NGA
Nga mi
娥眉
A: The beautiful girl.
P: La belle fille.
Nga: đẹp, con gái đẹp. Mi: lông mày.
Nga mi là lông mày đẹp của phụ nữ, chỉ con gái đẹp.
TNHT: Trau giồi cho xứng phận nga mi.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
NGÃ
NGÃ
NGÃ: 我 Ta, tiếng tự xưng.
Td: Ngã chấp, Ngã tướng.
Ngã chấp
我執
Ngã: Ta, tiếng tự xưng. Chấp: cầm giữ, cố chấp.
Ngã chấp là cố chấp cái ta của mình, cố chấp vào cái thân thể của mình.
Ngã chấp là nguồn gốc của phiền não. Người giác ngộ, không chấp vào cái ta nữa thì được an vui.
Chúng ta nên biết rằng, cái thân thể của ta chỉ là giả tạm nên mới gọi là giả thân, chỉ tồn tại nhiều lắm là trăm năm rồi phải chết, thể xác tan rã biến thành đất.
Linh hồn của ta mới là vĩnh viễn. Linh hồn nầy tạm mượn thể xác một thời gian để học hỏi và tiến hóa. Khi thể xác già nua, không còn hoạt động đắc lực nữa thì phải để cho nó chết, rồi linh hồn sẽ tái kiếp, ở vào một xác thân khác để tiếp tục tiến hoá, nhà đạo gọi đó là luân hồi. Do đó, chúng ta không nên cố chấp vào cái xác thân của ta, vì nó là giả chớ không phải thiệt, để rồi phải chịu phiền não khổ đau.
Đức Chí Tôn ban cho chúng ta một cách phá chấp triệt để là Dâng Tam bửu lên Đức Chí Tôn. Mỗi khi cúng Đức Chí Tôn, chúng ta dâng cả thể xác, chơn thần và linh hồn lên cho Đức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng. Đây là cách vô cùng hữu hiệu để phá tan cái Ngã chấp của mỗi tín đồ, bởi vì chúng ta đã dâng hết cho Đức Chí Tôn rồi, thì đâu còn gì của chúng ta mà phải Ngã chấp. Sự dâng hiến nầy phải thực sự chí thành trọn vẹn thì mới đạt kết quả. Chúng ta chỉ còn có một việc là vâng theo Thánh ý của Đức Chí Tôn thực hiện đầy đủ bổn phận của một tín đồ, tức là làm đúng theo 5 câu nguyện trong bài Ngũ Nguyện mà chúng ta thường đọc trong mỗi lần cúng.
Ngã mạn
我慢
A: Proud.
P: Orgueilleux.
Ngã: Ta, tiếng tự xưng. Mạn: khinh lờn.
Ngã mạn là tự cho mình tài giỏi cao hơn người mà khinh lờn người khác.
Người có tánh Ngã mạn thì tự đắc, kiêu ngạo, khoe khoang và chủ quan, nên thường cô đơn và thất bại.
Ngã tướng
我相
A: The physiognomy of mine.
P: La physionomie de moi.
Ngã: Ta, tiếng tự xưng. Tướng: hình dạng.
Ngã tướng là hình dạng của ta.
Cái hình dạng nầy của ta là vật chất, là giả tạm, đừng nên cố chấp nó mà sa vào sự Chấp ngã rất tai hại.
TĐ ĐPHP: Đức Chí Tôn cho biết, trí thức và linh hồn trọng yếu, do căn nguyên của sự sanh hoạt của nó định cái Ngã tướng cho ta.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
NGẠ
Ngạ quỉ vô thường
餓鬼無常
Ngạ: đói. Quỉ: ma quỉ. Vô: không. Thường: hằng có.
Ngạ quỉ là loài quỉ đói. Vô thường là không thường có như vậy, tức là luôn luôn biến hóa.
Ngạ quỉ vô thường là loài quỉ đói có hình dạng luôn luôn biến hóa.
Theo Phật giáo, một hạng người có lòng dạ rất nhỏ nhen, keo kiệt bỏn xẻn, thấy người đói khát mà không động lòng giúp đỡ, đến khi chết, linh hồn bị đọa làm ngạ quỉ, có hình dáng gầy còm xấu xí, tóc rối bù, mình đầy lông lá, đặc biệt cái bụng to như cái trống, còn cái miệng thì nhỏ như lỗ kim, không ăn uống chi được, luôn luôn chịu đói khát rất khổ sở.
Ngạ quỉ là một hạng chúng sanh bị đọa trong tam ác đạo của Lục đạo luân hồi, nhưng bị đọa làm ngạ quỉ còn khá hơn là bị đọa vào địa ngục hay súc sanh, bởi vì, ngạ quỉ nếu biết nghe lời kinh mà tỉnh ngộ, hoặc được thân nhân cầu siêu thì ngạ quỉ thoát đọa, được đi tái kiếp làm người.
Trái lại, nếu ngạ quỉ tiếp tục giữ tánh ác độc nóng giận thì họ sẽ bị đọa xuống cảnh thấp kém hơn nữa, tức là bị đọa vào địa ngục hay làm súc sanh.
TNHT: Hồn ma bóng quế cũng lên ngồi, ngạ quỉ vô thường cũng xẩn bẩn, đó là phương đem đường cho Quỉ vương, chẳng một ai tránh được nghe.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
NGẠN
Ngạn uyển
岸苑
A: Sacred park.
P: Parc sacré.
Ngạn: cái bờ. Uyển: vườn hoa. Chữ "ngạn" ở đây là chỉ Bỉ ngạn, là bờ bên kia của biển khổ, thuộc cõi TLHS.
Ngạn uyển là cái vườn hoa nơi cõi TLHS của Đức Phật Mẫu, do Nhứt Nương DTC cai quản.
Ngày 12-10-1934 (âl 5-9-Giáp Tuất), Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Đạo, Nhứt Nương DTC giáng cơ nói về vườn Ngạn Uyển như sau:
NHỨT NƯƠNG DTC
"Em khép nép mừng mấy anh và mấy em.
Hèn lâu Em không đến đặng, khi thì nghe Lục Nương, khi thì nghe Bát Nương nói: Đạo nay thì vầy, mai thì khác, lộn xộn quá chừng. Em nghe vậy thì hay vậy, chớ phận sự Ngạn Uyển Chưởng Hồn đâu có giờ nào rảnh rang đặng đến trò chuyện cùng mấy anh cho thỏa tình hoài vọng.
Đức Hộ Pháp hỏi:
- Em cắt nghĩa Ngạn Uyển Chưởng Hồn là sao cho Qua rõ.
- Dạ, Ngạn Uyển Chưởng Hồn là vườn Ngạn Uyển trồng hoa, mỗi cái hoa là một chơn hồn của cả kẻ nguyên nhân, thạnh suy, thăng đọa, chi cũng do nơi khối sanh hoa khi ấy, định sanh mạng của mỗi người, nên phải chăm nom từ tuổi. Em không rảnh đặng là vì vậy."
Trong vườn Ngạn Uyển có trồng đủ 12 thứ hoa, tượng trưng 12 con giáp (thập nhị Địa chi) là tuổi của những người nơi cõi trần. Mỗi một sanh mạng nguyên nhân nơi cõi trần đều có tượng hình một bông hoa nở trong vườn Ngạn Uyển. Khi bông hoa ấy héo tàn thì nguyên nhân ấy chết. Nói chết là nói theo từ ngữ của cõi trần, tức là chết cái thể xác, chớ linh hồn và chơn thần không bao giờ chết; chết ấy như thay cái áo cũ đã rách để mặc một cái áo mới, tức là linh hồn rời bỏ thể xác cũ để đầu kiếp vào một xác thân mới, thích hợp với trình độ tiến hóa mới.
Khi chơn linh tái kiếp xuống trần thì cái bông hoa ấy nơi vườn Ngạn Uyển nở ra. Khi người ấy làm điều đạo đức thì sắc hoa tươi thắm đẹp đẽ, nếu làm điều gian ác thì sắc hoa ủ dột xấu xí. Khi người ấy chết thì hoa ấy héo tàn.
Đức Phạm Hộ Pháp, thuyết đạo trong con đường TLHS, mô tả vườn Ngạn Uyển như sau:
"Trước mắt chúng ta hiện tượng hào quang chiếu diệu, một vườn hoa đẹp đẽ đủ màu. Vườn hoa ở cảnh thiêng liêng ấy không phải như vườn hoa ở cõi thế gian nầy đâu. Bông hoa thiêng liêng ấy sẽ sống một triệu lần, do nơi huyền năng biến hóa của nó, và nó sẽ hiện tượng biến hóa trước mặt ta vô cùng tận vậy. Bởi vì nó thay đổi màu sắc rực rỡ vô biên, cho nên mỗi phen kiếp sanh tại thế nầy, đường tiến hóa trên con đường trí thức tinh thần, mỗi khi nhơn loại tấn triển lên thì vườn Ngạn Uyển nó sẽ đổi hình đổi tướng một cách đẹp đẽ vô ngần."
KĐ1C: |
Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo,
Khối hình hài đã chịu rã tan. |
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
DTC: Diêu Trì Cung.
Ngạn vân
諺云
A: Adage.
P: Adage.
Ngạn: Câu tục ngữ do người xưa truyền lại. Vân: rằng.
Ngạn vân là câu tục ngữ nói rằng.
NGANG
Ngang Thiên nghịch Địa
昂天逆地
Ngang: cất cao lên, không chịu thua ai. Nghịch: đối kháng. Thiên: Trời. Địa: đất.
Ngang Thiên nghịch Địa là không chịu thua Trời, chống lại Đất.
Ý nói: Người bướng bỉnh, làm việc táo bạo, không sợ quỉ thần gì cả.
NGAO
Ngao du
遨遊
A: To travel as a tourist.
P: Voyager en touriste.
Ngao: đi rong chơi. Du: đi chơi xa.
Ngao du là đi dạo chơi xa.
KTKVQL: Bước Tiên nàng đã ngao du.
KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.
Ngao đầu
鼇頭
A: The first laureate.
P: Le premier lauréat.
Ngao: một loại rùa lớn ở biển. Đầu: cái đầu, đứng đầu.
Ngao đầu là cái đầu của con ngao, chỉ sự đi thi đậu đầu, tức là đỗ thủ khoa.
Do câu: |
Ngao đầu trúng tuyển quí chơn quí,
Nhạn tháp đề danh vinh cánh vinh. |
Nghĩa là: |
Lựa chọn trúng đầu con ngao, thật là quí,
Đề tên trên tháp nhạn, thật là vinh hiển. |
NGẠO
Ngạo mạn
傲慢
A: Proud.
P: Orgueilleux.
Ngạo: kiêu căng, nhìn một cách vô lễ. Mạn: khinh lờn.
Ngạo mạn là tỏ vẻ kiêu căng, khinh lờn mọi người.
NGÂN
Ngân hà
銀河
A: The milky way: The river of pain.
P: La voie lactée: Le fleuve de douleur.
Ngân: trắng và sáng như bạc. Hà: dòng sông.
Ngân hà là dòng sông có màu trắng sáng như bạc.
Khi nhìn lên bầu trời vào những đêm trong xanh, ta thấy một dải sáng bạc nằm vắt ngang bầu trời, gồm vô số vì sao lấp lánh, người xưa gọi đó là sông Ngân hà.
Theo sách Kinh Sở Tuế Thời Ký của người Tàu, ở cõi trời có Chức Nữ làm nghề dệt rất khéo léo và siêng năng, có chồng là Ngưu Lang (chàng chăn trâu). Hai vợ chồng quá âu yếm nhau, bê trễ công việc, bị Trời phạt, đày mỗi người ở một bên sông Ngân hà. Mỗi năm Trời chỉ cho phép hai vợ chồng gặp nhau một lần vào đêm thất tịch, mùng 7 tháng 7 âm lịch, do một cái cầu được tạo thành bởi các con chim ô thước đậu sát liền nhau. Hai vợ chồng gặp nhau mừng rỡ rồi khóc than cho cảnh biệt ly, nước mắt chứa chan rơi xuống cõi trần tạo thành mưa dầm gọi là mưa Ngâu.
Dòng sông Ngân hà chia cắt tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ, nên nó là dòng sông đau khổ, nó thông đồng với biển khổ.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo con đường TLHS, nói về sông Ngân hà và thuyền Bát Nhã, trích ra như sau:
"Khi dòm lại thế gian phía sau lưng, hiện ra trước mặt chúng ta dường như con sông đại hải, thấy bờ bên nây người ta đứng muôn trùng thiên số, không thể đếm được. Còn phía xa mù tít bên bờ kia, số người cũng đông đảo vô cùng, nhưng họ đang khóc than đau khổ. Ở mé bên nây, thiên hạ hào quang chiếu diệu đẹp đẽ vô cùng, còn mé bên kia sông thấy hình thể họ khô khan đau thảm, tiều tụy buồn rầu. Hỏi vậy, bên nầy làm gì mà dòm bên kia lại khóc?
Đó là những người trước kia đã có tình yêu thương với nhau, mà khi trắc trở, họ tự tử. Người đàn ông hay người đàn bà nào đã tự tử rồi, có lòng thương yêu chơn thật, trước đã xuống Uổng Tử Thành để đầu kiếp mà trở lại căn quả, vì không trọn căn số của mình, dù niên kỷ bao nhiêu cũng phải trở lại đầu kiếp, vừa đến tuổi cặp kê nam nữ, đôi bên vừa có tình dục phát ra thì chết, làm cho chết, dầu hai đàng đứng trước mặt nhau cũng không khi nào làm chồng vợ với nhau đặng.
Chừng ấy, người trọn lòng thương yêu chơn thật thì Đức Phật Mẫu siêu độ, cầu rỗi Đức Chí Tôn đem vào cảnh TLHS, còn người nào không biết tình thương, thương bằng tình giả dối xảo trá, phải đầu kiếp trở lại làm người.
Chúng ta dòm bên kia thấy họ đau khổ, họ chỉ mong cái ước vọng của họ đoạt thành, nhưng tuyệt vọng, họ cũng đành chịu vậy. Chúng ta thấy tình trạng nầy làm cho kẻ ấy ngày đêm mơ mộng, họ ước mong sao qua khỏi con sông ấy.
Bần đạo tưởng là Ngân hà sông đó vậy.
Bên bờ sông kia có một chiếc thuyền Bát Nhã của Đức Quan Âm Bồ Tát đã vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật đi độ sanh, thuyền ấy thường qua qua lại lại để đưa rước những người phước đức."
Vậy dòng sông Ngân hà chỉ là một nhánh của biển khổ.
KGO: Chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
KGO: Kinh Giải Oan.
Ngân kiều
銀橋
A: The bridge of the painful river.
P: Le pont du fleuve douloureux.
Ngân: sông Ngân hà. Kiều: cây cầu bắc qua sông.
Ngân kiều là cây cầu bắc qua sông Ngân hà.
Trên dòng sông Ngân hà có chiếc thuyền Bát Nhã của Đức Quan Âm Bồ Tát qua qua lại lại để rước người phước đức qua sông, vào cõi TLHS, thì việc nầy tỉ như làm một cây cầu bắc qua sông Ngân hà để người phước đức theo đó qua sông. Người không đủ phước đức mà cố lên cầu để vượt qua sông Ngân hà, thì khi đến giữa cầu sẽ bị té xuống sông, phải bị trầm luân trong biển khổ.
KĐ2C: Cổi giác thân lên đạp Ngân kiều.
TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.
KÐ2C: Kinh Ðệ Nhị cửu.
NGẪU
NGẪU
NGẪU: 偶 Thình lình, pho tượng, số chẵn, sánh đôi.
Td: Ngẫu nhiên, Ngẫu tượng.
Ngẫu nhiên
偶然
A: Accidental.
P: Accidentel.
Ngẫu: Thình lình, pho tượng, số chẵn, sánh đôi. Nhiên: như thế.
Ngẫu nhiên là tình cờ xảy ra như thế.
TĐ ĐPHP: Chẳng biết ngẫu nhiên hay tiền định mà Bà Nữ Đầu Sư (Hương Thanh) qui liễu nhằm ngày vía Đức Phật Thích Ca.
TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.
Ngẫu phát
偶發
A: To produce spontaneously.
P: Produire spontanément.
Ngẫu: Thình lình, pho tượng, số chẵn, sánh đôi. Phát: phát sinh, xảy ra.
Ngẫu phát là tình cờ xảy ra.
Ngẫu tượng
偶像
A: Idol.
P: Idole.
Ngẫu: Thình lình, pho tượng, số chẵn, sánh đôi. Tượng: cái hình tượng làm bằng gỗ hay đất.
Ngẫu tượng là pho tượng bằng gỗ hay bằng đất để thờ.
NGHỆ
NGHỆ
NGHỆ: 詣 Tới, đến, bước tới, bước đến.
Td: Nghệ hương án tiền.
Nghệ độc chúc sở
詣讀祝所
Nghệ: Tới, đến, bước tới, bước đến. Độc: xem chữ mà đọc thành tiếng. (Chữ hán là Độc, chữ nôm là Đọc). Chúc: bài sớ văn. Sở: nơi, chốn.
Nghệ độc chúc sở là đến chỗ đọc sớ.
Đây là câu xướng của Lễ sĩ trong Nghi tiết Đại đàn thời xưa, để cặp Lễ đăng và vị đọc sớ đi lên đứng trước Nội nghi.
Nghệ hương án tiền
詣香案前
Nghệ: Tới, đến, bước tới, bước đến. Hương án: bàn để thắp hương. Tiền: trước.
Nghệ hương án tiền là bước đến đứng trước bàn hương.
Trong Thánh Thất, hương án là chỉ cái bàn Ngoại nghi.
Đây là câu xướng của Lễ sĩ để cho hai cặp Lễ sĩ đăng và đài bước vào đứng trước ở hai bên Ngoại nghi.
Nghệ hương hiến, nghệ hương tiền
詣香獻,詣香前
Nghệ: Tới, đến, bước tới, bước đến. Hương: cây nhang. Hiến: dâng. Tiền: trước.
Nghệ hương hiến: bước tới để dâng hương.
Nghệ hương tiền: bước tới đứng trước bàn hương.
Bài thài hiến lễ hàng Thánh:
Nghệ hương hiến, nghệ hương tiền,
Trầm đoàn khói tỏa năm mây.
Nghệ tửu tôn sở
詣酒樽所
Nghệ: Tới, đến, bước tới, bước đến. Tửu: Rượu. Tôn: cái chén rượu. Sở: chỗ.
Nghệ tửu tôn sở là đến đứng tại chỗ đặt chung rượu.
NGHI
NGHI
1. NGHI: 儀 Dáng dấp bên ngoài, phép tắc để tỏ lòng kính trọng, lễ phép.
Td: Nghi dung, Nghi lễ, Nghi tiết.
2. NGHI: 宜 Nên, thích đáng.
Td: Nghi gia, Nghi huynh.
3. NGHI: 疑 Ngờ vực, nghi ngờ.
Td: Nghi hoặc.
Nghi dung
儀容
A: Physiognomy.
P: Physionomie.
Nghi: Dáng dấp bên ngoài, phép tắc để tỏ lòng kính trọng, lễ phép. Dung: dung mạo, vẻ mặt.
Nghi dung là vẻ mặt và dáng dấp bên ngoài.
KTKVQL: Mảnh tàn y dường nhắc nghi dung.
KTKVQL: Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.
Nghi gia nghi thất
宜家宜室
Nghi: Nên, thích đáng. Gia: tiếng vợ gọi chồng. Thất: tiếng chồng gọi vợ. Gia thất là chỉ vợ chồng, việc lập gia đình.
Nghi gia nghi thất là nên vợ nên chồng, xứng hợp nhau.
Nghi hoặc
疑惑
A: To be in doubt.
P: Se douter.
Nghi: Ngờ vực, nghi ngờ. Hoặc: mơ hồ.
Nghi hoặc là ngờ vực vì thấy có việc mờ hồ.
TNHT: Xứ nầy mới tiếp Thầy lần đầu tiên nên có nhiều đứa còn để lòng nghi hoặc.
TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Nghi huynh nghi đệ
宜兄宜弟
Nghi: Nên, thích đáng. Huynh: anh. Đệ: em.
Nghi huynh nghi đệ là đáng anh đáng em, tức là anh thì xứng đáng làm anh, còn em thì xứng đáng làm em.
Như vậy, anh em đều xứng đáng, hòa hợp với nhau.
Nghi nhân vật dụng, dụng nhân vật nghi
疑人勿用,用人勿疑
Nghi: Ngờ vực, nghi ngờ. Nhân: người. Vật: đừng, chớ. Dụng: dùng.
Nghi nhân vật dụng: nghi ngờ người ta thì chớ nên dùng.
Dụng nhân vật nghi: dùng người ta thì chớ nên nghi ngờ.
Đây là lời khuyên của cổ nhân trong cách dùng người. Hễ nghi ngờ người ta thì chớ nên dùng người ta, mà đã dùng người ta thì chớ nên nghi ngờ người ta mà có hại.
Nghi tâm sanh ám quỉ
疑心生暗鬼
Nghi: Ngờ vực, nghi ngờ. Tâm: lòng dạ. Ám: tối tăm. Quỉ: quỉ ma.
Nghi tâm sanh ám quỉ là lòng nghi ngờ thì sanh ra tối tăm như bị quỉ ám.
Đã có thành kiến nghi ngờ ai rồi thì mỗi việc chi xấu xa đều nghi cho người đó gây ra. Giống như người sợ ma đi đêm, thấy cái gì cũng nghi là con ma cả.
Nghi thức
儀式
A: The protocol.
P: Le protocole.
Nghi: Dáng dấp bên ngoài, phép tắc để tỏ lòng kính trọng, lễ phép. Thức: cách thức.
Nghi thức là cách thức làm lễ cho đúng phép.
Nghi tiết Đại đàn và Tiểu đàn
儀節大壇小壇
Nghi: Dáng dấp bên ngoài, phép tắc để tỏ lòng kính trọng, lễ phép. Tiết: có đoạn mạch trật tự.
- Nghi tiết là các chi tiết thứ tự để thực hành trong một lễ cúng tế cho được trang nghiêm và long trọng.
ĐLMD: Hội Thánh phải bổ đến mỗi Quận Đạo: Lễ sĩ, Cai Nhạc, và Giáo Nhi có cấp bằng của Hội Thánh đặng chỉnh đốn về mặt nghi tiết nơi các Thánh Thất và các cuộc quan hôn tang tế.
Đại đàn là đàn cúng tế lớn, tức là Đại lễ.
Tiểu đàn là đàn cúng tế nhỏ, tức là Tiểu lễ.
- Nghi tiết Đại đàn là các tiết mục trong Đại lễ cúng Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh hay Thánh Thất, hoặc cúng Đức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ hay Điện Thờ Phật Mẫu.
Sau đây là các nghi tiết Đại đàn và Tiểu đàn nơi Tòa Thánh và Báo Ân Từ theo tài liệu của Bộ Nhạc Trung Ương:
A. Cúng Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh.
I. Nghi tiết Đại đàn:
Đúng 12 giờ khuya, Lôi Âm Cổ khởi, dứt 4 câu kệ thì vị Tả Phan Quân cầm phướn Thượng Sanh hướng dẫn Lễ Sanh và Giáo Thiện nam nữ đi vào Tòa Thánh, lên lầu, nam tả nữ hữu, đứng từ ngang Cung Đạo ra tới ngang HTĐ. Phần Văn nhạc và Võ nhạc cùng Giáo Nhi và đồng nhi nữ lên Nghinh Phong Đài; một ban Văn nhạc và đồng nhi nam lên lầu BQĐ.
Bạch Ngọc Chung minh, tức là khởi dộng chuông Bạch Ngọc, vị Hộ Đàn Pháp Quân cầm cờ Đạo lịnh và vị Hữu Phan Quân cầm phướn Thượng Phẩm đi ra rước các Chức sắc HTĐ, CTĐ đi vào Tòa Thánh hoán đàn, Chức việc và Đạo hữu đi nối theo sau. Khi vào Tòa Thánh thì hai tay phải bắt ấn Tý đặt nơi ngực.
Hoán đàn xong, Chức sắc HTĐ lập vị mình nơi chỗ dành cho Chức sắc HTĐ, còn các Chức sắc CTĐ, Chức việc và Đạo hữu thì lập vị mình theo phẩm cấp.
Ba vị Chánh Phối Sư nam và vị Nữ Chánh Phối Sư vào đứng trước Nội nghi (tại Cung Đạo), một vị Phối Sư nam đứng ngang chỗ Ngoại nghi. Một vị Giáo Sư phái Ngọc lên đứng ở Giảng đài nam phái để xướng lễ, vị Tiếp Lễ Nhạc Quân lên đứng trên Giảng Đài nữ để điều khiển Nhạc Lễ và đồng nhi.
1. Nội nghi Ngoại nghi tựu vị: ba vị Chánh phối sư nam và vị Nữ Chánh Phối Sư đồng xá đàn rồi bước vào giữa, đứng hướng mặt lên bửu điện. Vị Phối Sư ở Ngoại nghi cũng xá đàn rồi bước vào đứng trước Ngoại nghi, ngó vô bửu điện.
2. Thiên phong dĩ hạ các tư kỳ vị: Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu đồng xá đàn một xá, bước vô, xoay người đứng hướng mặt vào bửu điện.
3. Nhạc tấu Quân Thiên: nhạc đánh trống Tiếp Giá, rồi ban nhạc đờn 7 bài (hoặc 5 bài tùy theo Đại lễ), đàn tới lớp xề, Tiếp Lễ Nhạc Quân ra hiệu, vị Giáo Sư đứng trên Giảng đài xướng:
4. Chỉnh sát cúng phẩm: vị Tiếp Pháp HTĐ đi lên lầu Hiệp Thiên Đài đặng trấn thần Tam bửu, 3 cặp lễ ba phái và vị Ngọc Giáo Sư phò tráp Tam bửu từ lầu HTĐ đi xuống, vào đường giữa đi thẳng lên Ngoại nghi, rồi tẽ ra đứng hai bên Ngoại nghi. Nhạc đờn tới bài Vạn Giá (còn đờn 5 bài thì tới nửa bài Long Đăng) thì vị Giám Đạo HTĐ lên BQĐ thỉnh hương đem xuống. 4 Lể sĩ và Giám Đạo cầm hương đồng đến đứng hai bên Ngoại nghi chờ xướng lễ.
5. Nghệ hương án tiền: (đèn chớp 1): vị Tiếp Lễ Nhạc Quân ra hiệu lịnh bằng đèn chớp 1 cái cho ban nhạc trên Nghinh Phong Đài biết. Nhạc xây đờn bài Hạ.
6. Giai quì: (đèn chớp 3) chuông khắc 3 tiếng để mọi người xá 3 xá, nhạc đổ 3 hồi, tất cả đồng quì xuống, Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu không trách nhiệm thì ngồi xếp bằng.
7. Phần hương: (đèn chớp 1) nhạc gài trống thét, vị Giám Đạo đưa hương cho vị Phối Sư quì nơi Ngoại nghi đốt, cầm hương xá 3 xá rồi trao cho Lễ sĩ.
(Đèn chớp 3) nhạc đổ 3 hồi, Lễ sĩ đứng lên, lui ra hai bên, day vào Nội nghi, chuẩn bị điện hương, nhạc dứt.
8. Điện hương: (đèn chớp 3) nhạc gài đờn xuân để Lễ sĩ cung tay chầu 4 lái, điện tới Nội nghi.
9. Quì: (đèn chớp 3) nhạc đổ 3 hồi, Lễ sĩ quì xuống.
10. Nguyện hương: (đèn chớp 1) chuông khắc thỉnh Thánh và năm câu niệm (Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng, Nam mô Cao Đài... ... ...)
11. Thành kỉnh tụng Niệm hương chú: (đèn chớp 1) nhạc gài đờn Nam ai, Giáo Nhi và nữ đồng nhi nơi Nghinh Phong Đài tụng kinh Niệm hương, dứt bài (đèn chớp 1)
12. Thượng hương: (đèn chớp 3) nhạc gài thét đổ 3 hồi, Lễ sĩ đứng lên, thét luôn cho Lễ sĩ đi xuống tới Ngoại nghi (đèn chớp 1), dứt thét.
13. Cúc cung bái: (đèn cháy) toàn thể lạy 3 lạy 12 gật.
Nhạc đánh trống lập ban (đèn tắt)
14. Thành kỉnh tụng Khai kinh chú: (đèn chớp 1) nhạc gài đờn Nam ai, Giáo Nhi và nữ đồng nhi nơi Nghinh Phong Đài tụng bài Khai kinh, hết bài (đèn chớp 1), dứt đờn.
15. Thành kỉnh tụng Ngọc Hoàng kinh: (đèn chớp 1) nhạc gài đờn Nam xuân, đồng nhi nam ở lầu BQĐ tụng kinh, hết bài (đèn chớp 1), dứt.
16. Cúc cung bái: (đèn cháy) nhạc đánh lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 12 gật, (đèn tắt) dứt trống.
17. Thành kỉnh tụng Phật giáo Tâm kinh: (đèn chớp 1) nhạc gài đờn xuân, đồng nhi nam ở lầu BQĐ tụng kinh, hết (đèn chớp 1) dứt đờn.
18. Cúc cung bái: (đèn cháy) nhạc đánh lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 9 gật (đèn tắt) dứt trống.
19. Thành kỉnh tụng Tiên giáo Tâm kinh: (như số 16).
20. Cúc cung bái: (như số 17).
21. Thành kỉnh tụng Thánh giáo Tâm kinh: (như số 16).
22. Cúc cung bái: (như số 17)
23. Cung hiến Tiên hoa: (đèn chớp 1) nhạc xây đờn bài Hạ, 4 Lễ sĩ và vị Ngọc Giáo Sư phò tráp Tambửu bước vô Ngoại nghi.
24. Quì: (đèn chớp 3) nhạc đổ 3 hồi, Lễ sĩ quì xuống.
25. Chỉnh Tiên hoa: (đèn chớp 1) nhạc đánh thét, vị Phối Sư Ngoại nghi chỉnh hoa quả, (đèn chớp 3) nhạc đổ 3 hồi, Lễ sĩ đứng dậy, lui ra hai bên, (đèn chớp 1) dứt thét.
26. Điện Tiên hoa: (đèn chớp 1) nhạc gài đờn Đảo ngũ cung, đổ 3 hồi, Lễ cung tay, chầu 8 lái, Lễ điện, Giáo Nhi và nữ đồng nhi ở Nghinh Phong Đài thài cho Lễ điện tới Nội nghi.
27. Quì: (đèn chớp 3) nhạc đổ 3 hồi, Lễ quì, vị Ngọc Chánh Phối Sư thỉnh hoa đi lên bàn, xây mặt ra ngoài, trình hoa cầu nguyện, rồi trở về chỗ quì.
28. Thượng Tiên hoa: (đèn chớp 3) nhạc đổ 3 hồi, Lễ đứng lên, nhạc trở bụa, Lễ xuống Ngoại nghi (đèn chớp 1), dứt. Hai tiếp lễ đem bình hoa và dĩa trái cây lên đặt trên bàn thờ.
29. Cúc cung bái: (đèn cháy) nhạc đánh lập ban, toàn thể lạy 1 lạy 4 gật, (đèn tắt) dứt trống.
30. Cung hiến Tiên tửu: (hành y như từng Hoa)
(Xin lưu ý: Ba từng Dâng Tam bửu, Nhạc Lễ và Thiên phong hành lễ thể thức y như từng Hoa, chỉ có ba vị Chánh Phối Sư nam mỗi vị một lần nguyện dâng Tam bửu).
31. Quì: (đèn chớp 3) (hành lễ y như từng Hoa)
32. Chước tửu: (đèn chớp 1) (như trên)
33. Điện Tiên tửu: (đèn chớp 1) (như trên)
34. Quì: (đèn chớp 3) vị Thượng Chánh Phối Sư thỉnh rượu đi lên bàn trình rượu cầu nguyện, rồi trở xuống quì.
35. Thượng Tiên tửu: (đèn chớp 3) (như trên)
36. Cúc cung bái: (đèn cháy) (như trên)
37. Cung hiến Tiên trà: (đèn chớp 1) (y như từng Hoa)
38. Quì: (đèn chớp 3) (như trên)
39. Điểm trà: (đèn chớp 1) (như trên)
40. Điện Tiên trà: (đèn chớp 1) (như trên)
41. Quì: (đèn chớp 3) vị Thái Chánh Phối Sư thỉnh trà đi lên bàn, trình trà cầu nguyện, rồi trở xuống quì.
42. Thượng Tiên trà: (đèn chớp 3) (như trên)
43. Cúc cung bái: (đèn cháy) (như trên)
44. Sớ văn thượng tấu: (đèn chớp 1) nhạc xây đờn bài Hạ, vị Đại Thiên phong có trách nhiệm vô dâng sớ đi trước, có hai Lễ sĩ đi theo sau.
45. Quì: (đèn chớp 3) nhạc đổ cho Lễ quì, vị Đại Thiên phong cầm sớ cầu nguyện, rồi trao cho người đọc sớ.
46. Thành độc sớ văn: (đèn chớp 1) nhạc đánh thét, (đèn chớp 1) dứt, khởi đọc sớ.
47. Cung phần Sớ văn: (đèn chớp 1) vị Đại Thiên phong đốt sớ, nhạc đánh lớp chày sau trống phần thét luôn cho Lễ sĩ đi xuống Ngoại nghi trở về chỗ (đèn chớp 1) mới dứt.
48. Cúc cung bái: (đèn cháy) nhạc đánh lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 12 gật, (đèn tắt), dứt trống.
49. Thành tâm tụng Ngũ Nguyện: (đèn chớp 1) nhạc gài lớp trống xuân, Giáo Nhi và đồng nhi nữ ở Nghinh Phong Đài tụng Ngũ Nguyện, hết (đèn chớp 1) nhạc dứt.
50. Cúc cung bái: (đèn cháy) nhạc đánh lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 12 gật (đèn tắt), dứt trống.
51. Hiệp Thiên Đài Chức sắc nhập Nội nghi: nhạc đánh thét, khi Chức sắc HTĐ vô tới Nội nghi, dứt thét, nhạc nghe tiếng chuông mà đánh lập ban, trở thét, dứt.
52. Hộ Đàn Pháp Quân, Tả Hữu Phan Quân nhập Nội nghi: nhạc hành y như lúc Chức sắc HTĐ nhập Nội nghi. Sau khi lạy xong, nhạc vẫn trổi thét cho đến khi Chức sắc HTĐ trở về tới vị trí cũ, nhạc dứt. Đến đây, nhạc xem chừng có Chức sắc Đại Thiên phong lên Giảng Đài thuyết đạo hay không.
Khi xong, nhạc đánh thét rồi dứt, để nghe tiếng kiểng, đứng dậy, xá 3 xá, day ra xá chữ Khí 1 xá, phân lưỡng ban, kệ chuông bãi đàn, nghe 3 tiếng chuông bãi đàn, xá đàn 1 xá, nhạc đánh thét, qua tán điệu rồi tiền bần hậu phú, dứt tịch. Hết.
II. Nghi tiết Tiểu Đàn:
Đúng 12 giờ khuya, Lôi Âm Cổ khởi, dứt trống thì tiếp Bạch Ngọc Chung minh. Dộng chuông dứt một hồi thì vị Hộ Đàn PQ lãnh cờ lịnh rồi trở ra đứng trước Tòa Thánh làm hiệu lịnh cho Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu đi vào Tòa Thánh.
Các Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu nam nữ nhập đàn, đứng lưỡng ban đúng theo phẩm vị mình, Hộ Đàn PQ và chư vị Kiểm Đàn sắp đặt cho toàn thể đứng ngay hàng, xong vị Hộ Đàn PQ cầm cờ lịnh đưa lên cao làm hiệu cho vị Ngọc Giáo Sư nơi Giảng Đài khởi xướng lễ. Ban nhạc ngồi vào ghế bán nguyệt, Giáo Nhi đồng nhi đứng tại lầu HTĐ.
1. Nội nghi tựu vị: một Chánh Phối Sư nam và Nữ Ch. Phối Sư xá đàn rồi bước vô Cung Đạo đứng trước Nội nghi.
2. Thiên phong dĩ hạ các tư kỳ vị: kiểng đánh, toàn thể đồng xá đàn rồi bước vô đứng, hướng lên BQĐ.
3. Nhạc tấu Quân Thiên: nhạc đánh TiếpGiá, đờn 3bài.
4. Nghệ hương án tiền: nhạc xây tá đờn bài Hạ, 4 Lễ sĩ cầm đăng và đài đi suông lên Nội nghi.
5. Giai quì: người hầu chuông khắc 3 tiếng, nhạc đổ trống, tất cả đều xá 3 xá rồi quì xuống hay ngồi xuống.
6. Phần hương: vị Chức sắc chứng đàn đốt hương, tất cả lấy dấu thỉnh Thánh theo tiếng chuông đánh đủ năm câu niệm, dứt đờn.
7. Thành kỉnh tụng Niệm hương chú: nhạc gài trống đờn Nam ai, đồng nhi tụng kinh Niệm hương, hết, dứt đờn.
8. Thượng hương: nhạc đánh trống thét để cho Lễ sĩ đứng lên trở xuống tới chỗ, nhạc dứt.
9. Cúc cung bái: nhạc đánh trống lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 12 gật.
10. Thành kỉnh tụng Khai Kinh chú: nhạc gài trống đờn Nam ai, đồng nhi tụng kinh, dứt kinh, trống để nhẹ một hồi dót.
11. Thành kỉnh tụng Ngọc Hoàng kinh: nhạc gài trống vô đờn Nam xuân, đồng nhi tụng kinh giọng xuân.
12. Cúc cung bái: nhạc đánh trống lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 12 gật.
13. Thành kỉnh tụng Phật giáo Tâm kinh: nhạc gài trống vô đờn Nam xuân, đồng nhi tụng kinh giọng xuân.
14. Cúc cung bái: nhạc đánh trống lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 9 gật.
15. Thành kỉnh tụng Tiên giáo Tâm kinh: (như trên)
16. Cúc cung bái: (như trên)
17. Thành kỉnh tụng Thánh giáo Tâm kinh: (như trên)
18. Cúc cung bái: (như trên)
19. Cung hiến Tiên hoa: nhạc xây tá đờn bài Hạ, Lễ sĩ cầm đăng đài có Hoa Quả, đi suông vào Nội nghi.
20. Quì: nhạc đổ trống cho Lễ quì, vị Chánh Phối Sư nam thỉnh hoa đi lên bàn, xây ra ngoài trình để toàn thể cầu nguyện dâng hoa, rồi trở về chỗ quì.
21. Điện Tiên hoa: nhạc gài trống vô đờn Đảo, đồng nhi thài giọng Đảo, hết bài.
22. Thượng Tiên hoa: nhạc đổ trống cho Lễ đứng lên, nhạc trở thúc bụa, Lễ đi trở về chỗ.
23. Cúc cung bái: nhạc đánh trống lập ban, toàn thể lạy 1 lạy 4 gật.
24. Cung hiến Tiên tửu: (hành lễ y như từng Hoa)
25. Quì: (như trên)
26. Điện Tiên tửu: (như trên)
27. Thượng Tiên tửu: (như trên)
28. Cúc cung bái: (như trên)
29. Cung hiến Tiên trà: (như trên).
30. Quì: (như trên)
31. Điện Tiên trà: (như trên)
32. Thượng Tiên trà: (như trên)
33. Cúc cung bái: (như trên)
34. Sớ văn thượng tấu: nhạc xây tá đờn bài Hạ, cặp đăng đi lên Nội nghi.
35. Quì: nhạc đổ trống cho Lễ sĩ quì xuống, vị Chức sắc đứng sớ cầu nguyện, xong, nhạc dứt.
36. Thành độc Sớ văn: nhạc đổ trống thét ngắn, dứt, vị Chức sắc có phận sự đọc sớ khởi đọc.
37. Cung phần Sớ văn: nhạc đánh lớp chày, đốt sớ, qua thét, Lễ đứng lên sang tam bộ, thối quay về chỗ.
38. Cúc cung bái: nhạc đánh trống lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 12 gật.
39. Thành tâm tụng Ngũ Nguyện: nhạc gài trống vô đờn xuân, đồng nhi tụng Ngũ Nguyện.
40. Cúc cung bái: nhạc đánh trống lập ban, toàn thể lạy 3 lạy 12 gật.
41. Hiệp Thiên Đài Chức sắc nhập Nội nghi: nhạc đánh trống thét, xem chừng Chức sắc HTĐ vô tới Nội nghi, xá, quì, lạy, nhạc đánh trống lập ban.
|