CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN

 

Danh mục vần NH

NHÃ

·         Nhã

·         Nhã giám

·         Nhã nhạc

·         Nhã ý

 

NHẠC

·         Nhạc

·         Nhạc công

·         Nhạc hành lễ

·         Nhạc lễ (Xem: Lễ nhạc, vần L)

·         Nhạc năm cung

·         Nhạc nhân

·         Nhạc sĩ - Nhạc sư

·         Nhạc sinh

·         Nhạc tấu Quân Thiên

·         Nhạc thiều

 

NHAN

·         Nhan Hồi (Nhan Uyên)

 

NHÀN

·         Nhàn cư vi bất thiện

 

NHÃN

·         Nhãn

·         Nhãn huệ quang

·         Nhãn tiền báo ứng

·         Nhãn trung đinh

 

NHẮM

·         Nhắm mắt

 

NHÂM

·         Nhâm đốc nhị mạch

 

NHẬM

·         Nhậm (Xem: Nhiệm)

 

NHÂN

·         Nhân (Xem: Nhơn)

 

NHẪN

·         Nhẫn

·         Nhẫn nhục

 

NHẪNG

·         Nhẫng

 

NHẬP

·         Nhập

·         Nhập bất phu xuất

·         Nhập diệt

·         Nhập diệu

·         Nhập định

·         Nhập gia tùy tục

·         Nhập hội

·         Nhập môn

·         Nhập nội

·         Nhập quan - Nhập liệm

·         Nhập tâm

·         Nhập Thánh thể

·         Nhập thế - Xuất thế

 

NHẤT

·         Nhất (Xem: Nhứt)

 

NHẬT

·         Nhật (Xem: Nhựt)

 

NHI

·         Nhi nữ thường tình

 

NHĨ

·         Nhĩ mục quan chiêm

 

NHỊ

·         Nhị

·         Nhị hữu hình đài

·         Nhị nguyên luận

·         Nhị Nương

·         Nhị thập bát tú

·         Nhị thập tứ hiếu

·         Nhị thập tứ Tiết

·         Nhị xác thân

 

NHIỄM

·         Nhiễm luyến

 

NHIỆM (NHẬM)

·         Nhiệm

·         Nhiệm chức (Nhậm chức)

·         Nhiệm mầu (Xem: Mầu nhiệm, vần M)

·         Nhiệm phong (Nhậm phong)

·         Nhiệm sở

·         Nhiệm ý

 

NHIÊN

·         Nhiên Đăng Cổ Phật

·         Nhiên hậu

 

NHIẾP

·         Nhiếp

·         Nhiếp ảnh

·         Nhiếp chánh

·         Nhiếp hồn

·         Nhiếp tâm

 

NHIỆT

·         Nhiệt

·         Nhiệt huyết

·         Nhiệt tâm

·         Nhiệt thành

 

NHIỄU

·         Nhiễu điều

·         Nhiễu hại

 

NHO

·         Nho

·         Nho gia

·         Nho giáo

·         Nho nhã

·         Nho phong

·         Nho Thích Đạo

·         Nho Tông Chuyển Thế

·         Nho tông khai hóa

 

NHỒI

·         Nhồi quả

·         Nhồi sọ

 

NHƠN (NHÂN)

·         Nhơn

·         Nhân ái

·         Nhân bản

·         Nhơn cách (Nhân cách)

·         Nhơn cầm

·         Nhơn chủng (Nhân chủng)

·         Nhơn cùng trí đoản

·         Nhơn dục - Nhơn dục vô nhai

·         Nhơn duyên

·         Nhơn đạo - Thiên đạo

·         Nhơn định thắng Thiên

·         Nhơn đức - Nhơn đạo

·         Nhơn giả nhơn dã

·         Nhơn gian

·         Nhơn hậu

·         Nhơn hiền tại mạo

·         Nhơn hữu thiện nguyện

·         Nhơn lão tâm bất lão

·         Nhơn loại khởi nguyên

·         Nhơn luân

·         Nhơn lực

·         Nhơn Nghĩa (Nhân Nghĩa)

·         Nhơn nhơn thành sự

·         Nhơn phẩm

·         Nhơn phi nghĩa bất giao

·         Nhơn quả - Luật Nhơn quả

·         Nhơn quan giả bái quan

·         Nhơn sanh như ký

·         Nhơn sanh triêu lộ

·         Nhơn sanh quan

·         Nhơn sĩ (Nhân sĩ)

·         Nhơn sự

·         Nhơn tâm bất cổ

·         Nhơn tâm bất khả phòng

·         Nhơn tâm bất túc xà thôn tượng

·         Nhơn tâm sanh nhứt niệm, Thiên Địa tất giai tri

·         Nhơn thân phàm ngữ

·         Nhơn thiện bị nhơn khi

·         Nhơn thọ tác quả

·         Nhơn Tiên

·         Nhơn tình

·         Nhơn tình thế thái

·         Nhơn trí

·         Nhơn từ (Nhân từ)

·         Nhơn từ giả thọ

·         Nhơn tử lưu danh

·         Nhơn tước - Thiên tước

·         Nhơn vật

·         Nhơn vi vạn vật chí linh

·         Nhơn vị (Nhân vị)

·         Nhơn vô thập toàn

 

NHU

·         Nhu sĩ

·         Nhu thắng cương, nhược thắng cường

 

NHŨ

·         Nhũ

·         Nhũ danh

·         Nhũ lịnh

 

NHỤC

·         Nhục

·         Nhục dục

·         Nhục nhãn

·         Nhục thể

·         Nhục tổ hổ tông

 

NHƯ

·         Như

·         Như ảnh tùy hình

·         Như cổ sắt cầm

·         Như đao phá thạch

·         Như Lai

·         Như nguyện

·         Như Nhãn Hòa Thượng (Xem: Chưởng Pháp, vần Ch)

·         Như thảng

·         Như thị

·         Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn (Xem: Vĩnh Nguyên Tự, vần V)

·         Như ý sở cầu

 

NHỮ

·         Nhữ

·         Nhữ đẳng tu thọ pháp

·         Nhữ tri hồ?

 

NHƯỢC

·         Nhược

·         Nhược hữu

·         Nhược nhơn đương sanh

·         Nhược thiệt nhược hư

·         Nhược thủy

·         Nhược tiểu

 

NHỨT (NHẤT)

·         Nhứt

·         Nhứt ẩm nhứt trác sự giai tiền định

·         Nhứt bổn tán vạn thù, Vạn thù qui nhứt bổn

·         Nhứt bổn vạn lợi

·         Nhứt cử lưỡng tiện

·         Nhứt dĩ quán chi (Nhứt quán)

·         Nhứt diện

·         Nhứt diệp tri thu

·         Nhứt đán vô thường vạn sự hưu

·         Nhứt gia hữu sự bá gia ưu

·         Nhứt hô bá ứng

·         Nhứt khắc thiên kim

·         Nhứt lao vĩnh dật

·         Nhứt môn đồng mạch

·         Nhứt môn hạnh phúc

·         Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh

·         Nhứt ngộ bất dung tái ngộ

·         Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang

·         Nhứt ngôn ký xuất tứ mã nan truy

·         Nhứt, Nhị, Tam Kỳ Phổ Độ

·         Nhứt nguyên luận

·         Nhứt nhứt

·         Nhứt nhựt thanh nhàn nhứt nhựt Tiên

·         Nhứt niệm

·         Nhứt Nương

·         Nhứt phàm phong thuận

·         Nhứt phiến đan tâm

·         Nhứt tâm thiện niệm

·         Nhứt thân ức vạn

·         Nhứt thần giáo

·         Nhứt thiên biến

·         Nhứt thiết chư Phật

·         Nhứt thiết giai thành

·         Nhứt thốn quang âm nhứt thốn kim

·         Nhứt thống

·         Nhứt thời

·         Nhứt tiễn song điêu

·         Nhứt tinh chi hỏa

·         Nhứt toán họa phước lập phân

·         Nhứt Tổ chí Lục Tổ

·         Nhứt trần bất nhiễm

·         Nhứt Trấn Oai Nghiêm

·         Nhứt triêu nhứt tịch

·         Nhứt trường xuân mộng

·         Nhứt tự thiên kim

·         Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư

·         Nhứt tướng công thành vạn cốt khô

·         Nhứt vãng nhứt lai

·         Nhứt vô sở hữu

 

NHỰT

·         Nhựt

·         Nhựt để

·         Nhựt nguyệt

·         Nhựt nguyệt chi quang

·         Nhựt nguyệt mạo

·         Nhựt nguyệt như thoa

·         Nhựt nhu ngoạt nhiễm

·         Nhựt nhựt tân

·         Nhựt thượng tam can

·         Nhựt trình

·         Nhựt tụng

·         Nhựt xuất nhi tác

 

 

 

 

NHÃ

NHÃ

NHÃ: Tao nhã, có lễ độ, lịch sự.
Td: Nhã giám, Nhã nhạc, Nhã ý.

 

Nhã giám

雅鑑

A: To examine with benevolence.

P: Examiner avec bienveillance.

Nhã: Tao nhã, có lễ độ, lịch sự. Giám: xem xét, chiếu soi.

Nhã giám là từ ngữ dùng có ý kính trọng để mời người khác xem thơ của mình hay văn của mình soạn ra.

 

Nhã nhạc

雅樂

A: Ceremonial music.

P: Musique de cérémonie.

Nhã: Tao nhã, có lễ độ, lịch sự. Nhạc: âm nhạc.

Nhã nhạc là loại âm nhạc tao nhã, chánh đáng, dùng nơi triều đình, đền miếu.

Nhã nhạc còn được gọi là Nhạc thiều. Nhạc thiều khiến cho lòng người nghe trở nên tao nhã, cao thượng.

Trái với Nhã nhạc là Nhạc kích động tà dâm.

 

Nhã ý

雅意

A: Good intention.

P: Bonne intention.

Nhã: Tao nhã, có lễ độ, lịch sự. Ý: ý kiến.

Nhã ý là có ý kiến tốt.

Từ ngữ nầy dùng để tôn xưng ý kiến của người khác đối với mình.

 

NHẠC

NHẠC

NHẠC: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa.
Td: Nhạc hành lễ, Nhạc năm cung.

 

Nhạc công

樂工

A: The player.

P: L'exécutant.

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Công: người thợ.

Nhạc công là người diễn tấu âm nhạc.

Nhạc công còn thấp hơn Nhạc sĩ một bực.

TNHT: Nhạc còn chưa đủ thể cách, đờn để rước chư Tiên, Thánh, không phải vậy là đủ, người nhạc công phải ăn mặc tinh khiết.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Nhạc hành lễ

樂行禮

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Hành: làm, thi hành. Lễ: nghi lễ.

Nhạc hành lễ là âm nhạc diễn tấu trong Đại đàn và Tiểu đàn khi cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

Sau đây là bài của Nhạc Sư Trần Thiện Niệm, cai quản Ban Nhạc Tòa Thánh, gởi cho các Chánh Phó Trưởng Phiên Nhạc, Chức sắc và nhân viên Bộ Nhạc, để thi hành về phần âm nhạc trong Đại đàn, Tiểu đàn và Tứ thời khi cúng Đức Chí Tôn tại Đền Thánh và cúng Đức Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ.

Nhạc hành lễ

I.      Nhạc Đại đàn và Tiểu đàn tại Đền Thánh

II.     Nhạc cúng Từ thời tại Đền Thánh

III.    Nhạc cúng Đại đàn tại Báo Ân Từ

IV.   Nhạc cúng Tứ thời tại Báo Ân Từ


 

Xin nhắc lại các khuôn mẫu lễ nghi của các bậc Đại Đức tiền nhân, ra công dạy dỗ Nhạc lễ, Kinh kệ buổi sơ khai, hôm nay, chúng ta phải gia tâm chỉnh đốn cho y khuôn mẫu, để khỏi phần thất lễ.

I. Nhạc Đại đàn và Tiểu đàn tại Đền Thánh:

1. Toàn thể Chức sắc Chức việc tới đàn vía phải mặc phẩm phục Chức sắc của mình. Đại đàn thì mặc Đại phục, Tiểu đàn thì mặc Tiểu phục, không có phẩm cấp thì không được ngồi vào băng bán nguyệt, khi lên lầu HTĐ đảnh lễ xong là 11 giờ 35 phút.

2. Gần tới giờ hành lễ, ban nhạc phải ngồi vào băng bán nguyệt, là nơi hành lễ trước 15 phút mà lo chu đáo các món nhạc khí của mình. Đại đàn thì ở Nghinh Phong Đài và lầu Bát Quái Đài, Tiểu đàn thì tại lầu HTĐ.

3. Khi Chức sắc và toàn thể nhập đàn đến HTĐ thì Nhạc không khua động, chuyện vãn, thử kèn chi cả, do lễ đài báo hiệu.

4. Nhạc chấp sự các môn chánh phải là vị Chức sắc quan trọng hơn, nghiêm chỉnh thi hành, vì trước Đại điện Chí Tôn, Chức sắc phải trọng vọng khiêm cung đảnh lễ.

5. Trống Tiếp Giá phải là vị trưởng ban y căn bản thủ vị phân minh. Các môn phụ phải tế nhị khiêm nhường, giọng kèn oai linh không lệch tục. Tới đờn 7 bài, hay 5 bài, hay 3 bài, cần thúc lẹ.

6. Từng Hương, không đờn quá lơi và không đờn lớp trống xuân, tới kinh Niệm Hương và Khai Kinh, đừng đờn cho đọc kinh lơi quá, lệch chữ kinh, cùng ảnh hưởng đến toàn thể mỏi mệt và giảm tinh thần tín ngưỡng. Đờn Nam xuân cho đọc Kinh Ngọc Hoàng và Tam giáo, đờn giữ mức trung bình, lẹ quá mất giọng xuân, cũng không đờn lớp trống xuân, vì lớp trống xuân, Đức Chí Tôn đã tiền định rồi.

7. Trống lập ban: đổ trống nhuyễn nhẹ ngắn, chờ gài thủ các môn phụ mới tiếp vào để không lấp câu xướng, cũng không trễ lạy (nhứt là chờ nơi lễ đài báo hiệu).

8. Trong ba tuần Dâng Tam bửu, không đổi người nhằm thủ vĩ bất động phách. Đàn nội tôn nghiêm gìn tiền hậu luật y nhứt mẫu khiến đàn nội không bị phóng tâm.

9. Thượng Tấu Sớ Văn: câu sớ quan trọng, điểm trống tỏ ý uy linh, kính cẩn hơn; câu trung bình thì điểm trung bình. Phần sớ (đốt sớ) có uy linh, trống chuyển qua thét.

10. Trống lập ban: ba lạy xong gài trống vô đờn lớp trống xuân tụng kinh Ngũ Nguyện, lạy xong dứt trống lập ban.

11. Chức sắc HTĐ nhập Nội nghi và Hộ Đàn Pháp Quân, Tả Hữu Phan Quân nhập Nội nghi, bái xong dứt trống lập ban, trở thét trung bình. Chức sắc HTĐ đi về tới chỗ, tiếng kiểng đổ, toàn thể đứng lên xá, rồi bày ban đứng chờ.

12. Toàn thể nghe tiếng chuông bãi đàn, nhạc gài thái bình, tiền bần hậu phú, tiễn bước Chức sắc đi ra, Nhạc dứt, tịch, ấy là đàn tràn viên mãn.

II. Nhạc cúng Từ thời tại Đền Thánh:

1. Khi lên từng lầu HTĐ thì ban nhạc đảnh lễ một lượt cho rập ràng. Còn 10 phút trước khi khởi lễ thì ngồi vào băng bán nguyệt, soạn lên dây đờn nhỏ nhẹ, cần nghiêm túc thủ lễ tỏ sự tôn kính vì là trước đại điện.

2. Đúng giờ hành lễ, chuông nhứt, nhạc rao đờn, Chức sắc, Chức việc và toàn đạo tới cấp HTĐ thì nhạc đờn bài Hạ.

3. Kế tiếp chuông nhì, Chức sắc, Chức việc đồng xá, vào ngồi thì dứt bài Hạ. Nhạc liền ra Ai, chuông thỉnh Thánh vừa xong là khởi đờn Nam ai, Giáo nhi và đồng nhi tụng kinh Niệm Hương. Lạy xong, tiếp tụng bài Khai Kinh. Hai bài giọng Nam ai nầy, đừng đọc kinh lơi quá, khiến tiếng kinh lệch lạc không đúng chữ kinh và không đúng giọng nếu đờn lơi, cũng không đờn lớp mái Nam ai trong đờn kinh nầy.

4. Tới đờn Xuân, Giáo nhi và đồng nhi tụng bài Ngọc Hoàng Kinh và luôn trong các bài kinh giọng Xuân nầy, không lẹ quá mà mất phù ba của giọng xuân, cũng không xen lớp trống xuân vì lớp trống xuân thể pháp đờn cho Năm câu nguyện, đặng dứt thời cho cúng đàn mà thôi.

5. Tới đờn Dâng Tam bửu, Giáo nhi đồng nhi chờ qua nhịp mới thài, đều đúng câu đờn nào cũng vậy. (Lời dạy của Đức Phạm Hộ Pháp vì chánh pháp môn nhịp điệu).

6. Thời cúng có Dâng Sớ, khi mãn thài thì đờn bài Hạ, tùy mau chậm, dứt để đọc sớ. Khi phần sớ, nhạc rao xuân, lạy 3 lạy xong thì nhịp vô lớp trống xuân đọc Ngũ Nguyện, dứt thì trở đờn bài Hạ. Nếu có Chức sắc HTĐ lên Nội nghi lạy thì chờ, khi về tới chỗ thì đứng lên bài ban, Nhạc và Giáo nhi đồng nhi lạy. Nghi lễ kệ chuông bãi đàn.

7. Cúng thời Ngọ, Nhạc còn đờn để Giáo nhi và đồng nhi tụng kinh Tuần Cửu, khi dứt kinh đến niệm Câu chú của Đức Chí Tôn, nhạc không được đờn nhái theo mà được đờn xuân tới cho ăn nhịp mà thôi.

8. Mỗi thời cúng Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, mỗi nơi có Chức sắc Bộ Nhạc để ủng hộ chư nhân viên trong thời cúng được nghiêm túc, tôn kính của Nhạc Thánh đường, đối với lòng tín ngưỡng trong toàn đạo trong thời cúng, ấy là gương mẫu Nhạc của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vậy.

9. Riêng về Chức sắc, Chức việc cúng thời Tý tại Đền Thánh phải mặc áo Tiểu phục cho nghiêm trang hơn.

Mong chư Chức sắc Chức việc chú ý khoảng nầy cho được chu toàn thiện mỹ.

III. Nhạc cúng Đại đàn tại Báo Ân Từ:

1. Tới 11 giờ 35 phút, ban nhạc lo chuẩn bị trước, nhứt là lo chỉnh soạn các môn nhạc khí và nhân viên của mình.

Còn 15 phút đến 12 giờ thì đến lễ bái mà ngồi vào băng bán nguyệt, so dây đờn nhỏ nhẹ, nhứt là kèn và trống cơm, muốn thử kêu rõ ràng thì phải tại cơ sở của mình, còn đến giờ cúng thử nhỏ cho biết ăn giọng âm thanh với đờn mà thôi.

2. Lên trước đại điện không được hút thuốc, nói chuyện ồn ào mất vẻ trang nghiêm, vì là nơi tất cả tịnh tâm đảnh lễ, còn hút thuốc cũng là trược đối với thiêng liêng, hơn nữa khi đi cúng cũng đã súc miệng sạch rồi.

3. Các môn chánh của nhạc phải là người có phẩm lớn và đạo hạnh mà làm chuẩn hướng.

Nhạc Tấu Quân Thiên, trống gài đầu trung bình, bạc không phép lướt trống, vì thúc lẹ thì lớp và âm thanh không phân minh, làm giảm uy hùng của Tiếp Giá. Còn đờn 3 hay 5 bài thì cần đờn lẹ lên, nhớ tôn Thánh ý Đức Phạm Hộ Pháp, không hối thúc Tiếp Giá mà hối thúc đờn.

4. Tới từng Điện Hương: đờn xuân điện không đờn lơi, cũng không đờn lớp trống xuân. Khi lễ quì, toàn thể nghe chuông thỉnh Thánh, nhạc rao đặng vô đờn Nam ai. Giáo nhi đồng nhi đọc kinh Niệm Hương, đừng đờn đọc kinh lơi vì trong giọng kinh quá trầm, chữ kinh lệch lạc, bổn đạo mỏi, giảm tín ngưỡng. Tới bài Khai Kinh cũng giọng Nam ai, hai bài nầy cần thúc nhịp lại.

5. Trống lập ban: trống nhỏ ngắn gọn, các môn tum bạc kèn và phụ chờ gài thủ vô sau nghe đúng pháp, còn đổ ồn lên một lượt làm lấp mất tiếng câu xướng của lễ sĩ, đổ kéo dài thời gian làm mất một lạy của tập thể.

6. Tới đờn Xuân, Giáo nhi đồng nhi đọc Phật Mẫu Chơn Kinh, giữ mức trung bình, lẹ quá mất giọng Xuân, cũng không đờn lớp trống xuân (vì như đã nêu ở phần trên), dứt, trống lập ban, lạy.

7. Lễ điện Tam bửu: qua những lớp bài Hạ và trống thét, lớp trống thét không đánh mỏ, bạc lẹ quá mất điệu thuần hậu trung dung, tới gài Đảo ngũ cung, giữ mực trung bình. Lễ tới Nội nghi, tới thượng Tam bửu, Lễ sĩ đổi sang thì nhạc thúc mực trung bình mà thôi, lẹ quá giảm giá nhịp điệu Nhạc Thánh đường.

8. Trống lập ban, lạy, một mình trống đổ nhỏ gài thủ thì các môn phụ lập vô thủ nhịp sau, còn đổ rầm lên lấp xướng, trễ lạy lụp chụp có khi lễ phải chờ vì Lễ hưng Nhạc tác.

9. Đến Thượng Tấu Sớ văn, từ xây tá đến thét ngắn. Lưu ý tới câu sớ quan trọng thì điểm trống, tôn kính uy linh hơn (đổ ro roi điểm ba), câu trung bình thì điểm trung bình (không ro mà điểm ba). Tới phần sớ, đổ trống phần sớ có vẻ tôn nghiêm dâng uy hùng, tiếp thét luôn. Lạy 3 lạy.

10. Đến Ngũ Nguyện, gài trống vô đờn, chừng mức hồi khởi đầu không lẹ không chậm (như đờn Xuân và Tiếp Giá mới vô nhịp ban đầu) tới đây mới đờn lớp trống xuân với năm câu Nguyện, cuối cùng tận tâm cầu đảo của toàn thể đặng mãn đàn. Khi 3 lạy xong, nghe chuông, toàn thể đứng lên xá và đứng lưỡng ban.

11. Nhạc còn trổi đều, cho Lễ sĩ, Giáo nhi, đồng nhi, Trật tự, Kiểm đàn lạy, còn Nhạc khi mãn Năm câu nguyện thì lo thi nhau mà lễ bái, đến đây đồng chờ tiếng kiểng và ba tiếng chuông.

12. Lễ sĩ xướng: Lễ thành, nhạc đổ trống gài lớp thái bình, tiền bần hậu phú rồi dứt, tịch, mãn lễ.

IV. Nhạc cúng Tứ thời tại Báo Ân Từ:

1. Còn 20 phút tới giờ cúng, Nhạc phải ứng trực sẵn, đến chừng còn 10 phút, Nhạc vô bái lễ, xong vào băng bán nguyệt ngồi lên dây đờn nhỏ gọn và không nói chuyện ồn ào pha lẫn, thủ lễ nghiêm túc.

Tới giờ, Chuông nhứt, rao đờn vô bài Hạ. Chuông nhì, vô quì, dứt đờn bài Hạ, toàn thể nghe chuông thỉnh Thánh, nhạc rao đờn vô Nam ai, Giáo nhi đồng nhi đọc kinh Niệm Hương (đừng vô đờn và đọc kinh quá lơi). Dứt bài Niệm Hương, lạy 3 lạy. Tiếp đọc bài Khai Kinh. Hai bài Nam ai nầy đọc quá lơi sẽ có nhiều chữ kinh lệch lạc.

2. Dứt bài Khai Kinh, tiếp đờn Nam xuân cũng không quá lẹ, Giáo nhi đồng nhi đọc Phật Mẫu Chơn Kinh, nếu lẹ sẽ mất giọng phù ba của hơi xuân, nhạc cũng không đờn lớp trống xuân (như đã nêu ở phần trên), dứt bài xuân, lạy 3 lạy.

3. Nhạc rao Xuân nữ, vô đờn Xuân nữ, đờn mức trung bình, nhứt là thuần túy thung dung pháp Nhạc Thánh đường (chớ không phải cải lương sân khấu), Giáo nhi đồng nhi cũng không nên tụng bài kinh Tán Tụng Công Đức Phật Mẫu kéo dài, ngược lại vì kinh đọc cúng không phải nói lối của sân khấu mà tưởng sân khấu là phi pháp. Phi pháp là phi lễ.

4. Mãn bài kinh đờn giọng Xuân nữ, nhạc rao giọng Đảo, lạy 3 lạy xong, nhạc vô đờn bài Đảo, Giáo nhi đồng nhi chờ qua một nhịp mới khởi thài. Ấy là ý thức của Đạo nghiệp.

5. Ba lạy xong chờ gõ vô nhịp trở đờn lớp trống xuân một lớp, Giáo nhi đồng nhi tụng Ngũ Nguyện, dứt bài Ngũ Nguyện liền đờn bài Hạ, lạy 3 lạy xong, toàn thể đàn nội đứng lên. Nhạc dứt đờn. Toàn thể đứng lưỡng ban. Giáo nhi đồng nhi và Nhạc đi lạy, nghi lễ đánh chuông. Lạy xong trở về vị trí.

6. Nghi lễ kệ chuông bãi đàn, bái mãn đàn. Hết.

HTÐ: Hiệp Thiên Ðài.

 

Nhạc lễ

(Xem: Lễ nhạc, vần L)

 

Nhạc năm cung

A: Ancient music.

P: Musique ancienne.

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Năm cung: Ngũ âm, năm bậc âm thanh, gồm: cung, thương, giốc, chủy, vũ.

Nhạc năm cung là ý nói âm nhạc cổ điển có tánh cách tao nhã, làm cho người nghe cảm thấy thơ thới.

TNHT:

- Non Thần đợi lóng nhạc năm cung.

 

- Rửa tai chờ lóng nhạc năm cung.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Nhạc nhân

樂人

A: Musician.

P: Musicien.

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Nhân: người.

Nhạc nhân là nhạc sĩ nhà nghề.

 

Nhạc sĩ - Nhạc sư

樂士 - 樂師

A: Musician - Professor of music.

P: Musicien - Professeur de musique.

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Sĩ: người. Sư: thầy.

Nhạc sĩ là người chuyên về âm nhạc.

Nhạc sư là bực thầy về âm nhạc.

Nhạc Sĩ và Nhạc Sư là hai phẩm Chức sắc trong Bộ Nhạc. Phẩm thấp nhứt là Nhạc Sĩ, phẩm cao nhứt là Nhạc Sư. Nhạc Sĩ đối phẩm Chánh Trị Sự, và Nhạc Sư đối phẩm Giáo Sư.

Muốn được vào phẩm Nhạc Sĩ, người học nhạc phải qua một kỳ thi do Hội Thánh tổ chức và phải đậu kỳ thi nầy, có cấp bằng của Hội Thánh. Khi đủ công nghiệp, Nhạc Sĩ phải thi lên Bếp Nhạc.

Thể thức thi Nhạc Sĩ: Biết cầm một cây đờn và trọn hiểu nhạc khi có Tiểu đàn và Đại đàn, Nhạc trống Tiếp Giá.

Thể thức thi Bếp Nhạc là: Biết trọn nghi lễ và nhạc nghệ về tài tử. (Xem chi tiết nơi chữ: Bộ Nhạc, vần B)

 

Nhạc sinh

樂生

A: Student of music.

P: Étudiant de music.

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Sinh: học trò.

Nhạc sinh là học trò của trường dạy âm nhạc.

 

Nhạc tấu Quân Thiên

樂奏鈞天

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Tấu: khởi lên. Quân: cái bàn xoay của người thợ nặn đồ gốm. Thiên: Trời. Quân Thiên: chỉ Đấng Thượng Đế tạo hóa ra CKVT và vạn vật.

Nhạc tấu Quân Thiên là những khúc nhạc tấu lên để hiến lễ Đức Chí Tôn.

Điển tích: Quân Thiên Nhạc.

Quân Thiên nhạc hay Quân Thiên Quảng nhạc là nhạc tấu ở trên Trời, cũng chỉ nhạc tấu ở cung vua.

* Theo Sử Ký, Triệu Giản Tư mắc bệnh, năm ngày liền không nhận ra được nhiều người thân, Biển Thước đến thăm bệnh. Thăm xong, Đổng An Vu hỏi, ông nói: không có gì lạ cả, trước kia Tần Mục Công cũng bị bệnh như thế, bảy ngày sau mới tỉnh.

Trong lúc bệnh như thế, Triệu Giản Tư thấy mình lên Trời đi chơi ở chốn Thiên đình, cùng các vị Thần Tiên, nghe tấu một điệu nhạc nghe đến xúc động tâm can, gọi là Quân Thiên nhạc. Hai ngày rưỡi sau, Triệu Giản Tư tỉnh lại, nói với quan Đại phu rằng: "Dữ bách Thần du ư Quân Thiên, quảng nhạc cửu tấu vạn vũ, bất loại tam đại chi nhạc, kỳ thanh động nhân tâm." 與百神遊於鈞天廣樂九奏萬舞不類三代之樂其聲動人心

Nghĩa là: Cùng trăm Thần ruổi chơi nơi Quân Thiên, quảng nhạc tấu 9 khúc, vạn điệu múa, không khúc nào giống khúc nào thời tam đại, tiếng nhạc làm xúc động lòng người.

* Bài phú Phan nhạc đời Tấn: "Trần Quân Thiên chi quảng nhạc hề, triển vạn vũ chi chí hoan"  陳鈞天之廣樂兮展萬舞 之至歡

Nghĩa là: Dàn quảng nhạc chốn Quân Thiên chừ, mở ra vạn điệu múa cho đến cực vui.

Trong truyện Hoa Điểu Tranh Năng có câu:

Nhớ xưa ở chốn Đào viên,

Bà Vương Mẫu mở thọ diên vui mừng.

Quân Thiên nhạc tấu vang lừng,

Tiệc la ỷ mở tưng bừng xôn xao.

LƯU Ý: Chúng ta lâu nay thường viết: Nhạc tấu Huân Thiên, chữ Huân viết H, nay chúng ta phải sửa lại chữ Quân viết Q mới đúng chánh tả.

Trong quyển "Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh" của nhị vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, in năm 1928, trang 51, Nghi lễ Đại đàn ghi: "11. Nhạc tấu Quân Thiên.", và trang 54 chữ nho, cuối hàng dọc thứ 4 in là: 樂奏鈞天.

Trước khi cúng Đại đàn hay Tiểu đàn tại Tòa Thánh hay các Thánh Thất, sau phần: Lôi Âm Cổ khởi và Bạch Ngọc Chung minh thì tới phần: Nhạc tấu Quân Thiên.

Khi Lễ xướng câu nầy thì mỗi người trong đàn cúng phải đứng cho thật nghiêm trang, ban nhạc khởi đánh trống Tiếp Giá (Nghinh Thiên) để đón rước Đức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật giáng đàn. Mọi người trong đàn cúng phải tịnh tâm tưởng niệm, chẳng nên xao động.

Dứt trống Tiếp Giá thì xây trống mà đờn 7 bài, hoặc 5 bài hay 3 bài tùy theo lễ vía, kể ra sau đây:

- Nhạc đờn 7 bài trong 4 trường hợp: Đại đàn cúng vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng giêng, Đại đàn rằm ba nguơn: rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10 âm lịch.

- Nhạc đờn 5 bài trong các Đại đàn cúng Vía: Ba Đấng Giáo chủ Tam giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm, Đức Chúa Jésus.

Nơi Báo Ân Từ, cúng Đại đàn Đức Phật Mẫu, Nhạc tấu Quân Thiên cũng đờn 5 bài.

- Nhạc đờn 3 bài trong các Tiểu đàn sóc vọng và kỷ niệm.

Ý nghĩa của 7 bài, 5 bài và 3 bài trong Nhạc Tấu Quân Thiên, cúng Đại đàn và Tiểu đàn: (trích tài liệu Hạnh đường khóa Huấn Luyện Giáo Hữu)

1. Đại đàn cúng Đức Chí Tôn và rằm tam nguơn: 7 bài

1.    Xàng Xê: nghĩa là đưa qua trộn lại không ở một chỗ, ấy là Hỗn độn sơ khai (khi nổ ra một tiếng).

2.    Ngũ Đối Thượng: nghĩa là 5 từng thượng, trên Trời có Ngũ khí, ấy là khí thanh nổi lên làm Trời.

3.    Ngũ Đối Hạ: nghĩa là 5 từng dưới, đó là Ngũ Hành, ấy là trược khí hạ xuống làm Đất.

4.    Long Đăng: nghĩa là rồng lên, ấy là Dương.

5.    Long Ngâm: nghĩa là rồng xuống, ấy là Âm.

6.    Vạn Giá: nghĩa là muôn việc đã định rồi, ấy là muôn loài vật đều có tên.

7.    Tiểu khúc: nghĩa là sự nhỏ, ngắn, ấy là nhỏ ngắn đều có định luật và có tên.

Đờn 7 bài vì Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu là cơ sanh hóa.

2. Đại đàn cúng Ba Đấng Giáo chủ Tam giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm và Đức Chúa Jésus: 5 bài.

1.    Xàng Xê.

2.    Ngũ Đối Thượng.

3.    Ngũ Đối Hạ.

4.    Long Đăng.

5.    Tiểu khúc.

Đờn 5 bài vì các Đấng còn luân chuyển trong Ngũ Khí và Ngũ Hành, rồi phải lãnh Ngũ Tạng (tức là nhập thế).

3. Tiểu đàn sóc vọng và Kỷ niệm các Đấng: 3 bài.

1.    Ngũ Đối Hạ: là Âm.

2.    Long Đăng: là Dương.

3.    Tiểu Khúc: là nhỏ ngắn.

Ấy là Âm Dương sanh sanh hóa hóa.

Bảy bài thuộc Dương, không phải Nam, không phải Bắc.

Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải về Nhạc Tấu Quân Thiên trong hai kỳ thuyết đạo: Tại Đền Thánh đêm mùng 1-8-Đinh Hợi (dl 15-9-1947) và tại Báo Ân Từ thời Ngọ ngày 15-4-Mậu Tý (dl 23-5-1948), chép ra sau đây:

"Từ thử, ai cũng cho âm thinh sắc tướng là tà mị, mà căn bản của Đạo Nho là Lễ Nhạc, mà chính Đại Đạo Tam Kỳ là Nho Tông Chuyển Thế thì phải truy tầm nguyên lý của nó mà xác nhận cho đúng nghĩa là thế nào?

Đòi phen, chúng ta không hiểu được uyên thâm khi dâng lễ cho Đức Chí Tôn lúc Nhạc Tấu Quân Thiên, hết lớp trống qua đến đờn 7 bài thì lâu quá, có khi phải chồn chân rồi nãn chí, chính Bần đạo cũng vậy, vì nghĩ rằng Chí Tôn tư vị quốc dân VN nên tiền định chi chi cũng làm gương mẫu cho toàn đại đồng thế giới, mà có lễ nhạc nầy luôn luôn khi dâng lễ thì ý nghĩa ắt cao trọng lắm là phải.

Bởi cớ nên khi mới Khai Đạo, Bần đạo đến tại Thánh Thất Thủ Đức của ông Thơ tạo lập, Bần đạo không tin nên hỏi Đức Lý Giáo Tông.

Ngài dạy rằng: trên Ngọc Hư Cung có hai câu liễn:

·         phía hữu: Bát hồn tư mặc ca Huỳnh Lão,

·         phía tả: Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.

Bần đạo cũng không hiểu là gì. Lần lần Bần đạo hỏi nữa, Bần đạo được dạy mà hiểu rằng:

Kể từ phôi thai Càn Khôn vạn vật nầy, Chí Tôn là khối Sanh Quang, biến thành hai khối Sanh Khí, hai khí ấy trụ lại thành một khối lớn tương hiệp nhau mới nổ sanh một tiếng ầm, người ta gọi là Nổ ầm, hay nghe tiếng Ni, đạo Phật sửa lại là Úm (Úm ma ni bát rị hồng). Nhờ tiếng nổ ấy, Bát hồn mới vận chuyển, biến sanh vạn vật và loài người. Tiếng ấy bay ra nghe đến đâu thì Khí Sanh Quang đến đó, tức là sự sống đến, bằng chẳng nghe được thì nơi ấy tiêu diệt, nghĩa là chết mất mà thôi.

Bởi cớ nên dùng đến những vật Bát âm, nó đã chết đi rồi, như cái trống chẳng hạn, tấm da trâu ấy đã chết, mà với sự khôn ngoan của loài người, làm cho nó có tiếng kêu được, tức là làm cho nó sống lại được, nghĩa là Bát hồn ấy vận chuyển sống lại mà đảnh lễ Đức Chí Tôn, vì cớ nên khi nghe Nhạc Tấu Quân Thiên là có âm thanh sắc tướng, song hiểu xác ý: Khi dâng lễ Đức Chí Tôn, qui pháp định, thấy và nghe cả Bát hồn vận chuyển dâng cái sống cho Ngài.

Nên chi, từ đây, khi Nhạc Tấu Quân Thiên, chúng ta xem quí hơn dâng Tam bửu, dầu phải lỡ đi nửa chừng trong Đền thờ, nghe đến đó phải dừng lại, cấm không được đi lộn xộn, vì lẽ ấy làm giảm điều kính trọng dâng lên Chí Tôn mà không nên. Khi ấy là vận chuyển Bát hồn đảnh lễ Đức Chí Tôn.

Vì cớ, Lễ Nhạc hiểu rõ lại thì Chí Tôn không phải là tư vị nước VN, mà chính nghĩa là làm cho sống lại Bát hồn, và Ngài vẫn vui nhận lễ ấy. Ấy vậy, mới có thể làm chủ và làm gương cho toàn nhơn loại được, thì danh dự ấy không phải là quá đáng.

Xin khuyên toàn đạo từ đây nên để trọn tâm mà kính trọng khi Nhạc Tấu Quân Thiên.

Đạo Cao Đài là nền đạo qui pháp cả cái sống của Bát hồn mà dâng lễ trả cái sống khi mới phôi thai Càn Khôn do hai khối Sanh Khí mà tạo thành, ngày nay lại dâng lễ trọng cho Chí Tôn, tức là qui pháp cho khối Sanh Khí ấy, tức là Chí Tôn vui và duy nhứt là thấy sự sống trả lại cho Ngài.

Toàn đạo nên trọn tâm xét hiểu nhiệm mầu đạo lý ấy mà lần lần đạt cho được chơn pháp của Chí Tôn."

Ý NGHĨA VỀ NHẠC TẤU QUÂN THIÊN:

"Có điều mầu nhiệm nên nay Bần đạo giảng về Lễ Nhạc để tránh sự thất lễ khi vô hành lễ, vì không hiểu nghĩa lý, không biết thủ lễ theo phép cho y khuôn khổ khi Nhạc Tấu Quân Thiên.

Bên Á Đông, trong Đạo Cao Đài, có trống có chuông, còn bên Âu Châu, có chuông mà không có trống, là tại sao?

Tại sao Á Đông dùng trống còn Âu Châu dùng chuông?

Trống là âm thinh của Đạo.

Thuở chưa có CKVT, đạo giáo có dạy: Hai lằn nguơn khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái Cực, chủ ngôi Thái Cực là Đức Chí Tôn.

Khi nào trời sét nổ, chúng ta nghe sao? Người Nam mình kêu là ẦM, còn theo đạo pháp kêu là ÙM, vì cớ phép Phật sửa lại là ÚM: Úm ma ni bát rị hồng. Câu đọc ấy có nghĩa là nắm cả quyền năng vũ trụ quản suất trong tay.

Tiếng nổ ta nghe nó ra sao? Khi nổ rồi còn nghe tiếng bay xa, nguyên căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông.

Ấy vậy, nguyên căn của đạo giáo do bên Á Đông nầy, có tiếng trống ngân bay qua Âu Châu, nên các đạo giáo Âu Châu đều là hưởng ứng theo Phật giáo, mà Phật giáo xuất hiện nơi Á Đông.

Vì vậy mà các nền tôn giáo phụ thuộc đều không đúng theo nguyên tắc căn bản.

Còn tại sao khi vô làm lễ, lúc Nhạc Tấu Quân Thiên, tức là lễ hiến dâng sự sống cho Đức Chí Tôn là Thầy của cả CKVT, Bần đạo thường nhắc nhở tất cả phải đứng ngay ngắn, nghiêm chỉnh.

Nhạc là hưởng ứng của cả khối Sanh quang của CKVT đồng thinh. Nơi Á Đông có câu: Bào, Thổ, Cách, Mộc, Thạch, Kim, dữ Ty, Trước nãi Bát Âm: tiếng kèn, tiếng trống đất, tiếng trống da, tiếng mõ cây, tiếng khánh đá, tiếng chuông đồng, cùng với tiếng dây đàn, tiếng sáo trúc, ấy là Tám âm.

Các vật vô năng mà nói đặng, có trật tự niêm luật hòa nhau là đạt đạo, hiệp lại với tiếng kinh mình đọc là âm thinh, nghĩa là con người cùng vạn vật đồng thinh hiến lễ.

Nơi Ngọc Hư Cung có đôi liễn:

·         Bát hồn tư mặc ca Huỳnh Lão,

·         Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.

Khi nhạc trổi, cả thảy phải im lặng, hiến cả âm thinh, sự bí mật ấy gọi là Phi Tướng Lễ, chủ ý là trình tấu với Đức Chí Tôn rằng: Các con biết được mầu nhiệm căn nguyên của Cha Lành, muốn cho các con nối nghiệp theo một khuôn phép trường tồn.

Lễ đó trọng hệ như dâng Tam bửu vậy.

Bần đạo dặn một lần nữa, khi nào xướng: Nhạc Tấu Quân Thiên, thì phải đứng bình tịnh, người nào có vô không kịp thì đứng ngoài mà thôi."

CKVV: Càn Khôn Vạn vật.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Nhạc thiều

樂韶

Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Thiều: đẹp, sáng.

Nhạc thiều là những khúc nhạc do vua Thuấn đặt ra, nghe réo rắc êm tai, khiến cho lòng người trở nên tốt đẹp.

Nhạc thiều được dùng trong cung đình.

 

NHAN

Nhan Hồi (Nhan Uyên)

顏回 (顏淵)

Nhan Hồi, họ Nhan, tên Hồi, tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông Nhan Do, người nước Lỗ.

Nhan Hồi theo học với Đức Khổng Tử, và là học trò giỏi nhứt trong số các học trò của Đức Khổng Tử.

Nhan Hồi kém hơn Đức Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng Lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng.

Đức Khổng Tử thường khen rằng: Ta có trò Hồi, cho nên các học trò ngày càng thân với Ta.

Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, giỏ cơm bầu nước, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi thì tự nhiên vui vẻ, học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng.

Lúc Đức Khổng Tử và các môn đệ bị nước Trần và nước Sái vây khổn ở ngoài đồng, không cho đi qua nước Sở, Khổng Tử hết lương thực. Những người đi theo đều ốm, dậy không nổi, nhưng Đức Khổng Tử vẫn dạy các môn đệ, rồi ngâm thơ, đánh đàn, ca hát, không tỏ ra suy yếu.

Tử Lộ (tên là Trọng Do) thấy thế có vẻ giận, đến hỏi:

- Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?

Đức Khổng Tử đáp:

- Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.

Đức Khổng Tử nhìn mặt Tử Cống (tên là Đoan Mộc Tứ) thấy có vẻ giận, liền nói:

- Này anh Tứ, anh cho ta học nhiều mà biết phải không?

Tử Cống đáp:

- Dạ, đúng thế, không phải thế sao?

Đức Khổng Tử nói: - Không phải đâu! Ta lấy một điều để quán triệt tất cả. (Nhà triết học khác với người thường ở chỗ đó). Đức Khổng Tử biết các học trò còn có chỗ tức tối, bèn gọi Nhan Hồi đến hỏi:

- Này anh Hồi! Kinh Thi có nói: Chẳng phải con trủy, chẳng phải con hổ, ở ngoài đồng vắng. Đạo của ta phải hay sai? Tại sao ta gặp cảnh nầy?

Nhan Hồi đáp:

- Đạo của Phu Tử hết sức lớn lao, nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng Phu Tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp được thì có hại gì! Người ta không dung nạp, nhưng sau nầy người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử. Đạo không được trau giồi, đó là cái điều mà ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã được trau giồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp được Phu Tử thì có hại gì! Về sau người ta sẽ thấy Phu Tử là người quân tử.

Đức Khổng Tử hớn hở cười nói:

- Đúng lắm! Hỡi con người họ Nhan, nếu nhà ngươi lắm của cải thì ta sẽ làm người quản lý của cải cho nhà ngươi.

Sau đó, Đức Khổng Tử sai Tử Cống sang nước Sở yêu cầu vua Sở Chiêu Vương đem binh đến rước, Đức Khổng Tử mới thoát được cái nạn ấy.

Bạch kỳ Nhan Uyên:

Một ngày kia, Đức Khổng Tử hỏi các môn đệ rằng:

- Thảng như trường hợp nước nọ chẳng hòa với nước kia, đến nỗi phải gây chiến với nhau, thì các môn đệ nghĩ làm sao?

Các môn đệ đều lần lượt trả lời, cũng không ngoài cái ý thường tình là ai vì chúa nấy, cất binh đánh nhau. Duy có Nhan Hồi thì có tư tưởng khác hẳn, đáp rằng:

- Nếu gặp trường hợp ấy, tôi nguyện cầm cây cờ trắng, xông ra giữa vòng binh để giải hòa hai bên, hầu ngăn chận cuộc tương tàn tương sát.

Đức Khổng Tử nghe xong thì rất hài lòng, còn các môn đệ khác thì ngạc nhiên.

Do đó mới có từ ngữ: Bạch kỳ Nhan Uyên, là cây cờ trắng hòa giải của Nhan Hồi.

Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi:

"Hiền tai Hồi giả! Nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giả, bất cải kỳ lạc! Hiền tai Hồi giả!" Nghĩa là: Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!

Nhan Hồi mất lúc còn rất trẻ, mới 31 tuổi.

Đức Khổng Tử than rằng: - Trời hại ta! Trời hại ta!

Mộ của Nhan Hồi ở Khổng Lâm, có những đền miếu mái lợp ngói tráng men, tường sơn đỏ, cửa sơn xanh, xà cột chạm vẽ. Miếu chính thờ tượng của Nhan Hồi, các miếu trong thờ bài vị song thân và phu nhân của Nhan Hồi. Đời sau có bài thi:

 

KHỔNG TỬ KHÓC NHAN HỒI

 

Khả tích Nhan Hồi mạng tảo vong,

Giáo nhơn tư tưởng phát như sương.

Chỉ nhơn lậu hạn đơn biều lạc,

Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.

Dịch:

Khá tiếc Nhan Hồi mạng vắng ôi!

Nhớ thương mái tóc bạc như vôi.

Đai cơm bầu nước vui quê hẹp,

Lưu tiếng hiền danh biết mấy đời.

Đời sau truy tặng Nhan Hồi là Uyển Quốc Công, phối hưởng với Đức Khổng Tử khi cúng tế và được tôn là Phục Thánh, một trong Tứ Thánh của Nho giáo, gọi là Phục Thánh NhanTử.

Hai vị Thánh Nhan Hồi và Tử Tư có giáng cơ nơi Chiếu Minh Đàn ở Cần Thơ giảng dạy Đạo lý, xin chép ra sau đây:

Ngày 17-1-Nhâm Thân (dl 22-2-1932).

Tiếp điển:

THI:

NHAN sắc người tu trổ đượm nhuần,

HỒI tâm tánh tục khỏi gian truân.

TỬ tôn noi dấu nhà Nho giáo,

TƯ mộ chơn truyền gặp cảnh xuân.

NHỊ thế trau giồi nền chánh lý,

THÁNH Tiên rồi rảnh đạo nhơn luân.

GIÁNG khuyên người thế mau hồi tỉnh,

CƠ tạo đổi xây khó độ chừng.

Diễn dụ: Phàm làm người ở thế phải biết Tam Cang Ngũ Thường vi bổn và biết đạo.

Nếu muốn hiểu thông chơn lý và cư xử cuộc thế đạo nhà, dạy dân lễ nghĩa, cũng nhờ văn chương khai khiếu.

Kẻ học đạo mà không dùng Nho tợ như thuyền thiếu lái, kẻ thương mãi mà chẳng dùng Nho thì sổ bộ loạn hành, bổn lợi chẳng minh. Bởi có câu: Vạn sự tùng Nho sở xuất.

THI rằng:

Muốn minh chơn lý phải dùng Nho,

Máy tạo huyền vi chẳng dễ mò.

Học đạo thiếu văn thuyền chích lái,

Cũng nên tìm kiếm một đôi pho.

 

NHÀN

Nhàn cư vi bất thiện

閒居為不善

A: Idleness is the source of all evils.

P: L'oisiveté est la source de tous les vices.

Nhàn: nhàn rỗi. Cư: ở. Vi: là. Bất thiện: không lành.

Nhàn cư vi bất thiện là người ở không thì không lành, tức là hay làm điều ác.

 

NHÃN

NHÃN

NHÃN: con mắt.
Td: Nhãn huệ quang, Nhãn tiền.

 

Nhãn huệ quang

眼慧光

Nhãn: con mắt. Huệ: sáng suốt, thông hiểu sự lý. Quang: ánh sáng. Huệ quang: ánh sáng của trí huệ.

Nhãn huệ quang là con mắt của trí huệ, tức là thấy rõ và hiểu biết sâu xa rốt ráo các việc.

Người có trí huệ mới có được cặp nhãn huệ quang.

TNHT: Nhưng chừng bỏ xác phàm, được nhãn huệ quang rồi, Em lại thấy thương đau thương đớn, dường như sợ họ sái đường lạc nẻo. (Em: Đức Cao Thượng Phẩm tự xưng nói với Đức Quyền Giáo Tông).

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Nhãn tiền báo ứng

眼前報應

A: Immediate retribution.

P: Rétribution immédiate.

Nhãn: con mắt. Tiền: trước. Báo ứng: hiện ra để đáp lại.

Nhãn tiền: ngay trước mắt, xảy ra ngay, không đợi lâu.

Nhãn tiền báo ứng là sự báo đáp ứng hiện ra ngay trước mắt, làm cho mọi người thấy liền, không phải chờ đợi lâu.

Nhãn tiền báo ứng còn được gọi là Tốc báo.

TNHT: Nhãn tiền báo ứng dễ đâu sai.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Nhãn trung đinh

眼中釘

Nhãn: con mắt. Trung: ở trong. Đinh: cây đinh.

Nhãn trung đinh là cây đinh trong con mắt, ý nói: vật chướng ngại cần phải diệt trừ ngay.

Nhãn trung thứ: 眼中刺 cái gai trong con mắt, đồng nghĩa Nhãn trung đinh. (Thứ là cái gai nhọn).

 

NHẮM

Nhắm mắt

Có hai nghĩa sau đây tùy trường hợp:

(1):

A: To past away.

P:Trépasser.

Nhắm mắt là chết, vì người chết thì nhắm mắt vĩnh viễn.

KSH:

Còn hoi hóp tranh đua bay nhảy,
Nhắm mắt rồi phủi thảy lợi danh.

(2):

A: To hazard.

P: Se hasarder.

Nhắm mắt là liều theo số mạng, để số mạng đưa đẩy.

TTCĐDTKM: Dầu thương nhắm mắt đưa chơn.

KSH: Kinh Sám Hối.

TTCÐDTKM: Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.

 

NHÂM

Nhâm đốc nhị mạch

任督二脈

Nhị mạch: hai mạch. Mạch là đường vận hành của khí huyết trong phép luyện khí công. Trong cơ thể con người có 2 mạch: mạch Nhâm và mạch Đốc.

Mạch Đốc: từ dưới đi lên cặp theo xương sống, khởi đầu từ cốc đạo (hậu môn) đi lên, qua các huyệt vĩ lư, giáp tích, ngọc chẩm, lên nê huờn cung, nguơn môn, đến huyệt huyền ưng ngang sóng mũi.

Mạch Nhâm: đi xuống trước ngực và bụng, khởi đi từ yết hầu, qua trung điền, đơn điền, bàng quang, đến huyệt hội âm là chỗ tận cùng.

"Đạo lộ là đường Âm Dương thăng giáng, là Nhâm mạch và Đốc mạch.

Nhâm mạch là mạch quản nhậm các mạch Âm.

Đốc mạch là mạch quản nhậm các mạch Dương.

Hai mạch nầy rất quan hệ đến cơ sanh tử của con người.

Cơ thể của người thường, mạch Nhâm ở phía trước bụng, khởi hành từ huyệt hội âm đến huyệt thừa tương.

Đốc mạch ở phía sau lưng, khởi hành từ huyệt thừa tương lên thiên môn rồi xuống trường cường.

Hai mạch nầy có hai chỗ đứt đoạn: một ở miệng, một ở cốc đạo, cho nên sự sanh hóa mất căn bản.

Công phu thiền định chủ trương nghịch chuyển hà xa: tấn dương hỏa là chiết Khảm; thối âm phù là điền Ly để trở thành Càn Khôn như thuở Tiên Thiên.

Đốc mạch có tam quan là: vĩ lư, giáp tích và ngọc chẩm. Mỗi quan ải có 3 khiếu nên gọi là Cửu khiếu hay Cửu khúc minh châu.

Nhâm mạch có tam điền là: Hạ đơn điền, Trung đơn điền và thượng đơn điền. Mỗi điền có 3 vị trí nên gọi là Cửu đảnh huờn đơn.

Công phu vận Châu thiên với mục đích:

- Khai thông hai mạch Nhâm và Đốc để chờ ngày quá quan phục thực.

- Công phu tấn dương thối âm để chiết Khảm điền Ly, điều hòa Âm Dương, chuyển cơ sanh tử thành cơ bất sanh bất tử.

Pháp Châu thiên vận khí luôn luôn đề phòng hai điểm gián đoạn ở giữa hai mạch Nhâm Đốc bằng cách dùng chót lưỡi chống lên chỗ trũng hàm trên để nối Nhâm Đốc nhị mạch gọi là nối Thượng thước kiều (bắc cầu trên) cho khí thông xuống trùng lầu về Khôn cung. Nhíu hậu môn chuyển khí từ Khôn cung qua vĩ lư, gọi là nối Hạ thước kiều (bắc cầu dưới) cho khí thông lên Càn đảnh.

Khi Nhâm Đốc đã được khai thông thì tất cả các kinh mạch trong châu thân cũng đều thông." (Tam Thừa Chơn Giáo)

 

NHẬM

NHẬM

(Xem: Nhiệm)

 

NHÂN

NHÂN

(Xem: Nhơn)

 

NHẪN

NHẪN

NHẪN: Nhịn, chịu đựng.
Td: Nhẫn nhục.

 

Nhẫn nhục

忍辱

A: To bear patiently an affront.

P: Supporter avec patience un affront.

Nhẫn: Nhịn, chịu đựng. Nhục: nhơ nhuốc.

Nhẫn nhục là nhịn thua người ta và chấp nhận điều sỉ nhục, không có ý trả hận.

Nhẫn nhục phụ trọng: nhịn nhục được mới có thể gánh vác việc quan trọng.

Về đức tánh nhẫn nhục, Đức Khổng Tử có dạy ông Tử Trương như sau đây:

Tử Trương dục hành, từ ư Phu Tử, nguyện tứ nhứt ngôn, vi tu thân chi yếu.

Phu Tử viết:

Bách hạnh chi bổn, nhẫn chi vi thượng.

Tử Trương viết:

Hà vi nhẫn chi?

Phu Tử viết:

Thiên tử nhẫn chi, quốc vô hại,

Chư hầu nhẫn chi, thành kỳ đại,

Quan lại nhẫn chi, tấn kỳ vị,

Huynh đệ nhẫn chi, gia phú quí,

Phu phụ nhẫn chi, chung kỳ thế,

Bằng hữu nhẫn chi, danh bất phế,

Tự thân nhẫn chi, vô hoạn họa.

Tử Trương viết:

Bất nhẫn hà như?

Phu Tử viết:

Thiên tử bất nhẫn, quốc không hư;

Chư Hầu bất nhẫn, táng kỳ khu,

Quan lại bất nhẫn hình phạt tru,

Huynh đệ bất nhẫn, các phân cư;

Phu phụ bất nhẫn, tình ý sơ,

Tự thân bất nhẫn, hoạn bất trừ.

Tử Trương viết:

Thiện tai! Thiện tai! Nan nhẫn! Nan nhẫn!

Phi nhân bất nhẫn, bất nhẫn phi nhân.

Nghĩa là: Ông Tử Trương (học trò của Khổng Tử) muốn đi ra hành chánh (làm quan), từ tạ Đức Khổng Tử, cầu xin ban cho một lời làm cốt yếu cho việc tu thân.

Khổng Tử nói: - Gốc của trăm hạnh, nhẫn cao hơn hết.

Tử Trương nói: - Làm sao phải nhẫn?

Đức Khổng Tử nói:

Thiên tử mà nhẫn thì nước không sanh hại,

Chư Hầu mà nhẫn thì sẽ mạnh lớn thêm,

Quan lại mà nhẫn thì chức vị sẽ tăng tiến,

Anh em mà nhẫn thì gia đình giàu sang,

Chồng vợ mà nhẫn thì được trọn đời,

Bạn bè mà nhẫn thì tiếng tăm không mất,

Tự mình mà nhẫn thì không có hoạn họa.

Ông Tử Trương hỏi: - Không nhẫn sẽ ra sao?

Đức Khổng Tử nói:

Thiên tử mà không nhẫn thì nước trống không, hư hỏng,

Chư Hầu không nhẫn thì thân mình phải mất,

Quan lại không nhẫn thì sẽ bị trách cứ bằng hình phạt,

Anh em không nhẫn thì bị chia rẽ mỗi người một nơi,

Chồng vợ không nhẫn thì tình ý xa nhau,

Tự mình mà không nhẫn thì tai họa chẳng dứt.

Ông Tử Trương nói: - Phải lắm! Phải lắm! Khó nhẫn! Khó nhẫn! Chẳng phải người không biết nhẫn, chẳng nhẫn chẳng phải người.

 

NHẪNG

NHẪNG

A: Only.

P: Seulement.

Nhẫng: Những: chỉ là, cứ là.

KGO: Khối trái chủ nhẫng lo vay trả.

KGO: Kinh Giải Oan.

 

NHẬP

NHẬP

NHẬP: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất.
Td: Nhập diệt, Nhập định, Nhập hội.

 

Nhập bất phu xuất

入不敷出

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Bất: không. Phu: đủ. Xuất: chi ra.

Nhập bất phu xuất là số nhập vào không đủ để xuất ra.

 

Nhập diệt

入滅

A: To enter Nirvana.

P: Pénétrer au Nirvana.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Diệt: ý nói Hư vô tịch diệt, tức Niết Bàn.

Nhập diệt là đi vào cõi Hư vô tịch diệt, tức là linh hồn đi vào cõi Niết Bàn.

Đây là từ ngữ của Phật giáo, chỉ bậc cao tăng đắc đạo, lìa bỏ xác trần, linh hồn bay lên đi vào cõi Niết Bàn.

Đạo Cao Đài thì dùng 2 từ ngữ: qui Thiên, đăng Tiên.

 

Nhập diệu

入妙

A: To penetrate the secrets of science.

P: Pénétrer les secrets d'une science.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Diệu: khéo léo, tuyệt diệu.

Nhập diệu là đi vào chỗ khéo léo tuyệt diệu, ý nói: sự học đã đạt đến chỗ tinh anh, rốt ráo.

 

Nhập định

入定

A: To enter into the contemplation.

P: Entrer dans la contemplation.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Định: yên lặng, chỉ sự Thiền định.

Nhập định là đi vào Thiền định, tức là người tu luyện ngồi theo thế kiết già, im lặng để giữ tâm ý cho yên lặng, trong sạch, không vọng động.

TL: Tịnh Thất: Điều 1: Trong hàng tín đồ, ai đã xử tròn nhơn đạo và giữ trai giới từ 6 ngày sắp lên thì được xin vào Tịnh Thất mà nhập định.

TL: Tân Luật.

 

Nhập gia tùy tục

入家隨俗

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Gia: nhà. Tùy: theo. Tục: lề lối.

Nhập gia tùy tục là vào nhà của ai thì phải tùng theo lề lối của nhà ấy.

Thường nói: Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.

Nghĩa là: Thuyền đi vào sông thì tùy theo khúc quanh của sông mà đi, vào nhà ai thì tùy theo lề lối của nhà ấy.

 

Nhập hội

入會

A: To enter in the assembly (conference).

P: Entrer dans une assemblée (conférence).

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Hội: hội nghị.

Nhập hội là vào hội nghị.

Những cuộc Hội quan trọng của Đạo như: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Đại Hội Phước Thiện, trước khi bắt đầu hội nghị thì đọc Kinh Nhập Hội.

 

Nhập môn

入門

A: To adopt a religion.

P: Embrasser une religion.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Môn: cửa, ý nói cửa Đạo.

Nhập môn là bước vào cửa Đạo, tức là theo Đạo và làm tín đồ của tôn giáo ấy.

Muốn nhập môn vào Đạo Cao Đài, người cầu Đạo phải qua một lễ đơn giản gọi là Lễ Nhập môn.

Trong Lễ Nhập môn, có hai tín đồ hướng dẫn, có vị Chánh Trị Sự nơi hương đạo của người nhập môn và vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo chứng lễ. Phần quan trọng nhứt trong Lễ Nhập môn là người tân tín đồ phải lập Minh thệ trước Thiên bàn thờ Đức Chí Tôn. (Xem chữ Minh Thệ, vần M)

TNHT: Chớ các con nhập môn cho đông, lãnh Thiên phong cho nhiều mà không đủ tư cách thì các con phải tự hỏi mình coi có bổ ích vào đâu chăng?

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Nhập nội

入內

A: To inter inside.

P: Entrer dedans.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Nội: trong.

Nhập nội là vào trong.

BĐNĐ: Xin mời Thái, Thượng, Ngọc Chánh phối Sư và Nữ Ngọc Chánh phối Sư nhập nội.

BÐNÐ: Bát Ðạo Nghị Ðịnh.

 

Nhập quan - Nhập liệm

入棺 - 入殮

A: To coffin a body.

P: Mettre en bière.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Quan: cái áo quan. Liệm: bọc xác người chết bằng những lớp vải và bó kín lại.

Nhập quan hay Nhập liệm là bọc xác của người chết bằng những lớp vải, bó kín lại rồi đặt vào trong quan tài, đậy nắp và đóng đinh cho thật kín.

 

Nhập tâm

入心

A: To engrave in the heart.

P: Engraver dans le coeur.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Tâm: tim, lòng dạ.

Nhập tâm là ghi nhớ trong lòng, không thể quên được.

 

Nhập Thánh thể

入聖體

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Thánh thể: hình thể của Đức Chí Tôn tại thế, tức là các Chức sắc Cửu Trùng Đài từ hàng Giáo Hữu đổ lên. (Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh).

Nhập Thánh thể là nhập vào làm hình thể của Đức Chí Tôn tại thế, tức là cầu phong làm Chức sắc hàng Thánh của Cửu Trùng Đài.

KGO: Nhập Thánh thể dò đường cựu vị.

KGO: Kinh Giải Oan.

 

Nhập thế - Xuất thế

入世 - 出世

A: To enter in the life - To become a monk.

P: Entrer dans la vie - Devenir un religieux.

Nhập: Vào, đi vào, đem vào, trái với Xuất. Thế: đời. Xuất: đi ra.

- Nhập thế là vào đời, bước vào cuộc đời, tức là đi ra gánh vác việc đời, tham gia vào các mặt hoạt động của xã hội.

- Xuất thế là bước ra khỏi cuộc đời, không tham gia vào các hoạt động của xã hội nữa, tìm nơi vắng vẻ để tu hành, ẩn thân luyện đạo.

Nhập thế là HÀNH, xuất thế là TÀNG. Trong sách Luận Ngữ có câu: Dụng chi tắc hành, xử chi tắc tàng. Nghĩa là: Dùng thì ra làm quan, không dùng thì ở ẩn.

Kinh Dịch cũng có câu: Quân tử chi đạo, hoặc xuất hoặc xử. Nghĩa là: Cái đạo của người quân tử, hoặc là ra làm quan (nếu vua cần dùng), hoặc là ở ẩn (nếu vua không dùng).

 

NHẤT

NHẤT

(Xem: Nhứt)

 

NHẬT

NHẬT

(Xem: Nhựt)

 

NHI

Nhi nữ thường tình

兒女常情

A: The common sentiments of women.

P: Les sentiments communs des femmes.

Nhi: con trẻ. Nữ: phụ nữ. Thường: bình thường.Tình: tình cảm, tâm lý.

Nhi nữ là nói chung đàn bà và con gái.

Nhi nữ thường tình là tình cảm hay tâm lý chung thông thường của người phụ nữ.

Td: Tình cảm yếu mềm, nhẹ dạ dễ tin, mê tín, hay khóc lóc than kể,....

 

NHĨ

Nhĩ mục quan chiêm

耳目觀瞻

Nhĩ: tai, lỗ tai, nghe. Mục: con mắt. Quan: xem xét. Chiêm: ngữa mặt lên mà nhìn.

Nhĩ mục quan chiêm là tai mắt xem nhìn.

Ý nói: Mọi người đều chú ý nhìn vào để xem xét các cử chỉ hành động, tức là những người xung quanh rất chú ý đến việc nầy.

 

NHỊ

NHỊ

NHỊ: Hai, thứ nhì.
Td: Nhị nguyên, Nhị tâm.

 

Nhị hữu hình đài

二有形臺

A: Two tangible palaces.

P: Deux palaces tangibles.

Nhị: Hai, thứ nhì.  Hữu hình: có hình thể thấy được. Đài: toà nhà cao lớn.

Nhị hữu hình đài là hai đài có hình thể nơi mặt thế nầy. Đó là Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.

Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài với hình thể 3 Đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.

Bát Quái Đài do Đức Chí Tôn chưởng quản.

Hiệp Thiên Đài chia ra hai phần gồm: Hữu hình và Vô hình, do Đức Hộ Pháp chưởng quản.

Cửu Trùng Đài cũng phân ra hai phần gồm: Hữu hình và Vô hình, do Đức Giáo Tông chưởng quản.

Giáo Tông của Đạo Cao Đài là Đức Lý Thái Bạch. Ngài là Đấng Đại Tiên Trưởng nơi cõi thiêng liêng, cầm quyền điều khiển nền Đạo nơi mặt hữu hình nầy phải thông qua cơ bút. Nếu tổ chức cơ bút chậm trễ thì sự điều khiển của Ngài cũng chậm trễ theo. Do đó, Đức Lý Thái Bạch giao quyền Giáo Tông hữu hình tại thế cho Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt để điều khiển phần hữu hình cho được lẹ làng, đối phó kịp thời những biến chuyển của nền Đạo, còn quyền Giáo Tông Vô hình vẫn do Đức Lý nắm giữ. Do đó, toàn đạo gọi Ngài Thượng Trung Nhựt là Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. (chữ Quyền để chỉ rằng Ngài chỉ nắm có nửa quyền Giáo Tông mà thôi.)

Khi Đức Quyền Giáo Tông đăng Tiên, Đức Lý Thái Bạch mới trao quyền Giáo Tông tại thế cho Đức Phạm Hộ Pháp nắm giữ. Do đó, Đức Phạm Hộ Pháp xưng là:

Hộ Pháp Chưởng quản nhị Hữu Hình Đài: "Hiệp Thiên và Cửu Trùng." Khi Đức Phạm Hộ Pháp qui Thiên thì quyền Chưởng quản CTĐ hữu hình tại thế giao hoàn cho Đức Lý Thái Bạch.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

 

Nhị nguyên luận

二元論

A: Dualism.

P: Dualisme.

Nhị: Hai, thứ nhì. Nguyên: khởi đầu. Luận: bàn luận với đủ lý lẽ.

Nhị nguyên là hai cái mối khởi đầu có bản thể khác nhau, đối lập nhưng bổ sung nhau, để từ đó giải thích sự tạo thành vạn vật và các hiện tượng trong Vũ trụ. Đối lập với Nhị nguyên là Nhứt nguyên.

Một cách tổng quát, Nhị nguyên luận là học thuyết chủ trương thế giới và tất cả những gì tồn tại đều cấu thành do hai bản thể có tính cách khác nhau, độc lập với nhau, đấu tranh với nhau nhưng không tiêu diệt nhau mà bổ sung nhau.

Thí dụ: - Con người được cấu thành bởi hai yếu tố: thể xác và linh hồn.

- Vũ trụ có 2 nguyên khởi là: Âm và Dương.

Nhị nguyên luận coi vật chất và tinh thần là hai bản nguyên như nhau. Việc tách rời tinh thần và vật chất theo quan điểm Nhị nguyên luận dẫn đến chủ nghĩa Duy tâm. Nhị nguyên luận là cơ sở của thuyết Tâm Vật song hành.

 

Nhị Nương

二娘

A: Second Muse.

P: Seconde Muse.

Nhị: Hai, thứ nhì. Nương: người phụ nữ quí phái đáng kính.

Nhị Nương là vị Tiên Nữ đứng thứ hai trong Cửu vị Tiên Nương DTC, hầu cận Đức Phật Mẫu. (Xem: Cửu vị Tiên Nương)

Trong một kiếp giáng trần ở Việt Nam, Nhị Nương có tên là CẨM, do đó, các bài thi giáng cơ của Nhị Nương đều khởi đầu bằng chữ CẨM.

Nhị Nương rất ít khi giáng cơ, chúng tôi sư tập được một bài Thánh Ngôn của Nhị Nương ngày 20-1-Tân Mão (dl 25-2-1951) tại Thanh Trước Đàn, xin chép ra sau đây:

NHỊ NƯƠNG DTC

Chị chào mấy em.

THI:

CẨM tú giang san đổ máu đào,

Vì dân nước Việt chẳng thương nhau.

Càng nhìn càng thảm càng đau dạ,

Hỡi khách đơn tâm lấp lũy hào.

VĂN:

Lũy hào ấy tay ai lập để,

Cho dân Nam chẳng kể tình chung.

Biết bao nhiêu mặt anh hùng,

Sao không trở lối, ngại ngùng sao nên.

Phận nam nhi khá bền danh tiết,

Lấy tình thương đặng diệt tàn hung.

Kìa bao giông tố bão bùng,

Vì chưng chẳng biết thương cùng với nhau.

Đỉnh chung thế cho màu đạo đức,

Chỉ hơn thua đâu dứt tang du.

Dấn thân vào chốn ao tù,

Để làm nô lệ, vinh phù lấy thân.

Nếu là kẻ biết phân chơn giả,

Khá đưa nhau khỏi ngả đọa đày.

Kìa gương Khương Thượng còn dai,

Văn Vương vẫn đó, khá hay cho tròn.

Đã biết Đạo đừng mong an hưởng,

Cứu sanh linh giúp phướn truy hồn.

Nâu sồng ngắm nẻo Côn Lôn,

Tìm phương vớt kẻ dập dồn trái căn.

Tua giữ dạ cản ngăn lối quẹo,

Giữ chơn thần ngắm nẻo từ bi.

Lấy phương cứu giống Nam chi,

Bớt cơn khói lửa lập vì Lạc Long.

Lần đầu tiên chị để ít vần, mấy em ngâm cũng đủ. Tên Chị để đầu bài thi, xem thì rõ. Xin kiếu. THĂNG.

DTC: Diêu Trì Cung.

 

Nhị thập bát tú

二十八宿

Nhị: Hai, thứ nhì. Thập: mười. Bát: tám. Tú: chòm sao.

Nhị thập Bát tú là 28 chòm sao trên bầu Trời.

Theo Thiên Văn Học cổ của Trung quốc, các nhà chiêm tinh thời xưa đã nhận xét bầu Trời sao ở 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc không giống nhau, nên họ đã chia bầu Trời sao thành 4 nhóm sao theo 4 phương Trời, mỗi nhóm sao do 7 chòm sao hợp thành. Đó là 28 chòm sao mà mỗi chòm sao có mang biểu tượng một nhân vật và một con thú, kể ra:

I. Phương Đông có nhóm sao Thanh Long (rồng xanh) gồm 7 chòm sao: 1. Giác hay Giốc (cá sấu), 2. Khương hay Cang (rồng), 3. Chi hay Đê (cu li), 4. Phòng (thỏ), 5. Tâm (cáo), 6. Vĩ (cọp), 7. Cơ (báo).

II. Phương Tây có nhóm sao Bạch Hổ (cọp trắng) gồm 7 chòm sao: 1. Khuê (sói), 2. Lâu (chó), 3. Vị (trĩ), 4. Mão (gà), 5. Tất (quạ), 6. Chủy (khỉ), 7. Sâm (vượn).

III. Phương Bắc có nhóm sao Huyền Vũ (rùa đen và rắn đen) gồm 7 chòm sao: 1. Đẩu (cua), 2. Ngưu (trâu), 3. Nữ (dơi), 4. Hư (chuột), 5. Nguy (én), 6. Thất (heo), 7. Bích (nhím)

IV. Phương Nam có nhóm sao Chu Tước (chim sẻ đỏ) gồm 7 chòm sao: 1. Tỉnh (cầy), 2. Quỷ (dê), 3. Liễu (hoẵng), 4. Tinh (ngựa), 5. Trương (nai), 6. Dực (rắn), 7. Chẩn (giun).

 

Nhị thập tứ hiếu

二十四孝

A: Twenty four examples of filial piety.

P: Vingt quatre récits de pitié filiale.

Nhị: Hai, thứ nhì. Thập: mười. Tứ: bốn. Hiếu: hiếu thảo.

Nhị thập tứ hiếu là 24 gương hiếu thảo với cha mẹ.

Đây là 24 gương hiếu thảo của người xưa ở bên Tàu được truyền tụng. Nhà văn Quách Cự Nghiệp, một học giả đời nhà Nguyên bên Tàu sưu tập và viết ra.

Ở Việt Nam, ông Lý Văn Phức (1785-1849), đậu Cử Nhân, làm quan dưới ba triều vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là nhà văn chủ trương đạo đức, liền dịch truyện Nhị thập tứ Hiếu của Quách Cự Nghiệp ra quốc văn theo thể thơ song thất lục bát, để dễ truyền bá mà răn dạy người đời là phải có hiếu với cha mẹ.

Nho giáo dạy rất kỹ về Nhơn đạo, lấy chữ Hiếu làm căn bản đạo đức con người (Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu). Người không hiếu với cha mẹ thì nhứt định không có đạo đức, không dùng được.

Đạo Cao Đài với chủ trương Nho Tông Chuyển Thế nên luôn luôn đề cao Trung, Hiếu và Nhơn, Nghĩa. Hiếu là đức tánh làm đầu mối cho mọi đức tánh khác. Trước là phải hiếu thảo với cha mẹ phàm trần, sau đó còn phải hiếu với hai Đấng Cha Mẹ thiêng liêng là Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

Do đó, nơi mặt tiền của Báo Ân Từ trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh có cho đắp nổi 24 bức tranh nhắc lại sự tích Nhị thập tứ Hiếu để nhắc nhở người tín đồ Cao Đài phải lấy chữ Hiếu làm đầu.

Quan sát các bức tranh từ bên Nam qua bên Nữ phái, kể ra theo thứ tự sau đây:

1. Ngu Thuấn

3. Châu Thọ

5. Ngô Mãnh

7. Đường Thị

9. Đinh Lan

11. Vương Thôi

13. Quách Cự

15. Thái Thuận

17. Tử Lộ

19. Diễm Tử

21. Giang Cách

23. Hoàng Đình

2. Hán Văn Đế

4. Vương Tường

6. Hoàng Hương

8. Khương Thi

10. Lục Tích

12. Mạnh Tông

14. Dương Hương

16. Mẫn Tử Khiên

18. Lão Lai Tử

20. Đỗng Vĩnh

22. Du Kiềm Lâu

24. Tăng Tử.

 

Nhị thập tứ Tiết

二十四節

A: Twenty four weathers.

P: Vingt quatre temps.

Nhị: Hai, thứ nhì. Nhị thập tứ: 24. Tiết: thời tiết, khí hậu.

Nhị thập tứ Tiết là 24 tiết khí hậu trong một năm.

Người Tàu thuở xưa nhận thấy trong 1 năm có 24 tiết khí hậu khác nhau, đặc biệt ở vùng sông Hoàng Hà, gọi là Nhị thập tứ Tiết, kể ra sau đây:

 

 

Ngày-tháng dương lịch:

1.

Tiểu hàn:

lạnh ít

5-1

2.

Đại hàn:

lạnh nhiều

20-1

3.

Lập Xuân:

đầu mùa Xuân

4-2

4.

Vũ thủy:

mưa nước

19-2

5.

Kinh trập:

sâu nở

5-3

6.

Xuân phân:

giữa mùa Xuân
(ngày và đêm dài bằng nhau)

21-3

7.

Thanh minh:

trong sáng

5-4

8.

Cốc vũ:

mưa rào

20-4

9.

Lập Hạ:

đầu mùa Hạ

5-5

10.

Tiểu mãn:

hạt trướng

21-5

11.

Mang chủng:

lúa trổ

5-6

12.

Hạ chí:

giữa mùa Hạ
(ngày dài nhất)

22-6

13.

Tiểu thử:

nắng ít

7-7

14.

Đại thử:

nắng nhiều

22-7

15.

Lập Thu:

đầu mùa Thu

7-8

16.

Xử thử:

nắng nhạt

23-8

17.

Bạch lộ:

sương trắng

7-9

18.

Thu phân:

giữa mùa Thu
(ngày và đêm dài bằng nhau)

23-9

19.

Hàn lộ:

sương lạnh

8-10

20.

Sương giáng:

sương sa xuống

23-10

21.

Lập Đông:

đầu mùa Đông

7-11

22.

Tiểu tuyết:

tuyết ít

22-11

23.

Đại tuyết:

tuyết nhiều

7-12

24.

Đông chí:

giữa mùa Đông
(đêm dài nhứt)

22-12

Ngày dương lịch ghi trên theo các Tiết có thể xê dịch 1 ngày vì năm nhuận của dương lịch (tháng 2 có 29 ngày).

Trong dương lịch, người ta coi 4 Tiết: Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí là 4 ngày đầu mùa, nhưng trong âm lịch thì 4 ngày đó được xem là giữa mùa, còn các ngày đầu mùa thì lại bắt đầu sớm hơn 3 Tiết, vào những ngày: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu và Lập Đông.

Phân tích lịch 24 Tiết của Trung quốc, ta thấy mỗi Tiết kéo dài 15 đến 16 ngày, có nêu đặc điểm khí hậu quan hệ đến nông nghiệp.

Lịch 24 Tiết của Trung quốc có những ưu điểm sau đây:

·         Một là xác định các mùa bằng ngày mặt trời.

·         Hai là tính các mùa khá chi tiết.

·         Ba là chỉ được sự diễn biến của thời tiết, khí hậu nóng lạnh, nắng mưa và ảnh hưởng của chúng đối với mùa màng.

Lịch 24 Tiết nói trên chỉ đúng ở vùng lưu vực sông Hoàng Hà và sông Trường giang ở Trung quốc, thuộc vùng ôn đới; còn ở nước ta thuộc vùng nhiệt đới, không có tuyết nên khí hậu ở nước ta có nhiều điểm khác biệt hơn ở Trung quốc.

 

Nhị xác thân

二殼身

A: The perisprit, astral body.

P: Le périsprit, corps astral.

Nhị: Hai, thứ nhì. Xác thân: thân thể của con người.

Nhị xác thân là xác thân thứ nhì của con người.

Theo Luật Tam Thể, con người nơi cõi trần có 3 thể:

·         Thể thứ nhứt là xác thân phàm.

·         Thể thứ nhì là xác thân thiêng liêng, hay chơn thần.

·         Thể thứ ba là linh hồn, hay chơn linh.

Nhị xác thân chính là chơn thần.

Nơi cõi thiêng liêng, con người chỉ có hai thể: Chơn thần và linh hồn. Khi con người nơi cõi trần chết, thể xác phàm bị hư hủy, chơn thần và linh hồn xuất ra khỏi xác phàm, bay trở về cõi thiêng liêng.

Khi con người nơi cõi thiêng liêng (có 2 thể) đầu kiếp xuống cõi trần thì do cha mẹ phàm trần sanh ra, nên có thêm một thể thứ ba là xác phàm (3 thể). (Xem chi tiết nơi chữ: Chơn thần - Chơn linh, vần Ch)

 

NHIỄM

Nhiễm luyến

染戀

A: To love the world.

P: Aimer le monde.

Nhiễm: thấm sâu vào. Luyến: quấn quít không rời.

Nhiễm luyến là ham thích và thấm sâu vào.

TNHT: Nhưng chúng nó nhiễm luyến đã đầy mùi trần thế.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

NHIỆM (NHẬM)

NHIỆM

NHIỆM: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ.
Td: Nhiệm chức, Nhiệm phong.

 

Nhiệm chức (Nhậm chức)

任職

A: To take up an appointment.

P: Exercer une fonction publique.

Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Chức: chức tước, chức vụ.

Nhiệm chức hay Nhậm chức là nhận lãnh (gánh vác) một chức vụ do cấp trên giao phó.

 

Nhiệm mầu

(Xem: Mầu nhiệm, vần M)

 

Nhiệm phong (Nhậm phong)

任封

A: To receive the investiture.

P: Recevoir l'investiture.

Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Phong: vua ban phẩm tước cho bề tôi.

Nhiệm phong hay Nhậm phong là chấp nhận phong phẩm Chức sắc cho những người có đủ công nghiệp hành đạo.

TNHT: Vậy sau nầy, có ai đáng thì do Tân Luật mà công cử, còn về phong tịch thì có Lý Giáo Tông tiến cử, Thầy mới nhậm phong nghe.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Nhiệm sở

任所

A: Office, bureau.

P: Service, bureau.

Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Sở: nơi, chốn.

Nhiệm sở là cơ quan mà mình có trách nhiệm làm việc.

 

Nhiệm ý

任意

A: According to ons's wish.

P: Selon son gré.

Nhiệm: Gánh vác, tín nhiệm, nhận, mặc kệ. Ý: ý muốn.

Nhiệm ý là mặc ý, tự do theo ý riêng.

 

NHIÊN

Nhiên Đăng Cổ Phật

燃燈古佛

A: Dipankara, Ancient Buddha.

P: Dipankara, Bouddha Ancien.

Nhiên: đốt cháy. Đăng: cây đèn. Cổ Phật: vị Phật xưa.

Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, gọi theo tiếng Phạn là: Dipankara hay Dipanikara, dịch ra Hán văn là: Nhiên Đăng Phật hay Đính Quang Phật. (Đính là cái chân đèn).

Theo TNHT, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng sanh bên nước Ấn Độ vào thời kỳ tương ứng với đời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu.

Còn Đức Phật Thích Ca cũng giáng sanh bên nước Ấn Độ sau đó, tương ứng đời nhà Châu (Chu) bên Tàu.

TNHT: Như kẻ bên Phật giáo hay tặng Nhiên Đăng là Chưởng giáo, Nhiên Đăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Đế.

Người ta gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.

Trong Kinh Trí Độ Luận: Như Nhiên Đăng Phật, khi sinh, chung quanh thân sáng như đèn, cho nên gọi là Nhiên Đăng Thái Tử. Khi thành Phật cũng gọi là Nhiên Đăng, xưa gọi tên là Đính Quang Phật.

Theo Từ Điển Phật Học Việt Nam: Đức Phật Thích Ca có một tiền kiếp là Tỳ Kheo Nho Đồng. Nho Đồng từng gặp và cúng hoa cho Đức Phật Nhiên Đăng. Nho Đồng mua hoa ấy từ một cô gái bán hoa với giá rất mắc. Cô gái hỏi vì sao Nho Đồng lại chịu mua với giá mắc như vậy? Nho Đồng trả lời là mua hoa để cúng Phật Nhiên Đăng. Cô gái liền tặng không bó hoa với lời nguyện là cô với Nho Đồng sẽ kết duyên vợ chồng trong các kiếp sau. Sa môn Nho Đồng là tiền thân của Phật Thích Ca, cô gái bán hoa là tiền thân của Công chúa Gia Du Đà La.

Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn: Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm Tự có tích nầy: Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh khi còn ở Hoàng Cung, có sanh ra 8 vị Vương tử: Hữu Ý, Thiện Ý, Vô Lượng Ý, Bảo Ý, Tăng Ý, Trừ Nghi Ý, Hưởng Ý, Pháp Ý.

Khi Ngài xuất gia tu hành thành Phật thì 8 vị Vương tử ấy đều theo cha mà tu trì Phạm hạnh. Tám vị ấy đều lần lượt thành Phật, và vị sau rốt thành Phật hiệu là Nhiên Đăng.

Phật Nhiên Đăng có thọ ký cho Thiện Huệ Bồ Tát, phán rằng, về sau Thiện Huệ sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Trong Vô Lượng Thọ Kinh, Phật phán với A Nan rằng: Về đời quá khứ, thuở xưa cách nay lâu xa vô lượng, chẳng có thể suy nghĩ bàn bạc được là bao nhiêu kiếp, Đức Đính Quang Như Lai (Phật Nhiên Đăng) xuất hiện ở thế, giáo hóa độ thoát vô lượng chúng sanh đều cho đắc đạo, rồi Ngài mới vào diệt độ (Niết Bàn).

Theo Giáo lý và Kinh sách của Đạo Cao Đài thì:

Thời Nhứt Kỳ Phổ Độ, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật giáng trần mở Phật giáo ở Ấn Độ ứng với đời vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu. Ngài làm Chưởng Giáo Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Đại Hội.

Theo Di-Lạc Chơn Kinh thì, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật hiện nay chưởng quản từng Trời Hư Vô Thiên, là từng Trời thứ 10, trên đó có Ngọc Hư Cung, là nơi họp Thiên triều của Đức Chí Tôn để chư Phật tạo định Thiên Thư, tận độ chúng sanh đắc qui Phật vị.

KTTg:

Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín,

Hư Vô Thiên đến thính Phật điều.

Ngọc Hư Đại Hội ngự triều,....

Trong Kinh Cúng Tứ Thời, bài Phật giáo Tâm kinh là bài xưng tụng công đức của Nhiên Đăng Cổ Phật, ý nghĩa là:

·         Đức Nhiên Đăng Cổ Phật là vị thầy đáng kính, sanh ra vào thời Hỗn Độn, làm Chủ Tể CKVT.

·         Gom các thế giới vào trong một khí Hư Vô, nắm giữ các cõi trần vào trong hai tay.

·         Đèn trí huệ cháy hoài không tắt, soi sáng 36 từng Trời.

·         Đạo pháp như dòng nước chảy hoài không dứt.

·         Khai mở tâm tánh cho 92 ức nguyên nhơn đang còn mê muội nơi cõi trần.

·         Đạo pháp cao siêu không cùng tận, dạy cho biết rõ cõi hư linh.

·         Thổi ra một chất khí biến thành cái móng Trời, làm thành cây cột chống vững bầu Trời.

·         Biến hóa cây kiếm thành cây thước mà ba phân nâng vững giềng Đất.

·         Đức Nhiên Đăng góp công cùng Đức Chí Tôn, khai phá thông suốt Khiếu Huyền Quan, cho tánh hiệp với vô vi.

·         Chưởng quản Tam tài trong ý chỉ nhiệm mầu.

·         Nhiều lần ban bố ơn huệ, độ người nhiều không kể xiết

·         Ngài là Đấng Đại bi, Đại nguyện, Đại Thánh, Đại từ.

·