Quyền

·         Quyền biến

·         Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung

·         Quyền huynh thế phụ

·         Quyền năng

·         Quyền Thống Nhứt

·         Quyền Vạn linh

 

QUYẾN

·         Quyến luyến hồng trần

 

QUYẾT

·         Quyết

·         Quyết đoán

·         Quyết nghị

·         Quyết sách vận trù

·         Quyết thắng

 

QUYỆT

·         Quyệt ngữ

 

 

 

 

QUA

QUA

QUA: Dưa, trái dưa, như dưa hấu, dưa leo.
Td: Qua điền lý hạ, Qua phân.

 

Qua điền lý hạ

瓜田李下

Qua: Dưa, trái dưa, như dưa hấu, dưa leo. Điền: ruộng. Lý: cây lý, cây mận. Hạ: dưới. Qua điền: ruộng dưa. Lý hạ: dưới cây lý.

Thành ngữ trên nói đầy đủ là: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan. Nghĩa là: Nơi ruộng dưa thì không nên xỏ giày, dưới cây lý thì không nên sửa nón.

Bởi vì với hai hành động trên, người ta có thể nghi ngờ mình muốn hái trộm dưa nên đi qua ruộng dưa mà làm bộ cúi xuống xỏ giày; hay muốn hái trộm trái lý (mận) mà đứng dưới cây mận làm bộ sửa nón trên đầu.

Sách Nho trong phần Chánh Kỷ, khuyên người quân tử phải cẩn thận về hành vi của mình, không nên để người ta nghi ngờ mình có ý làm điều xấu:

Quân tử phòng vị nhiên, bất xử hàm nghi gian,

Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan,

Thúc tẩu bất thân thọ, trưởng ấu bất tỷ kiên.

Nghĩa là:

Người quân tử nên đề phòng khi chưa xảy ra, không ở trong chỗ hiềm nghi. Nơi ruộng dưa không xỏ giày, dưới cây lý không sửa nón, em chồng (em trai) và chị dâu không chung đụng, già trẻ không sánh vai.

Ý nói: Người quân tử ở trong những hoàn cảnh khó khăn tế nhị thì phải cẩn thận giữ mình, đừng để sanh ra điều nghi ngờ không tốt.

 

Qua phân

瓜分

A: To divide.

P: Diviser.

Qua: Dưa, trái dưa, như dưa hấu, dưa leo. Phân: chia ra.

Qua phân, nghĩa đen là xẻ trái dưa ra nhiều mảnh, ý nói: Chia cắt đất đai làm nhiều phần như xẻ trái dưa trái dưa.

 

QUÁ

QUÁ

QUÁ: - đã qua, trải qua, - vượt khỏi mức bình thường, - lỗi lầm.
Td: Quá cố, Quá độ, Quá công.

 

Quá bất yểm công

過不掩功

Quá: lỗi lầm. Bất: không. Yểm: che đậy.

Quá bất yểm công là cái lỗi không che lấp được cái công, ý nói: Công nhiều lỗi ít.

 

Quá cố

過故

A: Deceased.

P: Décédé.

Quá: đã qua, trải qua. Cố: chết.

Quá cố là đã chết.

Người quá cố là người đã chết.

TĐ ĐPHP: Dường như người quá cố nhắc nhở ta điều gì.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Quá công

過功

A: Fault and merit.

P: Faute et mérite.

Quá: lỗi lầm. Công: nỗi vất vả làm việc, công cán, công quả.

Quá công là tội lỗi và công quả.

Tội lỗi và công quả là hai thứ mà linh hồn người chết mang theo khi thoát xác trở về cõi thiêng liêng, để cây cân công bình thiêng liêng định phân thăng hay đọa.

Nếu công nhiều tội ít thì linh hồn được siêu thăng.

Nếu công và tội bằng nhau thì coi như trắng tay, một kiếp sanh nơi cõi trần không làm được điều gì hữu ích cho linh hồn, nên phải tái kiếp lập công nữa.

Nếu công ít mà tội nhiều thì bị đọa, phải đầu kiếp xuống trần mà đền tội theo Luật Nhân quả.

KSH:

Quá công xem xét đền bồi,

Lành siêu dữ đọa thêm nhồi tội căn.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Quá độ

Có hai trường hợp:

* Trường hợp 1: Quá độ

過度

A: Exaggerated.

P: Exagéré.

Quá: vượt khỏi mức bình thường. Độ: chừng mực.

Quá độ là vượt qua mức bình thường, quá chừng mực.

Quá độ đồng nghĩa Quá đáng.

* Trường hợp 2: Quá độ

過渡

A: Transition.

P: Transition.

Quá: đã qua, trải qua. Độ: đưa qua sông.

Quá độ nghĩa đen là thuyền đưa qua sông. Ý nói: Giữa chừng của sự thay đổi từ trạng thái cũ chuyển sang trạng thái mới, như lúc thuyền qua sông, rời bến cũ đến bến mới.

Thời kỳ quá độ là khoảng giữa, từ thời kỳ cũ sang thời kỳ mới, tức là buổi giao thời giữa thời kỳ cũ và thời kỳ mới.

 

Quá khích

Có hai trường hợp:

* Trường hợp 1: Quá khích

過隙

Quá: đã qua, trải qua. Khích: khe hở trên vách.

Quá khích là đi qua khe hở, chỉ thời gian rất nhanh.

Bạch câu quá khích: ngựa trắng đi qua khe cửa, ý nói một khoảng thời gian rất ngắn, hay thời gian đi qua rất mau.

* Trường hợp 2: Quá khích

過激

A: Extremist.

P: Extrémiste.

Quá: vượt khỏi mức bình thường. Khích: cũng đọc là Kích: nước vọt lên.

Quá khích là mạnh mẽ và quyết liệt quá mức thường, nghiêng hẳn về phía cực đoan.

 

Quá khứ vị lai

過去未來

A: Past and future.

P: Le passé et le futur.

Quá: đã qua, trải qua. Khứ: đi. Vị: chưa. Lai: tới.

Quá khứ là đã đi qua, chỉ thời gian đã qua.

Vị lai là chưa đến, chỉ thời gian sắp tới.

 

Quá kiều chiết kiều

過橋折橋

Quá: đã qua, trải qua. Kiều: cây cầu. Chiết: bẻ gãy.

Quá kiều chiết kiều là qua cầu rồi phá gãy cầu.

Ý nói: Khi mình đã tiến lên được rồi thì sanh lòng ích kỷ, không muốn cho kẻ khác tiến lên như mình.

Thành ngữ nầy đồng nghĩa: Qua cầu rút ván, Qua sông phá thuyền.

 

Quá nhi bất cải, thị vị quá hỹ

過而不改是謂過矣

Quá: lỗi lầm. Nhi: mà. Cải: sửa. Bất cải: không sửa đổi. Thị: ấy là. Vị: gọi là. Hỹ: vậy.

Quá nhi bất cải: lỗi mà không sửa.

Thị vị quá hỹ: ấy gọi là lỗi vậy.

Cả câu hán văn trên có nghĩa là: Lỗi mà không sửa, ấy gọi là lỗi vậy.

Quá nhi năng cải thiện mạc đại nhiên: Có lỗi mà mà biết sửa thì tốt hơn cả.

 

Quá trình

過程

A: The process.

P: Le chemin parcouru.

Quá: đã qua, trải qua. Trình: đường đi.

Quá trình là con đường đã trải qua. Ý nói: bước diễn tiến của sự việc trong một khoảng thời gian nào đó.

 

Quá vãng

過往

A: To pass away.

P: Trépasser.

Quá: đã qua, trải qua. Vãng: đi qua.

Quá vãng là đã đi qua cõi đời. Ý nói: chết.

ĐLMD: Hạng truy phong công nghiệp, những người đã quá vãng mà có đủ bằng cớ đặng công chúng hoan nghinh.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

QUẢ

QUẢ

1.    QUẢ: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra.
Td: Quả báo, Quả căn, Quả cảm.

2.    QUẢ: Ít, goá chồng.
Td: Quả dục, Quả phụ.

 

Quả báo

果報

A: Retribution.

P: Rétribution.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Báo: đáp lại.

Quả báo là cái kết quả báo đáp lại những việc làm thiện hay ác của mình lúc trước.

Theo Luật Nhân Quả, hễ người làm lành tức là gieo nhân lành, ắt hưởng được quả lành báo đáp lại bằng sự an vui, hạnh phúc, thạnh vượng; còn người làm ác tức là gieo nhân ác, ắt phải chịu cái quả ác báo đáp lại bằng sự khổ não, tai ương.

Luật Nhân Quả là một sự thực hiển nhiên, không ai có thể chối cãi được, tượng trưng cho sự công bình tuyệt đối của Thượng Đế.

Câu thường nói về Luật Nhân Quả: Chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu. Nghĩa là: Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Đó là một chơn lý.

Nếu quả báo xảy ra trong một thời gian ngắn, mọi người thấy rõ trước mắt thì gọi là: Quả báo nhãn tiền hay Tốc báo.

Nếu quả báo xảy ra trong một kiếp thì gọi là Hiện báo.

Nếu quả báo xảy ra trong kiếp sau thì gọi là Sanh báo.

Nếu quả báo xảy ra trong nhiều kiếp sau gọi là Hậu báo.

 

Quả cảm

果敢

A: Audacious.

P: Audacieux.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Cảm: không sợ gì hết.

Quả cảm là quyết chắc không sợ gì hết, quyết chí tiến hành công việc không sợ khó khăn.

 

Quả Càn Khôn

果乾坤

A: The heavenly globe.

P: Le globe céleste.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Càn Khôn: Trời Đất, CKVT.

Quả Càn Khôn là trái Càn Khôn tượng trưng CKVT của Đức Chí Tôn, được thờ nơi BQĐ. (Xem chữ: Càn Khôn, vần C)

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

BQÐ: Bát Quái Ðài.

 

Quả căn

果根

A: The consequences of the actions in the previous life.

P: Les conséquences des actions dans l'existence antérieure.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Căn: rễ cây, gốc rễ.

Quả căn là cái kết quả tốt hay xấu của kiếp sống hiện tại là do cái gốc rễ từ kiếp trước. Cái gốc rễ ấy chính là những việc làm thiện hay ác trong kiếp sống trước.

Nếu kiếp hiện tại gặp nhiều hoạn nạn tai ương là do cái gốc rễ không lành (xấu), tức là cái căn xưa không lành.

PMCK: Vô siêu đọa quả căn hữu pháp.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Quả dục

寡慾

A: To have few desires.

P: Désirer peu.

Quả: Ít, goá chồng. Dục: ham muốn.

Quả dục là ít ham muốn, tức là kềm giữ lòng ham muốn không cho buông lung.

Sách Minh Tâm Bửu Giám:

Cảnh Hành Lục vân:

Quả ngôn tắc tỉnh báng, quả dục tắc bảo thân,

Bảo thân giả quả dục, bảo thân giả tị danh,

Vô dục dị, vô danh nan,

Vụ danh giả sát kỷ thân, đa tài giả sát kỳ hậu.

Nghĩa là:

Sách Cảnh Hành Lục rằng:

Ít nói thì bớt kẻ chê bai, ít muốn thì giữ được mình,

Giữ mình ấy là ít lòng dục, giữ mình ấy là lánh tiếng,

Không lòng dục thì dễ, không danh tiếng thì khó,

Ham danh ấy là tự giết mình, nhiều của cải ấy là giết chết đời sau (con cháu).

 

Quả duyên

果緣

A: The divine position.

P: La position divine.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Duyên: sức bổ trợ cho cái Nhân thành Quả.

Quả duyên là cái kết quả do sự tu hành tạo ra. Đó là ngôi vị nơi cõi thiêng liêng.

KĐLC: Chơn linh an ngự cho vừa quả duyên.

KÐLC: Kinh đưa linh cửu.

 

Quả kiến thiểu văn

寡見少聞

Quả: Ít, goá chồng. Kiến: thấy. Thiểu: ít. Văn: nghe.

Kiến văn là những điều nghe thấy, tức là sự hiểu biết.

Quả kiến thiểu văn là ít thấy ít nghe, chỉ người dốt nát, kiến thức ít ỏi.

 

Quả kiếp

果劫

A: The results of the previous life.

P: Les résultats de la vie antérieure.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Kiếp: một kiếp sống.

Quả kiếp: kiếp sống hiện tại là cái kết quả của kiếp sống trước, tức là những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước báo đáp lại trong kiếp sống nầy.

Quả kiếp nhân duyên: Cái nhân duyên kiếp trước đưa đến quả báo hiện tại.

KTCMĐQL: Dầu căn xưa quả kiếp dường bao.

KTCMÐQL: Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu.

 

Quả nhân

Có hai trường hợp:

* Trường hợp 1: Quả nhân

果因

A: Cause and effect.

P: Cause et effet.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Nhân: nguyên nhân.

Quả nhân tức là Nhân quả, có quả tức có nhân, có nhân thì phải có quả, nhân nào quả nấy; không nhân thì không quả, không quả thì không nhân. (Xem: Nhân quả, vần Nh)

TNHT: Dìu độ quần sanh diệt quả nhân.

* Trường hợp 2: Quả nhân

寡人

Quả: Ít, goá chồng. Nhân: người.

·         Quả nhân là đàn bà góa chồng, đồng nghĩa Quả nữ.

·         Quả nhân là người ít đức, tiếng vua xưng tự khiêm mình.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quả nhiên

果然

A: Evidently.

P: Evidemment.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Nhiên: như thế.

Quả nhiên là thật vậy, đúng như thế.

 

Quả phẩm

果品

A: The fruits.

P: Les fruits.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Phẩm: các thứ, các loại.

Quả phẩm là các thứ trái cây.

 

Quả phụ

寡婦

A: The widow.

P: La veuve.

Quả: Ít, goá chồng. Phụ: người đàn bà.

Quả phụ là người đàn bà có chồng chết (goá chồng).

Thường nói: Cô nhi quả phụ: Trẻ mồ côi và đàn bà góa.

 

Quả phúc

果福

A: The divine position.

P: La position divine.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Phúc: phước đức.

Quả phúc là kết quả của việc làm phước đức. Đó là ngôi vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

KTTg: Ngôi liên đài quả phúc Dà Lam.

KTTg: Kinh Tiểu Tường.

 

Quả tang

果贓

A: Evident proof.

P: Preuve évidente.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Tang: chứng cớ.

Quả tang là bị bắt đang lúc phạm pháp.

 

Quả vị

果位

A: The divine position.

P: La position divine.

Quả: Trái cây, kết quả, hẳn, chắc, thật ra. Vị: ngôi vị, địa vị.

Quả vị là ngôi vị thành tựu hay kết quả thành tựu được của người tu hành. Đó là ngôi vị Thánh, Tiên, Phật nơi cõi thiêng liêng.

 

QUÁCH

QUÁCH

QUÁCH:

■ Quách, thuở xưa có nghĩa là: cái áo quan bọc bên ngoài cái quan tài. Thường nói: Trong quan ngoài quách.

Đây là trường hợp nhà giàu hay nhà quan quyền, bọc xác người chết hai lớp: bên trong là quan tài, bên ngoài là quách. Ngày nay, người ta không còn dùng cách nầy nữa.

■ Nghĩa thường dùng ngày nay là: Quách là cái áo quan nhỏ dùng để liệm xác con nít chết, hay cái áo quan nhỏ dùng để đựng cốt người chết khi lấy cốt cải táng lại hay đem thiêu.

 

QUÁI

QUÁI

QUÁI: Lạ lùng kỳ dị, yêu quái, rất lắm.
Td: Quái gở, Quái khí, Quái kiệt.

 

Quái đản

怪誕

A: Fantastic.

P: Fantastique.

Quái: Lạ lùng kỳ dị, yêu quái, rất lắm. Đản: bịa chuyện ra, to lớn.

Quái đản là kỳ lạ, không thường thấy.

 

Quái gở

A: Monstruous.

P: Monstrueux.

Quái: Lạ lùng kỳ dị, yêu quái, rất lắm. Gở: xấu, điềm chẳng lành.

Quái gở là kỳ quặc lạ lùng, không tốt.

 

Quái khí

怪氣

A: Foul air.

P: Air vicié.

Quái: Lạ lùng kỳ dị, yêu quái, rất lắm. Khí: chất hơi.

Quái khí là khí độc, khí ô trược.

Quái khí đồng nghĩa: Tà khí, Trược khí.

KĐ4C: Trừ quái khí roi thần chớp nhoáng.

KÐ4C: Kinh Ðệ Tứ cửu.

 

Quái kiệt

怪傑

A: Extraordinary man.

P: Homme extraordinaire.

Quái: Lạ lùng kỳ dị, yêu quái, rất lắm. Kiệt: tài giỏi hơn người.

Quái kiệt là người tài trí lạ lùng.

 

Quái thai

怪胎

A: Monster.

P: Monstre.

Quái: Lạ lùng kỳ dị, yêu quái, rất lắm. Thai: cái thai trong bụng mẹ.

Quái thai là cái thai kỳ lạ, thí dụ như có hai đầu, hay thai không giống hình người.

Quái thai còn chỉ người quái gở, sự vật kỳ quặc.

 

QUAN

QUAN

1.    QUAN: Chức quan, của công.
Td: Quan lại, Quan liêu.

2.    QUAN: Cửa ải, then cửa, đóng, quan hệ, họ.
Td: Quan ải, Quan hệ, Quan tâm.

3.    QUAN: Nhìn xem, hình tượng đã xem, ý thức.
Td: Quan điểm, Quan kiến.

4.    QUAN: Cái mũ (nón), lễ đội mũ.
Td: Quan Hôn Tang Tế.

5.    QUAN: Cái hòm để liệm xác chết.
Td: Quan tài.

6.    QUAN: Người đàn ông góa vợ.
Td: Quan phu, Quan quả cô độc.

 

Quan ải

關隘

A: Frontier post.

P: Poste frontière.

Quan: Cửa ải, then cửa, đóng, quan hệ, họ. Ải: nơi hiểm trở.

Quan ải là nơi hiểm yếu tại biên giới, có đường thông vào nội địa.

TNHT: Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên phải đi ngang qua đó.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quan Âm Như Lai

觀音如來

Quan: Nhìn xem, hình tượng đã xem, ý thức. Âm: tiếng nói, âm thanh. Như Lai: Phật.

Quan Âm Như Lai, cũng gọi là Quan Thế Âm Bồ Tát, là vị Nữ Phật, nhưng mang danh hiệu Bồ Tát, nghe biết được tiếng kêu cứu của nhơn sanh nơi cõi trần để hiện thân đến cứu giúp.

Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài đảm nhiệm chức vụ Nhị Trấn Oai Nghiêm, thay mặt Đức Phật Thích Ca cầm quyền Phật giáo. (Xem chi tiết: Quan Thế Âm Bồ Tát)

 

Quan Âm Các

觀音閣

Quan Âm: Quan Âm Bồ Tát. Các: cái gác.

Quan Âm Các là cái gác để thờ Đức Quan Âm Bồ Tát.

 

Quan điểm

觀點

A: The point of view.

P: Le point de vue.

Quan: Nhìn xem, hình tượng đã xem, ý thức. Điểm: xét nét, chỗ đứng.

Quan điểm là chỗ người ta đứng để quan sát sự vật, giải quyết các vấn đề theo cái nhìn từ vị trí của mình.

Quan điểm của nhà tu hành thường khác với quan điểm của người đời, bởi vì một đằng thì phế đời, một đằng thì vì đời.

 

Quan hệ

關係

Quan: Cửa ải, then cửa, đóng, quan hệ, họ. Hệ: liên hệ, buộc vào nhau.

·         Quan hệ là có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau.

·         Quan hệ là quan trọng.

TNHT: Mặc dầu lời thỉnh nguyện có quan hệ cách mấy đi nữa cũng không đặng.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quan Hôn Tang Tế

冠婚喪祭

Quan: Cái mũ (nón), lễ đội mũ. Lễ đội mũ cho con trai khi lớn lên vừa tròn 20 tuổi, gọi là Lễ Gia Quan, theo cổ tục của người Tàu, và người Việt Nam ta thời xưa cũng bắt chước theo, ngày nay đã bỏ.

Do đó, chữ Quan trong trường hợp nầy để chỉ phép tắc cư xử giữa những người trong họ và trong xã hội.

Hôn: việc hôn nhân, tức là việc cưới vợ cho con trai hay việc gả chồng cho con gái khi đến tuổi trưởng thành.

Tang: việc để tang, cúng tế và chôn cất người chết.

Tế: việc tế lễ, tổ chức cúng tế Trời Đất và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Đình, Miếu, Chùa, Thất.

CG PCT: Quan, Hôn, Tang, Tế là điều cần nhứt của kiếp sống đời người.

CG PCT: Chú Giải Pháp Chánh Truyền.

 

Quan kiến

觀見

A: To observe.

P: Observer.

Quan: Nhìn xem, hình tượng đã xem, ý thức. Kiến: thấy.

Quan kiến là quan sát nhìn thấy.

TNHT: Em an dạ, từ đây đã quan kiến sự kết cuộc của Chí Tôn đã định trước. (Em: Bát Nương nói với Đức Hộ Pháp)

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quan lại

官吏

A: Mandarins.

P: Mandarins.

Quan: Chức quan, của công. Lại: người làm việc công, chức quan nhỏ ở văn phòng.

Quan lại là chỉ chung những người có chức vụ trong các cơ quan công quyền.

KSH: Tớ phản thầy, quan lại bất trung.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Quan liêu

官僚

A: Bureaucratic, Authoritative attitude.

P: Bureaucratique, L'attitude autoritaire.

Quan: Chức quan, của công. Liêu: bạn bè cùng làm quan với nhau.

Quan liêu thường được dùng theo nghĩa: Có thái độ hống hách, kênh kiệu đối với dân chúng, cho rằng ta đây là người quan trọng mà dân chúng phải cầu cạnh hay xin xỏ.

 

Quan niệm

觀念

A: Conception.

P: Conception.

Quan: Nhìn xem, hình tượng đã xem, ý thức. Niệm: nghĩ nhớ.

Quan niệm là nhận thức của mình về một vấn đề hay về một hệ thống gồm nhiều ý tưởng liên quan đến một vấn đề.

 

Quan pháp vô thân

官法無親

Quan: Chức quan, của công. Pháp: pháp luật. Thân: thân thích, gần gũi.

Quan pháp là pháp luật của nhà nước đặt ra mà các quan có nhiệm vụ thi hành.

Quan pháp vô thân là pháp luật của nhà nước không thân thiết với ai cả, cứ giữ mực công bình mà làm việc, không thiên vị những người thân yêu của mình như cha mẹ hay vợ con.

Thành ngữ trên còn nói: Quan pháp bất vị thân.

 

Quan phu

 (Xem: Quan quả cô độc)

 

Quan Phương Bá

Quan Phương Bá là người thuộc thời nhà Châu bên Tàu, có chí thương đời trọng Đạo, lại đầy lòng nghĩa hiệp, lấy sự hiền đức dạy dỗ dân chúng, lấy nhân nghĩa đối đãi cùng mọi người. Ông thường mang bầu quảy gậy đi khắp đó đây, tận các nơi thôn quê hẻo lánh để thi ân bố đức và giáo hóa dân chúng; không giống như các quan lại địa phương, dùng quyền uy thế lực để hiếp bức dân chúng và hà lạm của dân.

Đàn cơ tại Phạm Nghiệp ngày 28-12-Ất Hợi (dl 22-1-1936), Phò loan: Đức Hộ Pháp - Tiếp Thế, Ngài Phối Thánh Phạm Văn Màng giáng cơ khuyên các bạn trong Phạm Môn, có câu:

"Em chỉ để lời căn dặn mấy anh nhớ lời Sư phụ dặn rằng: Dầu chi chi cũng làm Quan Phương Bá cho nhà Châu mà thôi, chớ đừng làm quan nha cho thế sự đa nghe."

Làm Quan Phương Bá nhà Châu thì không cần chức tước, cứ đi hành thiện khắp nơi tự do thoải mái; còn làm quan nha thì có áo mão, phẩm tước, nên bị buộc ràng vào chốn danh lợi quyền, với lòng tham dục sẵn có của mỗi người nên dễ gây ra tội tình oan nghiệt.

Trong Đạo Luật năm Mậu Dần, phần Phổ Tế, qui định về Chức sắc Phổ Tế:

"Chư vị Chức sắc lãnh phần Phổ Tế phải kể mình như các vị Quan Phương Bá nhà Châu buổi nọ, nghĩa là mảnh thân gánh nặng nghĩa vụ nơi vai thì phải châu lưu cùng khắp trong chốn thôn quê sằn dã, vào tận nơi nào có lấp loáng bóng người đặng đem chơn lý Đạo mầu thức tỉnh cho thế gian hồi tâm giác ngộ, kẻo một ngày trễ là một ngày hại cho nhơn sanh chưa biết Đạo."

 

Quan quả cô độc

鰥寡孤獨

A: Widower, widow, orphan and heirless.

P: Veuf, veuve, orphelin et sans héritier.

Quan: Người đàn ông góa vợ. Quả: người phụ nữ góa chồng. Cô: con mồ côi. Độc: người già mà không có con truyền kế.

Người đàn ông góa vợ gọi là Quan phu 鰥夫

Người đàn bà góa chồng gọi là Quả phụ 寡婦

Quan, quả, cô, độc là bốn hạng người kém may mắn nhứt trong xã hội, cần được các tổ chức từ thiện của nhà nước hay của tôn giáo quan tâm giúp đỡ về mặt vật chất và an ủi về phương diện tinh thần.

 

Quan quách

棺槨

A: The exterior and interior coffin.

P: Le cercueil extérieur et intérieur.

Quan: Cái hòm để liệm xác chết. Quách: cái hòm lớn bọc bên ngoài quan tài.

Quan quách là cái hòm thuở xưa có hai lớp: trong quan ngoài quách để liệm xác chết của những người mà gia đình giàu có, vì cái quan quách rất mắc tiền so với cái áo quan thường.

Ngày nay, người ta chỉ dùng một lớp áo quan mà thôi, và danh từ Quan quách cũng có nghĩa đổi khác một chút:

■ Quan là cái áo quan để liệm xác người chết.

■ Quách là cái áo quan nhỏ để liệm xác chết của trẻ em, hoặc để lấy cốt người chết đã lâu đem cải táng chỗ khác.

 

Quan sự

官事

A: The lawsuit.

P: Le procès civil.

Quan: Chức quan, của công. Sự: việc.

Quan sự là việc thưa kiện nơi cửa quan.

KCK: Quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu,....

 

Quan tài

棺材

A: The coffin with a dead body in it.

P: Le cercueil renfermant le corps du mort.

Quan: Cái hòm để liệm xác chết. Tài: gỗ để làm đồ vật.

Quan tài là cái hòm trong đó có liệm xác người chết.

Cái quan tài khi được đưa đi chôn thì gọi là Linh cữu.

 

Quan tâm

關心

A: To concern oneself with.

P: S'intéresser à.

Quan: Cửa ải, then cửa, đóng, quan hệ, họ. Tâm: lòng dạ.

Quan tâm là chú ý đến, để tâm đến.

TNHT: Ngày giáng sanh của Chúa Cứu Thế là việc đã có lời sấm tiên tri rồi mà các con không chịu quan tâm đến.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quan Thánh Đế Quân

關聖帝君

Quan Thánh: vị Thánh họ Quan.

Đức Quan Thánh Đế Quân, hay gọi đầy đủ là: Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, là Đệ Tam Trấn Oai Nghiêm, đại diện Đức Khổng Tử, cầm quyền Nho giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Trên tấm diềm trước Bát Quái Đài Tòa Thánh, tượng của Đức QuanThánh Đế Quân với tư thế đang ngồi xem sách Xuân Thu, ở bên dưới tượng của Đức Khổng Tử, gần bìa phía trái thuộc bên Nam phái.

Trên Thánh Tượng Ngũ Chi thờ tại tư gia, hình Đức Quan Thánh Đế Quân ở về phía trái của Thiên Nhãn, dưới hình Đức Khổng Tử. Ngài mặt đỏ, râu đen năm chòm, đầu đội mão có ngù đỏ, tay mặt vuốt râu, tay trái cầm Kinh Xuân Thu.

Ngài có nhiều danh hiệu, xin kể ra sau đây các danh hiệu thường gặp: Quan Công, Quan Thánh, Quan Đế, Nhân Đức Thánh Quân, Phục Ma Đại Đế, Thần Oai Viễn Trấn, Phật Già Lam, Cái Thiên Cổ Phật,....

Ngài giáng trần nơi nước Trung Hoa vào cuối thời nhà Hán, họ Quan, tên Võ (hay Vũ), tự là Thọ Trường, sau đổi lại là Vân Trường, người đất Giải Lương, tỉnh Hà Đông (có sách chép Ngài sinh tại Bồ Châu).

Theo Trung quốc Sử lược, Ngài bị giết chết năm 219 sau Tây lịch, và theo truyện Tam Quốc Chí, Ngài bị Tôn Quyền xử trảm, năm đó là năm Kiến An thứ 24, hưởng được 58 tuổi. Do đó, ta có thể suy ngược ra năm sanh của Đức Quan Thánh là: 219 - 57 = 162 sau Tây lịch.

Vậy, Đức Quan Thánh sanh năm 162 và mất năm 219 sau Tây lịch, hưởng thọ 58 tuổi.

Theo sách Minh Thánh Kinh, thân phụ của Quan Võ là Quan Nghị, tự là Đạo Viễn, ông nội là Quan Thẩm tự là Vân Chi, và ông cố là Quan Long Phùng.

Theo truyện Tam Quốc Chí, Quan Võ đi đến Trác Quận, thì gặp Lưu Bị và Trương Phi. Lưu Bị nhìn Quan Võ thấy Quan Võ mình cao 9 thước, mặt đỏ như thoa son, mắt phượng mày ngài, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm, liền mời nói chuyện để làm quen.

Quan Võ tự giới thiệu: Tôi họ Quan, tên Võ, tự là Vân Trường, người đất Giải Lương, tỉnh Hà Đông. Nhân vì vùng tôi có một tên thổ hào ỷ thế hiếp đáp dân lành, tôi nổi giận giết nó, rồi bỏ đi lánh nạn. Tôi phiêu bạt giang hồ đã hơn 5 năm, nay nghe có giặc Khăn Vàng (Huỳnh Cân) nổi lên quấy nhiễu, nên muốn đầu quân trừ giặc, cứu an bá tánh.

Lưu Bị và Trương Phi cũng đem chí nguyện của mình tỏ bày, thì ba người rất hợp chí hướng, đồng kéo nhau về nhà Trương Phi gần đó. Trương Phi nói:

- Muốn làm nên việc lớn, cốt phải hiệp sức đồng tâm. Sau nhà tôi có một Vườn Đào đang tiết nở hoa rất nhiều, ngày mai chúng ta đến đó tế cáo Trời Đất, kết nghĩa làm anh em (Đào viên kết nghĩa).

Lưu Bị (Lưu Huyền Đức) và Quan Võ (Quan Vân Trường) đều cho lời nói của Trương Phi (Trương Dực Đức) là phải. Ngày hôm sau, Trương Phi sai gia nhân mổ trâu đen, ngựa trắng, bày đủ lễ nơi Đào Viên, ba người đứng trước hương án, vái mỗi người hai vái, rồi cùng nhau thề rằng:

"Ba chúng tôi là Lưu Bị, Quan Võ, Trương Phi, tuy khác họ, nhưng kết làm anh em, quyết đồng tâm hiệp lực cứu khổn phò nguy, trên báo đáp quốc gia, dưới giúp yên bá tánh. Chúng tôi không mong được sanh cùng năm cùng tháng cùng ngày, chỉ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Hoàng Thiên Hậu Thổ chứng giám lời thề nầy, ai bội nghĩa có Trời Đất tru diệt."

Thề xong, ba người so tuổi nhau, Lưu Bị lớn tuổi nhứt nên làm anh cả, Vân Trường làm thứ và Trương Phi làm em út.

Trương Phi sai gia nhân bắt trâu dê trong chuồng làm thịt đãi tiệc lớn tại Vườn Đào, tập trung tất cả các tráng sĩ trong vùng đến ăn uống. Các tráng sĩ tề tựu có tới 300 người, vui say một bữa no nê. Hôm sau, mọi người chia nhau đi thu thập khí giới. Mọi việc tạm yên, chỉ hiềm còn thiếu ngựa trận để cỡi.

Trong lúc lo tính, bỗng có người chạy vào báo: Có hai người khách thương cùng đoàn tùy tùng dẫn theo bầy ngựa khá đông đang đi về hướng trang trại nầy.

Lưu Bị nói: Đây là Trời giúp ta.

Ba anh em vội ra khỏi trại. Hai vị khách thương nầy chính là thương gia lớn ở đất Trung Sơn, một người tên là Trương Kế Bình, một người tên là Tô Song, hàng năm thường lên mạn Bắc mua giống ngựa khỏe đem về bán ở Trường An. Nay vì miền nầy có giặc, nên không thể đem ngựa đi được.

Lưu Bị hối dọn tiệc đãi đoàn khách thương, rồi đem ý muốn chống giặc cứu dân của mình ra bày tỏ. Hai vị khách thương vui lòng hiến cho 50 con ngựa khỏe, lại tặng thêm 500 lượng vàng bạc, và 1000 cân thép tốt để rèn binh khí và làm giáp trụ. Khách cáo từ. Lưu Bị tạ ơn, và tiễn chân khách đến mấy dặm đường mới trở về.

Sau đó, Lưu Bị cậy thợ rèn giỏi chế tạo một đôi Song Cổ kiếm; Quan Võ thì một cây đại đao Thanh Long Yển Nguyệt, còn gọi là Lãnh Diệm Cứ nặng 82 cân (Thanh Long là Rồng xanh, Yển nguyệt là trăng khuyết nửa vành), Trương Phi rèn một cây Xà Mâu gọi là Bát Điểm Cương Mâu.

Ai nấy đều trang bị cương giáp, rồi kéo hơn 300 quân dũng sĩ đến ra mắt Thái Thú Lưu Yên. Lưu Yên hỏi danh tánh, ba anh em đều xưng rõ tên họ, riêng Lưu Bị còn nói cho Lưu Yên biết rằng mình là tông phái Hoàng gia. Lưu Yên mừng rỡ, nhận Lưu Bị tức là Lưu Huyền Đức làm cháu.

Vào thành được vài hôm thì có tin quân thám thính về báo: Tướng giặc Khăn Vàng là Trình Viễn Chí thống lãnh 5 vạn quân kéo đến quấy nhiễu Trác Quận.

Lưu Yên liền sai Châu Tỉnh dẫn ba anh em Lưu Bị cùng 300 quân dũng sĩ đi trước phá giặc. Anh em Lưu Bị không hề ngần ngại, lãnh quân đi tiền đạo trực chỉ đến chân núi Đại Hưng, vì vừa thấy quân giặc kéo tới đó.

Lưu Bị thúc ngựa ra trận, bên tả có Quan Võ, bên hữu có Trương Phi yểm hộ. Lưu Bị giơ roi mắng giặc: Đồ phản loạn, đừng hòng múa rối, hãy xuống ngựa đầu hàng cho sớm.

Tướng giặc Khăn Vàng Trình Viễn Chí nổi giận, sai Phó tướng ra đánh. Phó tướng Đặng Mậu vừa xông ra thì Trương Phi thình lình lướt tới, đâm cho một xà mâu trúng ngay ngực, ngã lăn xuống ngựa chết liền.

Thấy Phó tướng của mình chưa ra tay đã bị hại, Trình Viễn Chí liền múa đao xông tới đánh Trương Phi. Quan Võ liền vung đao cản lại. Uy lực của Quan Võ rất mạnh khiến Trình Viễn Chí sợ hãi, trở tay không kịp, bị Quan Võ vớt một đao đứt làm hai đoạn.

Đó là lần đầu tiên ba anh em Lưu Bị, Quan Võ và Trương Phi ra trận chiến thắng vẻ vang.

Nhờ công tham gia dẹp giặc Khăn Vàng, vua Hán Hiến Đế triệu ba anh em vào cung khen thưởng, nhận Lưu Bị là chú họ của vua, và phong chức là Tả Tướng Quân, còn Quan Võ và Trương Phi thì không kể đến. Do đó, nhiều người gọi Lưu Bị là Lưu Hoàng Thúc.

Bấy giờ, nơi triều đình, Đổng Trác chuyên quyền, phế vua Hán Thiếu Đế, lập Trần Lưu Vương lên làm Hán Hiến Đế lúc mới 9 tuổi, Đổng Trác làm Tướng Quốc, nắm hết binh quyền. Các trấn chư Hầu không phục. Tào Tháo nhân cơ hội nầy, phát hịch kêu gọi các trấn chư Hầu đến họp binh tại Đức Châu, bàn việc trừ Đổng Trác. Các chư Hầu đồng tôn Viên Thiệu lên làm Minh Chủ.

Đổng Trác sai một dõng tướng là Hoa Hùng cất quân đánh chư Hầu. Các tướng của chư Hầu không ai đánh lại Hoa Hùng, còn đang lúng túng, thì bỗng có tiếng nói: Kẻ bất tài nầy xin lấy đầu của Hoa Hùng về dâng dưới trướng.

Mọi người nhìn lại thấy người mới nói đó là Quan Võ, em của Lưu Bị, đang đứng hiên ngang chờ lịnh.

Tào Tháo sai quân rót một chén rượu nóng thưởng Quan Võ trước khi lên ngựa ra trận.

Quan Võ nói: Xin cứ rót rượu, tôi sẽ trở về ngay.

Dứt lời, Quan Võ bước ra ngoài, cầm Thanh Long đao phi thân lên ngựa bay ra mặt trận.

Các trấn chư Hầu ngồi trong trướng, nghe bên ngoài trống trận vang rền, quân sĩ hò hét như sấm dậy. Các quan đều lo sợ định cho người ra thám thính xem sao thì bỗng nghe tiếng nhạc ngựa trở về reo lên trước trướng. Quan Võ hiện ra uy phong lẫm liệt, tay cầm thủ cấp Hoa Hùng ném xuống đất, rồi đưa tay cầm lấy chén rượu còn nóng hổi, uống một hơi.

Tào Tháo mừng rỡ vô cùng, liền bàn kế tấn binh.

Đổng Trác hay tin Hoa Hùng tử trận, liền cử đại binh tiếp ứng đánh các chư Hầu, Lữ Bố dẫn binh đi tiên phong nhằm nơi Thái Thú Công Tôn Toản đóng binh khiêu chiến.

Công Tôn Toản buộc phải thúc ngựa ra đánh với Lữ Bố, nhưng chỉ được vài hiệp là Công Tôn Toản đuối sức, sắp nguy đến nơi, Trương Phi thúc ngựa chạy ra tiếp cứu.

Trương Phi cùng Lữ Bố đánh nhau được 50 hiệp vẫn chưa phân thắng bại, Quan Võ liền giục ngựa xông ra tiếp chiến. Lữ Bố vẫn không nao núng, ba người đánh vùi. Lưu Bị nóng lòng múa cặp song cổ kiếm xông ra trợ chiến với hai em. Ba người vây đánh Lữ Bố, xoay tròn như đèn kéo quân.

Lữ Bố biết sức mình không cự nổi ba người nên hoành kích nhắm Lưu Bị đâm một nhát, Lưu Bị né tránh thì Lữ Bố liền giục ngựa Xích thố nhảy vọt khỏi vòng chiến, chạy trở về thành cố thủ.

Cuối cùng Tào Tháo cũng diệt được phe Đổng Trác, Tào Tháo lên làm Thừa Tướng và cũng chuyên quyền y như Đổng Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương, rất bất bình, kéo quân đến chiếm Từ Châu, chống lại Tào Tháo. Lưu Bị sai Quan Võ giữ thành Hạ Bì, Tôn Càng, Giản Ung, My Trúc giữ Từ Châu, còn Lưu Bị và Trương Phi đóng binh ở Tiểu Bái.

Tào Tháo đem binh đánh Tiểu Bái, Lưu Bị thua chạy sang nương náu với Viên Thiệu, Trương Phi chạy lạc đến Cổ Thành, giết chết quan Huyện, thu lấy ấn tín, chiếm đóng thành trì làm chỗ an thân.

Quan Võ ở Hạ Bì cũng chịu thất thủ, bỏ chạy lên đỉnh núi Thổ San đóng binh. Trương Liêu, tướng của Tào Tháo, đến gặp Quan Võ tỏ bày hơn thiệt. Trương Liêu nói:

- Tôi vì cảm nghĩa ngày trước anh cứu tôi, nay tôi đến đây đem tin cho anh rõ: Lưu Bị hiện lưu lạc ở đâu chưa rõ, còn Trương Phi chẳng biết mất còn. Hôm qua, Tào Tháo đã chiếm thành Hạ Bì, dân chúng trong thành đều không bị hại, gia quyến của Lưu Bị được Tào Tháo bảo vệ tử tế.

Quan Võ nổi giận hét lớn:

- Trương Liêu dám đến đây dụ ta hay sao? Ta thà chết chớ không đầu hàng ai cả. Hãy về đi, nếu không ta chém đầu bây giờ.

- Anh nói thế không sợ người ta chê cười anh sao? Tôi vì sợ thiên hạ chê cười anh nên mới đến đây nói cho anh rõ, chớ đâu dám đến dụ hàng.

- Ngươi nói thiên hạ cười ta việc gì?

- Tôi biết anh dũng lực có thừa, song hiện nay thế binh của anh tan vỡ, nếu liều chết thật là có tội.

- Ta bình sanh không chịu nhục, nay ta ra trận quyết sống thác với địch, nay chẳng may thất cơ thì liều chết mà đền nợ nước, sao lại có tội?

- Nếu anh liều chết, anh sẽ phạm 3 tội. Anh thử nghĩ xem, Lưu Bị hiện nay thất lạc, nhưng chí cả chưa đoạt, thế nào cũng cần người nghĩa dũng, nếu sau nầy LưuBị cần đến anh mà không có anh tức là anh có tội thứ nhứt. Lưu Bị lại phó thác gia quyến cho anh mà anh chết rồi thì ai bảo vệ giaquyến ấy, đó là tội thứ nhì. Anh là kẻ võ nghệ siêu quần, há lại không khuông phò nhà Hán để danh muôn thuở, lại liều chết như thế phỏng có ích gì, đó là tội thứ ba.

Quan Võ nghe Trương Liêu phân tách như thế thì dịu xuống, thở dài nói:

- Ngươi nói ta ba tội, vậy ngươi bảo ta bây giờ phải làm thế nào?

- Nay bốn phía đều có binh của Tào Tháo, nếu chống cự cũng không thoát khỏi, chi bằng hãy tạm đầu hàng để nghe ngóng tin tức của Lưu Bị. Nếu người còn ở nơi nào thì anh sẽ đến đó tìm. Như vậy, một là anh bảo vệ được hai vị phu nhân của Lưu Bị, hai là chẳng phụ lời ước thệ ngày xưa, ba là để dành cái thân hữu dụng ngày sau giúp cho nhà Hán. Ba điều ấy, anh nên suy nghĩ.

Quan Võ nói:

- Ngươi nói ba điều ấy, ta lại có ba điều ước: nếu Tào Thừa Tướng bằng lòng khứng chịu, ta sẽ cởi giáp hàng đầu, còn thiếu một điều ta quyết liều chết mà thôi.

Một là ta với Lưu Bị có thề với nhau một lòng giúp nhà Hán, nay ta đầu là đầu Hán Đế chớ không phải đầu Tào.

Hai là xin lấy lương bổng của Lưu Hoàng Thúc cấp cho nhị tẩu của ta, lại không một ai được bén mảng đến chỗ ở của nhị tẩu của ta.

Ba là khi nào hay tin anh ta ở đâu thì ta lập tức đến đó, dù đường xa ngàn dặm.

Trương Liêu ưng chịu trở về ra mắt Tào Tháo và nói rõ ba điều ước của Quan Vân Trường. Tào Thừa Tướng đành chấp nhận vì rất mến nghĩa khí của Quan Võ.

Hôm sau, Tào Tháo truyền lịnh thâu binh về Hứa Xương. Quan Võ thỉnh nhị tẩu lên xe, tự mình đi theo hộ vệ. Khi quân đến trạm dịch, Tào Tháo truyền quân đóng lại nghỉ ngơi, lại truyền Quan Võ ở chung một nhà với nhị tẩu: Cam Phu nhân và My Phu nhân, hai bà vợ của Lưu Bị, tức là hai chị dâu của Quan Võ.

Đêm ấy, Quan Võ cầm đuốc đứng trước cửa nhà suốt đêm để canh cho hai chị dâu an giấc, đồng thời lấy Thanh Long đao chém sạt một góc tường để người ngoài nhìn vào thấy rõ lòng quang minh chánh đại của Quan Võ. Tào Tháo biết được đem lòng kính phục vô cùng.

Tào Tháo dắt Quan Võ vào triều yết kiến vua Hán Hiến Đế, được vua phong cho chức Thiên Tướng Quân.

Quan Võ có bộ râu 5 chòm rất đẹp, được vua khen là Mỹ Nhiêm Công (Mỹ là đẹp, Nhiêm là râu mọc, Công là Ông).

Kể từ đó, Quan Võ và hai chị dâu nương nhờ nơi dinh của Tào Tháo. Tào Tháo hết sức trọng đãi để chiêu dụ Quan Công, ba ngày đãi một tiệc nhỏ, bảy ngày đãi một tiệc lớn, lên ngựa thưởng vàng, xuống ngựa thưởng bạc.

Tào Tháo lại đem ngựa Xích thố bắt được của Lữ Bố tặng cho Quan Công. Quan Công phục xuống lạy tạ ơn. Tào Tháo ngạc nhiên hỏi:

- Ta đã bao phen trao tặng nào mỹ nữ, nào vàng bạc, nào gấm vóc, sao chẳng thấy Vân Trường vui, nay tặng cho con ngựa nầy Vân Trường lại tạ ơn hậu như vậy?

Quan Công nói:

- Tôi biết con ngựa quí nầy ngày đi ngàn dặm. Nay được Thừa Tướng ban ơn, nếu biết anh tôi ở đâu thì tôi có thể đi một ngày là gặp, nên tôi cảm ơn Thừa Tướng rất nhiều.

Tào Tháo nghe nói như vậy thì hối hận, nhưng đành thôi.

Lúc đó Viên Thiệu hưng binh đánh Tào Tháo. Tướng Tiên phuông của Viên Thiệu là Nhan Lương rất tài giỏi, các tướng của Tào Tháo không ai cự nổi. Tào Tháo phải vời Quan Công đến cự địch. Tào Tháo nói:

- Nhan Lương giết luôn hai tướng của ta, chẳng ai dám ra đánh nên phải mời Vân Trường đến đây bàn định.

Quan Công liền nói:

- Tuy tôi bất tài, song cũng xin ra trận lấy đầu Nhan Lương đem về nạp cho Thừa Tướng.

- Giữa chốn ba quân không nên nói đùa.

Quan Công hăng hái nhảy phóc lên ngựa xích thố, chạy bay đến chỗ Nhan Lương, vẹt quân Nhan Lương ra hai bên, thấy Nhan Lương đang đứng dưới cây lọng. Nhan Lương thấy Quan Công vừa muốn hỏi thì ngựa xích thố đã đến trước mặt rồi, Nhan Lương chưa kịp trở tay, bị Quan Công vớt một đao, Nhan Lương ngã lăn xuống ngựa. Quan Công nhảy xuống cắt lấy thủ cấp, rồi phi thân lên yên, vung đao lướt ra khỏi trận. Binh Tướng của Nhan Lương nhốn nháo cả lên, thừa dịp binh Tào tràn sang chém giết tơi bời.

Quan Công phi ngựa đến trước Tào Tháo dâng nạp thủ cấp của Nhan Lương. Tào Tháo hết sức khen ngợi:

- Tướng quân là Thần nhân đó.

Tào Tháo làm biểu tâu với Hán Đế, phong thưởng cho Quan Công làm chức Hán Thọ Đình Hầu, sai đúc ấn ban cho Quan Công.

Sau đó, Viên Thiệu sai Đại Tướng Văn Xủ lên thay cầm quân đánh Tào Tháo.

Tướng Tào là Trương Liêu chống cự không nổi phải bỏ chạy, Quan Công lướt tới, Văn Xủ mắng:

- Mi đã giết Nhan Lương là bạn của ta, lẽ nào ta không trả thù được hay sao?

Nói rồi cầm thương xốc ngựa đến đánh Quan Công. Hai bên cự địch được ba hiệp, Quan Công giục ngựa Xích thố bay đến bất ngờ chém Văn Xủ rơi đầu xuống đất.

Trần Chấn đem tin đến cho Quan Công biết, hiện Lưu Bị đang ở Hà Bắc. Quan Công vào cho hai chị hay để chuẩn bị ra đi tìm Lưu Bị. Quan Công sai gia nhân thu thập hành trang, sửa soạn xe ngựa. Tất cả những thứ gì mà Tào Tháo đã ban cho phải để lại hết, vàng bạc thì niêm phong cất vào kho, còn cái ấn Hớn Thọ Đình Hầu thì buộc treo lơ lửng nơi xà nhà. Quan Công đến dinh Tào Tháo từ biệt, ba lần mà không gặp mặt, liền viết một bức thơ để lại từ tạ Tào Tháo, đại lược như sau:

"Võ nầy tự thiếu thời thờ Lưu Huyền Đức, thề sống chết có nhau, lẽ đâu dám phụ. Trước đây, thành Hạ Bì thất thủ, có ước hẹn với Thừa Tướng ba điều. Nay được biết chủ cũ hiện đang ở nơi Hà Bắc. Hồi tưởng lời thề năm xưa, lòng nầy há dám phụ phàng. Vậy xin dâng thư nầy cáo biệt Thừa Tướng. Còn ơn nào thiếu sót chưa đền, xin đợi ngày mai báo đáp."

Quan Công sai niêm phong kho tàng cẩn mật, rồi mời nhị tẩu lên xe, Quan Công cỡi ngựa Xích thố, cầm Thanh long đao, dẫn vài mươi đứa tùy tùng, nhắm hướng Hà Bắc tiến tới.

Quá Ngũ quan trảm Lục tướng:

. Quan Công đến ải Đông Lĩnh, tướng giữ ải là Khổng Tú không cho qua. Quan Công đành phải giết chết Khổng Tú mới qua ải được.

. Đến ải Lạc Dương, Thái Thú Hàn Phúc và tướng Mạnh Thản ngăn chận, 2 người đều bị chết dưới ngọn Thanh long đao.

. Quan Công tiếp tục bảo hộ hai chị dâu đi đến ải Nghi Thủy. Tướng giữ ải là Biện Hỷ cho quân đao phủ mai phục nơi Trấn Quốc Tự, rồi dụ Quan Công đến nghỉ ở đó. Trong Chùa Trấn Quốc nầy có Đại Sư Phổ Tịnh, người cùng quê với Quan Công, báo cho Quan Công biết âm mưu của Biện Hỷ. Quan Công kịp thời đối phó, giết chết Biện Hỷ, quân đao phủ chạy tán loạn. Quan Công tạ ơn Phổ Tịnh:

- Nếu không nhờ Đại sư, chắc tôi bị hại rồi.

- Bây giờ tôi cũng không thể ở chùa nầy được nữa, phải đi vân du để tránh bè đảng của chúng, xin Tướng quân rán giữ mình, ngày sau chúng ta còn dịp gặp gỡ.

Quan Công từ giã Phổ Tịnh, rồi hộ tống xe của hai chị dâu đi thẳng đến ải Huỳnh Dương.

. Tại ải Huỳnh Dương, quan Thái Thú giữ ải là Vương Thực, sui gia với Hàn Phúc, nên lập kế giết Quan Công trả thù cho Hàn Phúc.

Vương Thực chuẩn bị hỏa công đốt quán dịch, nơi Quan Công và hai chị dâu tạm nghỉ. Nhờ có Hồ Bang báo cho biết, Quan Công vội phò nhị tẩu thoát đi. Vương Thực dẫn quân rượt theo, bị Quan Công vớt cho một đao bay đầu.

. Đến ải Hoàng Hà, Tần Kỳ xông đến ngăn lại, đánh với Quan Công được vài hiêp rồi cũng bay đầu.

Quan Công vội lấy thuyền đưa nhị tẩu qua sông Hoàng Hà, tới địa phận Hà Bắc. Tôn Càng đón Quan Công, báo tin Lưu Hoàng Thúc đã qua Nhữ Nam, nên Quan Công bỏ đường đi Hà Bắc, rẽ qua Nhữ Nam.

Khi đi ngang qua Ngọa Ngưu Sơn thì thâu phục được một bộ tướng là Châu Thương.

Châu Thương, quê ở Quan Tây, hai tay xách nổi ngàn cân, râu quai nón, hình dung dữ tợn, trước đây theo giặc Khăn Vàng. Khi giặc Khăn Vàng tan rã thì Châu Thương ẩn nơi núi rừng làm thảo khấu, nhưng rất hâm mộ uy danh của Quan Công, nên khi gặp được Quan Công thì cải tà qui chánh, theo hầu Quan Công. Nhưng Quan Công bảo Châu Thương hãy tạm ở lại đây, chờ sau sẽ đến rước.

Châu Thương nói với Quan Công:

- Trước mặt có một Cổ Thành rất kiên cố. Cách đây không bao lâu, có một người tên là Trương Phi đến chiếm cứ, tập hợp được hơn 4000 binh mã, bốnphía không ai dám cự địch.

Quan Công đưa nhị tẩu vào Cổ Thành giao cho Trương Phi bảo vệ, rồi cùng với Tôn Càng đi Nhữ Nam tìm Lưu Bị.

Dọc đường, Quan Công đến một túp lều tranh xin trọ đỡ, gặp một Cụ già chống gậy bước ra, xưng danh là Quan Định, cùng họ với Vân Trường. Quan Định có đứa con trai tên là Quan Bình mới vừa 10 tuổi, cho theo hầu Quan Công, được Quan Công nhận làm con nuôi.

Tôn Càng đến gặp Lưu Bị, rồi lập kế ra đi thoát khỏi tay Viên Thiệu, thẳng đến Ngọa Ngưu Sơn, để hiệp với binh của Châu Thương ở đó, nhưng khi đến nơi thì binh của Châu Thương đã bị Triệu Tử Long đánh tan và chiếm cứ nơi đó.

Thế là một nhà xum hiệp, trở lại Cổ Thành, lại có thêm được Triệu Tử Long; Quan Công thì có thêm được Châu Thương và Quan Bình. Anh em mừng rỡ, mở tiệc ăn mừng.

Trải qua một thời gian, thế nước chia ba, Lưu Bị liên kết với Ngô Tôn Quyền chống lại Tào Tháo.

Tào Tháo đem đại binh 83 vạn quân xuống đóng dọc theo sông Trường giang, tập luyện binh sĩ thủy chiến, chuẩn bị đánh Đông Ngô. Khổng Minh, Quân sư của Lưu Bị, sang Đông Ngô bày kế giúp Chu Du, Đại Đô Đốc của Ngô Tôn Quyền, lập trận Xích Bích, dùng hỏa công đánh tan 83 vạn quân Tào. Tào Tháo thảm bại, dắt tàn quân chạy qua Hoa Dung Đạo để về Hứa Đô. Khổng Minh toán quẻ biết trước việc đó, nên sai Quan Công đem binh đón bắt Tào Tháo.

Khổng Minh nói với Lưu Bị:

- Sở dĩ tôi sai Vân Trường đón bắt Tào Tháo nơi Hoa Dung Đạo là để Vân Trường trả nghĩa Tào Tháo, vì tôi xem Thiên văn biết mạng Tào Tháo lớn lắm, chưa chết được.

Đúng như lời của Khổng Minh, Tào Tháo đại bại ở trận Xích Bích, kéo tàn quân chạy qua Hoa Dung Đạo về Hứa Đô

Giữa đường bị Vân Trường chận đường, Tào Tháo chết đứng, hối các tướng xuống ngựa năn nỉ:

- Tôi đã bị bại binh, thế nguy đến đây cùng đường. Xin Quan Hầu nghĩ tình tôi ngày trước mà tha cho.

Quan Vân Trường đáp:

- Ngày trước, tôi tuy mang ơn Thừa Tướng rất hậu, song công tôi chém Nhan Lương và Văn Xủ cũng đủ trả rồi. Hôm nay Thừa Tướng lại lấy việc tư mà bỏ việc công sao?

Tào Tháo năn nỉ tiếp:

- Thế lúc Quan Hầu qua năm ải, chém chết sáu tướng, Quan Hầu còn nhớ không? Hễ là đại trượng phu thì phải lấy ơn làm trọng. Quan Hầu đã từng đọc Kinh Xuân Thu há chẳng nhớ việc Du Công Chi Tư đuổi theo Tử Trạc Nhu Tử đó sao? Hôm nay, với mấy tên tàn quân ở bước đường cùng, đã xuống ngựa để cầu an mà Quan Hầu không niệm tình thì đâu phải là đại trượng phu.

Vân Trường nhìn thấy Tào Tháo xác xơ, quân sĩ tả tơi như muốn khóc, bắt động lòng, không nỡ ra tay, liền quay ngựa bảo quân tránh ra mở đường sanh lộ cho Tào Tháo.

Tào Tháo hối quân sĩ chạy thoát qua chỗ ấy. Vân Trường ngó theo, hét lên một tiếng, bao nhiêu quân Tào đều khóc lạy dưới ngựa. Vân Trường thấy vậy càng thêm bất nhẫn. Lại thấy Trương Liêu giục ngựa chạy đến, tình cố cựu động tâm, Vân Trường than dài rồi tha cho cả bọn đi hết.

Sau đó, Vân Trường được lịnh đi đánh Trường Sa. Thái Thú Trường Sa là Hàn Huyền bất tài nhưng có Lão tướng Hoàng Trung tài giỏi phò tá.

Hoàng Trung ra đánh với Quan Võ cả trăm hiệp mà sức cầm đồng, bỗng con ngựa của Hoàng Trung quỵ hai chân trước làm ông ta té ngã xuống đất. Quan Võ dừng đao hét: Ta tha chết cho ngươi, mau trở về thay ngựa khác ra đây đánh với Ta."

Nhờ nghĩa khí đó mà Hoàng Trung tâm phục Quan Võ. Ngụy Diên nổi lên chém chết Hàn Huyền rồi cả hai mở thành rước Quan Võ vào chiêu an bá tánh. Thế là bên cánh Lưu Bị có thêm được hai đại tướng nữa là Hoàng Trung và Ngụy Diên.

Lưu Bị và Khổng Minh đem đại binh đi đánh Tây Thục, giao Kinh Châu cho Quan Võ gìn giữ.

Phía Đông Ngô, Lỗ Túc bàn kế với Tôn Quyền: Nay tôi ra đóng binh ở Lục Khẩu, sai người qua mời Quan Võ phó hội. Nếu hắn chịu đến, tôi sẽ dùng lời lẽ phải chẳng mà bảo hắn trả đất Kinh Châu cho ta, nếu hắn không nghe thì tôi hô quân đao phủ ùa ra giết hắn.

Tôn Quyền bằng lòng kế ấy, liền cho sứ giả qua Kinh Châu mời Quan Võ qua Đông Ngô phó hội. Quan Võ nhận lời

Quan Bình can nghĩa phụ:

- Sao nghĩa phụ xem thường tấm thân muôn trượng, dấn thân vào hang hùm ổ sói, nếu rủi ro có bề nào có phải phụ lòng bá phụ không?

Quan Võ nói:

- Ta từng xông pha nơi rừng tên mũi giáo, một đao một ngựa tung hoành, có sá gì lũ chuột Giang Đông. Đời Chiến Quốc có Lạn Tương Như nước Triệu, tay trói gà không chặt, mà giữa Hội Dân Trì, còn coi vua nước Tần như cỏ rác, huống chi ta là người có sức địch nổi muôn người. Một lời đã hứa không thể thất tín.

Bên Đông Ngô, Lỗ Túc bàn với Lữ Mông: Lữ Mông và Cam Ninh lãnh vài ngàn quân chia nhau phục nơi bờ sông, nếu thấy QuanVõ đem binh đội theo thì đổ ra chận đánh. Còn Quan Võ không đem quân theo thì cho phục sẵn 50 quân đao phủ sau đình, hễ nghe hiệu lịnh thì nhảy ra giữa tiệc giết chết Quan Võ.

Đến giờ ước hẹn, Lỗ Túc thấy Vân Trường ngồi trên thuyền nhỏ, có Châu Thương cầm đao đứng hầu, có 10 đại hán đất Quan Tây đeo mã tấu đứng hầu hai bên, trên thuyền có một lá cờ đỏ đề chữ Quan rất lớn. Vân Trường mặc áo bào lục, đầu đội khăn xanh, ngồi oai vệ giữa thuyền.

Lỗ Túc ra bến đón Vân Trường vào dự tiệc nơi Thủy Đình. Vân Trường nét mặt như hoa, nói cười sang sảng, không chút sợ sệt. Sau một hồi dự tiệc, Lỗ Túc đem chuyện đòi đất Kinh Châu nói với Vân Trường. Vân Trường đáp:

- Việc đó của anh tôi, tôi không tự ý quyết định được.

Châu Thương đứng hầu phía sau xen vào nói lớn:

- Đất đai của thiên hạ, ai có tài đức thì chiếm cứ, đâu phải của riêng Đông Ngô mà các ông đòi.

Vân Trường sa sầm nét mặt, đứng phắt dậy, bước tới giật lấy cây đao trong tay Châu Thương nạt:

- Đó là việc quốc gia đại sự, sao mày dám xen vào. Hãy cút đi mau lên.

Châu Thương hiểu ý, lập tức lui ra bờ sông, phất cờ đỏ ra hiệu. Quan Bình thấy cờ hiệu, vội lướt thuyền như bay qua sông, đến bờ bên Đông Ngô để tiếp ứng.

Bấy giờ Vân Trường đang ở trong Đình, tay mặt cầm đao, tay trái nắm chặt Lỗ Túc, giả bộ say lè nhè nói:

- Hôm nay Ngài mời tôi sang đây dự tiệc, xin đừng nhắc chuyện Kinh Châu làm mất vui. Tôi say rồi, nếu xảy ra điều gì sẽ tổn thương đến tình cố cựu. Để hôm nào tôi rảnh, tôi sẽ cho người sang mời Ngài qua Kinh Châu họp mặt.

Lỗ Túc bị Vân Trường nắm chặt cánh tay, hồn phi phách tán, không còn biết xoay sở thế nào được. Vân Trường giả say, nắm chặt Lỗ Túc từ từ đi xuống bờ sông. Lữ Mông cùng với Cam Ninh phục sẵn nơi bờ sông, nhưng chẳng dám động thủ vì Vân Trường đang kềm chế Lỗ Túc.

Vân Trường bước lên thuyền, buông tay Lỗ Túc, nói lời từ biệt. Lỗ Túc lúc nầy như người mất vía, đứng trân nhìn đoàn thuyền của Vân Trường rẽ sóng lướt nhanh trở về Kinh Châu.

Từ khi Lưu Bị sai Vân Trường trấn thủ Kinh Châu, Lưu Bị có cưới vợ cho Vân Trường, sanh được một trai đặt tên là Quan Hưng, và một gái đặt tên là Quan Ngân Bình.

Gia Cát Cẩn bàn kế với Tôn Quyền là đi cầu hôn con gái của Vân Trường cho Thế tử của Đông Ngô. Vân Trường nặng lời từ chối và đuổi Gia cát Cẩn trở về.

Vân Trường được lịnh đi đánh Phàn Thành, chém chết Bàng Đức, bắt sống Vu Cấm, oai danh lừng lẫy. Trong khi đánh phá Phàn Thành, Vân Trường bị Tào Nhơn bắn một mũi tên có tẩm thuốc độc, trúng vào cánh tay mặt. Quan Bình điều binh rút về trại để chữa trị vết thương cho Vân Trường. Thần y Hoa Đà nghe tin liền tìm đến nơi để điều trị vết thương.

Vân Trường cởi áo bào ra, đưa cánh tay bị tên cho Hoa Đà xem vết thương. Hoa Đà xem kỹ rồi nói:

- Ấy là tên ná, có tẩm thuốc độc, chất độc đã thấm tới xương, nếu không trị sớm thì cánh tay nầy sẽ trở nên vô dụng. Bây giờ phải lựa một chỗ vắng vẻ, trồng một cây trụ cho thật chắc, đóng vào đó một cái khoen. Tôi phải cột tay tướng quân vào đó, bịt mắt tướng quân lại, rồi tôi mổ vết thương ra, lóc thịt đã thấm chất độc bỏ đi, cạo bỏ chất độc đã thấm vô xương, rồi rịt thuốc may lại, để tướng quân trông thấy chắc không chịu nổi.

Vân Trường cười nói:

- Như vậy có chi mà không chịu nổi.

Liền bày tiệc rượu thết đãi. Vân Trường uống mấy chén, rồi bày cờ ra đánh với Mã Lương, tay trái đánh cờ, tay mặt đưa ra cho Hoa Đà mổ.

Hoa Đà cầm dao mổ lên nói:

- Nào, tôi xin bắt đầu, Ngài chớ giựt mình.

- Ta không phải là kẻ phàm phu nhút nhát đâu.

Mọi người thấy Hoa Đà làm mà rùn mình, nhưng Vân Trường vẫn thản nhiên ngồi đánh cờ. Hoa Đà làm xong, rịt thuốc may lại, nói:

- Tôi chưa bao giờ thấy một người khí phách như thế nầy, tiếng đồn thật chẳng sai.

Quan Vân Trường đứng dậy nói:

- Cánh tay nầy bây giờ hết đau nhức rồi, co dãn được như thường. Tiên sinh là Thần y đó.

Quan Công sai đem 100 lượng vàng thưởng công cho Hoa Đà, nhưng Hoa Đà từ chối, nói:

- Tôi nghe Vân Trường là người trung nghĩa, nên đến trị bịnh, chớ đâu phải để lấy tiền. Xin Ngài chớ nhọc lòng.

Nói xong từ giã Vân Trường ra về.

Một hôm, Vân Trường vào trướng phủ ngủ trưa, bỗng chiêm bao thấy một con heo lớn đen thui chạy đến cắn nơi chân mình. Vân Trường thét lên định rút gươm ra chém, liền giựt mình tỉnh dậy. Vân Trường trong lòng nghi ngại không yên, nói với Quan Bình:

- Ta nay đã gần 60 tuổi rồi, làm tướng xông pha trong ba quân đã lâu, giá như nay chết đi cũng không ân hận gì nữa.

Sau đó, Quan Vân Trường lầm mưu của Lữ Mông và Lục Tổn để mất Kinh Châu, lại bị quân Tào phía Bắc đánh xuống, lưỡng đầu thọ địch, nên thua trận chạy về Mạch Thành chống giữ. Quan Công lại sai Liêu Hóa vượt vòng vây chạy đến Thương Dung kêu Lưu Phong (con nuôi của Lưu Bị) và Mạnh Đạt đem binh tới giúp, nhưng Lưu Phong và Mạnh Đạt sợ chết nên từ chối.

Liêu Hóa thấy không xong, liền nhắm Thành đô chạy riết để cầu cứu với Hán Trung Vương Lưu Bị.

Tôn Quyền cho Gia Cát Cẩn qua dụ hàng Quan Công, nhưng lòng Quan Công như sắt đá, không thể dụ được.

Lữ Mông dâng kế:

Quan Công cố thủ Mạch Thành, không chịu hàng đầu, chẳng bao lâu lương thực hết thì phải bỏ thành tìm đường trốn về Tây Thục. Phía Bắc Mạch Thành có một con đường nhỏ rất hiểm trở, nếu Vân Trường bỏ thành ắt phải theo con đường đó mà đi. Phải sai Chu Nhiên đem quân đến phía Bắc Mạch Thành mai phục, gặp Vân Trường kéo quân đi ra thì chớ đánh vội, cứ phía sau rượt nà, để hắn chạy qua ngã Lâm Thư. Lại sai Phan Chương dẫn 500 binh hùng phục nơi đường Lâm Thư, chỗ núi non chật hẹp, dùng dây giăng ngang đường và câu móc mà giựt thì các ngựa chiến té quị, binh túa ra bắt sống Quan Công.

Quan Công trông mãi không thấy binh cứu viện, kiểm điểm binh mã chỉ còn được 300, lương thực hết sạch, ba mặt thành Đông, Tây, Nam, đều bị quân Đông Ngô công phá rất ngặt, chỉ còn mặt Bắc là ít hơn.

Quan Công truyền Châu Thương và Vương Phủ ở lại thủ thành, còn Quan Bình với Triệu Lụy và vài chục quân đi theo Quan Công vượt trùng vây để đi Tây Thục theo cửa Bắc Mạch Thành tiến ra.

Đi được vài dặm thì gặp phục binh, Triệu Lụy tử trận. Quan Công đi trúng vào mưu kế của Lữ Mông, ngựa Xích thố bị vấp chân ngã nhào, Quan Công té xuống đất, bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt sống được Quan Công cùng với Quan Bình và toàn bộ mấy chục tên quân đi theo.

Phan Chương giải Quan Công và Quan Bình đến Tôn Quyền. Tôn Quyền chiêu dụ nhiều lần nhưng Quan Công nhứt định không chịu đầu hàng. Tôn Quyền ra lịnh đem cha con Quan Công ra pháp trường xử trảm. Quan Công thọ 58 tuổi.

Quân Đông Ngô đem thủ cấp của Quan Công và Quan Bình đến Mạch Thành để gọi Châu Thương và Vương Phủ đầu hàng. Châu Thương thấy chủ tướng đã chết, nên khóc lóc rồi tự vận chết theo, Vương Phủ thì nhào đầu xuống chơn thành tự tử.

Còn con ngựa Xích thố của Quan Công được Tôn Quyền thưởng công cho Mã Trung, nhưng ngựa bỏ ăn và vài ngày sau thì chết, linh hồn bay theo chủ.

Tôn Quyền mở tiệc khao thưởng các tướng và quân sĩ. Tôn Quyền nói:

- Nay nhờ mưu của Lữ Mông mới bắt được Quan Công và giết đi, lấy được đất Kinh Châu, công ấy rất lớn.

Nói rồi rót một chén rượu, bưng đến thưởng Lữ Mông. Lữ Mông tiếp lấy chén rượu toan uống, bỗng dưng ném chén rượu xuống đất, nhảy lại thộp ngực Tôn Quyền, mắng lớn:

- Thằng mặt xanh râu đỏ và bọn chuột kia có biết ta là ai không?

Chư tướng thất kinh, vừa muốn bước lại gỡ Tôn Quyền và xô Lữ Mông ra thì Lữ Mông đã xô Tôn Quyền té nhào xuống đất, rồi nhảy vọt lên ghế của Tôn Quyền ngồi, trợn đôi mắt tròn vo, hét lớn:

- Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường là ta đây.

Tôn Quyền và các tướng hoảng sợ, quì lạy lia lịa. Bỗng Lữ Mông té nhào xuống đất, hộc máu chết tươi.

Tôn Quyền và các tướng Đông Ngô phải một phen hoảng vía trước sự hiển linh báo thù của Quan Công.

Mưu thần của Tôn Quyền nói:

- Quan Công chết rồi, thế nào Lưu Bị và Khổng Minh cũng kéo đại binh đến đánh Đông Ngô báo thù. Bây giờ ta phải đem thủ cấp của Vân Trường gởi qua Tào Tháo, để cho Lưu Bị nghĩ rằng Tào Tháo chủ mưu trong vụ nầy. Như vậy, Lưu Bị sẽ căm giận Tào Tháo, giải được mối nguy cho Đông Ngô.

Tôn Quyền nghe theo, đóng một cái thùng đựng thủ cấp của Quan Công, rồi sai sứ đem dâng cho Tào Tháo.

Tư Mã Ý nói với Tào Tháo:

- Quan Công cùng Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em với nhau. Nay Quan Công đã chết, thế nào Lưu Bị và Trương Phi cũng đem binh báo thù. Đông Ngô lo sợ cái họa ấy nên đem đầu của Quan Công đến đây gieo họa cho ta.

Tao Tháo hỏi:

- Như thế ta phải làm sao?

- Đại Vương nên hết lòng tử tế, sai quân tạc một hình gỗ trầm hương, đem đầu Quan Công chắp vào, rồi tẫn liệm, làm lễ an táng theo hàng vương hầu. Lưu Bị hay được ắt cho Đại Vương là người ơn, còn Đông Ngô chính là kẻ tử thù.

Tào Tháo mừng rỡ làm y theo kế ấy, lại nhìn thủ cấp của Quan Công nói đùa một câu:

- Quan Hầu mạnh giỏi đấy chứ?

Bỗng cái đầu của Quan Công trợn mắt tròn vo, tóc râu dựng ngược. Tào Tháo thất kinh té nhào xuống đất. Chư tướng đỡ lên. Sứ giả Đông Ngô lại đem chuyện Lữ Mông bị Quan Công bắt hộc máu chết kể lại cho Tào Tháo nghe nữa.

Tào Tháo khiếp vía, làm y theo lời Tư Mã Ý, dùng Vương lễ an táng Quan Công. Tào Tháo bổn thân quì tế, đặt quan giữ mộ và cúng tế 4 mùa.

Về phần linh hồn của Quan Công, uất khí chưa tan, linh hồn bay lơ lửng về phía núi Ngọc Tuyền, trên núi có một ngôi chùa mà Đại Sư Phổ Tịnh đang tu tại đó.

Đêm ấy trăng sáng, vừa mãn canh ba, bỗng nghe trên không có tiếng kêu lớn: Trả đầu cho ta. Phổ Tịnh ngước mặt nhìn lên mây, thấy một người cỡi ngựa Xích thố, cầm cây Thanh long đao, bên tả có một tướng mặt trắng khôi ngô, bên hữu có một tướng mặt đen râu quai nón, theo hầu.

Phổ Tịnh lấy đuôi chủ gõ vào cửa nói:

- Vân Trường ở đâu?

Hồn Vân Trường liền đáp xuống trước chùa, hỏi:

- Sư Cụ là ai? Xin cho biết pháp hiệu.

Phổ Tịnh đáp:

- Lão Tăng là Phổ Tịnh, khi trước nơi chùa Trấn Quốc, Quan Hầu quên rồi sao?

- Trước kia tôi nhờ ơn Ngài cứu cho, nay tôi đã thác, xin Ngài chỉ đường mê muội cho tôi.

- Nay Quan Hầu bị Lữ Mông làm hại, kêu lên: Trả đầu cho ta , thế còn Nhan Lương, Văn Xủ, sáu tướng qua năm ải, và biết bao nhiêu cái đầu khác nữa, họ đòi vào đâu?

Quan Công nghe Đại Sư Phổ Tịnh nói câu ấy thì chợt tỉnh ngộ, liền biến mất. Phổ Tịnh biết Quan Công hiển Thánh. (Viết theo truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa)

Khi Quan Công đã hiển Thánh rồi, Ngài trừ tà diệt quỉ, cứu độ sanh linh, và từ đó đến nay, Ngài không tái kiếp, mà dùng quyền hành thiêng liêng để lập công, đạt được Phật vị, gọi là Cái Thiên Cổ Phật.

Trong Đạo Cao Đài, Hội Thánh lấy ngày 24 tháng 6 âm lịch hằng năm làm ngày Đại lễ Vía Đức Quan Thánh. Khi đến ngày nầy, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương đều thiết lễ Đại đàn cúng Vía Đức Quan Thánh Đế Quân, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại công đức của Ngài.

Để bổ túc cho phần Tiểu sử trên của Đức Quan Thánh, xin chép ra sau đây bài Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp vào thời Tý ngày 24-6-Mậu Tý (dl 30-7-1948) tại Đền Thánh nhân Lễ Vía Đức Quan Thánh:

"Hôm nay là ngày Vía Đức Cái Thiên Cổ Phật Quan Thánh Đế Quân, tức là Hớn Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường nhà Hớn, đời Tam Quốc. Một vị hiển Thánh đời Hớn thời Tam Quốc, ngày nay đạt phẩm vị đến Tam Trấn Oai Nghiêm trong nền Chánh giáo của Đức Chí Tôn, sự vinh hiển cao trọng đó, ta thấy gía trị vô đối.

Với một Đấng thiêng liêng mà lập vị mình một cách oai quyền vinh hiển, ta thường thấy rất ít, thảng có chăng trong nước Việt Nam ta, Đức Trần Hưng Đạo gọi là có thể đương đầu với Ngài được mảy may chút ít mà thôi, chớ phần đông từ thử đến giờ, kể cả các nước Á Đông nầy hiếm có.

Vậy ta nên khảo cứu coi Ngài làm thế nào đạt được Thiên vị vinh diệu đặc biệt dường ấy.

Hớn Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường buổi nọ là một vị tướng của Thục, tức Lưu Bị. Ta thấy đại nghĩa của Ngài, trung can nghĩa khí của Ngài, nhứt là về bằng hữu chi giao, tình nghĩa đối với bạn hữu của Ngài, dám chắc dầu chúng ta, dân tộc Việt Nam hằng chịu ảnh hưởng văn hóa Nho Tông, chưa có được người nào giống như Ngài vậy. Tâm trung nghĩa, chẳng vì sang mà theo Tào, chỉ chuộng Hớn, nghĩa chẳng vì bạn buổi khổ não truân chuyên mà phụ rãy tình nhau. Trung và nghĩa ấy hy hữu.

Nói đến chí khí của Ngài, Bần đạo tưởng luận không hết: Ngài bất sát hạ mã chi nhơn. Truyện sách lưu lại rằng Ngài suýt bị Hạ Hầu Đôn giết vì nó biết cái sở yếu của Ngài mà lợi dụng, nếu không có Trương Liêu đến cứu. Mỗi khi Ngài trở cây Yển Nguyệt Thanh long đao định vớt nhà nớ thì nhà nớ nhảy xuống ngựa. Chí khí đó, thế gian hy hữu. Ngài lập chí với bộ sách Xuân Thu mà thôi.

Người sau có tặng Ngài đôi liễn:

Chí tại Xuân Thu, công tại Hớn,
Trung đồng nhựt nguyệt, nghĩa đồng Thiên.

(Chí hướng lập ở Kinh Xuân Thu của Đức Khổng Tử, công lao lập với nhà Hán. Lòng trung sáng như vừng mặt trời mặt trăng, cái nghĩa cao như trời.)

Trọn đời Ngài không lúc nào rời bộ sách Xuân Thu nầy, đọc để lấy tinh thần của sách, suy luận làm tinh thần của mình.

Kể từ Đào Viên kết tình bằng hữu cùng nhau, từ thuở bần hàn cho đến khi vinh hoa phú quí sang trọng, Ngài vẫn một mực không hề thay đổi tâm đức bao giờ.

Tinh thần của người ấy là tinh thần đứng riêng biệt một mình, một cảnh giới mà thôi. Thế gian khó tìm thấy một kiểu vở thứ hai nữa đặng. Tinh thần của Ngài có oai quyền đặc sắc. Ta thử tìm coi Ngài làm sao mà đặng như vậy?

Nguơn linh của Ngài là Xích Long Tinh. Buổi nọ dân Bắc Hớn phạm Thiên điều, bị Ngọc Hư Cung phạt, hạn không cho mưa, đặng cho dân ấy phải đói. Dân làng biết mà cầu nguyện nơi Ngài cứu nạn.

Ngài cũng thừa biết dân ấy bị Thiên điều hành pháp, nhưng vì lòng ái tuất thương sanh, không nỡ để dân chết đói, nên Ngài làm mưa. Ngọc Hư Cung bắt tội, sai Ngũ Lôi tru diệt. Ngài chạy trốn vào một cái chùa, nhờ ông thầy chùa lấy chuông úp lại. Vị sư căn dặn bổn đạo trong chùa đừng ai dở chuông cho đến ngày nào Ngài hết nạn. Chư Đạo trong chùa tọc mạch dở chuông ra xem coi vật gì. Thành thử Ngài phải chịu đầu kiếp, kiếp ấy là Hạng Võ. Hạng Võ thì ai cũng biết.

Nếu ta quan sát trong Trọng Tương vấn Hớn, thì rõ tiền căn Hạng Võ, hậu kiếp Quan Công.

Bởi Hớn Bái Công khi lập quốc rồi, nghe lời Lã Hậu, diệt công thần, giết Hàn Tín. Án ấy nằm dưới Phong Đô mấy đời mà không ai xử đặng.

Buổi ấy có thầy Trọng Tương là học trò khó, nhà nghèo nhưng rất hiếu hạnh. Cha chết, Trọng Tương cất nhà mồ thờ cha mà ở. Thường hay buồn than thân trách phận, biết mình hữu tài mà vô dụng, nên viết một bài thi có ý than rằng: Thiên địa hữu tư, Thần minh bất công. (Trời Đất có lòng riêng, Thần minh không công bình), dụng ý trích điểm cái án nhà Hớn mà dưới Phong đô xử chưa có nổi. Vì vậy mà mắc tội phạm thượng, bị bắt hồn dẫn đến Phong đô, đem cho Thập Điện Diêm Vương vấn tội.

Trọng Tương bình tỉnh trả lời rằng: Nếu cho tôi ngồi làm Thập Điện Diêm Vương, tôi sẽ xử án ấy cho mà coi.

Thập Điện Diêm Vương bằng lòng.

Ngài xử: Tiền căn báo hậu kiếp:

Như Bành Việt, cho đi đầu thai làm Lưu Bị,

Anh Bố làm Ngô Tôn Quyền,

Hàn Tín làm Tào Tháo,

Hạng Sư làm Nhan Lương, Hạng Bá làm Văn Xủ,

Hạng Võ làm Quan Công . . .

Ta thấy 6 tướng của Hạng Võ đem lòng phản bội, đầu nhà Hớn, rượt Hạng Võ đến bến Ô Giang, phải cắt đầu trao cho Đình trưởng. Chú của Hạng Võ là Hạng Bá, trở lại phản cháu, đã đầu lụy Hớn Bái Công, còn trở lại phạt Sở.

Tiền căn hậu kiếp vay trả, quả báo y nhiên.

Có một điều lạ là với Lữ Mông, oan nghiệt có khác.

Tiền kiếp của Lữ Mông là ông thợ rèn, Quan Vân Trường đến mướn rèn Thanh long đao với một kiểu đặc biệt. Khi rèn xong, Ngài cầm ra sân thử đao, chẳng ngờ vô tình làm chết oan ông thợ rèn.(1)

Ông thợ rèn sau đầu kiếp làm Lữ Mông. Cho nên buổi Ngài xuất thần qui vị, là trả cái ngày làm chết ông thợ rèn là Lữ Mông đầu kiếp, trả báo giết lại Ngài.

Khi chơn linh của Ngài xuất ngoại, Châu Thương và Quan Bình cùng tự tử chết theo, ba người ấy bay giữa không trung, đi ngang ngôi chùa, kêu ông thầy chùa là Phổ Tịnh, đòi ông nọ trả đầu, ông bèn lấy cái quạt gõ trên cửa, tụng ba biến Vãng Sanh. Ngài hạ xuống tiếp đòi đầu nữa. Ông nọ nói rằng: Nhan Lương, Văn Xủ kia mới đòi đầu với ai? Ấy là tiền căn báo hậu kiếp thôi chớ.

Đức Quan Thánh tỉnh ngộ, xin ông Phổ Tịnh cho Ngài ở đó đặng tu. Chơn linh Ngài ở nơi chùa đó mà hiển Thánh.

Khi hiển Thánh rồi, Ngài trừ tà diệt quỉ, cứu độ sanh linh, và từ đó đến bây giờ, Ngài không tái kiếp lần nào nữa, duy dụng cái quyền hành thiêng liêng hành đạo mà thôi. Với quyền thiêng liêng ấy mà Ngài lập được Phật vị là Cái Thiên Cổ Phật, nhờ Vạn linh tôn trọng Ngài lên.

Bần đạo dám quả quyết Ngài không phải là Thiên phong mà chính là người của Vạn linh bầu cử.

Cho nên Đức Chí Tôn mở Đạo là cơ quan hiệp nhứt Vạn linh, để Đấng ấy là Tam Trấn Oai Nghiêm đặng làm quan Trạng sư cho Vạn linh đạt kiếp."

(1) Theo Tam Quốc Ngoại Truyện, cái chết của ông thợ rèn xảy ra như sau: Khi Quan Võ ra sân múa thử đường đao, ông thợ rèn biết cây Thanh long đao nầy oai lực rất mạnh nên chạy núp trong bọng của một cây đại thọ gần đó. Quan Võ thử đao, muốn chém một vật nào đó xem đao thế nào, thấy có cây đại thọ ở gần liền múa đao chém thử, thân cây đại thọ bị đứt ngang ngã nhào, ông thợ rèn núp trong đó cũng bị đứt đầu chết theo.

Đức Quan Thánh không thường giáng cơ dạy Đạo như Đức Lý Đại Tiên, thỉnh thoảng Ngài mới giáng cho một bài.

Sau đây, chúng tôi xin chép lại bài giáng cơ của Ngài tại Minh Thiện Đàn, làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, ngày 19-6-Tân Mùi (1931) với 4 câu thi đầu, khoán thủ là: CÁI THIÊN CỔ PHẬT:

CÁI thế công danh thế quí oai,

THIÊN tào kim phụng lịnh Cao Đài.

CỔ kim độ chúng lao hà nại,

PHẬT Thánh đạo tông tạo thế lai.

Ta chào Giáo Hữu, cùng chư Nhu. Biết Lão không?

- Quan Thánh Đại Đế. Nay chư Nhu cầu chi?

Bạch: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

- Việc ấy chẳng cần nói.

Chư nhu nhẹ tánh lắm âu lo,

Lo vậy càng xa Thánh ý trò.

Trò cứ một lòng vâng thửa lịnh,

Lịnh trên nào để dễ gì cho.

Vậy chư Nhu tuân mạng nghe! Giáo Hữu khá nghe, bởi tiên tri của Lý Đại Tiên dạy trước rằng, phải coi chừng Quỉ vương chen lấn vào mà thử thách chư Chức sắc Thiên ân, cùng cả Đạo lưỡng phái.

Ta nói vậy khá kiếm hiểu, chớ chẳng khá ... ... trọn phận.

THI:

Huỡn vì việc Đạo ở nơi nào?

Nhưng cũng tại lòng chẳng phải cao.

Sung sướng càng quen càng giả dối,

Gây nên oan nghiệt, tội dường bao!

Nay Lão cũng vì cơ chuyển phục cũng cần, nên còn chưa tỏ cho cùng Thánh ý đặng. Vậy Lão xin chư Nhu ráng lo cùng Lão mà chấn hưng Minh Thiện chuyển phục các nơi nghe!

Lão mong cho chư Nhu trọn lời phú thác.

Lão mừng chư Nhu. Lão thăng.

TNHT: Hai bài thi của Đức Quan Thánh trong TNHT:

Hớn Thọ Đình Hầu

Tiết nghĩa trung can Hớn đảnh xây,

Phò lưu dựng Thục một lòng ngay.

Kinh Châu Thất thủ nơi Thiên định,

Khiến Hớn vận suy phải đổi thay.

QUAN thành tái hiệp Hớn triều phong,

THÁNH đức mạc vong hám thế trần.

ĐẾ thất nhứt tâm trung khí dõng,

Thanh y xích diện hảo vinh phong.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quan Thế Âm Bồ Tát

觀世音菩薩

Quan: Nhìn xem, hình tượng đã xem, ý thức. Thế: đời. Âm: tiếng nói, âm thanh.

Quan Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát nhận biết được tiếng kêu cứu của chúng sanh nơi cõi trần, Ngài liền hiện đến để cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh.

Do đó, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát còn được gọi là: Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát, hay gọi vắt tắt là: Quan Âm Bồ Tát hay Quan Âm Như Lai.

Ngài là một vị Nữ Phật, nhưng còn mang danh hiệu Bồ Tát là vì Ngài còn nhiệm vụ cứu độ chúng sanh.

Phật giáo Tây Tạng gọi Ngài là Quán Thế Âm Phật, là vị Phật Nam, hộ trợ xứ Tây Tạng. Người Tây Tạng đều tin rằng, chính Ngài chuyển hóa vào thân Đức vua Đạt-Lai-Lạt-Ma cai trị xứ Tây Tạng, nên dân Tây Tạng xem Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma là vị Phật sống của họ.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có một hiện thân gồm 11 cái mặt, 1000 cánh tay, 1000 con mắt, có 108 hồng danh. Ngài ngự tại Đền Potala nơi kinh đô xứ Lhassa, Tây Tạng.

Ở Trung Hoa và Việt nam, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Nữ Phật do hai truyện tích: Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Diệu Thiện.

Bất cứ hạng người nào trong chúng sanh, khi bị lâm nguy tánh mạng, như gặp phải tai nạn lửa cháy, tai nạn chìm tàu, bị cướp hãm hại, bị tra khảo, tù đày oan ức, v.v.... nếu thành tâm niệm danh hiệu của Ngài để cầu cứu thì Ngài liền hiện đến mà cứu giúp cho tai qua nạn khỏi.

Trong Đạo Cao Đài, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Nữ Phật, đại diện Đức Phật Thích Ca, lãnh lịnh Đức Chí Tôn làm Đệ Nhị Trấn Oai Nghiêm, cầm quyền Phật giáo thời ĐĐTKPĐ.

Trên tấm diềm phía trước Bát Quái Đài Tòa Thánh, tượng của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen, gần bìa phía tay mặt của Đức Lão Tử, thuộc bên Nữ phái.

Nơi Thánh Tượng Thiên Nhãn thờ tại tư gia, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen, hình Ngài ở phía mặt của Thiên Nhãn, dưới hình Đức Thái Thượng Lão Quân.

Trong LUẬT TAM THỂ, Bát Nương có giáng cơ dạy rằng: "Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về Cơ Giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về Cơ Phổ độ mà Quan Thế Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu. Quan Thế Âm Bồ Tát ngự tại Cung Nam Hải, ở An Nhàn Động, còn Cung Diêu Trì thì ở tại Tạo Hóa Thiên."

Trong Truyện Tây Du Ký, hình ảnh của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát được mô tả như sau:

" Bốn đức tròn viên mãn, Thân vàng tỏa sáng thông,

Chuỗi ngọc biếc rủ cạnh, Vòng thơm đeo bên mình.

Tóc mây uốn đen lánh, Đài thêu thắt ngang lưng,

Bào trắng khuy ngọc bích, Mây lành che quẩn quanh.

Quần gấm dây vàng óng, Khí đẹp phủ quanh thân,

Lông mày vầng trăng khuyết, Mắt vì sao long lanh.

Mặt ngọc tươi roi rói, Môi đỏ thắm tuyệt trần,

Bình Cam lồ đầy ắp, Cắm cành dương liễu xanh,

Độ chúng sanh thoát nạn, Rất từ bi hiền lành.

Vậy nên: Giữ núi Thái sơn, Coi miền Nam hải,

Độ người khổ ải, Nghìn Thánh nghìn thiêng,

Muôn kêu muôn ứng.

Lòng lan vui khóm trúc, Tánh huệ quí mây thơm.

Đó là vị Chúa Từ bi ở Phổ Đà Sơn,

Chính là Đức Quan Âm nơi An Nhàn Động."

Theo các kinh sách truyền lại, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có 33 kiếp giáng trần, khi thì làm nam nhi, khi thì làm thiếu nữ, khi thì giáng sanh vào nơi cao sang quyền quí, khi thì vào nơi bần cùng nghèo khổ, khi thì làm Đạo sĩ, khi thì làm Tỳ Kheo, v.v....

Có hai kiếp giáng trần làm phụ nữ của Ngài được người đời truyền tụng:

- Đó là kiếp thứ 10: Ngài giáng trần làm nàng Thị Kính ở nước Cao Ly, tu hành đắc đạo, gọi là Quan Âm Thị Kính.

- Kiếp giáng trần sau chót ở nước Ấn Độ là Công Chúa Diệu Thiện, cũng tu hành đắc đạo tại Phổ Đà Sơn ở Nam Hải, nên gọi là Quan Âm Diệu Thiện.

Sau đây xin chép lại hai sự tích nổi tiếng nầy:

Sự tích 1: QUAN ÂM THỊ KÍNH

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã đầu thai xuống trần tu hành được 9 kiếp rồi, đến kiếp thứ 10, Ngài giáng sanh vào nhà họ Mãng ở nước Cao Ly (Triều Tiên). Hai ông bà họ Mãng đã lớn tuổi rồi, nhà lại giàu có, nhưng chưa có con. Ngày kia, hai vợ chồng lên chùa cầu tự, sau đó có thai và sanh được một gái, dung nghi đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang, đặt tên là Thị Kính.

Khi nàng Thị Kính đến tuổi cặp kê, gần đó có chàng Thiện Sĩ, con nhà họ Sùng, cậy mai mối đến hỏi cưới Thị Kính. Vợ chồng Mãng Ông thấy phải đôi vừa lứa nên bằng lòng gả Thị Kính cho Thiện Sĩ.

Nàng Thị Kính rất buồn bã vì phải về ở nơi nhà chồng, không ai săn sóc cha mẹ. Cha mẹ nàng an ủi: Cha mẹ sanh con gái đến tuổi khôn lớn gả chồng, làm đẹp mày đẹp mặt cho cha mẹ là đủ rồi. Vả lại, nhà bên chồng của con cũng ở gần đây thì sự thăm viếng cũng thuận tiện.

Từ khi về nhà chồng, Thị Kính giữ một mực tôn kính, phụng sự nhà chồng, trong ấm ngoài êm, ai nấy đều khen ngợi.

Một ngày kia, nàng đang ngồi may vá, chàng Thiện Sĩ đọc sách mỏi mệt, đến gần chỗ nàng ngồi may nằm nghỉ và ngủ quên. Nàng thấy nơi càm chồng có mọc sợi râu bất lợi, nên sẵn cầm dao nhíp nơi tay, nàng đưa dao cắt đứt. Bỗng chàng Thiện Sĩ giựt mình thức dậy, thấy vợ đang cầm dao đưa ngay vào cổ mình, vụt la hoảng: Vợ tôi muốn giết tôi.

Trong nhà vỡ lỡ, cha mẹ chồng chạy ra gạn hỏi, nàng cứ tình thiệt trình bày. Không ngờ cha mẹ chồng quá nghiêm khắc, bắt tội nàng mưu giết chồng, buộc Thiện Sĩ phải làm tờ thôi vợ, rồi cho mời Mãng Ông tới để lãnh con gái về.

Nàng Thị Kính phải mang mối hàm oan, đành lạy từ cha mẹ chồng, theo Mãng Ông trở về nhà. Nàng buồn bã muôn phần, một là buồn cho số phận xui xẻo, hai là buồn cho cha mẹ phải mang điều phiền não. Nàng than rằng: Nếu nàng có anh em đông thì nàng đành quyên sinh để khỏi mang tiếng nhơ như thế. Nhưng vì nàng là con một, nên nàng không dám hủy mình, sợ mang tội bất hiếu, mà ở như thế nầy thì cũng rất khổ tâm, cho nên nàng quyết định xuất gia, lo tu hành cho đắc đạo, rồi sẽ trở về độ cha mẹ.

Nàng lén cải trang thành một nam tử, rồi bỏ nhà trốn đi, đến một ngôi chùa nọ thì gặp Sư cụ đang thuyết pháp. Nàng thấy Sư cụ là bực chơn tu, nên xin Sư cụ cho thọ pháp qui y.

Sư cụ gạn hỏi nhiều lần, vì Sư cụ thấy trang thiếu niên nầy còn trẻ quá mà sao lòng chán đời, đến nương nhờ cửa Phật, gột rửa lòng phàm. Sư cụ thấy lòng thành và chí quả quyết của người thiếu niên, nên cho thọ pháp qui y, đặt Pháp danh là Kỉnh Tâm, và nhận Kỉnh Tâm làm đệ tử.

Sãi Kỉnh Tâm là gái giả trai, nên dung mạo đẹp đẽ, làm cho hàng tín nữ trầm trồ, nhứt là nàng Thị Mầu, con của một vị trưởng giả giàu có ở vùng ấy. Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo Sãi Kỉnh Tâm, đưa lời ong bướm, nhưng Kỉnh Tâm vẫn trơ trơ như không hay biết. Thị Mầu quá si mê Kỉnh Tâm, trong một lúc quá bồng bột, không kềm giữ được lòng dục, nàng tư thông với đứa tớ trai của nàng, khiến nàng có thai.

Làng xã thấy nàng Thị Mầu không chồng mà có chửa, nên gọi nàng và cha mẹ nàng đến tra hỏi. Nàng khai rằng, nàng có tư tình với Sãi Kỉnh Tâm nên mới ra cớ sự, và xin làng rộng tình cho Kỉnh Tâm hoàn tục kết duyên với nàng.

Trống mõ inh ỏi, cửa Thiền xưa nay êm lặng, phút chốc trở nên huyên náo, người làng đến đòi Sư Ông và Sãi Kỉnh Tâm ra làng dạy việc. Thầy trò không biết việc gì, cùng dắt nhau đi, đến nơi mới hay tự sự.

Tá hỏa tâm thần, thầy hỏi trò có sao cứ khai thiệt. Kỉnh Tâm một mực kêu oan, chớ không dám nói điều chi khác nữa.

Kỉnh Tâm bị làng đem ra tra tấn, đòn bộng, máu đổ thịt rơi, mấy lần bất tỉnh, nhưng Kỉnh Tâm vẫn một mực kêu oan. Sư Cụ động mối từ tâm, đứng ra xin bảo lãnh cho trò để đem về khuyên nhủ dạy răn.

Thấy thế, Hương chức làng cũng niệm tình ưng thuận.

Sau đó Sư Cụ bảo Kỉnh Tâm phải ra ngoài cổng Tam quan của chùa mà ở để tránh tiếng không tốt cho chùa.

Thời gian trôi qua, Thị Mầu sanh được một đứa con trai, nàng liền bồng đứa hài nhi đến cổng chùa giao cho Sãi Kỉnh Tâm, nói rằng: Con của ngươi thì đem trả cho ngươi.

Sãi KỉnhTâm đang tụng kinh, đứa hài nhi bị bỏ dưới đất, giãy giụa khóc la. KỉnhTâm nghe tiếng trẻ khóc, động mối từ tâm, chẳng cần dư luận, bèn ra ẵm đứa bé đem vào nuôi dưỡng.

Sư Cụ trách Kỉnh Tâm: Trước kia, con nói con bị hàm oan, mà nay con lại nuôi đứa bé nầy, chính thầy đây cũng phải nghi ngờ nữa, huống chi là ai.

Kỉnh Tâm bạch rằng: Bạch Sư phụ, khi xưa Sư phụ có dạy đệ tử rằng, cứu đặng một người thì phước đức hà sa. Đệ tử vâng theo lời thầy nên mới cứu mạng đứa bé nầy, chớ kỳ thật con không có ý chi hết.

Đứa trẻ càng lớn càng giống Kỉnh Tâm như hệt, lại có vẻ thông minh. Khi đứa bé được 3 tuổi thì Kỉnh Tâm lâm trọng bịnh, biết mình sắp lìa trần theo Phật, nên Kỉnh Tâm ráng ngồi dậy viết hai bức thơ: một gởi cho Sư Cụ, hai gởi cha mẹ ruột, ông bà họ Mãng, rồi dặn kỹ hài nhi làm đúng theo lời dặn.

Khi Sãi Kỉnh Tâm tắt hơi, đứa bé kêu cha khóc lóc một hồi, rồi nhớ lời cha dặn, liền đem thư vào đưa cho Sư Cụ .

Sư Cụ mở thư ra, xem xong trong lòng rất bùi ngùi thương tiếc, sai vài vị Ni cô ra khám xét thi thể của Kỉnh Tâm, thì rõ ràng Kỉnh Tâm là gái giả trai.

Tin Sãi Kỉnh Tâm là gái giả trai được truyền đi mau lẹ trong làng, làm mọi người hết sức ngạc nhiên.

Hương Chức trong làng đòi Thị Mầu tới, buộc tội cáo gian, phạt phải chịu tổn phí về các cuộc tống táng và làm ma chay cho Kỉnh Tâm.

Thị Mầu quá xấu hổ, bèn liều mình quyên sinh.

Đến ngày an táng Sãi Kỉnh Tâm, tức là nàng Thị Kính, mọi người đều nhìn thấy Đức Phật ngự tòa sen hiện ra ở trên mây, rước hồn của nàng Thị Kính về cõi Tây phương.

Chàng Thiện Sĩ rất ăn năn hối lỗi, nên phát nguyện tu hành. Tục truyền rằng, Đức Quan Âm Bồ Tát nhận thấy chàng Thiện Sĩ thật tâm hối lỗi và quyết chí tu hành, nên hiện đến cứu độ, đem về Nam Hải, hóa thành một con chim đậu một bên Đức Quan Âm Bồ Tát, mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề.

Quan Âm Bồ Tát cũng cứu độ đứa con nuôi, con ruột của Thị Mầu, đem về Nam Hải, đứng hầu bên Ngài.

Do đó, người ta họa hình Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đội mũ ni xanh, mặc áo tràng trắng, ngự trên tòa sen, bên tay mặt có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, bên dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chấp tay đứng hầu.

Đó là lấy theo sự tích Quan Âm Thị Kính.

Sự tích 2: QUAN ÂM DIỆU THIỆN hay QUAN ÂM NAM HẢI.

Theo sự khảo cứu của học giả De Groot, người Hòa Lan, kiếp chót của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là Công Chúa Diệu Thiện, con của vua Linh Ưu nước Hưng Lâm, một Tiểu quốc của Ấn Độ, ở về phía Đông Ấn Độ.

Từ ngày nhà vua lên ngôi đến nay đã 40 năm mà Hoàng Hậu Bửu Đức không hạ sanh được một vị Hoàng tử nào. Nhà vua cùng Hoàng Hậu đi lên núi Huê sơn cầu tự. Trên núi Huê sơn có một vị Thần rất linh hiển, ai cầu chi được nấy. Cầu tự xong, ít lâu sau, Hoàng hậu có thai, sanh đặng một Công Chúa, đặt tên là Diệu Thanh. Sau đó lại tiếp tục có thai sanh thêm hai nàng Công Chúa nữa là: Diệu Âm và Diệu Thiện; không sanh được một Hoàng Tử nào.

Ba nàng Công Chúa lớn lên, nhà vua định hôn cho hai chị của Diệu Thiện là Diệu Thanh và Diệu Âm, với hai vị quan trẻ tuổi và tài giỏi trong triều đình; còn nàng con gái út Diệu Thiện thì nhứt định không chịu lấy chồng, mà lại còn có ý xin phép vua cha và mẫu hậu xuất gia tu hành.

Vua Linh Ưu tức giận, đày Diệu Thiện vào trong Hoa Viên lo việc gánh nước tưới hoa, làm các công việc cực khổ; đồng thời cho người khuyến dụ nàng bỏ ý định đi tu, nhưng nàng nhứt định cam chịu khổ chớ không từ bỏ ý định tu hành.

Thấy vậy, Hoàng Hậu rất đau lòng, liền xin với vua Linh Ưu cho Diệu Thiện vào chùa Bạch Tước tu hành. Nhà vua chấp thuận, và ngầm ra lịnh cho các tăng ni trong chùa bắt Diệu Thiện làm các công việc nặng nhọc vất vả, để nàng không chịu nổi mà sớm trở về Cung nội.

Diệu Thiện, tâm vẫn cương quyết, làm đầy đủ các bổn phận, dầu rất cực khổ, nhưng không một tiếng than, và luôn luôn lo việc tu hành.

Nhà vua thấy cách nầy thất bại, nên nghĩ ra cách sai lính đốt chùa, để Diệu Thiện không còn nơi tu hành, phải trở về Cung nội. Quân lính phóng hỏa khắp bốn mặt, các tăng ni hốt hoảng lo chạy thoát thân, riêng DiệuThiện vẫn điềm tỉnh, nàng lâm râm cầu nguyện, rồi lấy cây trâm chích vào lưỡi, ngước mặt phun máu lên không, tức thì mây đen hiện ra, mưa tuôn xối xả, dập tắt hết các ngọn lửa. Quân lính đều hết sức kinh ngạc.

Nhà vua không vì sự mầu nhiệm đó mà hối hận, lại bắt Diệu Thiện về triều, tổ chức các cuộc đàn hát vui chơi, để làm cho Diệu Thiện say mê, bỏ việc tu hành. Nhưng vua cha vẫn thất bại bởi Đạo tâm vững chắc của nàng con gái út.

Nhà vua quá tức giận vì không thực hiện được ý mình, nên ra lịnh tối hậu cho nàng Diệu Thiện chọn một trong hai điều: một là phế việc tu hành, lo bề gia thất; hai là chịu xử trảm vì cãi lịnh vua cha.

Nàng Diệu Thiện nhứt quyết chịu chết chớ không chịu bỏ việc tu hành.

Thần Hoàng Bổn Cảnh vội vã bay về Trời tâu trình Thượng Đế, và Đức Thượng Đế ra lịnh cho Thần mau trở về bảo hộ nàng Diệu Thiện.

Diệu Thiện bị đưa ra pháp trường hành quyết. Khi đao phủ đưa đao lên định chém xuống thì đao liền gãy nát; lại lấy cung tên đặng bắn cho chết thì khi mũi tên gần tới Diệu Thiện thì mũi tên bị gãy nát. Thấy không giết được Diệu Thiện bằng hai cách trên, kẻ hành quyết liền dùng hai bàn tay đến siết cổ Diệu Thiện.

Bỗng đâu cuồng phong nổi lên, cát bay đá chạy, thiên ám địa hôn, một đạo hào quang bay đến bao phủ nàng Diệu Thiện, rồi Thần Hoàng hóa thành một con hổ lớn cõng Công Chúa Diệu Thiện chạy bay vào rừng. Các quan giám sát cuộc hành quyết bị một phen hoảng vía, trở về triều báo cáo lại với vua Linh Ưu tất cả các việc.

Nhà vua không chút nao núng phán rằng: Công Chúa mang tội bất hiếu nên bị cọp tha mất xác cho đáng kiếp.

Công Chúa Diệu Thiện bất tỉnh, hồn Công Chúa thấy một vị Sứ giả mặc áo xanh, tay cầm tờ giấy nói rằng: Diêm Vương mời nàng xuống Diêm Cung để xem các cảnh khổ não và những hình phạt nặng nề những linh hồn mà trong kiếp sanh đã làm nhiều điều ác độc.

Thập Điện Diêm Vương cũng muốn nghe nàng thuyết pháp. Công Chúa vâng lịnh, dùng tâm từ bi và sức thần thông thuyết pháp cho 10 vua nghe, các tội hồn trong ngục cũng được nghe và liền giác ngộ. Trong phút chốc, chốn U Minh thành Lạc Cảnh, và các tội hồn đều được thoát ra khỏi ngục, đầu kiếp trở lại cõi trần.

Thấy các cửa ngục đều trống trơn, Thập Điện Diêm Vương vội đưa hồn Diệu Thiện trở lại dương thế và cho nhập vào xác. Nàng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm giữa rừng vắng vẻ, không biết phải làm sao và đi phương nào.

Đức Phật Nhiên Đăng hiện ra trên mây, bảo nàng hãy đi ra biển Nam Hải, đến núi Phổ Đà, tu hành thêm một thời gian nữa thì sẽ đắc đạo, đạt vị Như Lai. Muốn đi đến đó, phải trải qua 3000 dặm đường. Đức Phật Nhiên Đăng lại tặng cho nàng một trái Đào Tiên, ăn vào không biết đói khát trọn năm mà còn được trường sanh bất lão.

Nàng Diệu Thiện nhận lãnh và bái tạ Đức Phật, đoạn nàng tìm đường đi đến Nam Hải. Thái Bạch Kim Tinh hiện xuống, truyền cho Thần Hoàng biến ra Thần hổ, cõng Diệu Thiện đến Phổ Đà Sơn cho mau lẹ.

Tại Phổ Đà Sơn, nàng Diệu Thiện tu thiền định trong 9 năm, đạo pháp đạt được cao siêu.

Ngày 19 tháng 2 năm ấy, là ngày thành đạo của Công Chúa Diệu Thiện. Chư Thần,Thánh,Tiên, Phật, đến chúc mừng và xưng tụng vị Bồ Tát mới đắc đạo. Công Chúa ngự trên tòa sen, hào quang sáng lòa, xưng là Quan Thế Âm Bồ Tát.

Lúc ấy chư Thánh muốn lựa một đồng tử để theo hầu Ngài, thì may đâu lúc đó có một vị tên là Hoàn Thiện Tài, mồ côi cha mẹ, phát nguyện tu hành, qui y Phật pháp, nhưng chưa chứng quả, nay nghe nơi Phổ Đà Sơn có một vị Bồ Tát mới đắc đạo, nên xin đến hầu Ngài.

Trước khi chấp thuận lời thỉnh cầu ấy, Đức Quan Âm muốn thử xem tâm chí của Thiện Tài ra sao. Ngài truyền cho Sơn Thần Thổ Địa hóa làm ăn cướp đến bắt Ngài, Ngài giả bộ sợ sệt kêu la cầu cứu và ngã té xuống hố sâu. Thiện Tài chạy đến cứu thầy, và nhảy theo xuống hố. Thiện Tài thiệt mạng, chơn hồn liền xuất ra khỏi xác, đến hầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và được thâu làm đệ tử.

Về sau, Đức Quan Âm Bồ Tát thâu thêm Long Nữ, con gái của Đệ Tam Thái Tử của Long Vương Nam Hải, làm đệ tử.

Nguyên ngày kia, Long Nữ hóa làm con cá đi dạo chơi trên mặt biển, chẳng may bị một ông chài bắt được. Ông đem cá ấy ra chợ bán. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi ra chợ hỏi mua con cá ấy, rồi đem ra biển Nam thả xuống.

Nam Hải Long Vương nhớ ơn cứu tử cháu nội của mình, nên dạy Long Nữ đem một cục ngọc quí Dạ Minh Châu đến dâng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm mà không cần đèn.

Long Nữ đến dâng ngọc xong, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát, nên xin qui y và được Bồ Tát thâu làm đệ tử.

Từ ấy, Thiện Tài đồng Tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để lo phụng sự Bồ Tát.

Nhắc lại, từ khi vua Linh Ưu ra lịnh giết chết Diệu Thiện, và Diệu Thiện được Thần Hoàng cứu thoát, nhà vua mắc một chứng bịnh nan y vô cùng khổ sở, thân thể nhà vua bị lở loét ngoài da cùng mình, mùi hôi thối xông ra nồng nặc, nhức nhối đau đớn vô cùng. Nhiều danh y tới điều trị mà bịnh vẫn không thuyên giảm chút nào.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở Nam Hải hay biết việc đó, nên Ngài hóa ra một vị sư già, đi đến kinh thành xin vào trị bịnh cho vua Linh Ưu.

Sau khi xem mạch vua, vị sư già tâu: Bịnh của Bệ hạ do oan nghiệt nhập với chất độc cao lương mỹ vị và tửu nhục hằng ngày, nên phát sanh ra ngoài da thành bịnh nan y. Nếu muốn chữa lành thì phải có đôi mắt và đôi cánh tay của một người con thì mới chế thuốc được.

Nghe vậy, nhà vua cho đòi hai Công chúa Diệu Thanh, Diệu Âm và hai Phò mã đến, rồi nhà vua lập lại lời nói của vị sư già, hỏi xem có đứa con nào dám hy sinh để trị bịnh cho vua cha không?

Hai Công chúa cùng tâu: Xin Phụ vương đừng nghe lời ông sãi mầm nầy, bởi vì một người bị khoét đôi mắt và bị chặt hết hai tay thì dù có sống cũng chẳng ra chi. Chẳng lẽ cứu bịnh một người mà lại hủy hoại một người khác hay sao?

Vua Linh Ưu chợt nhớ tới Công chúa út là Diệu Thiện, liền than: Nếu Diệu Thiện còn sống thì Trẫm ắt lành bịnh, vì Diệu Thiện sẽ hy sinh cho Trẫm.

Vị Sư già liền tâu: Tâu Bệ hạ, Bần tăng biết rõ Công chúa Diệu Thiện hiện vẫn còn sống, ở tại núi Phổ Đà, biển Nam Hải. Xin Bệ hạ cho người đi đến đó, tìm Công chúa thì may ra chế được thuốc cho nhà vua. Bần tăng xin để thuốc lại đây, khi nào có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện đem về thì nhập với thuốc nầy, nấu chung lại, rồi trong uống, ngoài thoa, bịnh của Bệ hạ sẽ hết ngay.

Vị Sư già nói xong thì từ giã nhà vua trở về núi.

Vua Linh Ưu rất mừng, liền cho sứ giả sắp đặt hành trang lên đường đi Nam Hải, tìm Công chúa Diệu Thiện. Khi sứ giả đến được Phổ Đà Sơn thì gặp một đồng tử bưng ra một cái mâm phủ vải trắng còn thấm máu tươi, trong đó có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện, đem ra trao cho sứ giả và nói:

Đây là đôi mắt và hai cánh tay của Công chúa Diệu Thiện, sứ giả hãy mau đem về chế thuốc trị bịnh cho vua.

Hoàng Hậu khi nhìn thấy sứ giả đem đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện về, còn dính máu tươi thì òa lên khóc mướt. Thị vệ liền đem nấu với thuốc do vị Sư già để lại, cho nhà vua uống phân nữa, còn phân nữa để thoa lên khắp mình mẩy, phút chốc, thân thể nhà vua lành lặn như xưa, hết đau nhức, mà lại còn cảm thấy khỏe khoắn hơn trước.

Vua Linh Ưu và Hoàng Hậu cảm mến ơn nghĩa của Diệu Thiện, nên quyết định đi ra Phổ Đà Sơn một chuyến để tạ ơn. Xa giá đăng trình, gặp không biết bao nhiêu nguy hiểm, nhưng đều được Quan Âm Bồ Tát dùng thần thông cứu khỏi.

Đến nơi, vua Linh Ưu và Hoàng Hậu thấy một vị Bồ Tát đang ngự trên tòa sen, nhưng mất cả hai cánh tay và hai con mắt. Vua biết đó là Công chúa Diệu Thiện, con của mình, nên vô cùng xúc động, nhớ lại mà ăn năn sám hối lỗi lầm, rồi đồng quì xuống cầu nguyện cùng Trời Phật xin cho Công chúa được lành lặn như xưa.

Sự thành tâm cầu nguyện của vua và Hoàng Hậu có kết quả, Bồ Tát Diệu Thiện liền hiện hào quang với đầy đủ hai tay và hai mắt như lúc trước.

Lúc ấy, vua và Hoàng Hậu đều giác ngộ, quyết rời bỏ điện ngọc ngai vàng, đem mình vào chốn Thiền môn, lo tu hành cầu giải thoát.

Nguyên căn của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát:

Đức Chí Tôn giáng cơ cho biết, nguyên căn của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là do Đức Từ Hàng Bồ Tát biến thân.

TNHT. I. 31: "Người ta gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Đạo Nhơn biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương." (Nhà Thương bên Tàu khởi đầu từ năm 1766 và dứt vào năm 1122 trước TL).

Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nhân ngày Vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, tại Đền Thánh, thời Tý ngày 19-2-Kỷ Sửu (1949), cũng có nói như sau:

"Hôm nay là ngày vía của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Bần đạo đã thường nói, nơi cửa Thiêng liêng Hằng sống, Đức Quan Âm Bồ Tát là một Đấng ở trong gia tộc sang trọng và oai quyền hơn hết.

Cái nguyên căn của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là do nơi pháp thân của Từ Hàng sản xuất....."

Do đó, trong Kinh Đệ Bát Cửu có câu:

Cung Tận Thức thần thông biến hóa,

Phổ Đà Sơn giải quả Từ Hàng.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Từ Hàng Bồ Tát chiết chơn linh giáng trần, tu hành nhiều kiếp, cuối cùng đắc đạo tại Phổ Đà Sơn, hiệu là Quan Thế Âm Bồ Tát.

Trong con đường TLHS, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo cho biết, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát vâng lịnh Đức Phật Vương Di-Lạc "chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh."

"Bần đạo chỉ nói nơi xa xăm của chúng ta đi qua, chúng ta thấy hình trạng Bát Quái Đài, dưới chân có Thất Đầu Xà, và dưới mình của Thất Đầu Xà là Khổ hải, tức là cảnh trần của chúng ta đó vậy.

Bên kia, có liên tiếp mật thiết vô một nẻo sông Ngân hà, rồi Bần đạo chỉ cho hiểu rằng, từ Khổ hải về cảnh Thiêng liêng Hằng sống phải đi ngang qua Ngân hà, có một chiếc Thuyền Bát Nhã của Đức Quan Âm Bồ Tát, vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật, chèo qua lại sông Ngân hà và Khổ hải đặng độ sanh thiên hạ."

Hội Thánh của Đạo Cao Đài chọn ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày thành đạo của Công Chúa Diệu Thiện làm ngày Vía Kỷ niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Hằng năm, khi đến ngày nầy, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương đều thiết lễ Đại Đàn cúng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại công đức và nhiệm vụ của Ngài trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

KINH CỨU KHỔ là bài kinh đặc biệt cầu nguyện Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn chúng sanh.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có giáng cơ ban cho hai bài Kinh Thiên đạo là:

·         Kinh Hạ Huyệt

·         Kinh Khai Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường.

Trong TNHT, có đăng nhiều bài Thánh giáo của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Mặt khác, trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, cũng có một bài Thánh giáo của Ngài, xin trích ra sau đây:

Đêm mùng 2 tháng 11 năm Tân Mùi (1931).

THI:

Nhựt hoành nhị thập kiến giai thì,

Lục nhựt đạo thành hiệp nhứt chi.

Thứ kỷ thương nhơn tâm bất tại,

Nhị nhơn thê mộc diệt nguyên qui.

Giải rõ thi chiết tự:

Nghe ta giải, khá chép mỗi hàng là 12 chữ:

Hai mươi, chữ Nhựt, chữ Giai hiệp chữ Kiến là chữ: QUAN

Chữ Lục hiệp với chữ Nhứt và chữ Nhựt là chữ: ÂM

Chữ Thứ mà bỏ bớt chữ Tâm còn lại chữ: NHƯ

Chữ Mộc mà thêm vô 2 chữ Nhơn gọi là chữ: LAI

DIỄN DỤ:

Phàm làm người ở thế gian, một kiếp phù sanh, nghĩ lại chẳng bao lâu, tuy số định trăm năm chớ ít người bảy chục, còn e hai nẻo rủi may: Đường may là người nhờ kiếp làm quan trung quân ái quốc, giữ tánh thanh liêm, dạy dân lễ nghĩa, hồi đầu tỉnh ngộ lo tu, đời sau hưởng phước; còn gặp đường rủi là: làm quan chẳng dạ ngay vua, mạnh thế lộng quyền, hữu hoài soán nghịch chi tâm, chẳng giữ thanh liêm, hiếp dân, thâu hối lộ làm giàu, bức hiếp kẻ nghèo mà làm cự phú, chác sự oan gia trái chủ, thời phải bị sanh liễu hựu tử, tử liễu hựu sanh, luân hồi chẳng dứt.

Nay gặp Trời ân xá lần ba, khuyên thiện nam tín nữ lo tu bồi đạo đức mà hưởng phước ngày sau, còn người mộ việc tu hành cũng thành Chánh quả.

Nếu tu thời bỏ hết cuộc giàu sang vui sướng ở thế gian. Hãy biết thế gian, muôn việc đều giả, trăm kế cũng không.

THI rằng:

Khán đắc phù sanh nhứt thế KHÔNG,

Điền viên sản nghiệp diệc giai KHÔNG.

Thê nhi phụ tử chung ly biệt,

Phú quí công danh tổng thị KHÔNG.

Cổ ngữ vạn ban đô thị giả,

Kim ngôn bá kế nhứt trường KHÔNG.

Tiền tài thâu thập đa tân khổ,

Lộ thượng huỳnh tuyền lưỡng thủ KHÔNG.

Quan Âm Như Lai

Sau đây, xin chép lại một bài Thánh Ngôn của Đức Quan Âm Bồ Tát dạy Đạo cho nữ phái, giáng cơ đêm 3-8-Nhâm Thìn (dl 21-9-1952), trích trong Thánh Ngôn Sưu Tập:

THI:

QUAN nam diện duợt chí từ bi,

ÂM đức cứu dân mới đắc thì.

BỒ đạo giềng ba thân nữ độ,

TÁT giang đức cảnh thế nên ghi.

Hôm nay về cùng chư tín hữu phân ưu đạo hạnh, cũng nơi lòng ham mộ cửa từ bi, để mong sao thoát kiếp oan khiên nghiệp chướng, do bởi thế trần tạo nhiều khổ cảnh, mà chúng ta mãi vướng cuộc trầm luân, thì bao giờ rời được cái thân nhi nữ thường tình, nếu không sớm lo giải cứu thì sau nầy hối hận, đừng nói sao trễ bước.

Công bấy nhiêu thì quả bấy nhiêu, chỉ có tâm nhiệt thành đạo hạnh thì cơ siêu thoát mới mong hưởng đặng.

Còn một điểm luyến trần, khó mong cứu độ, chừng ấy ăn năn quá muộn, quí nhứt là sớm ngộ Tam Kỳ mà không lo tròn phận sự thì uổng một kiếp sanh vô lối. Dầu khổ dầu cực, cứ lăn lóc theo cơ Đạo để tạo nghiệp cảnh Hư Vô chi vị.

Nếu Bần đạo nói tận cùng, thiện tín phải kinh tâm mà chớ. Thật sự cõi trần là nơi giam hãm con người vào vòng trụy lạc, lại là kiếp khổ tái sanh.

Nếu không ngộ Tam Kỳ, ở Thiên cảnh ngó nơi trần thế, bắt ngậm ngùi cho thế. Chung quanh đều là ô trược để gạt và quyến rũ con người vào vòng tội lỗi, rồi phải chịu đọa luân hồi, khó mong nhìn thượng giới. Mãi bôn xu danh cùng lợi là điều buộc chặt linh hồn đó.

Dưới thế gian mượn nước gội sầu, chớ toàn đều nhơ uế. Cả Thần Tiên rất sợ cảnh trần nầy lắm, chỉ mượn cớ để giác ngộ, nếu hữu duyên thì tránh được, hầu bước qua cảnh mới, tức là siêu linh đó.

Bần đạo cám ơn và ban ơn cho. THĂNG.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

 

Quan Trung

關中

Quan Trung là tên của một phần đất ở bên Tàu, giữa hai ải: phía Đông là ải Hàm Cốc, phía Tây là ải Lũng quan.

Khi Hán Vương Lưu Bang tiêu diệt được Hạng Võ, thống nhứt nước Tàu, lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Hán Cao Tổ, mở ra nhà Hán, đang còn phân vân chưa biết nên chọn Lạc Dương hay Quan Trung để đóng đô.

Lưu Hầu Trương Lương tâu rằng:

- Lạc Dương có những ưu thế hiểm trở nhưng đất hẹp không quá vài trăm dặm, ruộng xấu, lại phải đương đầu với kẻ địch bốn mặt, nên không phải là đất dụng võ tốt. Trái lại, Quan Trung, bên trái có Hào Sơn, Hàm Cốc quan, bên phải có đất Lũng, đất Thục, đồng ruộng phì nhiêu ngàn dặm, phía Nam có cửa ải đất Ba, đất Thục, phía Bắc có cái lợi là đồng cỏ đất Hồ, cả ba mặt đều có thiên nhiên hiểm trở phòng giữ, chỉ dùng mặt phía đông mà khống chế chư Hầu. Khi chư Hầu an ổn thì sông Hoàng Hà, Vị Thủy có thể dùng để chuyên chở của cải của thiên hạ đem về cấp cho kinh đô. Nếu chư Hầu có biến thì cứ thuận dòng sông đi xuống mà chinh phạt. Đó mới là thành vàng ngàn dặm, một kho báu Trời cho vậy.

Hán Cao Tổ nghe Trương Lương nói như vậy thì hạp ý, chuẩn bị ngựa xe ngay hôm ấy đến Quan Trung lập kinh đô.

TNHT:

Yến Tử Hà xưa lúc vận cùng,

Còn mang dép rách đến Quan Trung.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quan trường

官場

A: Mandarinate.

P: Mandarinat.

Quan: Chức quan, của công. Trường: nơi đông người đua chen danh lợi.

Quan trường là giới quan lại, chỉ chung những người đang làm quan.

 

Quan viên

官員

A: Mandarin.

P: Mandarin.

Quan: Chức quan, của công. Viên: người, nhân viên.

Quan viên là những người làm quan.

TNHT: Chưa hết quan viên há hết chầu.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

QUÁN

QUÁN

1.    QUÁN: Thông suốt, xâu tiền.
Td: Quán triệt.

2.    QUÁN: Đứng đầu, cao hơn hết.
Td: Quán chúng.

3.    QUÁN: Rửa tay hay rửa mặt.
Td: Quán tẩy.

4.    QUÁN: còn đọc QUAN: xem xét.
Td: Quán tưởng.

 

Quán chúng

冠眾

A: Eminent.

P: Éminent.

Quán: Đứng đầu, cao hơn hết. Chúng: nhiều người.

Quán chúng là đứng đầu nhiều người, tài giỏi vượt lên trên nhiều người.

 

Quán cổ tri kim

貫古知今

Quán: Thông suốt, xâu tiền. Cổ: xưa. Tri: biết. Kim: đời nay.

Quán cổ tri kim là thông suốt việc đời xưa, biết rõ các việc đời nay. Đó là nhà bác học.

 

Quán tẩy

盥洗

A: To wash oneself.

P: Se laver.

Quán: Rửa tay hay rửa mặt. Tẩy: làm cho sạch.

Quán tẩy là rửa tay hay rửa mặt cho sạch sẽ.

Đây là câu xướng của Lễ sĩ trong nghi thức Tế Thần. Khi Lễ sĩ xướng "Quán tẩy", những vị đứng tế đến chỗ xối nước rửa tay hay rửa mặt cho thật sạch sẽ.

 

Quán triệt

貫徹

A: To penetrate.

P: Pénétrer.

Quán: Thông suốt, xâu tiền. Triệt: suốt tới.

Quán triệt là thông suốt từ đầu đến cuối, hiểu rõ mọi lẽ.

 

Quán tưởng

觀想

Quán: xem xét. Tưởng: tư tưởng, tưởng nghĩ.

Quán tưởng là dùng trí mà xem xét và tưởng niệm.

Quán tưởng cũng là xem xét tư tưởng của mình, nó chánh hay tà, do đâu mà sanh ra và cái quả báo của nó thế nào.

Tư tưởng của chúng sanh thì đảo điên. Tư tưởng của Phật thì chẳng còn điên đảo, hoàn toàn trong sạch, giải thoát.

Quán tưởng niệm Phật: là ngồi im lặng một chỗ mà tưởng nghĩ đến công đức của Phật.

 

QUẢN

QUẢN

QUẢN: Coi sóc công việc, ống sáo, ống tròn.
Td: Quản lý, Quản suất, Quản trị.

 

Quản Châu Đạo - Quản Tộc Đạo

管洲道 - 管族道

Quản: Coi sóc công việc, ống sáo, ống tròn. Châu Đạo: một tỉnh đạo, gồm các tín đồ cư ngụ trong một tỉnh. Tộc Đạo: một quận đạo, gồm các tín đồ cư ngụ trong một quận.

Trong hệ thống tổ chức của Cơ Quan Phước Thiện, vị Chức sắc đứng đầu một Châu Đạo Phước Thiện thì gọi là Quản Châu Đạo Phước Thiện, vị Chức sắc đứng đầu một Tộc Đạo Phước Thiện thì gọi là Quản Tộc Đạo Phước Thiện.

Bên Hành Chánh Đạo thì gọi: Khâm Châu Đạo và Đầu Tộc Đạo. Bên CQPT dùng chữ Quản để chỉ người đứng đầu, tránh trùng chữ với bên Hành Chánh Đạo.

CQPT: Cơ Quan Phước Thiện.

 

Quản Châu Thành Thánh Địa - Quản Phận Đạo

Quản: Coi sóc công việc, ống sáo, ống tròn. Châu Thành Thánh địa: vùng đất ngoại ô Tòa Thánh Tây Ninh được Hội Thánh thành lập để cho các tín đồ Cao Đài từ khắp nơi về cư ngụ và làm ăn sinh sống.

Châu Thành Thánh địa được chia ra nhiều Phận Đạo, mỗi Phận Đạo có số tín đồ tương đương một Tộc Đạo.

Vị Chức sắc đứng đầu Châu Thành Thánh địa về PT là một vị Đạo Nhơn gọi là Quản Châu Thành Thánh địa PT.

Vị Chức sắc đứng đầu một Phận Đạo PT là một vị Giáo Thiện gọi là Quản Phận Đạo PT.

Bên Hành Chánh Đạo thì gọi là: Khâm Thành Thánh địa và Đầu Phận Đạo.

PT: Phước Thiện.

 

Quản lý

管理

A: To manage.

P: Administrer.

Quản: Coi sóc công việc, ống sáo, ống tròn. Lý: sắp đặt công việc.

Quản lý là điều khiển và sắp đặt công việc trong một cơ quan, hay một tổ chức nhiều người.

 

Quản suất

管率

A: To direct.

P: Diriger.

Quản: Coi sóc công việc, ống sáo, ống tròn. Suất: cai quản toàn thể.

Quản suất là cai quản toàn thể.

Thánh ngôn: Quản suất càn khôn định cõi bờ.

Quản suất tài chánh: cai quản về tiền bạc, quản lý việc thâu và xuất tiền bạc của một cơ quan.

ĐLMD: Mỗi kỳ nhóm thường lệ, Thủ bổn phải lược thuật sự quản suất tài chánh cho rõ ràng.

ÐLMD: Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

 

Quản trị

管治

A: To administer.

P: Administrer.

Quản: Coi sóc công việc, ống sáo, ống tròn. Trị: sắp đặt cho yên.

Quản trị là trông nom sắp đặt công việc trong một cơ quan hay một tổ chức gồm nhiều người.

Hội Đồng Quản Trị hay Ban Quản Trị là một nhóm người có trách nhiệm sắp đặt công việc và nhân sự trong một cơ quan hay một tổ chức kinh doanh.

 

Quản Văn phòng

管文房

A: General secretary.

P: Secretaire général.

Quản: Coi sóc công việc, ống sáo, ống tròn. Văn phòng: phòng làm việc về giấy tờ, phụ trách sổ sách, công văn.

Quản Văn phòng là một Chức sắc có nhiệm vụ quản lý các việc giấy tờ nơi Văn phòng của một cơ quan lớn trong Đạo.

Dưới Quản Văn phòng là các Thơ ký và Đầu phòng văn khoa mục giúp việc.

Trong Đạo dùng chữ Quản Văn phòng tương ứng với ngoài đời dùng chữ Chánh Văn phòng.

 

QUANG

QUANG

QUANG: Sáng, rực rỡ, vẻ vang.
Td:Quang âm, Quang lâm.

 

Quang âm

光陰

A: Light and shadow.

P: Lumière et ombre: Temps.

Quang: Sáng, rực rỡ, vẻ vang. Âm: bóng tối.

Quang âm là sáng và tối, tức là ngày và đêm, chỉ thời gian trôi qua.

TNHT: Nhặt thúc quang âm Xuân đã lụn.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Quang lâm

光臨

Quang: Sáng, rực rỡ, vẻ vang. Lâm: tới.

Quang lâm là tiếng dùng để tôn xưng người khách mà mình mời tới nhà mình.

 

Quang minh chánh đại

光明正大

A: Open and straightforward.

P: Clair et droit.

Quang: Sáng, rực rỡ, vẻ vang. Minh: sáng. Chánh: ngay thẳng. Đại: lớn.

Quang minh chánh đại là rõ ràng ngay thẳng, không có gì lén lút hay mờ ám.

 

Quang tiền dụ hậu

光前裕後

Quang: Sáng, rực rỡ, vẻ vang. Tiền: trước. Dụ: giàu có, đầy đủ. Hậu: sau.

Quang tiền dụ hậu là vẻ vang đời trước, giàu có đời sau.

Ý nói: Làm cho vẻ vang sự nghiệp của ông cha đời trước, dành để phúc ấm lại cho con cháu đời sau được giàu có.

Thành ngữ trên còn được nói là: Quang tiền thùy hậu: 光前垂後 Thùy: rủ xuống. Thùy ấm là phúc ấm để lại cho con cháu.

Sách Luận Ngữ có viết rằng: "Quang tiền dụ hậu, kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã." Nghĩa là: Vẻ vang đời trước, giàu có đời sau, kính trọng người già, thương mến cha mẹ mình, thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất cũng như thờ người còn, hiếu ấy rất mực vậy.

TĐ ĐPHP: Mình phải quang tiền dụ hậu, lấy kim suy cổ, suy tầm những lý lẽ cao sâu.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Quang tông diệu tổ

光宗耀祖

Quang: Sáng, rực rỡ, vẻ vang. Tông: dòng họ. Diệu: rực rỡ. Tổ: tổ tiên.

Quang tông diệu tổ là làm rạng rỡ tổ tiên của dòng họ.

 

QUẢNG

QUẢNG

QUẢNG: Lớn, rộng, mở rộng, cái điện lớn.
Td: Quảng đại, Quảng truyền.

 

Quảng đại

廣大

A: Vast, generous.

P: Vaste, généreux.

Quảng: Lớn, rộng, mở rộng, cái điện lớn. Đại: lớn.

Quảng đại là rộng lớn, lòng dạ rộng rãi bao dung.

KCS: Ơn Đông Nhạc Đế Quân quảng đại.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Quảng Hàn Cung

廣寒宮

A: Palace of the moon.

P: Palais de la lune.

Quảng: Lớn, rộng, mở rộng, cái điện lớn. Hàn: lạnh. Cung: cung điện.

Quảng Hàn Cung là cung điện của vị Thái Âm Tinh Quân ở trên mặt trăng.

 

Quảng khai

廣開

A: To enlarge.

P: Élargir.

Quảng: Lớn, rộng, mở rộng, cái điện lớn. Khai: mở ra.

Quảng khai là mở rộng ra.

PMCK: Quảng khai Thiên thượng tạo quyền Chí Công.

PMCK: Phật Mẫu Chơn Kinh.

 

Quảng thi đại đức

廣施大德

Quảng: Lớn, rộng, mở rộng, cái điện lớn. Thi: thi hành, cũng đọc là Thí: giúp cho, bố thi. Bác thí: rộng giúp mọi người. Đại đức: cái đức lớn.

Quảng thi, đồng nghĩa Bác thí: rộng giúp mọi người.

Quảng thi đại đức là ban bố ơn đức lớn cho mọi người.

SỚ VĂN: Ngưỡng nguyện Vô Trung Từ Phụ phát hạ hồng ân, quảng thi đại đức, bố hóa chư đệ tử trí não....

 

Quảng truyền Đạo Đức

廣傳道德

A: To propagate the book of Đạo Đức.

P: Propager le livre de Đạo Đức.

Quảng: Lớn, rộng, mở rộng, cái điện lớn. Truyền: trao lại cho người khác.

Đạo Đức: sách Đạo Đức Kinh, là quyển sách do Đức Lão Tử viết ra, truyền lại cho Doãn Hỷ, dùng làm căn bản cho giáo lý của đạo Tiên.

Quảng truyền Đạo Đức là truyền bá rộng rãi sách Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử.

TG: Tử khí đông lai, quảng truyền Đạo Đức.

TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.

 

QUẠNH

Quạnh quẽ

A: Desert, solitary.

P: Désert, solitaire.

Quạnh quẽ là vắng vẻ và yên lặng, gây cảm giác cô đơn, trống trải, buồn bã.

Quạnh quẽ đồng nghĩa: Quạnh hiu.

KTKVQL: Ngồi quạnh quẽ đèn tàn một bóng.

KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.

 

QUẠT

Quạt nồng ấp lạnh

A: Filial piety.

P: Piété filiale.

Quạt nồng: quạt cho hết nóng nực. Ấp lạnh: nằm úm cho hết lạnh.

Quạt nồng ấp lạnh là khi nóng nực thì quạt cho mát, khi lạnh lẽo thì ấp cho ấm. Ý nói: con hiếu thảo chăm sóc cha mẹ.

Trong Nhị thập tứ Hiếu, gương hiếu thảo thứ 6, Hoàng Hương thức khuya dậy sớm hầu cha rất hiếu thảo. Vào mùa đông, Hoàng Hương nằm ủ chăn chiếu để truyền hơi ấm cho cha khỏi lạnh, đến mùa hè thì quạt mùng gối cho cha được mát mẻ luôn. Nhờ vậy mà người cha sống thoải mái vui tươi, không biết có mùa đông hay mùa hè.

Trong sách Lễ Ký có câu: Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh. Nghĩa là: Phàm theo lễ của kẻ làm con, mùa đông lo cho cha mẹ được ấm áp, mùa hè lo cho cha mẹ được mát mẻ, buổi tối chăm sóc cho cha mẹ ngủ yên, buổi sáng hỏi thăm cha mẹ có được khỏe không.

Do đó, rút ra các thành ngữ: Đông ôn hạ sảnh, Hôn định thần tỉnh, Thần hôn, để chỉ con hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ.

 

QUÂN

QUÂN

QUÂN: Vua, người tài đức, anh với ý tôn kính.
Td: Quân sư phụ, Quân tử.

 

Quân Sư Phụ

君師父

A: King, Teacher, Father.

P: Roi, Maître, Père.

Quân: Vua, người tài đức, anh với ý tôn kính. Sư: thầy dạy học. Phụ: cha.

Quân, Sư, Phụ là ba bực mà người ta phải cung kính theo luân lý của Nho giáo.

Trên hết là vua tượng trưng cho đất nước, kế đó là thầy dạy học, sau mới đến cha. Thời xưa, đặt sự quí trọng thầy hơn cha một bực. Cha mẹ thì sanh ra con, thầy thì dạy cho con hiểu biết đạo lý, khôn ngoàn tài giỏi hơn người.

Ông Loan Cung Tử có viết rằng:

Dân sanh ư tam sự chi như nhứt: Phụ sanh chi, Sư giáo chi, Quân tự chi. Phi phụ bất sanh, phi tự bất trưởng, phi giáo bất tri. Nghĩa là: Người ta sanh ra, có ba người phải thờ kính như một là: Cha sanh, thầy dạy, vua nuôi. Không cha thì không sanh, không nuôi thì không lớn, không dạy thì không biết.

Do đó, Tam Cang của đạo Nho được giải là: Trung, Kính, Hiếu: Trung với nước, Kính bậc thầy, Hiếu với cha mẹ.

 

Quân thánh thần trung

君聖臣忠

Quân: Vua, người tài đức, anh với ý tôn kính. Thánh: sáng suốt như bực Thánh. Thần: bề tôi. Trung: ngay thẳng, trung thành.

Quân thánh thần trung là vua sáng thì bề tôi trung.

Ông Vương Lương nói: Quân thánh thần trung, Phụ từ tử hiếu. Gia bần tri hiếu tử, thế loạn thức trung thần.

Nghĩa là: Vua sáng thì bề tôi trung, cha hiền thì con hiếu. Nhà nghèo mới biết con hiếu, đời loạn mới biết tôi trung.

 

Quân Thiên nhạc

鈞天樂

Quân: Cái bàn xoay của người thợ nặn đồ gốm, chỉ Đấng Tạo hóa. Thiên: Trời. Nhạc: khúc nhạc.

Quân Thiên nhạc là khúc nhạc tấu ở cõi Trời. (Xem chi tiết nơi chữ: Nhạc tấu Quân Thiên, vần Nh).

 

Quân tử - Tiểu nhân

君子 - 小人

A: Superior man - Inferior man; Gentleman - Mean person.

P: Homme supérieur - Homme inférieur; Bonnes gens - Petites gens.

Quân: Vua, người tài đức, anh với ý tôn kính. Tử: người. Tiểu: thấp kém. Nhân: người.

Quân tử là người có tài đức hơn người, có chí khí cao, có nhân cách và phẩm hạnh tốt đẹp.

Tiểu nhân là người tầm thường thấp kém, thiếu đức thiếu tài, tâm tánh hẹp hòi, tham lam ích kỷ.

Nho giáo luận rất kỹ về Quân tử và Tiểu nhân trong phần Hình Nhi Hạ Học.

"Đã nói rằng, đạo của Khổng Tử là đạo người quân tử, cốt dạy người ta cho thành người có đức hạnh hoàn toàn và có nhân phẩm tôn quí, cho nên bao nhiêu sự dạy dỗ học tập của Khổng giáo đều chú cả vào sự gây thành người quân tử.

Khổng giáo chia người trong xã hội ra hai hạng: Quân tử và Tiểu nhân. Quân tử là quí là hay; Tiểu nhân là tiện là dở.

Vậy trước khi bàn đến các mục khác, thiết tưởng nên nói rõ tư cách của người quân tử và kẻ tiểu nhân khác nhau thế nào, thì sau mới hiểu rõ mọi ý nghĩa.

Người ta sinh ra ở đời bao giờ cũng tựa như người hành khách, lúc nào cũng thấy có hai con đường giao nhau trước mắt. Có người biết chọn con đường thẳng mà đi thì được ung dung mà chóng đến nơi; có người thì đi con đường cong queo thành ra vất vả mà không đến nơi được. Con đường thẳng là con đường đạo đức nhân nghĩa, con đường cong queo là con đường gian ác quỉ quyệt. Đi con đường thẳng là người quân tử, có nhân cách hoàn toàn; đi con đường cong là kẻ tiểu nhân hèn hạ.

Lúc đầu, chữ quân tử là nói người có địa vị tôn quí, mà chữ tiểu nhân là nói người thường, không có địa vị trong xã hội.

Về sau dùng rộng nghĩa ra, gọi quân tử là người có đức hạnh tôn quí, và gọi tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ.

Vậy theo nghĩa rộng, quân tử thì dầu bần cùng khổ sở cũng là quân tử; mà tiểu nhân tuy có quyền tước giàu có cũng vẫn là tiểu nhân. Người đi học nho cũng vậy, có người là nho quân tử, có người là nho tiểu nhân. Khổng Tử bảo Tử Hạ: "Nhữ vi quân tử nho, vô vi tiểu nhân nho." Ngươi làm nho quân tử, không làm nho tiểu nhân.

Nho quân tử là người học đạo Thánh hiền để sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quí, dầu bần cùng cũng không làm điều trái đạo; nho tiểu nhân là người mượn tiếng học đạo Thánh hiền để cầu danh cầu lợi, miệng nói đạo đức mà bụng nghĩ điều bất chánh bất nghĩa.

Đức Khổng Tử phân biệt thái độ thế nào là quân tử, thế nào là tiểu nhân. Ngài nói:

"Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt." Quân tử đạt về cái lý cao minh, tiểu nhân đạt về cái lý đê hạ. Quân tử bao giờ cũng theo Thiên lý, cho nên tâm tánh quang minh, biết điều gì càng ngày càng tinh thâm, làm việc gì càng ngày càng thuần thục, bởi vậy mới tiến lên chỗ cao minh. Tiểu nhân bao giờ cũng theo nhân dục, chí khí mờ tối, cứ bị vật dục sai khiến, biết cái gì thì càng ngày càng sai lầm, làm điều gì càng ngày càng càn rỡ, bởi vậy mới trụy lạc về đường đê hạ.

"Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi." Quân tử hiểu rõ điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ điều lợi. Nghĩa là cái chánh đáng của Thiên lý; còn lợi là cái ham mê của nhân dục. Người quân tử hiểu sâu việc nghĩa nên dốc lòng làm việc nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu sâu điều lợi nên dốc lòng làm việc lợi mà quên việc nghĩa là trái lẽ.

"Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung." Quân tử thì trung dung, tiểu nhân thì trái với trung dung. Quân tử hiểu suốt đến cái lẽ cao xa, rồi chọn cái vừa phải mà theo nên mới được trung dung; tiểu nhân chỉ biết cái tư lợi mà không biết cái lý cao xa nên chỉ làm những việc tầm thường, thành ra trái với trung dung.

"Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái." Quân tử thư thái mà không kiêu căng, tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái. Cái bụng của người quân tử thì chỉ theo cái lý tự nhiên nên lúc nào cũng an nhàn tự đắc, không có gì là căng kỷ ngạo vật. Cái bụng của kẻ tiểu nhân chỉ thích cái muốn của mình, nên khi đắc chí thì khoe khoang kiêu ngạo, không có thái độ thung dung như người quân tử.

Quân tử theo Thiên lý nên lúc nào cũng thư thái, tiểu nhân bị vật dục sai khiến nên lúc nào cũng lo nghĩ để cầu danh cầu lợi nên suốt đời luôn luôn lo lắng.

"Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ." Quân tử cố giữ mình lúc khốn cùng, tiểu nhân lúc khốn cùng thì làm bậy.

"Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị." Quân tử gây thành cái hay cho người, không gây thành cái ác cho người, tiểu nhân không thế.

Lòng người quân tử vốn hậu, mà cái sở hiếu chỉ ở sự thiện, cho nên thấy ai làm điều hay thì khuyến khích cho người ta làm hay hơn nữa, hoặc thấy ai làm điều ác thì can ngăn, không để cho người ta làm thành điều ác được. Lòng kẻ tiểu nhân vốn bạc, mà cái sở hiếu chỉ ở điều ác, cho nên thấy ai làm điều ác thì xui khiến để thành ra ác, hoặc thấy ai làm điều thiện thì ghen ghét, tìm cách ngăn trở.

Đức Khổng Tử chia nhơn loại ra làm hai hạng như thế: quân tử và tiểu nhân. Quân tử chủ ở sự theo Thiên lý để làm điều công chánh; tiểu nhân chủ ở sự theo tư dục để làm những điều tà khúc. Một đường thì làm cho tôn phẩm giá của mình lên, một đường thì làm cho hạ phẩm giá của mình xuống. Ai muốn theo đường nào, cũng tùy ở cái chí của mình cả.

"Quân tử ưu đạo bất ưu bần." Quân tử lo đạo, không lo nghèo. Người quân tử lấy sự học đạo làm gốc, cho nên chỉ lo đạt tới đạo chớ không lo cho có lợi lộc hay không có lợi lộc.

"Quân tử kiến cơ nhi tác." Quân tử xem cơ màu mà động tác. Cơ là phần tinh vi nảy ra lúc sắp động. Người quân tử phải xem xét suy nghĩ cho cẩn thận để lúc làm việc gì thì biết rõ cái cơ có làm được hay không. Có cái cơ làm được mà không làm là dại dột, chưa có cái cơ làm được mà làm cũng là dại dột, không phải là người quân tử.

Học làm quân tử thì phải thành thật, không bao giờ tự dối mình mà làm hại cái biết của mình.

Muốn là quân tử thì phải giữ đủ cả phần chất phác ở trong và phần văn hoa ở ngoài, đừng để chênh lệch phần nào. Chất phác mà quá hơn văn vẻ là thô lỗ, văn vẻ mà quá hơn chất phác là hào nháng bề ngoài, trong không có gì là thực. Bởi vậy, văn và chất phải đều nhau, đừng để bên nọ hơn bên kia thì mới thật là người quân tử.

Cái phẩm giá của bậc quân tử hoàn toàn cao quí như thế, sự học rộng như thế, không thể lấy cái tư cách của hạng người tầm thường chỉ bo bo những việc thiển cận mà ví được. Vậy người đi học, muốn theo đạo của người quântử thì cần phải cố gắng nhiều lắm vậy." (Theo Nho giáo của Trần Trọng Kim)

Trong ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO có giải về Quân tử và Tiểu nhân, chép ra như sau:

"Quân tử là người tài đức xuất chúng, phẩm hạnh nhân cách hoàn toàn, tánh tình cao thượng. Người quân tử bao giờ cũng ung dung thư thái, ưa làm sự phải điều hay, thuận Thiên lý lưu hành, đem chơn đạo mà khuyên đời tùng lương cải ác, tấm lòng bao giờ cũng quảng đại, vô vi thanh tịnh, không phóng túng bôn chôn, mà để lòng dục khiến sai, uốn bẻ đến phải bước lầm vào nẻo quấy. Mỗi việc đều xét suy đáo để, tính trước lo xa, thương người ích chúng, ham nghĩa ưa nhân, chuộng trung mến chánh, bao giờ cũng vẫn tùy thời quyền biến mà giữ cho được hai chữ Trung Dung, chớ không thái quá không bất cập, dầu gặp cảnh ngộ nào thì tâm chí cũng cứ an vui, không để thất tình loạn động, vì người quân tử là thực vô cầu bảo, cư bất cầu an, kia mà.

Cái đức của người quân tử thường như nước vậy, nghĩa là châu lưu chảy khắp tứ phương, gặp tròn gặp méo, gặp dài gặp vuông, nước cũng chiều theo được hết, lại nước cứ từ cao chảy xuôi xuống thấp, nên người quân tử luống chịu hạ mình cho vừa lòng tất cả nhơn sanh. Tuy nước cứ tìm chỗ thấp, cứ chiều theo khuông, cứ mềm với chúng, mà đến chừng ai muốn cho nó tiêu mòn sứt mẻ là chẳng làm sao hề hấn đến được lấy chút mảy may gì nó bao giờ.

Người quân tử theo đời mà chẳng nhiễm đời, chiều người mà chẳng bợ người, tùy tục mà không đắm tục, cứ giữ tánh tình thanh bạch, tâm chí cao siêu, dẫu ai dầm cũng chẳng phai, ai giũa cũng chẳng mòn, nên bã lợi danh mồi chung đỉnh có bao giờ trêu nhử được!

Còn đứa tiểu nhân lại bỏ nghĩa theo lợi, lấy vạy cầu danh, tâm tà tánh độc, nết kiêu, chí hèn, nói tắt một lời là mỗi mỗi đều trái hẳn với người quân tử như trắng với đen, như trời với vực.

Tuy nhiên, người quân tử càng trốn cái danh mà danh càng rạng tỏ, càng chiều với thế mà thế vẫn tôn sùng; còn đứa tiểu nhơn lại càng chuộng cái danh mà danh càng nhơ nhớp, càng kiêu với thế mà thế vẫn thị khinh.

Như vậy mà sao hạnh quân tử ít người làm, còn thói tiểu nhơn lại nhiều kẻ học? Thiệt rất buồn cho nhơn loại biết bao!"

"Chán đời tìm chốn tịnh an,

Học theo quân tử, lánh đàng tiểu nhơn.

Khó khăn chí vẫn đâu sờn,

Hữu duyên nghe lọt tiếng đờn vô vi."

 

QUẦN

QUẦN

1.    QUẦN: Nhiều người tụ họp đông đảo.
Td: Quần linh, Quần sanh.

2.    QUẦN: Cái quần để mặc.
Td: Quần hồng, Quần thoa.

 

Quần chơn

群眞

A: All the Saints.

P: Tous les Saints.

Quần: Nhiều người tụ họp đông đảo. Chơn: Chân: những vị tu hành đắc đạo thành bực Thánh hay bực Tiên, gọi là Chơn nhơn.

Quần chơn là các vị Thánh, Tiên.

TG: Hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng.

TG: Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.

 

Quần hồng

裙紅

A: Rose trousers.

P: Pantalon rouge.

Quần: Cái quần để mặc. Hồng: màu đỏ.

Quần hồng là cái quần màu đỏ, chỉ đàn bà con gái.

Khi xưa, ở bên Tàu, những nhà giàu thường cho con gái mặc quần màu đỏ.

NTTP: Lấy kinh luân thúc thách quần hồng.

NTTP: Nữ Trung Tùng Phận.

 

Quần linh

群靈

A: All the spirits.

P: To