CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN

 

Danh mục vần B

 

BA

·         Ba chi -Ba nhánh - Ba phái

·         Ba giềng - Ba mối

·         Ba mươi sáu cõi Thiên Tào

·         Ba sanh (Ba sinh)

·         Ba Trấn

·         Ba vạn sáu ngàn ngày

·         Ba vòng Vô vi

 

·         Bà Ðen: Linh Sơn Thánh Mẫu

 

·        

·         Bá Huê Viên

·         Bá nạp quang

·         Bá Nha - Tử Kỳ

·         Bá tánh

·         Bá thiên vạn ức Phật

·         Bá tòng

·         Bá trạo

·         Bá tước công khanh

 

BẢ

·         Bả bươn

·         Bả vinh hoa

 

BÁC

·         Bác ái

·         Bác luật - Phá cổ

 

BẠC

·         Bạc đãi

 

BÁCH

·         Bách

·         Bách niên giai lão

·         Bách tuế vi kỳ

·         Bách văn bất như nhất kiến

·         Bách xuyên quy hải

 

BẠCH

·         Bạch

·         Bạch câu quá khích

·         Bạch Khỉ (Bạch Khởi)

·         Bạch Ngọc Chung đài

·         Bạch Ngọc Chung minh

·         Bạch Ngọc Công Ðồng

·         Bạch Ngọc Kinh

·         Bạch phát

·         Bạch tuyết thần quang đái

·         Bạch vân thương cẩu

·         Bạch Vân Ðộng

 

BÀI

·         Bài bác

·         Bài vị

 

BAN

·         Ban

·         Ban Kiến trúc

·         Ban môn lộng phủ

·         Ban Phép lành

·         Ban sắc

·         Ban sơ

·         Ban Thế Ðạo

·         Ban Tứ Vụ

·         Ban Ủy Viên Hội Nhơn Sanh

·         Ban Ủy Viên Phước Thiện

 

BÀN

·         Bàn

·         Bàn Cai Quản Phước Thiện

·         Bàn Cổ

·         Bàn cờ huyền bí

·         Bàn đào

·         Bàn Trị Sự

 

BÁN

·         Bán

·         Bán đồ nhi phế

·         Bán hữu hình

·         Bán tự vi sư

 

BÀNG

·         Bàng Cử

·         Bàng môn Tả đạo

 

BÁNH

·         Bánh Dầy - Bánh Chưng

·         Bánh vẽ

 

BAO

·         Bao

·         Bao hàm

·         Bao nả

·         Bao tóc

 

BÁO

·         Báo

·         Báo Ân Ðường

·         Báo Ân Từ

·         Báo Quốc Từ

·         Báo ứng nhãn tiền

 

BẢO

·         Bảo

·         Bảo Ðạo

·         Bảo Ðạo Ca Minh Chương (1850-1928)

·         Bảo hộ

·         Bảo kê

·         Bảo lãnh

·         Bảo mạng

·         Bảo Pháp

·         Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu (1892-1961)

·         Bảo Quân

·         Bảo Sanh

·         Bảo Sanh Quân

·         Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch (1896-1978)

·         Bảo Thế

·         Bảo Thế Lê Thiện Phước (1895-1975)

·         Bảo Thể - Thánh Vệ

·         Bảo thủ chơn truyền

·         Bảo Văn Pháp Quân

·         Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu (1884-1958)

 

BÁT

·         Bát

·         Bát âm

·         Bát bộ

·         Bát bửu - Dàn Bát bửu

·         Bát cảnh cung

·         Bát Ðạo Nghị Ðịnh

·         Bát hồn

·         Bát nhã

·         Bát nhã ba la mật

·         Bát nhã thuyền

·         Bát Nương

·         Bát quái

·         Bát Quái Ðài

·         Bát Quái Mạo

·         Bát Tiên

·         Bát vu

 

BẠT

·         Bạt tiến

 

BẢY

·         Bảy dây oan nghiệt

·         Bảy Lão

·         Bảy bài

 

BẮC

·         Bắc

·         Bắc Ðẩu

·         Bắc Khuyết

 

BẦN

·         Bần

·         Bần cùng sanh đạo tặc

·         Bần dùng

·         Bần đạo

·         Bần tăng

·         Bần tiện mạc vong

 

BẤT

·         Bất

·         Bất cập

·         Bất câu

·         Bất di bất dịch

·         Bất đắc kỳ tử

·         Bất hoặc

·         Bất hủ

·         Bất khả tri, bất khả nghị

·         Bất khả tư nghị

·         Bất mục

·         Bất sanh bất diệt

·         Bất tận

·         Bất tức

 

BẦU

·         Bầu

·         Bầu nhựt nguyệt

·         Bầu Tiên

 

BẪY

·         Bẫy vô thường

 

BẺ

·         Bẻ bai biếm nhẻ

 

BÈO

·         Bèo bọt

 

BẾ

·         Bế

·         Bế Ðạo - Khai Ðạo

·         Bế địch trợ hoang

 

BỂ

·         Bể (Xem: Biển)

 

BẾN

·         Bến khổ sông mê

 

BI

·         Bi - Trí - Dũng

·         Bi thương

 

·        

·         Bí pháp - Thể pháp

·         Bí tích

·         Bí truyền

 

BỈ

·         Bỉ ngạn

 

·         Bĩ thái

 

BIẾM

·         Biếm bác

 

BIẾN

·         Biến

·         Biến kinh

·         Biến sanh

·         Biến thể

 

BIỂN

·         Biển dâu - Biển nọ hóa cồn dâu

·         Biển giác

·         Biển hoạn

·         Biển khổ - Biển trần - Biển trần khổ

·         Biển mê

 

BIỆN

·         Biện nhi

 

BIỆT

·         Biệt điện

 

BÌNH

·         Bình

·         Bình địa

·         Bình sanh

·         Bình tâm

·         Bình thân

 

BÓNG

·         Bóng

·         Bóng dương - Bóng nhựt

·         Bóng hồng

·         Bóng khuất xương tan

·         Bóng ngọc

·         Bóng quang âm

·         Bóng tùng

 

BỒ

·         Bồ đoàn

·         Bồ đề

·         Bồ Ðề Ðạt Ma

·         Bồ liễu

·         Bồ Tát

·         Bồ Tát Ma Ha Tát

 

BỐ

·         Bố

·         Bố cáo

·         Bố hóa

·         Bố thí

·         Bố trí

·         Bố tử

 

BỔ

·         Bổ báo

 

BỘ

·         Bộ

·         Bộ công

·         Bộ hạ

·         Bộ Nhạc

·         Bộ Pháp Chánh (Tòa Ðạo)

·         Bộ từ khí

 

BÔN

·         Bôn xu

 

BỔN (BẢN)

·         Bổn

·         Bổn đạo

·         Bổn hội

·         Bổn lai diện mục

·         Bổn nguyên

·         Bổn quốc

 

BỒNG

·         Bồng Dinh - Bồng Ðảo - Bồng Lai

 

BỜ

·         Bờ

·         Bờ dương

·         Bờ giác

 

BỢN

·         Bợn sầu

 

BÚT

·         Bút

·         Bút cơ

·         Bút hoa

·         Bút thần

 

BƯỜNG

·         Bường

 

BỬU (BẢO)

·         Bửu

·         Bửu điện

·         Bửu pháp

·         Bửu tháp

·         Bửu tòa

·         Bửu tương

 

 

 

 

BA

Ba chi -Ba nhánh - Ba phái

A: Three branches - Three sects.

P: Trois branches - Trois sectes.

Chi: Nhánh. Ba chi là ba nhánh.

■ Các Chức sắc CTÐ được phân ra làm ba chi hay ba phái:

·         Phái Ngọc , cũng gọi là phái Nho hay phái Thánh: mặc đạo phục màu đỏ, mão đỏ, có Thánh danh khởi đầu bằng chữ Ngọc.

·         Phái Thượng, cũng gọi là phái Lão hay phái Tiên: mặc đạo phục màu xanh, mão xanh, có Thánh danh khởi đầu bằng chữ Thượng.

·         Phái Thái, cũng gọi là phái Thích hay phái Phật: mặc đạo phục màu vàng, mão vàng, có Thánh danh khởi đầu bằng chữ Thái.

Các Chức sắc đồng phẩm nhưng khác phái đều đồng quyền nhau, không ai lớn hay nhỏ hơn ai.

PCT: Ba chi tuy khác chớ quyền lực như nhau.

Hàng phẩm Chức việc Bàn Trị Sự cầu phong lên hàng Lễ Sanh, được Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ chấm phái. Khi đã được chấm phái rồi thì phải giữ sắc phái đó suốt đời, dù được thăng lên nhiều cấp hay thay đổi đời Giáo Tông khác.

Ba nhánh là chỉ Tam Giáo.

Tam giáo gồm: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.

KK: Một cội sanh ba nhánh in nhau.

■ Bên HTÐ, Thập nhị Thời Quân được chia làm ba chi:

·         Chi Pháp: do Ðức Hộ Pháp chưởng quản, dưới quyền có 4 vị Thời Quân: Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, Tiếp Pháp.

·         Chi Ðạo: do Ðức Thượng Phẩm chưởng quản,dưới quyền có 4 vị Thời Quân: Bảo Ðạo, Hiến Ðạo, Khai Ðạo, Tiếp Ðạo.

·         Chi Thế: do Ðức Thượng Sanh chưởng quản, dưới quyền có 4 vị Thời Quân: Bảo Thế, Hiến Thế, Khai Thế, Tiếp Thế.

CTÐ: Cửu Trùng Ðài.

PCT: Pháp Chánh Truyền.

KK: Khai Kinh.

 

Ba giềng - Ba mối

A: Three net ropes. - Three duties.

P: Trois liens sociaux. - Trois devoirs.

Giềng: Cái dây lớn của tấm lưới. Mối: Ðầu sợi dây.

Ba giềng hay Ba mối là dịch nghĩa chữ Tam cương hay Tam cang. Cương hay Cang là giềng mối.

Tam cang gồm: Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang, nghĩa là: Giềng mối vua tôi, Giềng mối cha con, Giềng mối vợ chồng.

Tam cang còn được giải thích là: Trung, Hiếu, Kính, nghĩa là: Trung với vua, Hiếu với cha mẹ, Kính bậc thầy và người trên trước. (Xem chi tiết nơi chữ Tam cang)

KSH: - Trai trung hiếu sửa trau ba mối.

- Ba giềng nắm chặt, năm hằng chớ lơi.

KSH: Kinh Sám Hối.

 

Ba mươi sáu cõi Thiên Tào

A: Thirty-six Heavens.

P: Trente-six Cieux.

Thiên: Trời. Tào: Cơ quan có nhiệm vụ chuyên môn trong triều đình của Thượng Ðế. Mỗi Thiên Tào là một từng Trời.

Ba mươi sáu cõi Thiên Tào là 36 từng Trời, chữ Hán gọi là Tam thập lục Thiên. (Xem chi tiết: Tam thập lục Thiên)

KKÐCR:

Ba mươi sáu cõi Thiên Tào.

Nhập trong Bát Quái mới vào Ngọc Hư.

KKÐCR: Kinh Khi Ðã Chết Rồi.

 

Ba sanh (Ba sinh)

A: The three lives.

P: Les trois existences.

Sanh hay sinh là sống.

Ba sanh hay Ba sinh là ba kiếp sống.

Nợ ba sinh: Món nợ tình ái giữa hai người Nam Nữ trong ba kiếp luân hồi phải gặp nhau.

Ðiều nầy phù hợp với luật Nhân Quả. Trong chuyện tình yêu, một câu thề nguyền hẹn hò giữa hai người Nam và Nữ, không phải nói rằng chơi mà có Thần Thánh chứng biết, nếu cuộc tình dang dở không kết thành chồng vợ được trong kiếp nầy thì nội trong ba kiếp tới, hai người cũng phải tái kiếp để gặp nhau mà kết thành chồng vợ.

Trong văn học, Ba sinh là để chỉ mối duyên vợ chồng ràng buộc hai người từ kiếp trước.

Ðiển tích: Theo Cam Trạch Dao, Lý Nguyên đời Ðường kết bạn thân với ông sư Viên Trạch chùa Huệ Lâm. Một hôm hai người cùng đi chơi núi Tam Giáp, gặp một người đàn bà đi gánh nước. Sư Viên Trạch nói:

- Bà đó là nơi thác thân của tôi. Mười hai năm sau, bạn sẽ gặp lại tôi tại mé ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu.

Ðêm hôm đó, Viên Trạch chết. Mười hai năm sau, Lý Nguyên nhớ lời hẹn ước, liền tìm đến Chùa Thiên Trúc, gặp một đứa trẻ chăn trâu. Ðứa trẻ ấy cất tiếng hát:

Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,

Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luận,

Tàm quí tình nhân viễn tương phỏng,

Thử thân tuy dị tánh trường tồn.

Nghĩa là:

Tinh hồn cũ gởi trên đá ba sinh,

Thưởng trăng ngâm gió không bàn định,

Thẹn với bạn tình xa đến thăm,

Thân tuy khác, tánh vẫn trường tồn.

Nghe lời đứa trẻ hát, Lý Nguyên hiểu ngay đứa trẻ ấy chính là Viên Trạch tái kiếp.

KHP: Ðốt cho nồng từ bữa ba sanh.

KHP: Kinh Hôn Phối.

 

Ba Trấn

A: Three Governors of the Celestial Empire.

P: Trois Gouverneurs de l'Empire Céleste.

Ba Trấn là diễn nôm và nói tắt của: Tam Trấn Oai Nghiêm, trong Ðạo Cao Ðài.

Tam Trấn Oai Nghiêm là ba Ðấng thay mặt ba vị Giáo Chủ Tam Giáo để cầm quyền Tam Giáo trong ÐÐTKPÐ. (Xem chi tiết nơi chữ: Tam Trấn Oai Nghiêm, vần T).

TNHT: Thầy chẳng để thử thất, Ba Trấn trách Thầy vì yêu mến quá lẽ mà làm mất hết công bình, nhứt là Lý Thái Bạch kêu nài hơn hết.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

 

Ba vạn sáu ngàn ngày

A: Thirty six thousand days.

P: Trente six mille jours.

Một năm Âm lịch, nói một cách đại khái cho tròn số, gồm có 360 ngày. Như vậy 100 năm có 36.000 ngày, tức là ba vạn sáu ngàn ngày.

Thiên Khúc Lễ trong Kinh Lễ có câu: Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ. Nghĩa là: Con người sống lâu lấy trăm năm làm kỳ hạn.

Trong sách Trang Tử cũng có viết: Bách niên cảnh nhi ngã do vi nhân. Nghĩa là: Cõi trăm năm mà ta làm người.

Ba vạn sáu ngàn ngày hay 100 năm là chỉ thời gian kỳ hạn

của một kiếp sống con người nơi cõi trần. (nói tổng quát)

KKTD: Ðếm ba vạn sáu ngàn ngày khó khăn.

KKTD: Kinh Khi Thức Dậy.

 

Ba vòng Vô vi

A: Three mysterious circles.

P: Trois cercles mystérieux.

■ Ba vòng vô vi là ba vòng tròn có ba màu vàng, xanh, đỏ, liên kết với nhau theo hình dọc tạo thành một xâu (Hình 1) hay liên kết theo hình tam giác (Hình 2). Ba màu: vàng, xanh, đỏ, tượng trưng Tam giáo: Thích giáo, Lão giáo và Nho giáo.

Chúng ta thường thấy ba vòng vô vi đặt trên các cửa Tam quan hay nơi trung tâm của các cửa sổ ở các Thánh Thất địa phương.

Nơi Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Ðộng, Ðức Phạm Hộ Pháp trấn pháp với hai món bí pháp: Long Tu phiến và cây Kim tiên, hiệp với ba vòng vô vi tức là Diệu Quang Tam Giáo hay là hình trạng của CKVT, mà đó cũng là tượng ảnh Huệ Quang Khiếu của chúng ta đó vậy.

  

Hình 1

Hình 2

Hình 3

Ba màu của ba vòng vô vi tượng trưng: Màu đỏ tượng trưng phái Ngọc (Thánh), màu xanh tượng trưng phái Thượng (Tiên), màu vàng tượng trưng phái Thái (Phật). Phái Ngọc chỉ liên quan với phái Thượng, còn phái Thượng thì liên quan cả hai phái Thái và Ngọc, để tượng trưng cho: Pháp thân, Pháp giới và Pháp Thiên, là hiệp Tinh, Khí, Thần, ấy là Ðạo.

Ba vòng vô vi treo theo thế nằm ngang, trên lầu của Trí

Huệ Cung, trên một cái cán, giống như treo cờ, ba vòng quay tự do qua lại theo chiều gió thổi.

"Trí Huệ Cung là con đường thứ ba của Ðại Ðạo, mà hễ luận đến danh Ðạo lại là vô vi chi pháp, nên tượng trưng cửa hữu hình ba vòng vô vi vàng xanh đỏ, thấy trống không mà là bí pháp, nên phải lập hữu hình trấn tại Trí Huệ Cung.

Treo nằm ngang là ám chỉ bình đẳng, Phật, Thánh, Tiên, kết liền, liên quan cùng nhau thành qui Tam Giáo, không còn chia rẽ nữa, mà bạch y bạch giáp vi chủ thống nhứt là bí mật cao siêu mầu nhiệm.

Thành ra màu trắng làm chủ các màu khác, nên muốn tu chơn là cửa Phật vô vi, không có sắc tướng là thanh bạch, lấy chủ định Thiên lương mới qui nhứt bổn, là căn bản đắc đạo, là nhờ tu Chánh pháp.

Trời là Lý, thì Lý ấy rất thông minh sáng suốt bao quát cả CKTG. Tầm cho được Lý Hư Vô mới đạt pháp, mới thông cặp nhãn nhục vào tâm cho thành ngôi Thái Cực, tức Thiên nhãn, mới xem thấy ba vòng vô vi chi pháp.

Ấy là Bí pháp trấn tại Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Ðộng.

Toàn thể chúng ta, ai cũng đều ngó thấy không có gì hết, trống trơn, mà trong đó huyền pháp siêu hình vô biên vô giới. Tu mà giải thoát đặng cùng chăng là do bao nhiêu đó mà thôi.

Nếu người tu chơn mà không rõ thấu trấn pháp ba vòng vô vi để làm gì, thì làm sao giải thoát cho đặng Lục dục Thất tình, làm sao đạt Lục thông, là tu giả." (TÐ ÐPHP)

■ Trên áo Ðạo phục của ba vị Nam Ðầu Sư và của vị Nữ Ðầu Sư Cửu Trùng Ðài, trước ngực và sau lưng đều có một miếng vải hình tròn gọi là bố tử, trên đó có thêu sáu chữ nho 大道三期普度 (Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ) theo vòng tròn, bao quanh ba vòng vô vi.

Ba vòng vô vi nầy là ba vòng tròn đồng tâm. (Hình 3)

Trên mão Ngưỡng Thiên của các vị Giáo Hữu ba phái, Thiên nhãn thêu trước mão đều có bao quanh ba vòng vô vi.

CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.

CKTG: Cực Lạc Thế giới.

TÐ ÐPHP: Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.

 

Bà Ðen: Linh Sơn Thánh Mẫu

Nơi tỉnh Tây Ninh có một ngọn núi cao nhất miền Nam VN, được gọi là núi Ðiện Bà, tục gọi là núi Bà Ðen, vì trên núi có lập một cái Ðiện để thờ Bà Ðen. Bà Ðen rất linh hiển nên được vua Gia Long truyền cho đúc cốt Bà bằng đồng đen và sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Vào khoảng cuối năm 1953, Ông Bùi Trung Phẩm có làm tờ dâng lên Ðức Phạm Hộ Pháp xin rước cốt Bà Ðen về thờ nơi Báo Ân Từ TTTN, Ðức Phạm Hộ Pháp phê như sau:

"Tư cho Quyền Ngọc Chánh Phối Sư cùng hai vị Quyền Thượng Chánh Phối Sư, Thái Chánh Phối Sư, sắp đặt trước đặng rước cốt Bà Linh Sơn Thánh Mẫu về để thờ tạm nơi Báo Ân Từ cho tới khi thái bình trở lại, trùng tu am tự nơi Ðiện Bà rồi sẽ đem về Ðiện trả lại.

Nghĩ đến tình cũ trong hồi lao khổ tù đày nơi ngục, mà Bà đến thăm viếng, an ủi, bênh vực và phò hộ, Bần đạo phải lo trả nghĩa nầy.

Công chuyện làm cũng lễ nghi phải cho long trọng, phải tuyên truyền cho toàn tỉnh, nhứt là Châu Thành Tây Ninh hay đặng định ngày họ đến dự lễ."

Trong thời gian Ðức Phạm Hộ Pháp cùng 5 vị Chức sắc (*1) bị nhà cầm quyền Pháp lưu đày nơi đảo Madagascar ở Phi Châu, Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thường đến giáng bút chuyện trò cùng an ủi Ðức Phạm Hộ Pháp. Bà không xưng tước hiệu của Bà, chỉ nói rằng: Thầy thiếp là Vương Thất Nương sai thiếp đến đây để viếng thăm Ðức Hộ Pháp. (Vương Thất Nương là Thất Nương DTC, thế danh Vương thị Lễ).

Khi Bà thăng rồi thì Ðức Phạm Hộ Pháp thấy hột ngọc của chiếc nhẫn đeo nơi ngón tay phát ra mấy tia hào quang thì Ðức Ngài biết đó là Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, vì hột ngọc nầy do ông Lễ Sanh Giáo Thiện Võ văn Ðợi kiếm được ở trên núi Ðiện Bà khi ông lên thỉnh cốt Bà về thờ nơi Báo Ân Từ.

Lúc còn bị đày trong ngục Nossilava ở đảo Madagascar, Ðức Hộ Pháp tay cầm một cái que, tay kia khỏa cát thì liền tiếp điển của Bà Linh Sơn, viết trên cát bài thi sau đây:

Nô - Si - Lao tiếng đặt buồn cười,

Mi đã rước ai hỡi hỡi ngươi?

Lượn thảm bổ gành tình ột ạt,

Gió sầu khua đảnh ái tơi bời.

Yêu phu điểu gợi thương cành sớm,

Vọng ngạn quyên kêu nhớ bụi mơi.

Tổ quốc đon đường bao dặm thẳng,

Ðưa xa thăm thẳm một phương trời.

Hòn đảo nầy đây trước nhốt tù,

Ngày nay làm khám khảo thầy tu.

Quả như oan nghiệt vay rồi trả,

Thì lũ Tây man Nhựt Bổn trừ.

SỰ TÍCH BÀ ÐEN:

Có hai truyền thuyết về sự tích Bà Ðen:

  • Bà Ðen là nàng Ðênh, người Cao Miên.
  • Bà Ðen là Lý Thị Thiên Hương, người Việt Nam.
1.- Bà Ðen là Nàng Ðênh:

" Tương truyền rằng, khi xưa, thuở còn là phần đất của Cao Miên, tại vùng rừng núi Tây Ninh có một viên quan trấn thủ người Miên sinh hạ được hai con: một trai tuấn tú và một gái hiền thục, tục gọi là nàng Ðênh.

Lúc nàng Ðênh 13 tuổi, có ông sư người Tàu tên là Trung Văn Danh từ Bến Cát (Thủ Dầu Một) đến vùng núi Tây Ninh tìm chùa làm nơi hoằng dương Phật pháp. Khi đến nhà quan trấn, sư ông thăm hỏi việc truyền bá đạo Phật trong vùng và dò la kiếm nơi cất chùa hành đạo. Quan trấn thủ mời nhà sư tạm nghỉ nơi nhà mình để ông thừa dịp học đạo.

Sư ông vui vẻ nhận lời và từ đó bắt đầu truyền bá Phật pháp trong gia đình quan trấn và cơ vệ đội.

Tuy tuổi trẻ nhưng sớm nhuộm màu thiền, nàng Ðênh miệt mài nghe sư ông giảng đạo. Quan trấn cũng mộ đạo nên thiết lập cho sư ông một cảnh chùa, nay còn di tích là chùa Ông Tàu, nằm về phía Ðông chân núi, phía làng Phước Hội đi lên.

Thời gian thấm thoát trôi qua, nghĩ lại đã mấy năm xa cách thiện nam tín nữ Bến Cát, sư ông bèn tạm biệt quan trấn để trở về thăm cảnh cũ người xưa.

Từ ngày sư ông vắng mặt, nàng Ðênh vẫn một lòng sùng kính Phật đạo, luôn luôn lo việc hương khói trong chùa.

Vốn con nhà trâm anh, lại tuổi tới tuần cập kê, nên nhan sắc nàng Ðênh càng thêm xinh lịch, tiếng đồn khắp nơi. Quan trấn địa phương vùng Trảng Bàng có dinh đặt tại Sông Ðua thuộc làng Lộc Hưng (nay còn di tích), mới cậy mai mối hỏi cưới nàng Ðênh cho con trai trưởng của ông. Thân sinh nàng Ðênh vui vẻ tán thành. Nhưng khi nói lại cho nàng Ðênh biết thì nàng rất bối rối, chưa biết trả lời ra sao, nàng xin cha mẹ đình đãi để kịp suy nghĩ. Qua nhiều đêm trằn trọc, vì nàng Ðênh đã phát nguyện xuất gia tu hành, không thể lấy chồng, nàng quyết tâm lánh mặt. Một đêm, khi cha mẹ ngủ yên, nàng Ðênh lén ra đi tìm nơi thuận tiện để tiếp tục tu hành. Mọi việc vỡ lở ra, quan trấn cho lính đi tìm nàng Ðênh khắp nơi, kẻ băng rừng, người lên núi, mãi đến trưa, quân lính tìm thấy trong kẹt đá một khúc chân của nàng Ðênh, có lẽ nàng bị thú dữ bắt ăn thịt còn sót lại một khúc chân, vội báo về cho quan trấn rõ.

Sau khi khóc than thương tiếc, quan trấn cho mai táng khúc chân nàng Ðênh trên núi và rước thầy tụng kinh giải oan cho nàng. Dân địa phương cho rằng, nàng Ðênh chết oan như thế ắt rất linh hiển, nên từ đó, khi gặp việc gì khó khăn thì khấn vái nàng Ðênh phò hộ thì thường được toại ý.

Việc nàng Ðênh hiển linh đồn xa, nhân dân rất sùng kính nên gọi nàng là Bà Ðênh để tỏ ý tôn kính.

Thời gian trôi qua... Bao nhiêu năm sau, lúc ấy Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi theo rất gấp, từ Gia Ðịnh, Nguyễn Ánh theo đường sứ đi Tây Ninh định trốn qua Miên.

Lúc Nguyễn Ánh chạy đến Trảng Mang Chà vùng bùng binh hiện nay thì quân Tây Sơn cũng đuổi theo gần tới, nhân dân cho biết trên núi có Bà rất linh, ai cầu gì được nấy. Nguyễn Ánh liền sai quan Quản Cơ Lê văn Duyệt phi ngựa lên núi cầu Bà mách giùm cách thoát nạn và cho biết tương lai.

Trong đêm, Nguyễn Ánh được Bà hiện ra trong giấc chiêm bao cho biết cứ theo đường sứ đến Tây Ninh, vòng qua núi, lên Võ môn Tam cấp, rồi qua Xiêm cầu viện, nghiệp cả sẽ nên, còn việc ngăn đón quân Tây Sơn để Bà lo liệu giúp cho.

Sau khi Nguyễn Ánh dẹp được nhà Tây Sơn, lên ngôi vua xưng là Gia Long, Ngài nhớ ơn cũ, cho đúc tượng Bà bằng đồng đen để thờ và sắc phong cho Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu." (Viết theo sách Nếp Cũ Hội Hè Ðình Ðám của Toan Ánh)

Dân chúng truyền nhau sự tích của Bà Ðênh, và vì kiêng úy nên gọi trại ra là Bà Ðen.

2.- Bà Ðen là Lý Thị Thiên Hương:

Tại Trảng Bàng, có cô gái tên Lý thị Thiên Hương, con của ông Lý Thiên và Bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp. Tuy Thiên Hương không đẹp nhưng rất có duyên và có tài năng khiến nhiều người để ý. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng từ nhỏ, nên có được văn hay võ giỏi.

Lúc đó, con trai của Hà Ðảnh, quan Huyện Trảng Bàng, rất bạo ngược, dùng quyền thế, tiền bạc mua chuộc Thiên Hương đem về làm thiếp nhưng không được, nên sai một thuộc hạ thân tín tên Châu Thiện cầm đầu nhóm người Miên dùng võ lực quyết bắt nàng Thiên Hương đem về cho kỳ được.

Thiên Hương bị đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Nàng rất cảm động tạ ơn chàng, rồi về nhà thuật chuyện cho cha mẹ nàng rõ. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Ngày chia tay, nàng ngậm ngùi nói:

- Một lời đã hứa cùng nhau, thiếp nguyện thủ tiết chờ chàng trở về. Xin chàng an tâm lên đường nghĩa vụ.

Chàng ra đi, nàng ở nhà vò võ trông chờ ngày đoàn tụ.

Một hôm nàng lên núi lễ Phật và thăm sư Trí Tân, dưỡng phụ của Lê Sĩ Triệt. Lúc về đến chơn núi, thình lình bọn Châu Thiện thấy nàng đi một mình, liền vây bắt. Nàng chạy trở lên núi nhưng bị tuyệt đường, đành nhào xuống khe núi tử tiết. Ba hôm sau, Thiên Hương báo mộng cho sư Trí Tân, trụ trì ngôi chùa trên núi. Hoà Thượng thấy Thiên Hương hiện ra nói:

- Ðệ tử là Thiên Hương 18 tuổi, chẳng may bị bọn gia nô của quan Huyện Trảng Bàng vây bắt nên phải nhào xuống khe núi tử tiết. Nhờ căn tu kiếp trước nên linh hồn được siêu thoát, dù đã 3 ngày nhưng xác vẫn còn nguyên, xin sư phụ xuống triền núi đông nam đem thi hài của đệ tử hỏa táng giùm.

Hòa Thượng làm theo lời mách bảo, tìm gặp xác của Thiên Hương, làm lễ hỏa táng chu đáo. Bọn Châu Thiện đến xem hỏa táng bị nàng Thiên Hương báo oán, khiến cho hộc máu chết liền tại chỗ.

Sau một thời gian khá lâu, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy lạc đến Tây Ninh, nàng Thiên Hương đến báo mộng, mách bảo Nguyễn Ánh phải qua Xiêm tá binh, sau nầy sẽ khôi phục cơ đồ, thống nhứt giang sơn.

Sự linh hiển của nàng Thiên Hương được đồn vang, dân chúng các nơi lên núi Tây Ninh cầu cúng rất đông. Lúc bấy giờ Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt ở Gia Ðịnh đi lên núi Tây Ninh xem xét hư thực thế nào, đến nơi nói với người khuất mặt:

- Hồn trinh nữ Thiên Hương quả có hiển linh, hãy xuất hiện cho bổn chức xem thử.

Xảy thấy một cô gái chạy đến ứng tiếng:

- Tôi là Thiên Hương đây, xin chào Thượng quan.

Thì ra Lý Thị Thiên Hương nhập vào xác của một cô gái đến nói chuyện với quan Thượng Công. Cô nói tiếp:

- Tôi xin mách trước cho Thượng quan biết, Thượng quan sau nầy sẽ được phong Thần vinh hiển, nhưng xác của Thượng Công bị hành hạ, mả bị xiềng xích, tên tuổi bị đục khoét, sau mới được minh oan.

Ngài Thượng Công Lê văn Duyệt nói:

- Bổn chức không cầu xin biết tương lai của mình mà muốn biết rõ căn do của nàng.

Hồn Thiên Hương qua miệng cô gái thuật rõ mọi việc:

- Thượng Ðế chứng lòng đoan chính của thiếp, nên cho thiếp hết đọa luân hồi và được xuống trần cứu nhơn độ thế.

Ngài Thượng Công không còn nghi ngờ gì nữa, liền dâng sớ về triều tâu rõ mọi việc.

Vua Gia Long nhớ lại chuyện bôn tẩu năm xưa, khi đến Tây Ninh, có nàng Thiên Hương hiển linh báo mộng, nên ra sắc chỉ phong Lý Thị Thiên Hương là Linh Sơn Thánh Mẫu, chủ trì Linh Sơn Tiên Thạch Ðộng, cho cất điện và đúc tượng bằng đồng đen để thờ nơi núi Tây Ninh.

Kể từ đó, núi Tây Ninh được gọi là núi Linh Sơn, và để tránh gọi tên Thiên Hương, dân chúng gọi là Bà Ðen, vì tượng của Bà màu đen, và gọi núi ấy là núi Bà Ðen.

Lễ Vía Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức hằng năm tại Ðiện Bà vào dịp đầu Xuân, từ ngày mùng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch, có hằng trăm ngàn người đến cúng vái cầu xin sự phò hộ của Bà để việc kinh doanh và việc gia đình được may mắn tốt đẹp.

(*1) Theo Ðạo sử, ngày 4-6 Nhuần- Tân Tỵ (dl 27-7-1941), Ðức Phạm Hộ Pháp bị nhà cầm quyền Pháp bắt tại Tòa Thánh. Ngày 11-7-Tân Tỵ (dl 2-9-1941), nhà cầm quyền Pháp lại vào Tòa Thánh bắt thêm 3 Chức sắc nữa là: Ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Sĩ Tải Ðỗ Quang Hiển; đồng thời tại Sài Gòn chúng bắt Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, và bắt Giáo Sư Thái Phấn Thanh tại Nam Vang. Nhà cầm quyền Pháp đưa Ðức Hộ Pháp trở về Tòa Thánh ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946). Như vậy, Ðức Hộ Pháp bị đày ở Madagascar thời gian 5 năm 2 tháng.

TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

 

1.    BÁ: Còn đọc là Bách: một trăm.
Td: Bá Huê Viên, Bá nạp quang.

2.    BÁ: Cây bá, tức là cây trắc.
Td: Bá tòng, Bá trạo.

3.